Select Menu

hot

Bài đăng nổi bật

TỦ SÁCH PHẬT HỌC DÀNH CHO SMARTPHONE

Trong cuộc sống hiện đại, sách điện từ đang dần thay thế sách giấy. Các tác phẩm Phật học, trong đó có Kinh Phật, cũng không ngoài quy luật ...

Tìm kiếm Blog này

random posts

Ads 180

Ads 180
Bán xe Ford Taurus

Popular Posts

Phật

Tăng

Thần Thông

Thiên Giới

Chùa

Đọa Xứ

Video


Thầy Bổn sư của tôi là thủ khoa A-tỳ-đàm. Thầy tịch năm 1984 lúc đó tôi chỉ mới 15 tuổi. Thầy có một cái độc chiêu: thầy dạy học hay dịch kinh cả đời chỉ trên cái ghế bố. Thức ăn của thầy gồm có 4 món như sau: bánh tráng, dưa hấu, đu đủ, miến. Suốt đời chỉ ăn mấy cái đó thôi, thức ăn khác ăn không được. Điều đặc biệt là ngài tịch năm 71 tuổi, răng trắng như ngọc, đều như bắp, răng đẹp cực kỳ, lạ há. Bàn chải đánh răng thì ngài phải xài loại cứng nhất. Cái mà tôi muốn nói là cái này, thầy đang đọc bài mà ngủ quên giựt mình thức dậy ngài vẫn tiếp tục đọc tiếp. Ngài ngủ thiệt, ngủ buông bút, rớt sách. Đệ tử để yên chứ đâu dám kêu, lát sau cây bút rớt cái độp, giựt mình lượm lên để lên bàn, đọc tiếp. Nghĩa là nãy giờ không phải stop mà là pause.

Quí vị vô Google tìm “Hòa thượng Tịnh Sự”, trong đó sách của ngài là một tỷ. Ngài truyền Sadi giới cho tôi. Ngài là thủ khoa đầu tiên duy nhất ở Việt Nam (cho tới giờ). Cuộc đời ngài có cái huyền thoại đó là ngày xưa ngài tu bên Bắc Tông. Ngài là giáo thọ có đệ tử cả ngàn ở chùa Bửu Hưng, Sa Đéc. Đến năm 36 tuổi, có cái đêm đó ngài đọc tạng luật của Hán Tạng thấy trong đó hơi kỳ kỳ. Ngài nghĩ không có lý nào một vị Chánh Đẳng Chánh Giác mà trục trặc như thế này, chắc cái này là của đời sau quá. Tự nhiên ngài thấy nó kỳ kỳ. Ngài nghĩ rất đơn giản, mình đang ở Bắc, Nam truyền mình không rành, thôi thì mình thử lục bên Nam truyền rồi combine hai thứ lại.

Tôi biết có nhiều người bị bế tắc bên Bắc Tông nhưng không dám qua Nam vì sợ người ta nói tiểu thừa, nhục. Có thật! Họ bị ám ảnh cái đó, nghĩa là họ cứ bị nhồi “tiểu, tiểu, tiểu”. Giống như nhiều cán bộ muốn nghiên cứu thêm nhưng mà sợ cái này là lý luận của tụi tư bản vậy, trong khi mình là “đỉnh cao trí tuệ” tiêu biểu cho tinh hoa loài người mà sao tự nhiên mình đi đọc sách về văn hóa, nghệ thuật, hội họa kiến trúc … của tụi tư bản thì hèn quá. Như bên Hồi Giáo họ bị nhồi riết rồi họ nói trên đời này mà perfect thì chỉ có thánh Allah thôi. Cho nên có cái ông đó dệt tấm thảm quá đẹp, hoàn hảo từng đường kim mũi chỉ, bạn ông nói cả đời chưa từng gặp cái tấm thảm nào hoàn hảo hơn tấm thảm này. Ổng nghe như vậy ổng xanh mặt, bạn về, ổng thò cái kéo cắt một góc hư tấm thảm để nó không perfect nữa, bởi nếu nó perfect thì sẽ là một sự phạm thượng với đức Allah. Có những thứ đức tin lạ quá cỡ thợ mộc như vậy.

Ngài mới mò qua bên Miên, ở chỉ có mấy tháng rồi ngài qua Thái. Lúc đó ngài mới 36 tuổi và trong đầu chỉ có hai thứ tiếng thôi đó là tiếng Hán và tiếng Việt. Rồi ngài xin vô chùa Thái mà rất là khó khăn vì ngôn ngữ bất đồng. Lúc đó có cái chuyện ngài xin giấy thông hành từ Miên qua bên Thái, ông hải quan là người Pháp, lúc đó đang rối rắm về chính trị nên ổng từ chối. Ngài cứ xin hoài nên ổng bực, ổng lấy cái cây thước khẽ ổng gõ đầu ngài. Tây mà, nó coi dân mình là man di lắm. “An-na –mít” mà. Nó gõ vừa xong thì cái đầu nó nhức như bưng, nó ôm cái đầu nó lăn, lăn. Nói theo trong kinh là tổn đức vì giống như là nó đánh nhầm bậc đại nhân. Có cái ông thông sự là người Việt, ổng có biết chút đỉnh, ổng nói: Chết you rồi, you đập nhầm thầy chùa rồi. Đánh nhầm thầy rồi. Thằng Tây nó hỏi tao phải làm sao bây giờ, cái đầu nó nhức quá. Xin lỗi đi, rồi ký giấy cho ổng đi. Ký xong là cái đầu nó tỉnh bơ trở lại. Lạ lắm.

Ngài qua Thái ngài học tiếng Thái. Học với ai? Ai đi qua Thái thì biết, chung quanh chùa con nít Thái, con nít Miên, con nít Lào, con nít Miến, con nít Tích Lan chúng nó coi cái chùa giống như cái đình vậy đó, má nó đem đồ ăn vô chùa, mấy sư ăn xong thì đến phiên tụi nó nhào vô nó ăn. Thanh niên ngoài phố về học đại học mà không có chỗ ăn chỗ ở cũng cứ nhào vô chùa, quét chùa là có cơm ăn. Chung quanh chùa thì người ta bán bánh đúc bánh đa… Ngài học tiếng Thái với mấy thằng nhóc, mấy thằng vô chùa đá banh, bắn bi. Ngài lượm mấy cái thẻ nhang có tiếng Thái, mấy cái miếng giấy gói bánh in, hỏi cái này đọc làm sao. Lúc ngài nói bập bẹ được thì cái lớp A-tỳ-đàm người ta đã khai giảng được 7 tháng rồi, nghĩa là ngài vô trễ bảy tháng mà tiếng Thái của ngài ấm a ấm ớ. Chương trình người ta 7 năm, ngài vô trễ 7 tháng nên ngài chỉ học được 6 năm 5 tháng. Học xong thì ngài đậu thủ khoa, tại Thái, ông thầy của ngài người Myanmar. Vừa học đạo vừa học ngôn ngữ. Bên Mỹ như vậy nhiều lắm, nhiều người VN qua vừa học đạo vừa học tiếng Mỹ. Nhưng thời này mình trau dồi tiếng Anh có điều kiện hơn ngày xưa ngài trau dồi tiếng Thái. Ngài học xong thì theo cái lệ của Miến Điện và Thái Lan là you đắp y xuất gia hay you ghi danh học một cái trường phải có sponsor. Vì nếu không có sponsor lỡ you bệnh thì ai gánh. Bà sponsor này có một cô con gái. Bà thương ngài. Khi ngài đậu thủ khoa xong thì bà vô đặt vấn đề với ngài. Bên Thái Lan người ta thấy chuyện đó bình thường lắm. “Con gái tôi thương you, nếu mà you tu luôn thì tụi tôi sponsor còn nếu không tu thì làm rể. Ngài nói không, tôi qua đây tôi học rồi tôi về xứ mà. Xong rồi ngài bỏ đi và về Việt Nam, rồi bà cũng liên lạc một thời gian bằng thơ qua bưu điện, rồi xong.

Đại khái đó là những cái mà tôi được nghe về ngài. Sẵn mình học A-tỳ-đàm thì mình phải biết ông tổ A-tỳ-đàm của mình chứ.

Sư Giác Nguyên

Lớp A-tỳ-đàm, Dallas 2016

Nguồn: toaikhanh.com

-



(Hỏi - Đáp cùng sư Toại Khanh)

HỎI

Con có một thắc mắc : Bây giờ có nhiều người giỏi, nhiều người giàu rồi thì chư Phật cứu người nghèo, người thiếu, người dốt chứ cứu chi người giàu, người giỏi ạ ?

ĐÁP

Đó là lý luận một chiều. Cô phải có đất thì tôi mới giúp cô cất nhà được. Nếu cô không có đất thì cất ở đâu? Vật chất thì có thể nói như vậy được nhưng về tinh thần thì không. Về tinh thần mình phải có chủng tử thì mới giúp được.

Ví dụ 1 :

Cô vừa rủ 3 người đi shopping cần gì mua nấy mà cách đây 15 phút chính mắt tôi thấy cô mua cho 2 cô kia mỗi cô một đôi giày mà tại sao tôi cô không mua? Tại vì tôi cụt chân.

Sư : Vậy tôi hỏi cô tại sao cô mua cho 2 người không tật nguyền mà cô không mua cho người tật nguyền này ?

PT : Vì không có chân thì lấy gì mà mua.

Sư : Vừa rồi cô nói giúp cho người nghèo, người thiếu. Cho nên tùy mình phải biết họ thiếu cái gì và thiếu cỡ nào? Nếu cụt chân thì làm sao mình mua giày cho họ.

Ví dụ 2 :

Từ xưa tới giờ không ai mua keo xịt tóc cho tôi , tại sao vậy ? Vì tôi không có tóc .

Cho nên ai muốn giúp mình họ cũng phải coi mình có cái background gì thì họ mới giúp được.

Đạo giải thoát y chang như vậy. Muốn giúp cho họ giải thoát thì mình phải coi họ có căn hay không. Nếu họ không có căn thì giảng tới tết cái đầu của họ cũng cứ “đơ“ ra. Và nên nhớ thế này : Chư Phật không có vụ hà hơi tiếp sức độ cho người không muốn tu. Bằng chứng là nếu chư Phật có thể độ người không muốn tu thì hôm nay mình lên toà sen ngồi rồi. Có nhiều người nói Phật là vô biên, cầu thì Ngài sẽ giúp, họ tưởng nói như vậy là họ khen Phật. Nhưng thật ra đó là họ chửi Phật đó. Nếu nói Phật có thể độ mọi người thì tại sao thời Phật còn sống chó, heo, mèo, vịt nó đầy ra đó tại sao Phật không dùng phép biến nó thành tiên ? ! Nên nhớ lúc Phật còn, địa ngục vẫn tồn tại và có rất nhiều người ở dưới đó.

Đệ nhất thần thông bên tăng là ngài Mục Kiền Liên, dời non lấp biển giống như cái búng tay mà trớ trêu thay ngài cũng bị nạn bầm nát như tương hột. Đệ nhất bên ni là Liên Hoa Sắc cũng bị cưỡng hiếp. Cho nên tôi thù nhất cái vụ cầu an cầu siêu. Cái đó là do mình chế ra. Trong kinh tôi đố các vị tìm được bài kinh nào Phật và các vị thánh tăng đứng kế bên cái xác lạnh ngắt cầu nguyện cho cái xác đó đi lên cõi này cõi kia. Chuyện đó không bao giờ có. “Đã đi mất biền biệt sơn khê, cố nhân ơi bao giờ mới về“ Cho nên không có chuyện “ chú nguyện, thím nguyện“. Chuyện đó không bao giờ có.

Cầu an là người bị trọng bệnh, mình tới nói pháp cho họ nghe, an ủi cho họ đừng sợ, đừng buồn, để họ ổn định tâm lý. Còn tụng cho hết đau, hết bệnh mà nếu có chuyện đó thì Phật pháp khác nhiều lắm. Sanh, già, đau, chết, ... cứ đè ra mà tụng là xong hay sao?

Nguồn: toaikhanh.com

-

HỎI - ĐÁP cùng sư Toại Khanh

HỎI:

Sư có tin chuyện mình thờ Phật, đeo tượng Phật mà không sợ ma không?

ĐÁP:

Đức Phật còn bị ma phá nói gì mình. Dĩ nhiên Phật không sợ.

Tôi tin thờ Phật, ma vẫn phá, và tôi tin thờ Phật đúng cách thì không còn sợ ma nữa. Chuyện,ma có phá hay không, không quan trọng, quan trọng là ta có sợ hay không. Đây là kinh nghiệm bằng vàng đó là :

- Khi nào trước bàn thờ Phật mình không dám nghĩ bậy, làm bậy, nói bậy, mình có cảm giác rằng ngài đang ở trước mặt mình, thì mai này có sợ hãi gì, chỉ cần bước vào gian thờ, mình nhìn lên ngài thì mình vững bụng.Thờ Phật bằng kiến thức giáo lý của người Phật tử, mỗi lần lạy Phật là lạy với tất cả lòng kính thương và tri ân vô bờ đối với ngài, thờ như vậy thì không sợ ma.

Còn nếu mình thờ cho vui, thỉnh tượng đẹp, đắc tiền cho bằng chị bằng em, kiếm cặp đèn crystal kwarovski cho sang lên. Kiểu thờ này mai kia có lòng sợ hãi, có cảm giác cô đơn buồn tẻ, vào gian thờ, lòng sẽ không vơi giảm một tí nào.

Còn chuyện đeo tượng Phật trên người, tôi trăm ngàn vạn lần can bà con đừng đeo vì tới một ngàn lý do :

- Bức tượng mình đeo trên người là dễ bị mình lãng quên nhất. Mình đeo và mang ngài vô tất cả nơi chốn cực kỳ bất tịnh và chưa kể khi đeo bức tượng ngài trên người, thân mình bất tịnh và mình làm những chuyện bất tịnh, và bắt ngài phải chứng kiến những chuyện bất tịnh, như vậy có nên hay không?

- Tôn kính bậc đạo sư là phải học hiểu giáo lý đến mức độ khi cần nghĩ tới ngài thì mình có cảm giác ngài đang ở trước mặt mình, và mình đang quỳ trước mặt ngài thì đó gọi là lòng tôn kính.

- Tôn kính do hiểu ngài chứ không phải là do nghe tăng ni hù dọa.

- Tôn kính ngài là do hiểu được ngài, ngài đã vì mình, vì chúng sanh mà máu lệ vô số kiếp sanh tử, khi thành Phật rồi ngài giác ngộ tất cả mọi thứ ở đời : Cái gì ngài cũng biết, ai ngài cũng thương và đức lành nào ngài cũng có.

- Giáo lý càng nhiều, mình hiểu Phật càng sâu càng rộng thì lòng kính thương và tri ân nó mới bao la vô bờ.

* Với chánh pháp cũng vậy. Chánh pháp không phải nghe những lời kinh huyền diệu xa vời mông lung huyễn hoặc, mà chánh pháp chính là đạo sống, lẽ sống, là nguyên tắc sống, là chuẩn mực sống, để chúng ta theo đó làm cho mình trở nên tốt hơn, an lạc hơn và khiến những người quanh ta cũng vậy. Lòng tôn kính chánh pháp của chúng ta như thế nào thì hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng hiểu biết nhận thức của chúng ta đối với giáo lý.

Dốt đặc như cán cuốc, kiến thức học le que như là lá me thì làm sao đối với chánh pháp bằng một lòng tôn kính.

Tại sao tôi thường nói quí vị làm gì thì làm phải có khái niệm về 4 Đế. Phải hiểu mọi thứ là khổ thì mình mới thấy được chánh pháp là đáng quí cỡ nào. Chánh pháp là con đường Đức Phật dạy mình tu được bao nhiêu thì bớt khổ bấy nhiêu.

- Đêm đêm lạy Phật phải nhớ : Phật là người đã thoát khổ, đã hành trì con đường thoát khổ và bản thân đã thoát khổ.

- Chánh pháp chính là nguyên tắc hành trì để không còn khổ nữa, dầu chư Phật ba đời mười phương, hay là người đệ tử nhỏ nhất của các ngài cũng đều phải hành trì con đường ấy để thoát khổ.

Thánh chúng đệ tử của Thế Tôn là những người đã hành trì con đường đó qua lời dạy của chư Phật, và đã hành trì thành công thành tựu. Chứ còn lơ mơ như mình thì chưa được gọi là thánh chúng.

- Chúng ta phải nhớ rằng đâu đó dưới gầm trời này, và trong vô lượng vũ trụ hiện đã đang và sẽ - có vô số thánh chúng của chư Phật ba đời mười phương, những người lắng nghe chư Phật, hiểu chánh pháp và thực hiện đúng mức để không còn tiếp tục mê lầm điên đảo mộng tưởng nữa.

HỎI:

Điên đảo mộng tưởng là sao?

ĐÁP:

Là trong cái vô thường thấy rõ nó là vô thường, trong cái khổ biết rõ nó là khổ, trong cái vô ngã biết nó là vô ngã, trong cái bất mỹ bất tịnh biết nó là bất mỹ bất tịnh.

Có thờ Phật, thờ tam bảo như vậy mới được gọi là cung kính đạo sư, cung kính chánh pháp và cung kính chúng tăng.

Còn mình thấy đầu không tóc, quấn y vàng, rồi quỳ lại, bởi vì nghe nói đó là phước điền, đó là ruộng phước thì kẹt quá. Mình đến với nhau dễ quá, mai này mình cũng bỏ nhau dễ lắm quí vị biết không.

Mình không học giáo lý, mình lạy Phật một cách đơn giản, lạy thầy tu, tăng, ni một cách đơn giản, mai này mình cũng lìa bỏ tam bảo một cách rất đơn giản.

Mình muốn cưới nhau thì phải tìm hiểu nhau, để rồi mai này có mất nhau rồi mình vẫn còn tiếp tục nhớ nhau. Còn tìm hiểu nhau, đến với nhau dễ dàng, thì sớm muộn cũng dễ dàng mất nhau như đã dễ dàng lấy nhau.

Nguồn : http://toaikhanh.com

-


 

Thưở xưa tại Bārānasī có một nhà vua tên Dandakī hoàng thành của ông ta tên Kumbhavatī . Cả ông ta lẫn thần dân trong xứ đều là những người tà kiến. 

Ngày kia có một vị đạo sĩ tên Kisavaccha từ bờ sông Godhavarī đến ngự uyển của vua Dandakī để trú ngụ. Tại đây Ngài được vị tướng soái của vua hộ độ . Điều cần nhớ là đạo sĩ Kisavaccha đã chứng đạt ngũ thông bát định.

Thế rồi một hôm trong cung của vua Dandakī có một nàng phi tầng bị thất sủng , nghĩa là nàng không được nhà vua tin yêu như trước nữa và đuổi ra khỏi hoàng cung . Buồn nản cùng cực , nàng phi tầng bất hạnh ấy đi vào ngự uyển , chỗ ngụ của đạo sĩ Kisavaccha . Bất chợt trong thấy ngài , nàng ta suy nghĩ “ Mấy ông thầy tu này là những tên xúi quẩy nhất đây , nếu ta đem đồ dơ ra đổ trên đầu ông này thì kể như mọi xui xẻo cũng được giải trừ “.

Nghĩ vậy rồi nàng phi tầng đi lấy đồ đánh răng xúc miệng trên đầu vị đạo sĩ và ném luôn bàn chải lên đầu ngài rồi đi tắm rửa.

Và hôm sau nhà vua nhớ đến nàng phi tầng thất sủng nọ bèn gọi vào cung phục hồi địa vị . Đó là một việc tình cờ nhưng nàng phi tần cứ ngỡ là do mình đã làm hành động xả xui nơi vị đạo sĩ.

Không bao lâu vua lại thải hồi cả vị quan giáo sĩ cho về vườn làm dân . Ông này tìm tới nàng phi tần kia và hỏi thăm nàng đã làm thế nào để được vua tin yêu trở lại như vậy . Nàng ta bèn kể lại việc mình làm nhục vị đạo sĩ trong ngự uyển . Ông quan giáo sĩ làm theo đó và lạ thay mấy hôm sau vua lại gọi ông ta vào triều phục chức như cũ.

Thật ra trường hợp may mắn của nàng phi tần , ông quan giáo sĩ nọ là do phước cũ đời trước chớ nào phải do hành động vô nhân của họ đối với đạo sĩ , nhưng vì ngây ngô dựa vào sự việc trước mắt ấy nên cả hai người đều tin rằng nhờ hành động vô nhân đó mà họ được đắc sủng .

Thế rồi vua Dandakī nhận được tin là ở vùng biên thuỳ có phiến loạn , ông ta bèn chuẩn bị cắt quân đi bình định . Trước khi lên đường theo lời Khải tấu của quan giáo sĩ . Vua Dandakī kéo quân lính vào ngự uyển lấy bàn chải xúc miệng trên đầu đạo sĩ Kisavaccha rồi bao nhiêu bàn chải của ông ta cùng quân lính khi xài xong đều đem vất lên đầu ngài , sau đó cả bọn đi tắm rửa sạch sẽ rồi bắt đầu tiến ra biên thuỳ . Trong trận đánh ấy với quân phiến loạn , vua Dandakī đã chiến thắng một cách dễ dàng vì cuộc chiến giữa đôi bên chỉ diễn ra trong bảy ngày rồi kết thúc.

Nói về vị tướng soái của vua Dandakī ,sau khi vua cùng quân lính rút đi rồi , đã đi vào tắm rửa săn sóc cho vị đạo sĩ thầy mình rồi an ủi ngài. Vị đạo sĩ bảo :

- Chư thiên trong xứ này đã nổi giận trước hành động hỗn xược của vua quan dân chúng đối với ta nên các vị đã quyết định rằng một tuần lễ nữa sẽ giáng đại họa xuống đất nước này ; do đó ông hãy cùng gia quyến tranh thủ rời khỏi nơi đây càng sớm càng tốt.

Tới ngày vua Dandakī dẫn quân trở về , dầu được quan tướng soái cho biết sự kiện sắp xảy ra ông ta cũng chẳng tin , và cứ mở đại yến ăn mừng ; vị tướng soái lập tức đưa gia đình của mình bỏ xứ ra đi . Thế rồi lúc đó trên bầu trời của kinh đô Kumbhavati bỗng dưng vần vũ tối đen rồi một cơn mưa đổ ập xuống , lúc đầu là nước , sau đó là cát , bông hoa rồi đến vàng bạc cùng các món trang sức xin đẹp quý giá . Mọi người thấy vậy liền bỏ chạy ra đường để nhặt lấy.

Ngay lúc ấy từ trên không trung , các món vũ khí bén nhọn rơi xuống tới tấp trên đầu họ. Thế là chỉ trong giây lát cả kinh thành Kumbhavatī đầy dẫy những xác chết .

Trước khi cơn mưa đổ xuống , thầy của đạo sĩ Kisavaccha là sư trưởng Sarabhanga đã biết được sự việc và sai hai đạo sĩ khác đến cứu Kisavaccha bằng thần thông.

Nói về vua Dandakī cùng toàn thể thần dân ác kiến của mình sau khi chết đau đớn như vậy đã sanh vào địa ngục Kukula.

Chép từ Tác Phẩm Chúng Sanh Và Sanh Thú

Biên Soạn : Saddhammajotika 

Dịch Việt : Tỳ Khưu Giác Nguyên


Nguồn: fb Simsapa


Toại Khanh

Tôi đi xa mới về. Thùng thư trước nhà đầy ắp, cả cái hộp thư riêng ở bưu điện cũng không còn chỗ nhét. Ngoài phần lớn những thứ đáng vất, từ cả hai thùng thư, tôi có trên mười cái thư và vài gói bưu phẩm không thể không mở ra. Thiệp xuân, rồi thì vài cái hóa đơn, dăm ba món quà Tết của mấy người thân sơ đâu đó, có gói thức ăn đã bắt đầu hư. Nhưng gì cũng là ân tình, tôi xếp hết lên bàn rồi đi ngủ.

Ba giờ sáng, tôi thức giấc vì một cơn khát cháy cổ. Đã nói giờ tôi cứ như người già, bất luận mấy giờ đêm, dậy rồi thì khó mà ngủ lại. Như một thói quen lâu ngày, tôi thả mình xuống chiếc ghế ở bàn viết, ngó quanh và rồi giật mình nghĩ đến một chuyện thiệt lãng mà cũng dễ sợ. Nếu trong chuyến đi vừa rồi tôi có mệnh hệ gì thì ai sẽ là người mở giùm hai thùng thư, rồi họ sẽ làm gì với mấy thứ trong đó. Cả mấy cái email trong máy, rồi một trang blog như gian phòng riêng trên internet, nơi tôi vẫn xem là chốn dung thân sau cùng để gặp gỡ ai đó. Tất cả sẽ mãi mãi là một bí mật, khi đến chính tôi còn lắm khi quên mất password. Mỗi ngày trên hành tinh này đã và đang có bao nhiêu những hộp thư trên internet vĩnh viễn không còn người đọc, người duy nhất có thể mở ra cõi riêng ấy đã không còn dịp trở về. Ai trong thời buổi này lại không có những chuyện riêng tư trên internet, ai lại chẳng nóng lòng muốn đọc một vài cái email, hay nôn nao chờ về đến nhà rồi nhảy bổ đến bàn viết để vào thăm trang blog của mình. Nhưng có ai ngờ trước rằng mình sẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội đó nữa. Từng người luôn có sẵn những hành trình đang đợi chờ phía trước, những cuộc đi có thể là không hẹn được ngày trở lại. Nếu có chuyện tái sinh, trong vòng quay bất tận của những chu kỳ thành hoại của trời đất, ngày họ quay lại được có thể đang là lúc con người trên mặt đất này đang ở vào một thời điểm văn minh hơn bây giờ gấp triệu lần, hay lại đang trong thời kỳ nhân loại chỉ còn biết có lửa rừng và hang đá. Mọi ấn tích hôm nay, khi ấy chỉ còn là cát bụi hay những mẩu hóa thạch ngậm ngùi câm lặng. Bao nhiêu những hò hẹn, hờn dỗi, yêu đương, thù hận, toan tính thiện ác,…trong cái gọi là internet gì đó của ngày nào đều trở về với cõi không. Trong đó có cái đã được biết đến, và cả những thứ chưa một lần được ghé mắt.

Trong một bối cảnh ngược lại, nhân loại ngày sau có thể tìm lại được tất cả những gì đã từng được lưu trữ trong nền văn minh điện toán hôm nay, và có thể đọc hiểu trọn vẹn những tâm tình của người xưa. Và thử hỏi những người xưa ấy lúc này đã ra sao. Lại vẫn là những huyền thoại như dấu vết của vua Tutankhamon trên Kim Tự Tháp bây giờ. Suy cho cùng, mọi toan tính lo liệu của nhân sinh chỉ là một cuộc chơi phù du của vạn hữu.

Tôi từng đọc thấy ở đâu đó một kiểu phân loại thời gian khá lạ lùng, nhưng xác đáng và cứ bắt tôi phải suy nghĩ. Đó là thứ thời gian sinh học, Biological Time, được tính trên từng diễn biến sinh hóa của mọi loài sinh vật trên trái đất. Từ những khoảnh khắc biến diệt của mỗi tế bào trong từng giây đồng hồ, cho đến cái gọi là kiếp người trăm năm. Loại thời gian thứ hai là Geographical Time, tạm hiểu là thứ thời gian địa quyển, tính trên những biến động lâu dài của lớp vỏ trái đất, gồm những cuộc chìm nổi của các lục địa, sự hình thành của bao thứ trầm tích, hóa thạch,... Và trong loại thời gian này, vài ba thế kỷ chỉ là một nháy mắt. Nói ra có vẻ cải lương, bên cạnh kinh Phật, tôi vẫn nhớ hoài mấy câu thơ muốn quên cũng khó. Ông Trần Tế Xương thì phải, từng có 4 câu này, ai nghe qua một lần cũng thuộc:

“Sông kia rày đã lên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Đêm nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò!”

Rồi thì ông Vũ Hoàng Chương, nghe thơ mộng hơn một chút nhưng cũng buồn nẫu ruột:

“Ta còn để lại gì không

Kìa non đá lở, nọ sông cát bồi”.

Và thi sĩ Phạm Thiên Thư nói về chuyện đó theo cách riêng của mình:

“Cuộc đời chớp lóe mưa bay

Càng đi, càng thấy dặm dài nỗi không…”

Nhưng rồi, mọi sự không phải chỉ là những ngậm ngùi hiu hắt đó. Ở đây tôi phải nhớ ơn một nhà thơ Cơ-đốc là Nguyên Sa, khi ông nhắc tôi rằng thực ra tôi vẫn còn đó một phương trời Nhị Đế. Tôi đọc ông, rồi thở phào. Phải vậy chứ, nếu không ai chịu sao nổi. Ông nói: “Cuộc đời dẫu có phù vân, ở trong mây nổi có phần thiên thu!”. Câu đó hiểu sao cũng xong. Tôi e thuở sinh tiền nhà thơ họ Nguyễn chẳng có nhiều dịp biết đến giáo lý A-tỳ-đàm, từ đó có lẽ cũng không ngờ mình đã gửi tặng Phật giáo một câu thơ hay. Từ chiều sâu hun hút và một độ cao ngút ngàn, trong giáo nghĩa Chân Đế không hề tồn tại một khái niệm thời gian nào hết. Ngày đêm, bốn mùa, trước sau, nhanh chậm,...đều chỉ là những quan niệm giả lập y cứ trên sự tồn tại và biến mất của cái gì đó. Lúc này người ta đang quẩn quanh trong cảnh giới của Thi Thiết, Chế Định (paññatti), Biến Kế (parikappa). Rõ ràng trong kinh xưa, đức Phật không nói nhiều về thời gian, chỉ trừ trường hợp chẳng đặng đừng. Điều Ngài đặc biệt nhấn mạnh luôn là những gì người ta sống và làm trong cái gọi là thời gian ấy. Khái niệm năm ba ngàn năm gì đó thực ra chẳng là gì, chỉ có Vạn Lý Trường Thành, Kim Tự Tháp, Kinh Thánh, Kinh Phật mới là đáng nói, vấn đề là từng người trước khi về đất đã để lại gì sau lưng mình. Thuở bình sinh, ai cũng ăn nhờ ở đậu trên những gia tài di sản của tiền nhân, trước ngày nằm xuống cũng xin làm ơn để lại chút gì cho lớp hậu tấn như một kiểu sống sòng phẳng. Và nếu chuyện tái sinh là có thật, biết đâu trong đám hậu sinh kia lại có cả chính mình. Thế là, nói như ông Nguyên Sa, cuộc đời dẫu có phù vân, ở trong mây nổi có phần thiên thu..!

Một cái email, dăm ba hàng chữ trong một trang blog, một bài thơ ngắn trong website, một công trình lớn ngoài đời,…đều là những gì ta để lại cho nhân gian. Không có gì là nhỏ hay lớn, chỉ có cái tác dụng của nó là lợi hay hại, ít hay nhiều mà thôi. Một cái email có thể nguy hiểm như một viên đạn pháo, mà cũng có thể là một liều thuốc cứu mạng một người hấp hối. Cái email đó có thể không kịp có người đọc, trang blog đó có thể sẽ vĩnh viễn đóng cửa, nhưng cái tâm tình hay cái tấm lòng của người viết nên chúng không phải là vô nghĩa, bất luận là tốt hay xấu. Cái hạnh phúc lớn nhất của một kiếp người, theo tôi, là giả dụ có một ngày nằm xuống trên đường, chưa kịp về đến nơi chốn đã định, người ta vẫn có thể yên tâm với những gì mình đã hoàn tất hay còn đang dở dang. Chỉ vì họ đã làm những việc lớn nhỏ đó bằng tất cả tâm tình đẹp nhất. Chẳng hiểu mắc chứng gì, hay do mới chia tay một người tín hữu Cơ-đốc trên đường, mấy ngày nay nói gì thì tôi cũng cứ nhớ Chúa. Bà sơ Theresa, một người từng lãnh giải Nobel hòa bình, có một câu nói hay không tả được: “Chúng ta có thể không làm được chuyện gì lớn lao, nhưng hoàn toàn có thể làm việc gì đó với một trái tim vĩ đại. Đó chính là cái chìa khóa, là lời giải thích vì sao có người vẫn bất tử giữa dòng đời sinh hóa phù du”.

Ta rồi sẽ gặp lại ta, gặp lại chính mình trong một hậu thân khác. Ta rồi cũng gặp lại em, người mà ta đã một lần buồn vui với những ân oán tình thù. Tử sinh không nên có những hò hẹn, ai thoát ra được thì nên mừng giùm cho nhau. Có điều là, nếu một ngày em ghé lại lều cỏ của tôi, khi tôi đã là viễn khách ở một phương trời khác, một bầu nước sạch với mấy vốc gạo trắng cùng một góc nến đủ đốt qua đêm, có phải là một món quà lớn ra để lại cho nhau không hả? Ừ thì, cuộc đời dẫu có phù vân…

Trích từ Tác Phẩm Chuyện Phiếm Thầy Tu của Sư Toại Khanh

Nguồn: fb Simsapa

-