Mae Chee Kaew - Hành trình tới giác ngộ và giải thoát [MP3]
“Quà Pháp bảo cao quý hơn mọi món quà khác”
— Đức Phật —
“Quà Pháp bảo cao quý hơn mọi món quà khác”
— Đức Phật —
Mae Chee Kaew
Hành trình tới giác ngộ và giải thoát
-ooOoo-
Viết dựa trên tư liệu thu thập bằng tiếng Thái
Bhikkhu Dick Sīlaratano
Mae Chee Kaew
All commercial rights reserved
© 2013 Bhikkhu Dick Sīlaratano
www.forestdhamma.org
Thiết kế bìa và ruột: Melita Halim
Dịch giả: PT Diệu Hạnh
d.dieuhanh@gmail.com
Biên dịch từ nguyên bản tiếng Anh
Do Forest Dhamma Books xuất bản
In tại Xí nghiệp in Fahasa
774 Trường Chinh, P 15
Quận Tân Bình, TP HCM
Không được phép bán Pháp
như hàng hóa ở chợ.
như hàng hóa ở chợ.
Được phép tái bản sách này
dưới mọi hình thức để ấn tống,
như món quà Pháp bảo, và không
cần xin bất kỳ giấy phép nào nữa.
Cấm hoàn toàn việc tái bản sách
này dưới bất kỳ hình thức nào
dưới mọi hình thức để ấn tống,
như món quà Pháp bảo, và không
cần xin bất kỳ giấy phép nào nữa.
Cấm hoàn toàn việc tái bản sách
này dưới bất kỳ hình thức nào
với mục đích thương mại.
— Ajaan Mahā Boowa Ñāṇasampanno
Mục lục
Danh sách tên riêng tiếng TháiLời người dịch
Lời mở đầu
Lời giới thiệu
Phần một - Phúc lành
Ngọc đá trong suốt
Tinh thần chiến đấu qủa cảm
Phúc lành của cả một đời
Bãi dâu
Chìm trong công việc vô tận
Bé Kaew
Phần 2
Phần 3
^^^
Danh sách tên riêng tiếng Thái
Trong bản dịch | Cách phát âm | NghĩaAjaan | Achan, Acharn | Sư, thầy
Ajaan Sao | Achan Sảo
Ajaan Mun | Achan Măn
Ajaan Khamphan | Achan Kam-pan
Ajaan Kongma | Achan Kong-ma
Ajaan Mahā Boowa | Achan Mahá Bu-a
mae | me | mẹ
mae chee | me chi | cô tu nữ
Kaew | Kẻo
Baan Huay Sai | Bán Huấy Sải
Mukdahan | Mục - đà - hàn
Wat Nong Nong | Oạt Nong Nong
Baan Taad | Bán Tạt
sala | sả-la
^^^
Lời người dịch
Sau một thời gian đến chùa gần nhà, tôi được một gia đình bạn đạo tặng cuốn Venerable Ācariya Mun Bhūridatta Thera – A Spiritual Biography và cuốn Mae Chee Kaew – Her Spiritual Journey to Awakening & Enlightenment của Bhikkhu Dick Sīlaratano. Nhân lúc có người thân hiểu sai lệch về thế giới vô hình quanh ta, coi đó là những sức mạnh siêu nhiên mà ta phải lệ thuộc vào, tôi đã dịch một, hai chương trong cuốn Mae Chee Kaew – Her Spiritual Journey to Awakening & Enlightenment để giúp người đó thay đổi quan điểm. Rồi dần dần, từ việc dịch một, hai chương, tôi đã dịch hết cuốn sách với mong muốn nó sẽ giúp ích được cho nhiều người hơn nữa trong đời sống tinh thần của họ.Cuốn sách viết về Mae Chee Kaew, một phụ nữ nông thôn bình dị ở vùng đông bắc Thái Lan, người đã đạt tới đỉnh cao trong thiền tập. Mặc dù là một ấn phẩm về Phật Giáo, tôi thấy nó rất gần gũi với đời thường. Các chi tiết mô tả cuộc sống của Mae Chee Kaew thật sống động và gần gũi với cuộc sống nông thôn miền bắc Việt Nam. Các phong tục, tập quán cũng có rất nhiều điểm tương đồng. Thêm vào đó, tác giả sử dụng phần lớn các từ thuần Anh để mô tả cuộc sống của chư tăng ni và giải thích các vấn đề về Phật Pháp làm cho nó trở nên rõ ràng và dễ hiểu đối với đại đa số độc giả. Do vậy, trong khi dịch, tôi đã cố gắng sử dụng các từ thuần Việt, nhằm giữ phong cách bình dị của cuốn sách. Và để thích ứng với đại đa số độc giả Việt Nam, tác giả đã cho phép chỉnh sửa một vài từ trong bản dịch. Tuy vậy, điều đó không làm thay đổi ý của tác giả, hay nội dung chính yếu của cuốn sách.
Các trạng thái trải nghiệm được khi thiền là ở trong tâm của riêng mỗi người, rất khó có thể diễn tả bằng lời. Chỉ những ai đã trải nghiệm qua rồi mới có thể hiểu được một cách đúng đắn, kể cả khi những trải nghiệm đó đã được diễn tả bằng ngôn ngữ bình thường, dễ hiểu. Với vốn hiểu biết Phật Pháp nông cạn của mình, việc dịch cuốn sách này là một thử thách lớn đối với tôi, và do đó không thể tránh khỏi khiếm khuyết. Nếu có sai sót nào trong khi dịch, xin quý độc giả lượng thứ và chân thành góp ý để bản dịch được hoàn thiện hơn trong lần tái bản. Mọi góp ý, phê bình xin email về d.dieuhanh@ gmail.com.
Tôi vô cùng cảm ơn P. P. Thủy và B. M. Tâm đã hiệu đính những bản thảo đầu tiên cho ý nghĩa được chính xác và tiếng Việt được lưu loát hơn. Đặc biệt hơn nữa, tôi đã rất hân hạnh được Sư Cô Tâm Tâm giúp đỡ trong lần hiệu đính cuối. Sư Cô đã rộng lượng dành thời gian eo hẹp của mình cho việc chỉnh sửa bản dịch này và cho những lời khuyên xác đáng để có được bản thảo cuối cùng. Tôi cũng vô cùng may mắn được Mae Chee Melita Halim giúp thiết kế, dàn trang và các vấn đề liên quan đến việc phát hành sách.
Thêm nữa, tôi không thể hoàn thành bản dịch này nếu không có sự trợ giúp của những người thân trong gia đình đã hy sinh thời gian quý báu của họ cho tôi. Tôi cũng đã nhận được nhiều lời khích lệ từ bạn bè khi họ bày tỏ lòng mong muốn cuốn sách này được dịch sang tiếng Việt. Nhiều độc giả đã hùn phước với tôi để in cuốn sách này từ rất lâu trước khi bản dịch hoàn tất. Đó là những nguồn cổ vũ động viên vô cùng to lớn giúp tôi hoàn thành công trình này.
Tôi xin nhiệt thành tán dương hảo tâm của các nhà tài trợ và tất cả những ai đã ít nhiều đóng góp vào việc dịch thuật, in ấn và phân phát cuốn sách này. Mong tất cả chúng ta cùng quý độc giả sẽ thức tỉnh và suy nghĩ sâu sắc hơn về cuộc sống, không còn đắm say trong các thành tựu vật chất, mà hướng tới đời sống tinh thần có chiều sâu và hiểu biết bản chất hơn. Từ đó, ta có thể tự đem lại hạnh phúc cho chính mình và tất cả những người xung quanh một cách thực tế và bền vững.
PT Diệu Hạnh
^^^
Lời mở đầu
Khi tôi ở tại thiền viện trong rừng Nakamnoi năm 2007, hòa thượng trụ trì, Ajaan Inthawai Santussako đề nghị tôi dịch một bản tiểu sử về Mae Chee Kaew từ tiếng Thái sang tiếng Anh mà ngài dự định sẽ ấn tống bằng cả hai thứ tiếng. Mặc dù bản tiểu sử ngài đưa tôi khá tóm tắt, Ajaan Inthawai đã rộng lượng cho tôi tất cả những ghi chép trước đây về cuộc đời của Mae Chee Kaew mà ngài đã sưu tầm được. Sau khi dịch xong bản tóm tắt về cuộc đời của Mae Chee Kaew sang tiếng Anh, tôi quyết định viết một cuốn truyện đầy đủ dựa trên những tìm hiểu khác nữa về các sự kiện tạo nên cuộc đời cô và đánh dấu mỗi bước đi trên hành trình tới giải thoát của cô. Thiền viện ẩn lâm Nakamnoi đã cho tôi một môi trường yên tĩnh và động viên tôi làm việc, và các vị sư ở đó đã giúp tôi có những nghiên cứu quý giá. Những lời giảng thu thập được của Mae Chee Kaew mà trích đoạn của chúng được đặt ở đầu mỗi chương là đặc biệt khó vì phần lớn trong số đó được ghi lại bằng tiếng Phu Tai, ngôn ngữ mẹ đẻ của cô. Tôi vô cùng biết ơn các vị sư dân tộc Phu Tai đã giúp tôi giải nghĩa các từ Phu Tai này.Cuốn sách này cũng không thể hoàn thành được nếu không có nỗ lực của bạn bè và nhiều người trợ giúp. Tôi vô cùng biết ơn họ. Đặc biệt, tôi xin cám ơn Swe Thant, biên tập viên lâu dài của tôi trong việc khéo léo làm mềm mại đi những chỗ thô kệch trong tập bản thảo đầu tiên và giúp thay đổi giọng văn chung của cuốn sách. Rachel Claveau tiếp đó đã rất khéo léo cắt tỉa bớt những từ không cần thiết và chỉnh sửa cấu trúc ngữ pháp cho hay hơn. Rachel cũng yêu cầu tôi phải giải nghĩa nhiều đoạn khó hay không rõ nghĩa để thể hiện đúng ý nghĩa muốn diễn đạt. Tôi đặc biệt cảm ơn Mae Chee Melita Halim, người đã một mình thiết kế bìa trước và bìa sau của cuốn sách, thiết kế bên trong sách và vẽ các bức vẽ chì. Cô đã làm việc không mệt mỏi nhiều tháng trong điều kiện khó khăn để chuẩn bị bản bông để in. Tôi thấy thật may mắn có được nhà xuất bản nhiệt tình và hảo tâm Silpa Siam Packaging & Printing Co., Ltd. Họ không chỉ giúp cho việc xuất bản mà còn giúp gây quỹ tài trợ chi phí in ấn. Không có hảo tâm của rất nhiều người đóng góp, cuốn sách này không thể được ấn tống. Tên họ nhiều không thể kể hết được, nhưng mỗi người trong số họ xứng đáng được chúng ta tán dương nhiệt thành. Và cuối cùng, xin vô cùng cám ơn Forest Dhamma Books, mạng lưới bạn bè toàn cầu, về thời gian và công sức họ đã bỏ ra giúp đỡ để hoàn thành cuốn sách này.
Bhikkhu Dick Sīlaratano
Tháng Tư năm 2009
^^^
“Lúc còn nhỏ, khi đến thiền viện,
tôi phải có cha mẹ đi cùng, và không
được đi hay ngồi chung với các sư.
Khi các sư giảng Pháp, tôi luôn
ngồi bên dưới, chỉ đủ tầm để nghe.
Vị thiền sư đáng kính dạy chúng
tôi cách đảnh lễ Đức Phật và tụng
kinh xưng tán ân đức của Ngài.
Thiền sư khuyến khích chúng tôi
rải tâm từ cho mọi chúng sinh, và
giữ tâm luôn rộng mở và quảng đại.
Ngài dạy chúng tôi rằng dù công đức
bố thí cúng dường của Phật tử có
nhiều thế nào đi nữa cũng không
thể sánh với phạm hạnh của việc
xuất gia làm tu nữ đắp y màu trắng
và tu tập tinh tấn theo con đường
diệt tận khổ đau.
Lời dạy đó luôn ở trong tâm tôi.”
— Mae Chee Kaew
Lời giới thiệu
Cuốn sách này kể về tiểu sử và cuộc đời tu tập của một nữ tu đã đạt tới đỉnh cao trong việc thực hành Giáo Pháp. Cô được biết đến với cái tên Mae Chee Kaew. Mae Chee Kaew cảm nhận được tiếng gọi đến với cuộc sống tâm linh từ khi còn nhỏ. Là một cô bé có phước báu lớn được gặp những vị thầy nổi tiếng nhất trong thời đại của mình, cô đã nhập những lời dạy thiền của họ vào tâm, và với nhiệt tình của tuổi trẻ, cô đã áp dụng chúng vào thực hành một cách tinh tấn. Nhờ có nhân duyên thuận lợi, cô đã nhanh chóng phát triển thành một cô bé thần đồng, thành thục trong nghệ thuật của thiền định. Tâm cô dễ dàng an trú trong định sâu trong nhiều giờ, và đã chứng kiến nhiều hiện tượng tuyệt vời và kỳ lạ.Khi hoàn cảnh gia đình ngăn không cho cô đi theo tiếng gọi tâm linh, cô chờ đợi thời cơ của mình một cách kiên nhẫn, chờ để tận dụng cơ hội sớm nhất. Sau 20 năm trải qua một cuộc hôn nhân không toại nguyện, cánh cửa cuối cùng đã mở ra cho Mae Chee Kaew tiến vào đời sống xuất gia. Là một tu nữ, cô đã có nhiều năm sống và thực hành với các vị thầy tài giỏi. Các ngài thường tán dương cô vì cô có kỹ năng đặc biệt trong hành thiền, đặc biệt là khả năng thần thông của cô. Rất ít sư trong số các vị thầy có khả năng như cô trong lĩnh vực nhận thức đó. Tuy nhiên, ý nghĩa hơn cả là cô đã vượt qua được dính mắc của mình trong thế giới quy ước với các điều kiện luôn đổi thay của nó, nhờ vậy cô đã đạt được trạng thái thoát trần của tâm hoàn toàn giải thoát. Là một trong số ít các vị thánh nữ của thời hiện đại, cô đã trở thành bằng chứng sống rằng mục tiêu chứng ngộ tối cao của Đức Phật vẫn có thể đạt được đối với tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, sắc tộc hay địa vị xã hội.
Chư ni tu tập dưới thời Đức Phật, phần lớn đã đạt được quả thánh, và nhiều người được Đức Phật tán dương. Trong những bài pháp thời đầu của Đức Phật, chư ni được Ngài tán dương nhiều lần: chư ni được tán dương nhờ sự tinh tấn, trí tuệ và khả năng giảng dạy Giáo Pháp. Rõ ràng rằng nhiều phụ nữ thời đó đã rời bỏ gia đình và hiến trọn đời mình cho cuộc sống không nhà cửa của người xuất gia. Thực ra, khi Đức Phật thành lập ni đoàn, nhiều phụ nữ đã nhanh chóng đến gia nhập. Trong hoàn cảnh xã hội đầy định kiến ràng buộc đối với phụ nữ thời đó, đây là một thành quả đặc biệt.
Ước nguyện của nam giới khi quay lưng lại với bố mẹ, vợ con được coi là bằng chứng của sự quyết tâm đi tìm chân lý của mình. Người nam rời nhà cửa và gia đình để theo đuổi chí hướng tâm linh thì được coi là một đức hạnh. Tuy nhiên, người nữ phải trải qua chặng đường khó khăn hơn rất nhiều mới đến được với cuộc sống xuất gia. Có ít tự do hơn nam giới, họ không thể rời gia đình khi không được phép những ông chồng không muốn cho phép, và họ thường bị trói buộc vào bổn phận đối với bố mẹ già hoặc con thơ. Với việc thành lập ni đoàn, Đức Phật đã mở ra cho phụ nữ một cơ hội hiếm hoi để sống cuộc sống xuất gia, vượt ra ngoài những hạn chế trong văn hóa và thông lệ xã hội cổ xưa. Ngài cũng đã công nhận rằng phụ nữ có khả năng như nam giới trong việc hiểu Pháp. Đó là một nhận định cấp tiến trong thời đó.
Ni đoàn là cộng đồng các nữ tu do Đức Phật lập nên. Ni đoàn được coi là một tăng già của các Tỳ kheo ni thịnh vượng qua hơn một ngàn năm, nhưng cuối cùng dòng ni đoàn đã gián đoạn do chiến tranh và nạn đói. Vì không đủ cơ cấu để hồi phục truyền thống Ni đoàn thời Đức Phật, nên cơ hội xuất gia cho nữ giới ở các nước theo Phật giáo Theravāda ngày nay chỉ còn là xuất gia làm tu nữ, giữ tám giới hay mười giới. Ở Thái Lan, tu nữ thường giữ tám giới. Họ được gọi là mae chee. Cũng giống chư tăng, mae chee cạo đầu và tuân thủ giới luật mà mình đã thọ. Đắp y trắng tuyền thể hiện sự khác biệt nghiêm ngặt giữa cách sống của người xuất gia và của cư sỹ, một mae chee tuân thủ giới luật quy định về trang phục, hành vi và cách sống phù hợp. Cô không được phép đi làm thuê nhận tiền công, hoặc không được tham dự vào việc mua bán hàng hóa và dịch vụ. Cô được dạy phải luôn nhớ rằng dáng vẻ trang nghiêm và ứng xử mẫu mực có khả năng khích lệ người khác quan tâm thực sự vào lợi ích cao quý của việc tu hành của người xuất gia theo Phật.
Phần lớn các mae chee sống trong các thiền viện do chư tăng quản lý. Một số ít khác sống trong thiền viện của riêng họ, và thường gắn với thiền viện của chư tăng gần đó. Những thiền viện có tính chuyên tu, đặc biệt những thiền viện theo truyền thống tu trong rừng của Thái, cho phép phụ nữ có được thời gian rỗi và phương tiện căn bản cần thiết để theo đuổi cách sống tu hành và hành thiền. Vì lý do đó, nhiều phụ nữ chọn cơ hội được tu tập trong các cộng đồng mae chee ở các thiền viện như vậy. Một nhược điểm mà mọi người cảm nhận đối với cách tổ chức này là tu nữ bị đứng thứ cấp so với chư tăng. Hạn chế này, trong một phạm vi nào đó, được giảm thiểu vì đạo Phật hiểu rằng quyền lực và thứ bậc trong một cộng đồng là những quy ước xã hội cần thiết để giữ cộng đồng hoạt động suôn sẻ. Vị trí của phụ nữ trong trật tự của cộng đồng không phản ánh giá trị thực sự của họ với tư cách là một con người.
Sự phân biệt nam nữ đã hằn sâu trong phần lớn các nền văn hóa, đến mức cũng khá tự nhiên khi bắt gặp nó trong bối cảnh tôn giáo. Nhưng giới tính là tạm thời, nó đến rồi đi; là quả của nghiệp quá khứ, nó là một loại như định mệnh. Cốt lõi sự sống của một chúng sinh không có tên và tướng trạng, và do đó không có tính nam hay nữ. Đó là giáo lý nền tảng trong Đạo Phật: những gì tạo nên cái gọi là “tôi” không có cốt lõi thực – mọi thứ tạo nên một con người riêng biệt đều biến đổi và cuối cùng thì tan rã. Mỗi một cá thể đều dần dần không còn là cái nó đã là và luôn luôn biến đổi trở thành cái gì đó mới. Những yếu tố mà ta thường có xu hướng cho là “ta”, “ngã”, “cái tôi”, đều vô thường và phù du. Mọi thứ về thân xác, về suy nghĩ và cảm xúc của tâm, đều không có giá trị thuộc bản thể và đều phải tan rã. Vì lẽ đó, bấu víu vào thân và tâm là bám vào nguồn gốc chính gây ra đau khổ.
Việc nhận ra rằng, một khi đã xé bỏ mọi đặc tính bên ngoài thì cốt lõi của tâm không còn giới tính, thứ bậc hay địa vị trong tự bản thân nó nữa, sẽ giải phóng ta khỏi khái niệm về cái tôi riêng hoặc chung đang cản trở tiến bộ của ta và ngăn cản tự do của ta. Cần thoát khỏi những phân biệt mang tính quy ước đó nếu ta muốn cắt đứt mối ràng buộc đã cột chặt ta vào vòng sinh tử. Về mặt này, mọi người đều bình đẳng như nhau, vì sự vô minh cần vượt qua, về căn bản, là giống nhau cho tất cả mọi người.
Không gì đáng kinh ngạc hơn tâm – tâm được tu tập tốt có thể làm được những việc phi thường. Tâm của Mae Chee Kaew có thiên hướng táo bạo và năng động. Những giấc mơ tiên đoán và những cảnh thần thông hiện ra dễ dàng trong khi cô hành thiền. Xu hướng thần thông vừa là gánh nặng, vừa là nguồn sức mạnh. Trong nhiều năm, sức hút của chúng đã làm cô không nhìn thấy nhu cầu cần tự kiềm chế mình đối với chúng. Sau này, khi cô học được cách chế ngự tâm mình, cô mới có thể dùng những khả năng đặc biệt của mình theo những cách thần kỳ và sâu sắc khác.
Nhưng xu hướng sẵn có của tâm mỗi người rất khác nhau. Một số người, như Mae Chee Kaew, rất năng động và ưa mạo hiểm; những người khác thì cẩn thận và thận trọng hơn. Mỗi loại có điểm mạnh riêng trong khi hành thiền. Tâm năng động của Mae Chee Kaew cho phép cô tiến nhanh trên con đường thực hành mà phần lớn mọi người thấy khó và chậm. Nhưng rất hiếm khi có thể tìm được một người có được sự kết hợp giữa mức độ thuần thục và sức mạnh mà Mae Chee Kaew có. Vì vậy, người bình thường gần như không thể sánh với sự đa dạng phi thường trong nhận thức qua thần thông của cô. Các khía cạnh đó trong quá trình tu tập của cô không phải là chỉ dẫn hành thiền thích hợp cho phần lớn các hành giả.
Ở một mức độ sâu sắc hơn, quá trình tu tập của Mae Chee Kaew chỉ ra con đường thoát khỏi các điều kiện luôn thay đổi của sinh tử luân hồi để đến cốt lõi của giải thoát thực thụ. Trọng tâm của sự chứng ngộ đó là sự phân biệt cơ bản giữa hai khía cạnh rất khác nhau của tâm: cốt lõi biết của tâm, và các trạng thái tạm thời của tâm sinh lên và diệt đi trong bản thân nó. Khi không hiểu sự khác biệt đó, chúng ta coi các trạng thái tạm thời đó là thực, chính là tâm. Thực ra, chúng chỉ là những điều kiện thay đổi không bao giờ giữ nguyên từ giây khắc này sang giây khắc khác. Cốt lõi biết của tâm là cái không thay đổi duy nhất. Thường ta gộp tất cả vào làm một và gọi đó là tâm; nhưng thực ra các trạng thái của tâm tồn tại trong mối liên quan với cái biết chúng. Khi có hiểu biết xuyên thấu đó, người ta sẽ nhận ra rằng hạnh phúc và khổ đau là những thực thể tách rời khỏi cái tâm hay biết chúng. Cốt lõi thực của tâm biết tất cả mọi trạng thái và mọi điều kiện, nhưng không dính mắc vào bất kỳ trạng thái hay điều kiện nào. Vì vậy, nó nằm ngoài các trạng thái luôn hoán đổi giữa hạnh phúc và khổ đau. Nếu ta nhìn được điều đó, ta có thể buông bỏ những hiện thực quy ước và cho chúng qua đi. Với hiểu biết như vậy, việc thoát khỏi các dính mắc để giải thoát tự khắc xảy ra.
Mae Chee Kaew là một phụ nữ nông thôn, đã sống một cuộc đời làng quê bình dị tại vùng Đông Bắc Thái Lan và đã vượt qua vô vàn khó khăn khi muốn rời nhà và đi theo con đường cao cả của Đức Phật để tìm sự giải thoát khỏi khổ đau. Sự kiên trì, lòng can đảm và trí tuệ trực kiến của cô đã cho phép cô vượt qua được mọi rào cản của quy ước – những ranh giới mà thế giới bên ngoài đặt ra cho cô và những ranh giới hạn chế tâm cô từ bên trong – và nhờ vậy đã giúp cô giải thoát được khỏi sinh, lão, bệnh, tử. Mặc dù cô sống và tu tập trong cùng những điều kiện khó khăn mà hầu hết các hành giả là phụ nữ phải chịu đựng, cô đã chấp nhận các thử thách đó, khéo léo hài hòa việc tu tập của mình cho phù hợp với khuôn khổ tu hành quy ước. Bằng việc hoàn toàn đầu hàng hệ thống được coi trọng thời đó, cô đã thành công trong việc chuyển nhược điểm của nó thành thế mạnh của mình. Thay vào việc than phiền về địa vị không công bằng của mình, Mae Chee Kaew kiên trì vun trồng sự hay biết tự nhiên và rõ ràng trong tâm, và do đó thành công trong việc cắt được ảo tưởng đã bắt rễ sâu bền về tự ngã và cái tôi do hoàn cảnh văn hóa xã hội quy định. Nhìn dưới ánh sáng của hiểu biết giải thoát, thế giới vững chắc của giai cấp và sự phân biệt mà cô đã sống cả đời bỗng bốc hơi và biến mất.
Chư tăng thuần thục hành thiền không bị ảnh hưởng bởi các thành kiến của xã hội. Họ không nghi ngờ gì việc phụ nữ giữ tám giới và tu tập nghiêm túc có thể đạt được những tầng bậc cao đặc biệt trong thiền. Thực ra, phụ nữ có khả năng vô cùng lớn trong việc hiểu Pháp và có thể đạt được các độ định sâu và phát triển trí và tuệ. Nhiều tu nữ và nữ cư sĩ ở Thái Lan đạt được các kết quả vượt qua chư tăng. Vì lý do đó, các thiền sư nói chung là tôn trọng các hành giả nữ, coi họ ngang hàng với nam giới trong khả năng tâm linh. Trong truyền thống Phật giáo tu trong rừng của Thái ngày nay, nhiều vị thiền sư đáng kính tin rằng phụ nữ có khả năng đạt được kết quả tâm linh tối hậu. Họ thường giới thiệu các tu nữ như các vị thầy mẫu mực. Nhiều thiền sư dòng đầu đà có học trò nữ, cả tu nữ lẫn nữ cư sĩ, mà bản thân họ được coi là những vị thầy với đầy đủ năng lực. Những người phụ nữ này tham gia nhiệt tình vào các cộng đồng tôn giáo với tư cách là những hành giả, những người hướng dẫn và chữa bệnh tâm linh thuần thục, và được người dân trong vùng kính trọng. Mae Chee Kaew chính là một người như vậy. Các tu nữ tu tập như cô để lại một di sản tuyệt vời khích lệ các thế hệ mai sau, và họ chứng tỏ rằng con đường tu tập Phật Pháp có thể được vén mở trở lại bởi bất kỳ ai, nam hay nữ.
Câu chuyện này về cuộc đời của Mae Chee Kaew được trình bày dưới dạng tường thuật tiểu sử, sử dụng các dữ kiện thực tế thu nhặt được và đặt trong bối cảnh lịch sử để kể về cuộc đời cô. Tôi đã viết ra đây những thông tin tôi đã lượm nhặt được để trình bày về cuộc đời của cô trong bối cảnh phù hợp về thời gian và văn hóa, trích dẫn lời của chính cô và của những người cùng thời với cô, với những sự kiện được nhiều người biết đến vào thời đó. Câu chuyện tôi kể ở đây được góp nhặt từ nhiều nguồn bằng tiếng Thái. Tôi vô cùng biết ơn Ajaan Mahā Boowa, người đã kể lại nhiều câu chuyện quan trọng về việc tu thiền của cô qua những bài giảng pháp nói và viết của mình. Tôi đã dùng những mô tả rõ ràng của ngài về các giai đoạn phát triển tuệ giác để lần ra chi tiết về tiến bộ từng bước của Mae Chee Kaew tiến đến chứng ngộ. Cô đã là một trong số những đệ tử vàng của Ajaan Mahā Boowa, và ngài đã xóa tan mọi hoài nghi về thành quả chứng ngộ tâm linh của cô.
Ajaan Inthawai là nguồn cảm hứng quan trọng cho tôi viết cuốn sách này. Được gần gũi với Mae Chee Kaew từ khi còn bé, ngài là một kho tàng quý giá về nền tảng văn hóa và các chi tiết lịch sử. Những người họ hàng còn sống của Mae Chee Kaew đã cung cấp những mô tả thân thiết về cuộc sống gia đình cũng như những năm đầu rời cuộc đời trần tục để đi tu của cô. Bác sỹ Pensri Makaranon, người đã chăm sóc tận tình cho cô lúc tuổi già, đã chia sẻ những hồi tưởng sinh động về những năm cuối đời của Mae Chee Kaew, trong đó có rất nhiều mẩu chuyện tuyệt vời Mae Chee Kaew đã kể lại cho những người chăm sóc y tế cho cô.
Tôi đã ghép lại tất cả những dữ liệu đó để dệt lên một tấm vải về cuộc đời cô. Tuy nhiên, còn nhiều khoảng trống và sự không thống nhất trong những mẩu chuyện truyền miệng hay được ghi lại. Tôi thấy có nhiểu khảo dị của cùng một câu chuyện và ở một chừng mực nào đó, thiếu mất những chi tiết quan trọng. Do đó tôi dùng trí tưởng tượng của mình để điền vào bức tranh về cuộc đời và sự tu tập của cô, thêm vào các chi tiết có hình ảnh để làm sống động hình ảnh tâm linh rõ ràng và rung động của người phụ nữ này và các thành quả phi thường của cô. Đây không phải là một công trình nghiên cứu mà là một bản tiểu sử dưới dạng trần thuật với dụng ý tạo nguồn cảm hứng cho những người hết lòng thực hành Phật Giáo. Với mục đích đó, hy vọng rằng cuốn sách này sẽ được coi như một lời mời để quán chiếu chiều sâu và sự vi tế của tâm có thể được trải nghiệm trên con đường dẫn đến giải thoát hoàn toàn của Đức Phật.
^^^
P h ầ n m ộ t
Phúc lành
Được sinh ra trên đời, chúng ta cứ
bám vào giá trị của những ngày,
những tháng, những năm trôi qua;
chúng ta tin rằng đời ta và cuộc đời
của những người khác là quan trọng.
Do vậy, tâm của chúng ta
triền miên đau khổ.
^^^
Ngọc đá trong suốt
Vào đầu thế kỷ thứ 9, làn sóng di cư của nguời dân tộc Tai ở miền nam Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ và lặng lẽ, như nước lũ mùa mưa tràn vào rừng rậm và bao trùm đồng bằng màu mỡ, nước đổi màu theo màu sắc của bầu trời và uốn cong theo đường cong của những mô đất. Người dân tộc Tai với cùng chủng tộc và văn hóa từ miền Nam Trung Quốc tỏa ra các vùng đất khác nhau, lên các vùng núi và xuống thung lũng đến đất Xiêm cổ.
Trong số nhiều tộc người Tai, có người Phu Tai là những người đi săn, những nông dân độc lập và dũng mãnh. Họ có nguồn gốc từ quận Giao Chỉ của Trung Quốc bên bờ sông Hồng, do có thay đổi chính trị, nên phải tìm đường chạy xuống phía nam, qua nước Lào láng giềng. Rồi dần dần, từ thế hệ này sang thế hệ khác, họ tiến sâu hơn xuống phía nam cho đến khi gặp bờ sông Mê Kông. Họ đã sinh sống ổn định tại đó được vài thế kỷ, rồi dần dần thâm nhập vào các vùng đất màu mỡ bên bờ phía nam và tỏa tiếp sang bờ tây của sông Mê Kông.
Qua vài thế kỷ khó khăn vất vả – từ hạn hán, lũ lụt, thiên tai đến các thảm kịch trong cộng đồng – những người Phu Tai tháo vát cuối cùng đã đoàn kết lại thành một đơn vị chính trị đoàn kết do các đời vua cha truyền con nối cai trị, có quân lính và chính quyền riêng. Vương quốc Mukdahan – được đặt tên từ những viên ngọc đá trong suốt, hay là mukda, mà người Phu Tai tìm được từ lòng suối trong vùng – đã trở thành trung tâm truyền thống bản địa.
Baan Huay Sai là một cộng đồng Phu Tai nhỏ sống bằng nghề nông ở huyện Kham Cha-ee của tỉnh Mukdahan của người Xiêm cổ. Nằm ở bờ xa của đồng bằng sông Mê Kông, nơi dãy nam của núi Phu Phan uốn lượn, ngôi làng nằm gọn trên miền đất cao bằng phẳng giữa hai con sông Huay Bang Sai và Huay Bang Ee. Nơi đó có những căn nhà sàn bằng gỗ mộc mạc, dựng trên nền đất và được cành cây che mát, tựa như khung cảnh sinh sống trong rừng rậm thời tiền cổ. Dân làng là những con người đơn giản, mộc mạc, sinh sống bằng nghề nông và săn bắn thú rừng. Họ trồng lúa, mỗi gia đình trồng trên một mảnh ruộng màu mỡ đã được phát quang xung quanh làng. Đằng sau những mảnh đất phát quang là rừng rậm. Vì có rất nhiều hổ và voi, khu rừng rộng lớn này được coi là nơi rất nguy hiểm và đáng sợ, nên người dân tụ lại với nhau trong khu làng để được an toàn.
Nằm trên vùng đất bồi màu mỡ bên bờ sông Mê Kông, Mukdahan bắt đầu lịch sử của mình như một vương quốc độc lập, và sau đó trở thành vùng bán tự trị, dưới triều đại Chakri của nước Xiêm. Tương truyền rằng Baan Huay Sai đã là nơi sinh thành của ba chị em hoàng tộc – Công chúa Kaew, Công chúa Klum và Công chúa Kah – những người bằng con đường riêng của phụ nữ, đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách của người Phu Tai. Bằng sức mạnh tính cách của mình, họ đã truyền cho các thế hệ con cháu trí thông minh sắc bén, lòng quyết tâm không gì lay chuyển được và quan điểm vô tư, không thành kiến. Tự hào với di sản của mình và độc lập về tinh thần, người Phu Tai có truyền thống, tập quán và ngôn ngữ riêng. Những giá trị quý báu này được truyền từ đời này sang đời khác.
Vào cuối thế kỷ 19, ở nước Xiêm, người điều hành cấp làng của làng Baan Huay Sai là ông Tason Sianglum. Ông Tason được jao meung, quan tỉnh chỉ định. Trách nhiệm của ông là dàn xếp các vụ kiện, làm dịu căng thẳng trong làng, và gắn kết những người Phu Tai vốn có tính công bằng để tạo nên sự yên bình và hòa hợp trong hàng xóm láng giềng.
Xã trưởng Tason là người công bằng và mộc mạc, luôn mong muốn phục vụ tốt cho dân làng của mình. Bằng việc giữ sự yên bình trong làng, ông đã làm tròn bổn phận của mình để giữ gìn truyền thống của người Phu Tai. Vợ của ông, bà Don, là một người phụ nữ dịu dàng, hiền hậu, cũng có chức quan, nhưng không có nhiệm vụ xã hội như ông. Thay vào đó, bà nuôi dạy một gia đình có năm người con. Đầu tiên là ba con trai và tiếp sau là hai con gái. Con gái nhỏ nhất sinh vào ngày 8 tháng 11 năm1901. Mẹ đặt tên cô là Tapai, nghĩa là “vừa mắt”.
Từ khi còn nhỏ, Tapai đã tỏ ra được bao bọc bởi một hào quang bí ẩn, như thể bé biết nhiều hơn những điều bé thể hiện được ra. Khi đủ lớn để nói được, cô bé sung sướng cười rúc rích nói thầm với mẹ về những chuyến bay ban đêm cùng những hình cầu rực rỡ đến những xứ sở kỳ diệu – những nơi cô chỉ có thể mô tả bằng cử chỉ chứ không thể nói bằng lời. Nhiều năm sau, khi đã trở thành tu nữ, cô mới kể lại chi tiết cô đã lớn lên như thế nào, kết bạn với các vị trời, những chư thiên ở các cõi trời mà chỉ có cô mới nhìn thấy hào quang của họ. Họ đã là những người bạn đồng hành trên con đường tâm linh của cô từ nhiều kiếp trước, và họ lo rằng tâm của cô có thể bị cám dỗ bởi vật chất. Để tránh cho tâm cô khỏi bị bám chặt vào hiểu biết của cõi trái đất, chư thiên thường đưa Tapai rời khỏi thân để tới cõi tâm linh chư thiên với họ.
Cha mẹ của Tapai đều là những Phật tử thuần thành, có tâm hướng thượng. Chẳng hạn, họ khéo léo tránh xa việc thờ thần linh, một việc rất phổ biến trong văn hóa Phu Tai. Gia đình họ sống ngay sau chùa làng, nhà họ kề sát ngay lũy tre làm hàng rào của chùa, gần đến mức cây xoài to che mát cho vườn của chùa rụng quả xuống sân nhà Tapai mỗi mùa hè. Trong khung cảnh như vậy, Tapai lớn lên trong tiếng tụng kinh dịu ngọt mỗi buổi sáng, buổi chiều và quen với nhịp sống thường ngày của chùa. Từ khi còn là một đứa trẻ, cô đã học được cách chú tâm bằng cách tập trung vào nhịp điệu tụng kinh nhẹ nhàng, cuốn hút của các sư, cho đến khi âm điệu dội vang trong tâm cô. Cô luôn vui sướng mỗi khi đến ngày lễ Phật giáo tính theo Phật lịch, khi cả làng tập trung lại để tổ chức hội trong sân chùa, ngay sau nhà mình.
Tapai đã được chứng kiến cha mình bày tỏ lòng tôn kính như thế nào đối với các sư. Đó không phải là một sự tôn kính thận trọng, hơi căng thẳng mà ông thể hiện đối với các quan chức cao cấp. Sự thực, đó là sự tôn kính tự nhiên, cởi mở đầy thành tâm và nồng ấm. Mỗi buổi sáng, sau khi Tapai và mẹ của cô đặt bát cúng dường cơm nếp và cà ri, được gói trong lá chuối vào bát của các sư, cha của cô theo các sư đến rìa làng. Ông Tason luôn giữ khoảng cách kính trọng khi các sư nhận cúng dường hàng ngày và giúp đỡ việc mang bình bát đầy nặng thức ăn về chùa. Vào bốn ngày tụng giới hàng tháng – ngày mồng một, ngày 8, ngày rằm và ngày 23 – ông Tason giữ đầy đủ các giới và sung sướng dành thời gian quý báu của mình ở chùa cả ngày để đọc kinh và công quả các công việc lặt vặt phụ các sư.
Là một đứa trẻ, năng lượng sống của Tapai chuyển động tự do giữa thế giới hữu hình và thế giới tâm linh. Rồi, đột nhiên, khi cô năm tuổi, cả hai thế giới đều vỡ sụp. Hoàn toàn chưa nghĩ đến hoặc được báo trước – chưa hề được chứng kiến việc tương tự hoặc tưởng tượng được nó – mẹ của cô bị ốm và chết. Bị sốc và bối rối, tất cả mọi thứ cô tin cậy đều sụp đổ và tan vỡ.
Trong buổi tang lễ đơn giản, Tapai sợ hãi ngó nhìn thân thể lạnh giá, cứng đờ của mẹ, được liệm trong những lớp vải trắng, nằm trên đống cành củi và thân củi sần sùi. Khi lửa bùng lên và cháy qua lớp vải và da, làm lộ ra thịt sống cháy phồng rộp và gân co rút, cô đau xót quay mặt đi. Đến tận khi lửa đã tắt, và tất cả chỉ còn lại tro và than từ xương, cô vẫn không dám nhìn.
Từ cái chết của mẹ, Tapai đã học được từ tấm bé rằng thay đổi và mất mát là một phần của cuộc sống; rằng cuộc sống là không thể tách rời khỏi đau khổ và cái chết. Dần dần, nhờ mọi người trong gia đình giúp đỡ – đặc biệt là hai người anh trai, P’On và P’In – cô bắt đầu hồi phục. Các cậu anh trai rất yêu em – cô em có đôi mắt sáng và tinh thần mạnh mẽ. Mặc dù họ cũng rất đau khổ vì mất mẹ, các anh luôn cố gắng làm Tapai vui và làm cô cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Cuối cùng, mối dây tình cảm mới, gần gũi và thân thiện hơn với người cha đã hoàn toàn nâng đỡ trái tim cô và làm vơi bớt gánh nặng đau khổ.
Sau khi vợ mất, ông Tason bắt đầu đưa Tapai đến chùa vào những ngày tụng giới hàng tháng. Cô ngồi với bố hàng giờ, nghe, nhìn và mơ ước – nhưng, trên tất cả, là làm lành vết thương trong lòng. Cô lớn lên thích không khí trong chùa đến mức bất kỳ khi nào rảnh cô thích chui qua rào, ngồi dưới gốc cây xoài, và không làm gì ngoài việc vui thích tận hưởng cảm giác bình yên.
Tapai thích ngày lễ Visākha Pūjā, lễ vào tháng Năm kỷ niệm ngày sinh, ngày thành đạo và ngày mất của Đức Phật. Tháng Năm ở Baan Huay Sai là một trong những tháng đẹp nhất trong năm. Với những cơn mưa đầu mùa, hoa nở rộ tạo thành những mảng màu rực rỡ khắp nơi và là đó những đóa hoa tuyệt vời cúng dường trong ngày lễ hội. Có rất nhiều hoa, được bày rất đẹp xung quanh hào quang của tượng Phật được đặt theo nhiều tầng. Buổi tối, các sư và Phật tử rước nến đi nhiễu quanh chánh điện; sau đó sư hướng dẫn toàn thể các Phật tử tham dự tụng kinh xưng tán Đức Phật và giáo pháp của ngài. Những lời kinh tụng có sức truyền cảm sâu sắc và cảm động đến nỗi những lời kinh đó nâng tâm của những người tham dự thoát khỏi cuộc sống thường nhật lên một tầng cao quý hơn.
Khi mối dây liên hệ tinh thần giữa cha và con đã được thắt chặt, Tapai bắt đầu rụt rè kể cho bố về thế giới kia của cô, thế giới nội tâm đầy kỳ bí và ngạc nhiên. Ông Tason nghe một cách kiên nhẫn những câu chuyện của các vị thần hay đùa nghịch và những trò chơi trong thế giới tưởng tượng – những chuyến bay tưởng tượng mà ông lắng nghe nhưng cẩn trọng không hề tin tẹo nào.
Sau đó, khi bảy tuổi, Tapai bắt đầu nhớ lại những kiếp sống trước, cả kiếp người lẫn không phải người. Một cách ngây thơ và thiết tha, cô kể cho cha những kiếp sống mà cô tự động nhớ được như là nhìn thấy được: kiếp sống làm gà, làm thầy thuốc, công chúa, người bình dân. Cha của Tapai không bao giờ vui với khả năng thần thông như vậy của cô và ngày càng thể hiện rõ ràng sự cấm đoán. Thái độ của ông thay đổi hẳn. Sắc mặt ông tối lại và một dấu hiệu mới trong lời nói của ông – giọng nói trở nên đe dọa. Ông cảnh cáo cô – đầu tiên là nhẹ nhàng, và sau đó là nghiêm khắc hơn – không được kể những điều nhìn thấy này cho bất kỳ ai; nếu không họ sẽ gọi cô là điên, hoặc còn tệ hơn nữa. Ông sợ rằng một biệt hiệu như vậy sẽ đeo đẳng theo cô khi cô lớn lên trong cộng đồng nông thôn nhỏ này.
Dần dần, Tapai cũng thích nghi được với hoàn cảnh sống mới của gia đình bằng cách đảm đương trách nhiệm truyền thống làm các việc của phụ nữ. Tapai chia sẻ việc gánh vác việc nhà cùng với người chị gái. Vì khỏe hơn và ngoan cường hơn, Tapai quyết tâm làm tròn vô số việc không tên mà cô đã thấy mẹ làm một cách gọn gàng. Cần có người dậy sớm để nhóm lửa và đồ xôi. Phải có người dọn cơm, rửa nồi xoong và dọn nồi đi. Rồi còn việc quét nhà, lau chùi, giặt giũ; xe sợi, dệt vải và vá quần áo. Cần bện chổi, đan thúng – đan tre thành những cái nong đựng gạo nếp và tết song mây thành những thứ để đi lượm nấm dại và rau rừng.
Quyết tâm rèn luyện thân thể để quen dần với các nhiệm vụ mới, Tapai trở nên thành thạo với tất cả những nhiệm vụ này ngay khi còn bé. Mỗi một việc vặt, mỗi một việc thủ công đòi hỏi kỹ năng đặc biệt, và lặp đi lặp lại hàng giờ để làm cho thuần thục. Khi không làm những việc này ở nhà, cô làm việc ở ngoài đồng hoặc trong những khu rừng cạnh nhà, những việc này lại đòi hỏi những kỹ năng khác. Mẹ cô đã từng mang cô đi quanh những ngọn đồi cạnh nhà để lượm cây thuốc và rau rừng, hoặc đánh cá ở các ao rìa làng. Bây giờ cô đi cùng các cô bác hoặc chị em họ, học cách phân biệt nấm dại với nấm ăn được, rau ngọt và rau đắng. Dù là trồng trọt, gặt hái hay đơn giản là tụ họp lại với nhau, thực phẩm luôn là mối quan tâm hàng ngày.
Gạo nếp – nông phẩm chủ yếu của người Phu Tai – là thứ không thể thiếu của dân làng, nó ảnh hưởng đến sự sống còn của họ. Khi thấy mùa mưa hàng năm sắp tới, nông dân gieo mạ trên những mảnh đất nhỏ và cho trâu cày ruộng. Khi những cơn mưa bắt đầu tới và tưới đủ nước cho đất, đồng ruộng được trâu cày lúc trước thành bùn, nay trở thành những thửa ruộng tốt để cấy mạ. Khi đó, từng nhóm phụ nữ, cúi lưng và đi giật lùi, cầm trong tay một nắm mạ cắm xuống bùn sâu, cấy vài cây mạ vào cùng một gốc và cố gắng giữ mạ thẳng hàng.
Trồng lúa là một việc rất tốn công, nhưng cũng làm quan hệ làng xóm thắt chặt hơn. Sau khi mẹ của Tapai mất, tất cả phụ nữ trong họ của cô làm việc cùng nhau suốt từ khi gieo mạ đến khi thu hoạch ở thửa ruộng của cha cô. Khi còn quá bé để làm việc nặng, Tapai thường đứng trên bờ ruộng dưới bầu trời màu xám để nhìn những người phụ nữ bước trên bùn mỏng, mong đến một ngày mình được làm việc bên cạnh họ.
Vài năm sau, khi đã đoạn tang, cha của Tapai tái hôn. Vợ mới của ông là một quả phụ có chồng chết vì bệnh dịch. Các nạn dịch thường xuyên xảy ra trong làng, làm cho cuộc sống đã vất vả càng vất vả hơn. Tapai thích người mẹ kế của mình. Họ quý nhau ngay lập tức; và Tapai có người bạn mới là con gái của bà. Cảm giác như đó là một sự bắt đầu mới, và Tapai lại cảm thấy hạnh phúc. Cô đón nhận mọi việc với nụ cười nở sẵn trên môi; và sự khó nhọc của cuộc sống nông thôn dường như tan biến khi cô cảm thấy tuơi vui.
Nhưng, khi em cùng cha khác mẹ của cô chết sau khi sinh, Tapai một lần nữa lại đau buồn vì mất mát. Cô lại cảm nhận được sự thật cay đắng của vô thường – hiểu biết mà dường như định mệnh đã giành riêng cho cô phải nhận ra trong thế giới luôn luôn thay đổi và mất mát của cô. Cô thấy rằng thế giới quanh cô tan vỡ để rồi lại đổi mới hàng ngày với từng lý do riêng. Thay đổi là một sự thật bất di bất dịch của cuộc sống, rằng chia ly đơn giản trở thành một phần bình thường của sự sống.
Người dân Phu Tai sống rất vất vả. Công việc của phụ nữ không bao giờ ngừng; nấu nướng, giặt giũ, khâu vá, dệt vải, gieo hạt và thu hoạch lúa – năm này qua năm khác. Một điều có tác dụng nâng đỡ Tapai là cô rất hợp mẹ kế. Họ gần gũi nhau trong công việc, chia sẻ những việc nặng và những giây phút thư giãn nhẹ nhàng và vui vẻ. Tapai cũng tìm được trợ giúp ở những thứ khác. Vì không có trường làng, Tapai không được đi học. Thay vào đó, cô lấy nhà mình, đồng ruộng và cánh rừng hoang dã làm trường học của mình. Ở những nơi đó cô học được những bài học thực tế và cần thiết cho cuộc sống: bài học về tình yêu, về sự hy sinh, về sự thay đổi và về lòng kiên nhẫn; và cả bài học từ sự không hài lòng và về lòng kiên định; bài học về sự đau khổ và về tâm xả ly. Với cách học này, sự học trong thời thơ ấu của cô cứ tiến triển từng năm một.
^^^
Hãy tự biết mình, chấp nhận lỗi lầm
của mình và cố gắng sửa chữa.
Đừng giấu gì nơi mình. Hơn cả thảy,
đừng tự lừa dối mình. Bạn có thể
lừa dối cả thế giới này, nếu bạn muốn,
nhưng đừng bao giờ tự lừa dối mình.
^^^
Tinh thần chiến đấu quả cảm
Thỉnh thoảng, trong mùa khô và nóng hàng năm, các vị du tăng theo hạnh đầu đà dhutanga đi qua Baan Huay Sai tìm những nơi tách biệt để dựng lều và độc cư hành thiền. Những ngọn núi và các cánh rừng xung quanh làng là những khu vực rất hoang vu và nguy hiểm. Dã thú chạy rong tự do, và người ta tin rằng thần ác ngự trị ở đây. Nơi đấy vẫn còn là rừng rậm và nỗi sợ hãi làm nó thành xa xôi và biệt lập. Đất này trở thành nơi lý tưởng cho các vị du tăng đến tu thiền và thực hành lối sống khổ hạnh trong yên vắng.
Không dính mắc, sống biệt lập và quyết tâm tu hành, các vị sư dhutanga đi bộ xuyên qua những vùng hoang vu, thường là một mình, dọc theo những đường mòn không dấu chân người. Các sư tìm những nơi hẻo lánh giúp cho thân và tâm được tĩnh lặng, bình an – một đỉnh núi, một cái hang, một mỏm đá chìa ra – những nơi phù hợp cho việc phấn đấu để diệt tận mọi đau khổ. Sống cuộc sống hoàn toàn ngoài trời, những vị sư dhutanga thường xuyên phải chịu tình trạng phụ thuộc vào sự run rủi của môi trường và sự bất thường của thời tiết. Sống hài hòa với môi trường tự nhiên xung quanh, cuộc sống hàng ngày của vị sư dhutanga gắn liền với sự đa dạng phong phú của thiên nhiên: đá và cây, sông và suối, hổ, rắn, voi và gấu. Các sư sống nhờ thức ăn cúng dường của người dân sống thành những cụm nhỏ xung quanh bìa rừng.
Người Phu Tai cảm thấy như được kết nối với những vị du tăng khổ hạnh có tinh thần dũng cảm như các chiến binh. Do vậy, các sư dễ dàng tìm được sự hộ trì trong cộng đồng Phu Tai. Cha của Tapai rất kính mến các vị sư sống trong rừng: ông gọi các ngài là “Những người con đích thực của Đức Phật” với nụ cười nể phục. Thật nồng ấm khi nhìn thấy các sư, ông mừng đón các sư đến với lòng háo hức như con trẻ.
Năm 1914, Ajaan Sao Kantasīlo – một vị đại sư dhutanga rất nổi tiếng – đã làm thay đổi cuộc sống tinh thần của Baan Huay Sai mãi mãi. Một hôm, ngài và một số ít đệ tử đi bộ từ một nơi rất xa đến vùng này. Các sư đã đi hàng tháng, trước tiên từ Lào vượt qua sông Mê Kông, đến tỉnh Nakhon Phanom của Xiêm, sau đó trèo qua những ngọn đồi phía đông của Sakhon Nakhon và xuống vùng Phu Phan hoang sơ để đến Mukdahan.
Mặc dù đã 55 tuổi, Ajaan Sao đi bộ suốt nhiều ngày dưới cái nóng nhiệt đới, xuyên qua các vùng cheo leo với những bước chân vững chắc không chút gắng gượng. Khi ngài và nhóm của mình đến Baan Huay Sai, mùa mưa hàng năm vừa vặn bắt đầu. Tiếp theo sau những đám mây bao phủ bầu trời và những cơn mưa rào dịu mát là ánh nắng rực rỡ chiếu lung linh, trong khi không khí nóng ẩm vẫn còn ôm chặt mặt đất. Ajaan Sao biết rằng sự thay đổi của thời tiết buộc ngài phải tìm một nơi phù hợp để an cư mùa hạ, ba tháng thiền tích cực hàng năm. Theo lời dạy của Đức Phật, các vị sư không đi từ vùng này sang vùng khác trong mùa mưa mà an cư tại một chỗ, nơi có mái che.
Mọi người nhìn thấy ngài Ajaan Sao vào một buổi rạng sáng sương mù ẩm ướt khi ngài dẫn đầu một đoàn đắp y màu đất đỏ đến khu làng còn đang ngái ngủ. Đi chân trần và bình bát đeo tréo bên vai, các vị sư sẵn sàng đón nhận những gì mà người dân phát tâm dâng cúng: xôi, cá muối, chuối, nụ cười và sự đảnh lễ cung kính. Cảm kích trước dáng vẻ trang nghiêm, trầm lặng của các sư, những người đàn bà, đàn ông và trẻ nhỏ trong làng thi nhau tìm thức ăn để cúng dường đến các vị “Pháp sư”, ríu rít qua lại sôi nổi. Khi Ajaan Sao và các vị đệ tử của mình đi qua nhà của Tapai, cả nhà ra đứng cung kính bên vệ đường đất trước cửa nhà, chờ để được đặt thức ăn vào bát của các sư, với hy vọng tích lũy phước báu đặc biệt nhờ việc cúng dường của mình.
Háo hức muốn khám phá những vị sư mới đến là ai, cha của Tapai và một vài người bạn đi theo các sư về nơi dựng lều tạm dưới chân núi gần đó. Mặc dù Ajaan Sao được tôn kính như một vị sư trưởng vĩ đại nhất trong vùng, ông Tason và các bạn của mình chưa được gặp mặt ngài bao giờ. Các ông đi từ ngạc nhiên đến vui mừng và sung sướng khi được nghe tên ngài. Cha của Tapai quyết tâm mời Ajaan Sao ở lại trong vùng, dù chỉ là một mùa mưa. Vì đã quen với địa hình trong vùng – những con suối chảy xiết và những con sông đầy gió, những cái hang cheo leo và những tảng đá trồi trên mặt đất, những trảng cỏ savanna trải rộng và cánh rừng rậm rạp – ông Tason đã giới thiệu cho vị thầy đáng kính nhiều nơi khác nhau để an cư trong mùa mưa. Ông cảm thấy nhẹ lòng, rồi vô cùng sung sướng khi Ajaan Sao chọn an cư kiết hạ tại Hang Banklang, nằm trong khu rừng bằng phẳng có nhiều sỏi cách làng khoảng một giờ đi bộ.
Rất lâu từ trước khi biết đến đạo Phật, người Phu Tai có truyền thống cổ xưa thờ thần linh. Họ tôn sùng và cúng tế linh hồn ông bà tổ tiên nhân từ và các vị thần cai quản rừng. Thờ tổ tiên đã ăn sâu vào tính cách của họ đến mức bàn thờ trở thành bộ phận trung tâm trong cuộc sống gia đình. Các gia đình dâng đồ cúng lễ hàng ngày để an ủi các tổ tiên quá vãng từ lâu đời, là hành động được tin là sẽ bảo vệ gia đình, ngôi nhà, và thậm chí cả làng thoát khỏi các việc chẳng lành – kể cả việc sẽ có những hậu quả xấu nếu sao lãng không thực hiện nhiệm vụ linh thiêng này. Khi mọi việc suôn sẻ có nghĩa là các thần hoặc tổ tiên hài lòng với những nỗ lực của gia đình. Không lễ bái sẽ làm cho các vị thần không hài lòng, là lý do cho việc chẳng lành xảy ra. Người ta chọn ngày lành để bắt đầu làm bất kể việc gì và dâng cúng lễ vật để các vị thần trong vùng hài lòng. Không được bỏ qua thần đất và thần trời. Vì có liên quan mật thiết với lúa và nước, người Phu Tai đã thừa hưởng được câu ngạn ngữ cổ: “Khi ăn phải nhớ các thần. Thần Nông cho lúa, Thủy thần – cá tôm.”
Do đó, mặc dù mỗi làng đều có một ngôi chùa làm trung tâm, gọi là wat, việc thờ thần linh vẫn là một phần quan trọng trong cuộc sống của dân làng. Trong nhiều năm, Ajaan Sao đi qua nhiều vùng nông thôn, làm sáng tỏ cho người dân về lợi ích của việc ứng xử có đạo đức và giải thích về quan hệ nhân quả trong những hành động và đức tin của họ. Ajaan Sao không phủ nhận sự tồn tại của các quỷ thần và thánh thần. Họ cư ngụ ở mọi nơi, trong mọi vật – rừng, cây, núi, hang động, sông, ruộng, đất và trên trời – và ngài tin vào sự tồn tại của cõi phi vật chất. Điều ngài phản đối là việc tin rằng những thực thể đó là nguyên nhân, là kẻ chủ mưu gây ra đau khổ cho con người; và việc tin rằng dâng cúng lễ vật có thể tránh được tai họa và sự bất hạnh.
Các vị thần và ma quỷ trong vùng là một phần cuộc sống của người Phu Tai như là mặt trời, mưa và sương buổi sáng; là không thể thoát ra khỏi như là ra đời, sống và chết. Điều này Ajaan Sao không hề bác bỏ. Nhưng ngài dạy họ rằng tất cả các chúng sinh vô hình đều nhận kết quả của nghiệp từ chính hành động của mình; mỗi chúng sinh đều là sản phẩm của nghiệp (kamma) của mình, cũng giống như mọi người dân trong làng. Thờ cúng những chúng sinh này, rốt cục, tạo cho họ quyền lực không phải của họ. Cốt lõi trong lời dạy của Ajaan Sao là ở trách nhiệm của mỗi người. Dễ chịu hay đau đớn, hạnh phúc hay khổ đau, đầy đủ hay thiếu thốn: tất cả đều là kết quả của những nghiệp quá khứ của mỗi cá nhân, kết hợp với hành vi đạo đức của mình trong hiện tại.
Chuẩn bị cho Ajaan Sao ở lại an cư nhập hạ đòi hỏi việc xây dựng chỗ ở để chống chọi với mùa mưa: một cái chòi cho mỗi vị sư, và một sala trung tâm làm nơi ăn và tụng giới của chư tăng. Những đoạn đường cho việc thiền hành cần phải được san phẳng và cần đào hố xí. Với niềm vui trong tâm và sức mạnh trong mỗi bước chân, cha của Tapai nhanh nhẹn xung phong phục vụ – đốn cây, xẻ gỗ làm cột chắc chắn, chẻ và nén tre làm sàn và tường, lượm và bện cỏ tranh để lợp mái. Phát quang, làm phẳng và quét dọn sạch đường; đào nhà vệ sinh ngoài trời có cỏ tranh bao quanh. Khi ông Tason và các bạn mình hoàn thành công việc, một thiền viện nhỏ gọn trong rừng đã được dựng lên từ những sản phẩm hoang sơ của rừng rậm.
Sự thay đổi tâm linh diễn ra từ từ trong làng của người Phu Tai: đầu tiên là một gia đình, rồi sau đó là gia đình nữa. Tín ngưỡng đã thay đổi bất ngờ: dân làng tin vào sức mạnh bảo vệ của Đức Phật và tin vào sức mạnh công đức giữ giới của chính mình. Nhiều nhà đã đốt điện thờ thần và những vật thờ cúng thành tro. Một số người vẫn còn chưa tin vào Đạo Phật và do dự. Ai mà biết được các thần quanh vùng sẽ phản ứng như thế nào. Nhỡ đâu các ngài lại trả thù thì sao?
Bản tính vốn kiệm lời, Ajaan Sao rất ít dùng lời nói để đánh bật nỗi sợ hãi và khắc sâu niềm tin và đức hạnh cho dân làng. Khi giảng những bài Pháp liên quan trực tiếp đến vấn đề này, để dễ hiểu, ngài dạy họ những bài học đơn giản. Để được thấm nhuần niềm tin vào Giáo Pháp, ngài khuyến khích họ thay thế tục lệ cúng bái bằng việc quy y theo Phật, Pháp và Tăng. Để nhấn mạnh về đức hạnh, ngài khuyến khích họ giữ năm giới: tránh xa sự sát sanh, trộm cắp, nói dối, tà dâm và dùng các chất say. Dân làng đã học được rằng khi canh chừng tâm ý và hành động của mình qua sự luyện tập đơn giản nhưng rất hiệu quả, nhờ đó mà họ tránh được những cách hành xử có hại cho mình và người khác, họ đạt được những biện pháp bảo vệ cho chính mình.
Và để giúp họ vượt qua và thoát ra khỏi nỗi sợ hãi của chính mình, Ajaan Sao dạy họ sức mạnh bảo vệ từ việc hành thiền. Đầu tiên, ngài dạy người dân đảnh lễ Đức Phật bằng cách đồng thanh xưng tán các ân đức của Đấng Thế Tôn. Khi tâm của họ đã trở nên thanh tịnh, ngài bắt đầu làm dịu đi những nghi ngờ và lo lắng của họ khi nói một cách đơn giản và ngắn gọn: “Đừng lo sợ. Một khi các con còn hành thiền, tập trung vào ‘buddho, buddho, buddho’, các quỷ thần không bao giờ quấy nhiễu các con. Tất cả mọi người đều có lúc ốm trong đời mình. Nhưng thật là vớ vẩn nếu nghĩ rằng ốm là do ma quỷ gây ra. Cơ thể chúng ta đang tự liên tục tan hoại và hồi sinh. Thân thể con người và ốm đau luôn đi liền với nhau. Thật là vô nghĩa khi yêu cầu những người thân đã chết giúp đỡ mình. Tốt hơn cả là hãy hành thiền và hồi hướng phước báu từ những việc mình làm tới tổ tiên. Khi đó cả mình lẫn những người quyến thuộc đó đều được lợi ích.”
Theo tục lệ, dân làng – đặc biệt là những người Phật tử thuần thành – dành thời gian trong những ngày tụng giới trong tháng cho các hoạt động tôn giáo. Họ đến thiền viện cúng dường vật thực, giúp các việc vặt, nghe giảng Pháp, hành thiền hoặc kết hợp những việc đó. Tapai, khi đó 13 tuổi, thường đi theo cha mẹ từ sáng sớm đến hang Banklang. Dẫu sao, vì là con gái, cô không được ngồi chung với các sư. Do đó, khi Ajaan Sao giảng pháp cho Phật tử, Tapai ngồi tít phía sau của sala, chỉ đủ tầm để nghe giọng nói dịu ngọt và nhẹ nhàng của ngài.
Ngồi sau các bà các cô và sau vai của người mẹ kế, Tapai đã lĩnh hội được bầu không khí xung quanh cùng những bài giảng. Cô, cũng như những người dân làng khác, đã thừa hưởng được những niềm tin theo văn hóa của vùng mình một cách tự nhiên. Cách nhìn nhận cuộc sống của cô được dựa trên cùng một nền tảng lịch sử. Nhưng dù đã biết đến sự tồn tại của các thánh thần từ khi còn bé, Tapai không hề mê tín. Thay vào đó, cô thích tìm hiểu mối quan hệ nhân quả theo cách suy nghĩ thông thường. Do đó, trong khi gia đình cô còn có một bàn thờ nhỏ thờ thần linh ông bà, xu hướng tự nhiên của Tapai lại là nương tựa nơi Đức Phật và sự chân thật của những lời Đức Phật dạy.
Do vậy, từ sớm Tapai đã cảm nhận được ảnh hưởng lâu dài của Ajaan Sao. Cô hưởng ứng theo phong cách giản dị và thực tế của ngài, tính cách điềm đạm và bình thản; vẻ bề ngoài trang nghiêm, thánh thiện. Ngài khích lệ sự sùng kính sâu thẳm nơi cô và để lại một ấn tượng không thể phai mờ về tính cách, lời nói và sự hiện diện của ngài. Mặc dù cô không thực sự cố gắng tập trung để hành thiền như ngài dạy, Tapai cảm thấy trong tâm rằng Ajaan Sao đã đạt được sự an lạc tuyệt đối. Chẳng bao lâu sau, cô cảm nhận được sức mạnh vi tế từ tính cách của Ajaan Sao kéo cô đi theo một hướng khác.
Lần đầu tiên cô cảm nhận lực kéo này vào một dịp đáng nhớ. Cô nghe thấy Ajaan Sao tán dương hảo tâm của những người phụ nữ trong làng trong việc trợ giúp các sư. Hàng ngày, việc cúng dường thức ăn và các vật dụng khác của họ không những giúp ích cho các sư, mà còn tạo phước báu cho tương lai của họ nữa. Sau đó ngài bổ sung một cách ngắn gọn và rõ ràng rằng công đức của bố thí cúng dường không là gì so với công đức của việc xuất gia làm tu nữ đắp y màu trắng hành thiền trong rừng. Những lời này khuấy động tận đáy lòng của Tapai. Ajaan Sao nói, các tu nữ là ruộng phước cho tất cả các chúng sinh. Với lời tuyên bố đó, Ajaan Sao đã gieo hạt giống nhỏ trong tâm cô bé để mai kia sẽ lớn thành một cây Bồ Đề uy nghi.
Đừng nghi ngờ giá trị của việc
hành thiền hoặc đánh giá thấp
khả năng của mình. Hãy tự hài lòng
với tiến bộ của mình vì nó phản ánh
một phần sự thật mà bạn đang
tìm kiếm. Vì vậy, đó là cái bạn
có thể tin cậy được.
Phúc lành của cả một đời
Ajaan Sao đã sống quanh Baan Huay Sai ba năm, lần đầu tiên ở một khoảnh rừng, sau ở một khoảnh khác. Khi ngài rời khỏi huyện Kham Cha-ee và đi lên phía bắc, đời sống tín ngưỡng trong vùng đã được cải thiện. Ajaan Sao có uy lực tới mức bây giờ phần lớn người dân ở đây thích theo Đạo Phật hơn việc thờ cúng thần linh.
Cha của Tapai đã đi theo Ajaan Sao khi ngài di chuyển từ chỗ nọ sang chỗ kia trong vùng, đề xuất những địa điểm thanh vắng mới và cùng bạn bè mình dựng những cái chòi nhỏ bằng tre dâng cúng ngài và các đệ tử của ngài. Cũng như bao người khác, ông hài lòng thấy Đạo Phật lại phục hồi trong cộng đồng của mình. Mặc dù cha của Tapai buồn khi Ajaan Sao ra đi, nhưng đồng thời ông cũng được an ủi khi biết rằng Đạo Phật đã được xây dựng vững chắc trong tâm trí của những người hàng xóm Phu Tai của mình. Tuy nhiên, ông không ngờ được rằng sau sự ra đi của Ajaan Sao thì bậc Đại Sư đáng kính nhất trong các vị sư sẽ xuất hiện.
Ajaan Mun Bhūridatto là một huyền thoại. Câu chuyện về cuộc đời và sự giác ngộ tâm linh của ngài có một vị trí tôn vinh không gì sánh nổi trong lịch sử Thái Lan hiện đại. Danh tiếng của ngài đã được truyền khẩu từ người này sang người khác, qua các vùng tới các tỉnh Đông Bắc. Người ta nói rằng ngài đã thấu rõ bản chất sâu sắc của Pháp với sức mạnh và khả năng thuyết phục tới mức thậm chí các vị thần đều khuất phục trước sự hiện diện của ngài. Chư thiên, thần núi nāga, thần chim garuḍas và Atula đều ngưỡng phục hấp lực từ tình thương và lòng từ bi toát ra nơi ngài. Cách sống mộc mạc của ngài đã làm cho ngài trở thành bậc thầy của những vị tu khổ hạnh, người đi tiên phong tu hạnh đầu đà. Những đệ tử, những vị sư noi theo hạnh tu của ngài nhiều vô kể và ngài hướng dẫn các vị sư đó bằng kỷ luật cương quyết của một chiến binh tinh thần quả cảm. Người ta đồn rằng chỉ cần gặp được Ajaan Mun một lần, người đó sẽ có cả cuộc đời hạnh phúc.
Là một vị sư đầu đà thực thụ, Ajaan Mun ít khi ở lại một chỗ nhiều hơn một mùa an cư. Qua mùa mưa, ngài và các sư khác lại tự do lên đường, không vướng bận gì, xuyên qua các vùng hoang vu rộng lớn của miền Đông Bắc, như chim xổ lồng, bình an sải cánh bay đến bất cứ nơi nào những ngọn gió đưa tới. Như những cánh chim, bay liệng tự do và hạ cánh trên cây, ao hồ hoặc đầm lầy; sau đó lại vút đi và bỏ lại phía sau tất cả những lưu luyến, các vị sư hạnh đầu đà cũng vậy, sống đời cao thượng không dính mắc.
Rồi đến năm 1917 khi mùa mưa sắp đến gần, Ajaan Mun và một đoàn gồm sáu mươi vị sư đi từ phía bắc xuống chân núi trông sang Baan Huay Sai. Các sư dựng lều dưới gốc cây, trong hang, dưới mỏm đá cheo leo và gần nghĩa địa. Tiếp theo con đường mới mở vào cộng đồng Baan Huay Sai của Ajaan Sao, sự xuất hiện của Ajaan Mun lại làm bản làng nhộn nhịp lên. Dân làng vui sướng với triển vọng tạo phước báu nhờ việc trợ giúp các sư. Cả Baan Huay Sai chào đón các vị sư với niềm tin và lòng tri ân.
Ajaan Mun và các đệ tử của ngài tu tập ở nơi mới, sống đơn giản và hành thiền theo truyền thống dhutanga. Nhiều người dân tụ họp nơi các sư dựng lều bên sườn đồi vào các ngày tụng giới âm lịch, và cha mẹ của Tapai luôn tham gia cùng họ. Vào thời điểm đó, Tapai biết rất ít đến danh tiếng lỗi lạc của Ajaan Mun. Cô đã nghe đến tên của ngài khi người ta nói đến Ajaan Sao – rằng hai ngài là đôi bạn tâm linh thân thiết từ rất lâu, giúp đỡ và động viên nhau trên con đường tu tập. Đó là tất cả những gì Tapai biết. Thỉnh thoảng cùng cha mẹ tới thiền viện, Tapai nhận ra sự khác biệt giữa Ajaan Mun và Ajaan Sao. Cô thấy ngay tính cách năng động, mạnh mẽ của Ajaan Mun ngược hẳn với tính điềm đạm và trầm tĩnh của Ajaan Sao. Ajaan Mun thấp hơn và mảnh dẻ hơn Ajaan Sao, nhưng khi nói, ngài hoạt bát hơn: cánh tay khua lên, cử chỉ bàn tay mạnh mẽ, và giọng như sấm rền.
Đầu tiên Tapai hơi sợ Ajaan Mun; hơi rụt rè với tính cách mãnh liệt của ngài. Mỗi buổi sáng cô đặt bát cúng dường thức ăn đến ngài ở trong làng, Ajaan Mun thường dừng lại và trực tiếp hỏi cô, khích lệ cô đến gặp ngài thường xuyên hơn. Nhưng, vì xấu hổ và nhút nhát khi gặp mặt ngài, Tapai chỉ dám đi vào những ngày lễ đặc biệt cùng bố mẹ và một nhóm dân làng khác. Ajaan Mun thường đặc biệt quan tâm tới cô, thường xuyên nhận ra sự có mặt của cô vào những ngày tụng giới và hỏi cô vài lời. Biết bằng trực giác rằng cô có khả năng đặc biệt trong việc phát triển tâm linh và là người rất thành tâm, ngài bắt đầu khuyến khích cô hành thiền. Ngài giải thích cho cô những kỹ năng cơ bản giống như Ajaan Sao đã dạy: niệm thầm danh từ ‘buddho’ để thiền, thực hành lặp đi lặp lại liên tục đến khi từ đó trở thành đối tượng nhận biết duy nhất. Ngài nhấn mạnh rằng tỉnh giác – tỉnh thức và hay biết rõ ràng từng khoảnh khắc phát âm từng âm tiết, bud-dho, bud-dho – cần phải có mặt để định hướng sự nỗ lực của cô: nó sẽ giúp cô trở nên nhạy bén và chú tâm hoàn toàn tới sự sinh và diệt của từng niệm. Một phương pháp đơn giản, cô nghĩ; nhưng, vì bản tính rụt rè, ban đầu cô lưỡng lự chưa thực hành theo.
Sau nhiều lần Ajaan Mun lặp đi lặp lại yêu cầu cô thử hành thiền, Tapai mới đồ rằng cô hẳn vốn có khả năng nào đó. Cô tự nghĩ: “Mình chỉ là một cô gái nông thôn bình thường, nhưng hẳn là mình vốn có một căn lành nào đó. Chứ không làm sao ngài lại quan tâm đến mình như vậy? Từ nay trở đi, mình phải theo lời khuyên dạy của ngài và cố hành thiền theo cách ngài đã rất từ bi chỉ dạy cho mình”.
Một buổi tối, sau khi ăn xong, Tapai chuẩn bị sẵn sàng và vào giường sớm. Cả ngày, cô cảm thấy một lòng quyết tâm mạnh mẽ tuôn trào trong tâm cô: hôm nay là ngày cô tập trung hoàn toàn vào việc niệm buddho, như Ajaan Mun đã dạy cô. Với sự thành tâm và mục đích nghiêm túc, Tapai bắt đầu niệm buddho thầm trong tâm để thiền. Sau khoảng mười lăm phút niệm khoan thai và đều đặn, tâm thức của cô bỗng rơi vào tâm và quy tụ thành một trạng thái tĩnh lặng sâu. Trạng thái như thể là cô rơi tụt xuống đáy của một cái giếng, nơi mà thân và tâm của cô tan vào sự yên lặng. Trải nghiệm này quá mới mẻ, và quá đặc biệt đến nỗi cô không biết cái gì đã xảy đến với mình.
Sau một thời gian ngắn, tâm của cô thoát ra khỏi trạng thái định sâu một chút, và cô bắt đầu khó chịu thấy hình ảnh thân mình nằm chết trước mặt. Cô nhận thấy xác của mình rất rõ ràng. Hình ảnh đó rất thật, và rõ ràng đến từng chi tiết, đến nỗi cô bị thuyết phục rằng cô hẳn đã chết. Bỗng nhiên, một ý nghĩ tự nhiên dấy lên làm tan sự tĩnh lặng: “Nếu mình đã chết, ai sẽ là người thay mình nấu cơm đặt bát cúng dường tới các sư ngày mai? Ai sẽ là người kể cho Ajaan Mun rằng mình chết trong khi ngồi thiền đêm nay?”
Nhanh chóng ngăn chặn những lo lắng này, Tapai ổn định lại tâm và chấp nhận số phận. Cô đăm chiêu suy nghĩ: “Nếu mình chết thì là mình chết! Tất cả mọi người trên thế gian này đều phải chết. Không ai có thể thoát khỏi cái chết. Đến cả ông vua một ngày kia cũng phải chết.”
Sau đó cô lấy lại được quyết tâm và tập trung khi cô chú tâm vào cái xác chết nằm sõng soài trước mặt cô. Hình ảnh đó không mờ đi, hoặc ít nhất không thay đổi, càng làm cho cô có cảm tưởng rằng cô thật sự đã chết. Khi cô còn đang suy nghĩ về hậu quả của cái chết của mình mà chưa có câu trả lời thì một nhóm dân làng xuất hiện bằng hình ảnh trong tâm của cô. Họ tự xuất hiện trong cảnh, từ từ nhấc cái xác chết không hồn mềm rũ của cô và đưa sang nghĩa địa gần đó. Khi dân làng đặt xác cô xuống giữa một bãi hoang vắng, cô nhận thấy Ajaan Mun và một nhóm các sư trang nghiêm tiến về phía cái xác. Ajaan Mun dừng lại trước cái xác và nhìn chằm chằm xuống đó một giây trước khi quay lại các sư và nói: “Cô gái này đã chết. Bây giờ ta sẽ cử hành tang lễ.”
Trong khi các sư nhìn cái xác một cách điềm tĩnh, đầu hơi cúi xuống, Ajaan Mun nhẹ nhàng tụng kinh đám ma: “Aniccā vata saṅkhārā…”
“Khi những bộ phận cấu thành một cơ thể đã chết, tấm thân đó không còn dùng được nữa. Nhưng tâm không chết, nó vẫn tiếp tục hoạt động không ngừng. Khi tâm phát triển trên con đường của phạm hạnh, lợi ích là vô cùng. Nhưng nếu tâm theo các đường ác, nó trở thành nguy hiểm cho chính người đó.”
Với phong thái khoan thai điềm tĩnh, Ajaan Mun tụng đoạn này ba lần liên tiếp. Đứng thẳng và hoàn toàn không động đậy, trừ sự chuyển động của cánh tay, ngài dùng cây gậy của mình gõ vào cái xác ba lần, mỗi lần gõ tụng lên:
“Thân này không tồn tại mãi mãi; sinh ra thì phải chết. Nhưng tâm thì vẫn tiếp diễn. Tâm không bao giờ sinh và tâm không chết đi cùng với thân. Tâm luôn luôn hoạt động, quay tròn và dịch chuyển, tuân theo nhân và duyên dẫn dắt nó.”
Tiếp tục dùng cây gậy của mình gõ vào cái xác theo nhịp điệu, Ajaan Mun lặp đi lặp lại sự thật này. Với mỗi cái gõ nhẹ, thân của cô bắt đầu tan rữa. Đầu tiên là lớp da phồng lên rồi tróc ra, để lộ ra lớp thịt bên dưới. Một cái gõ nữa, thịt và gân thối rữa, để lộ ra xương và nội tạng. Lặng đi, Tapai thụ động nhìn toàn thể thân mình tan rữa nhanh chóng, cho đến khi chỉ còn đầy đủ bộ xương cứng. Ngài đặt tay lên bộ xương còn sót lại và nhấc cái “nhân” của tim đặt vào lòng bàn tay mình, Ajaan Mun tuyên bố:
“Tâm này không thể bị phá hủy. Nếu đã bị phá hủy, con không bao giờ có thể tỉnh lại được.”
Tapai chứng kiến toàn bộ cảnh này diễn ra với tâm trạng pha lẫn run sợ và bối rối. Cô không chắc phải hiểu như thế nào. Khi Ajaan Mun ngừng nói, cô băn khoăn: “Nếu cơ thể tan rữa khi chết, còn mỗi xương thôi, thì cái gì tỉnh lại?”
Vẫn nhìn vào cái nhân trong tay mình và không rời mắt, Ajaan Mun trả lời ngay câu hỏi của cô: “Nó sẽ quay trở lại! Tại sao con không tỉnh lại khi cái nhân giúp tỉnh lại vẫn còn đây? Con sẽ tỉnh lại vào rạng sáng hôm sau.”
Tapai đã qua cả một đêm ngồi thiền, hoàn toàn bị thu hút bởi hình ảnh cái xác chết của mình. Chỉ đến khi tia sáng đầu tiên của bình minh ló rạng, cô mới ra khỏi trạng thái định sâu. Khi cô bắt đầu nhận biết được bản thân, cô nhìn xuống thân, vẫn ngồi trên giường. Cô thở dài nhẹ nhõm nhận ra rằng mình chưa chết. Trạng thái tỉnh táo bình thường đã trở lại, và cô vui mừng vì vẫn còn sống. Nhưng, lập tức cô suy nghĩ về những gì xảy ra đêm qua, cô bắt đầu tự trách mình vì đã ngủ và mơ suốt cả đêm trong khi đáng ra phải hành thiền. Cô chắc rằng Ajaan Mun sẽ rất thất vọng về cô.
Sáng hôm đó, Ajaan Mun đi qua cửa nhà cô trên đường đi khất thực. Khi Tapai đặt thức ăn vào bát của ngài, ngài nhìn cô dò hỏi; sau đó, ngài mỉm cười và dặn cô đến gặp ngài sau khi ngài ăn xong. Cha cô đi cùng cô trên con đường quen thuộc đến nơi ngài dựng lều, băn khoăn không hiểu tại sao ngài gọi cô tới. Liệu có vấn đề gì chăng? Tapai bước đi im lặng, ủ rũ và cảm thấy xấu hổ vì mình đã ngủ khi hành thiền. Cô sẽ kể với Ajaan Mun cái gì đây? Dĩ nhiên ngài sẽ không hài lòng. Cô muốn trốn nhưng không biết trốn đi đâu và bằng cách nào.
Ngay khi hai cha con vừa vào khu thất, Tapai lầm bầm lý do gì đó với cha rồi vội vã đi ra giúp nhóm phụ nữ gánh nước ở suối. Thấy ông Tason đến một mình, Ajaan Mun ngạc nhiên và hỏi Tapai đâu. Ông Tason lúc đó chạy nhanh ra suối gọi Tapai về.
Lo lắng và bứt rứt, Tapai bò đến chỗ Ajaan Mun ngồi và đảnh lễ ngài ba lạy. Ngay lập tức, trước khi cô kịp thở, ngài hỏi cô: “Đêm qua con thiền thế nào?” Sợ sệt và vụng về, cô đáp: “Bạch Thầy, chán lắm ạ. Sau khi niệm buddho khoảng mười lăm phút, con thấy như tâm con chìm xuống một cái giếng sâu. Sau đó, con thấy buồn ngủ và mơ suốt cả đêm. Khi sáng tỉnh dậy, con rất thất vọng về thời thiền của mình, bây giờ vẫn chưa hết thất vọng. Con sợ Thầy rầy con thiếu cố gắng.”
Nghe vậy, Ajaan Mun cười vui sướng và hỏi cô ngay: “Con ngủ thế nào? Và con mơ thấy gì? Hãy kể ta nghe.”
Sau khi cô kể cho ngài nghe những gì đã xảy ra, ngài cười phá lên. Vui sướng vì câu chuyện đó, ngài nói: “Đấy không phải là ngủ! Con không mơ! Kinh nghiệm mà con đã trải qua là trạng thái an tĩnh, tập trung gọi là samādhi. Hãy nhớ kỹ điều này. Những gì con nghĩ là giấc mơ thực sự là cái thấy tự sinh khởi từ sự tập trung sâu lắng của samādhi. Nếu con gặp những trạng thái này nữa, cứ thư giãn và để nó diễn ra. Không cần phải lo lắng và sợ hãi. Ta không muốn con sợ hãi, nhưng cần phải luôn giữ tâm nhạy bén và hoàn toàn tỉnh giác với những gì xảy ra trong khi hành thiền. Khi ta còn ở đây, không gì có thể hại con được. Nhưng từ giờ trở đi, con hãy đến kể cho ta nghe những gì con thấy khi hành thiền.”
^^^
Hãy vun trồng vườn tâm mình,
như người nông dân làm ruộng:
lần lượt phát quang, làm đất,
đào luống, gieo hạt, bón phân,
tưới nước và nhổ cỏ. Cuối cùng
sẽ gặt được mùa vàng bội thu.
Bãi dâu
Tapai sống những năm niên thiếu của mình trong lao động vất vả. Bản chất chăm chỉ và xốc vác, cô luôn tự làm việc mà không cần phải dỗ dành hoặc ép buộc. Một năm, khi thu hoạch xong, thóc đã được cất vào kho, cô hăm hở chuẩn bị trồng dâu.
Người Phu Tai chuyên nghề nuôi tằm lấy tơ từ kén làm chỉ tơ và dệt vải, và lá dâu là thức ăn chính cho tằm. Khi quả dâu chín, lá dâu được cắt và được trải vào trong những nong tằm rộng và nông. Tapai biết rằng một bãi trồng dâu là một nguồn sinh lợi, cung cấp thêm nguồn sống cho gia đình cô.
Tapai học được cách nuôi tằm từ người mẹ kế và bây giờ muốn tự mình tạo ra nguồn lá dâu độc lập. Tapai vui vẻ phát quang một khoảnh đất cao ở cuối mảnh ruộng của gia đình, một cái gò rộng một phần là đất rừng phù hợp cho việc trồng dâu. Làm việc chăm chỉ, cô đã phát quang và cào bằng đất. Tapai trồng dâu trên mảnh đất đã cào bằng, có cây gỗ cứng tán rộng bao quanh, bảo vệ cho cây non khỏi ánh nắng chói chang. Cô chăm sóc cây cẩn thận cho đến khi chúng bám rễ và bắt đầu lớn lên trong cái nóng ẩm nhiệt đới. Ngay khi cây dâu lớn, cô lập kế hoạch chuẩn bị nuôi tằm.
Không lâu sau đó, Tapai nghe được Ajaan Mun nói với vài người rằng ngài đang tìm một chỗ thích hợp để an cư trong mùa mưa. Ngài cần một nơi rộng trên một khu đất cao và tán lá không quá rậm rạp, và mặt đất được tiếp xúc với cái nóng khô của mặt trời, để không khí không bị quá ẩm suốt mùa mưa dài. Tapai ngay lập tức nghĩ đến bãi dâu của mình. Nó ở trên cái gò cao hơn ruộng lúa nên nước mưa sẽ thoát được dễ dàng. Gió nhẹ thổi qua ruộng lúa giúp xua đi khí ẩm và làm cho khu đó trở nên mát mẻ. Phần đất đã phát quang và san bằng, nơi cô đã trồng dâu phù hợp cho việc dựng chòi tre; và cây trong rừng tạo đủ sự cách biệt.
Sau khi bàn với cha và các anh, cô mời Ajaan Mun đến thăm khoảnh đất của mình để ngài tận mắt xem nó có phù hợp không. Khi Ajaan Mun lộ vẻ vui mừng và hài lòng với quang cảnh đó, cô mỉm cười sung sướng và chuẩn bị khẩn cầu xin vị đại sư phụ nhận mảnh đất như là lễ vật cúng dường và vì lòng bi mẫn với cô xin ngài an cư ở nơi này vào mùa mưa. Nhưng trước khi cô có thể mở miệng nói, ngài đã tuyên bố cho tất cả nghe thấy rằng bãi dâu này chính xác là nơi ngài cần để dựng một thiền viện nhỏ cho mùa mưa sắp tới. Thoạt đầu, vì quá ngỡ ngàng, Tapai quên không nói gì như thể là mọi thứ đã giải quyết xong, không cần nói gì nữa. Ajaan Mun quay về phía cô với nụ cười tinh nghịch. Trong tâm cô, bãi dâu đã thuộc về ngài, cả ngài và cô đều biết điều đó. Việc còn lại là lời bạch cúng dường chính thức mà thôi. Tapai nhanh chóng quỳ xuống, lạy dưới chân ngài ba lần và xin ngài từ bi nhận mảnh đất này như một món quà cúng dường của toàn thể gia đình cô. Ajaan Mun gật đầu đồng ý và chúc lành cho phước bố thí của cô. Ngài chắc chắn với cô rằng phước báu mà cô vừa làm đây sẽ cho quả báu là cả đời cô sẽ không bao giờ nghèo.
Thiền viện mới của Ajaan Mun được gọi là Wat Nong Nong, đặt theo tên của đầm lầy gần đó. Dưới sự chỉ huy của cha Tapai, đàn ông trong làng nhanh chóng bắt tay vào việc, đốn và cưa cây con, chặt và chẻ tre để dựng những cái chòi đơn giản cúng dường Ajaan Mun và đệ tử của ngài. Ajaan Mun chỉ cho mười hai vị sư ở với ngài trong Wat Nong Nong trong mùa mưa, còn các vị khác tản ra các địa điểm khác nhau trong huyện Kham Cha-ee, từng nhóm nhỏ sống dựa vào những cụm dân cư trong vùng. Ajaan Mun chủ tâm phân tán đệ tử ở các nơi riêng biệt không quá gần nhau nhưng đủ gần Wat Nong Nong để các sư có thể dễ dàng đến xin lời chỉ dạy của ngài khi các sư gặp vấn đề trong hành thiền. Sự sắp xếp đó phù hợp cho tất cả mọi người, vì nhiều sư tập trung gần nhau sẽ cản trở việc hành thiền.
Mặc dù các chòi tranh ở Wat Nong Nong khá nhỏ, sala trung tâm đủ rộng để chứa năm mươi đến sáu mươi sư khi các sư tập trung về từ các địa điểm khác như thường lệ vào những ngày tụng giới theo tháng âm lịch để nghe giới luật của chư tăng. Những vị già làng vì vậy rất cẩn thận khi dựng sala, đẽo và bào cột, kèo bằng gỗ cứng để tăng sức chịu lực của khung, và nâng sàn nhà dựa trên các cột cao khoảng một mét để tránh ngập lụt khi mưa lũ.
Tapai được ngồi dự buổi lễ nhập hạ ở Wat Nong Nong. Từ chỗ ngồi trên cao của mình, Ajaan Mun nói với rất đông đảo những người thiện nguyện trong làng đến ngồi kín sala và tràn ra ngồi trên thảm rơm ở sàn phía dưới. Ngài mở đầu bằng việc giải thích chi tiết về công hạnh bố thí, và Tapai thấy cảm giác ấm áp nâng trái tim mình vì cô nhận ra rằng việc cúng dường mảnh đất đã tạo duyên cho cơ hội đầy cảm hứng này.
Bằng giọng sang sảng vang như sấm, ngài giải thích rằng giá trị đích thực của việc bố thí là phước báu có được từ hành động hy sinh bản thân mình. Phước quả cao nhất là sự bố thí tự nguyện vì lợi ích của người khác mà không mong chờ sự đền đáp, ngoại trừ những quả lành của chính việc bố thí đó. Những phẩm chất tâm linh từ nỗ lực bố thí được khắc trong tâm như là phước báu và thiện pháp. Và động lực thúc đẩy thiện ý muốn bố thí xuất phát từ tâm. Ngài nhấn mạnh rằng chính tâm gieo hạt giống đức hạnh, và chính tâm lại gặt hái vụ mùa đó. Những việc làm bố thí là đầu tư cho tương lai vì đó là nền tảng cho việc tái sinh vào nhàn cảnh.
Tiếp theo, Ajaan Mun giải nghĩa công đức của việc giữ giới. Ngài giải thích rằng đức hạnh có được từ việc giữ ngũ giới chân thật là nền tảng để trở thành một con người tốt. Mỗi giới trong ngũ giới mang lại những lợi ích cụ thể. Bằng việc không làm hại các chúng sinh còn sống, chúng ta có thể có sức khỏe tốt và được sống lâu. Bằng việc không trộm cắp, tiền của và tài sản của chúng ta sẽ được an toàn không bị trộm cắp và rủi ro. Bằng việc không tà dâm, vợ chồng sẽ chung thủy với nhau và chung sống một cách toại nguyện mà không cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ. Bằng việc không nói dối, chúng ta sẽ luôn được tin tưởng và tôn trọng do nhờ sự chính trực của mình. Bằng việc không dùng các chất say, ta sẽ bảo vệ được sự sáng suốt của mình và là người có trí minh mẫn, không dễ bị lầm lạc hoặc bị lẫn lộn.
Những người duy trì đức hạnh ở mức độ cao, chăm sóc bảo vệ chúng sinh ở khắp nơi bằng cách đem lại cho chúng sinh sự hài lòng và tin tưởng lẫn nhau và vun đắp tinh thần này ở những người khác. Sức mạnh bảo vệ và trợ giúp của giới đảm bảo cho sự tái sinh đến những cõi cao hơn, do đó những ai giữ giới thật trong sạch chắc chắn sẽ sinh lên cõi trời trong kiếp sống kế tiếp.
Và, khi mà những việc lành như vậy có được từ việc sống có đức hạnh, Ajaan Mun tiếp tục giải thích rằng hành thiền mang lại phước báu lớn nhất trong các loại phước báu. Tâm là yếu tố quan trọng nhất trên thế gian; và hạnh phúc về vật chất và tinh thần của một chúng sinh phụ thuộc vào sự an ổn của tâm. Ngài nói rằng một chúng sinh sống nhờ tâm. Cả hai trạng thái toại nguyện và bất toại nguyện của chúng sinh trong cuộc đời đều diễn ra trong tâm. Khi một chúng sinh chết, chúng sinh đó ra đi bằng tâm. Chúng sinh đó tái sinh theo nghiệp của mình – với tâm là nhân duy nhất. Vì tâm là gốc của tất cả, tâm của mỗi chúng sinh cần được rèn luyện đúng cách, sao cho chúng sinh đó có thể hành xử đúng đắn bây giờ và trong tương lai. Thông qua việc hành thiền, tâm có thể được rèn luyện đúng cách. Bằng việc hành thiền để kiềm chế những suy nghĩ phóng túng, chúng sinh đó có thể tạo nền tảng vững chắc cho sự bình an và hạnh phúc về tâm linh.
Liền ba tháng sau đó, Tapai dồn hết tâm sức vào việc tu thiền. Nhờ niềm tin vững chắc của cô nơi Ajaan Mun và những lời chỉ dạy sáng suốt của ngài, việc tu tập của cô tiến bộ nhanh chóng. Vì cô có xu hướng tự nhiên nhìn thấy và trải nghiệm những hiện tượng tâm linh, cô đã bắt gặp nhiều điều bí ẩn và kỳ lạ trong khi hành thiền định hàng đêm. Nhận ra khả năng vốn có của cô, Ajaan Mun chú ý đặc biệt đến Tapai. Khi ngồi thiền mỗi đêm, ngài đều hướng tâm thức tới cô để tìm hiểu trạng thái tâm của cô. Do đó, ngài thường xuyên biết được những gì cô trải nghiệm trong khi thiền. Khi ngài thấy trong đêm nào đó, việc tu tập của cô có gì đặc biệt, thì hôm sau ngài liền gọi cô đến gặp ngài ở thiền viện.
Ngay sau khi bình minh ló rạng mỗi sáng, Tapai đặt thức ăn vào bát của Ajaan Mun khi ngài đi qua làng trên đường đi khất thực mỗi ngày. Đứng cùng hàng với những người dân làng khác, cô đợi Ajaan Mun nhận vật thực cúng dường từ những người trước cô. Ajaan Mun ít khi nói chuyện với ai khi đi khất thực, nhưng vào những ngày ngài thấy việc hành thiền của Tapai đặc biệt tốt, ngài dừng lại khi cô đặt thức ăn vào bát của ngài và dặn cô đến chỗ ngài sau khi ngài thọ trai. Đi cùng gia đình mình, Tapai đến thiền viện vào cuối buổi sáng hôm đó. Khi cô bắt đầu kể cho Ajaan Mun về những trải nghiệm khác thường của mình, các vị sư ở với ngài nhanh chóng quây lại để nghe. Các sư háo hức muốn nghe những câu chuyện của cô về các cõi vô hình, và nghe những lời chỉ dạy của Ajaan Mun phải làm thế nào với những hiện tượng đó.
Ajaan Mun thường niềm nở chào đón Tapai và cảm thông lắng nghe tất cả những gì cô nói. Ngài nhận ra rằng tâm của cô vốn có xu hướng năng động và mạo hiểm nên cô thường tiếp xúc trực tiếp với những hiện tượng khác nhau mà người bình thường không thể nắm bắt được. Ngài có thể sử dụng kinh nghiệm lớn lao mà ngài đã trải qua liên quan đến những hiện tượng này để cho cô những lời khuyên đúng lúc và xác đáng. Chẳng bao lâu mối liên kết về mặt tâm linh đã phát triển mạnh mẽ giữa bậc đại thiền sư và người đệ tử trẻ tuổi của ngài. Tapai trở nên sùng kính Ajaan Mun sâu sắc, và cô cảm thấy mình có đặc ân vì được ngài dành cho rất nhiều thời gian và sự quan tâm.
Một hôm, ngay sau khi hết mùa an cư ba tháng hạ hàng năm, Ajaan Mun cho gọi Tapai. Ngài nói ngài và các vị tăng sắp rời huyện này để tiếp tục du hành sang nơi khác theo truyền thống tu hạnh đầu đà dhutanga. Ngài nhướn mày nhìn cô và khẽ mỉm cười hỏi cô có người yêu chưa. Tapai lắc đầu và trả lời không. Ngài từ từ gật đầu và gợi ý cô có thể xuất gia làm tu nữ đắp y trắng và theo ngài, nếu cô muốn, nhưng cô phải được cha cho phép. Cô nhìn ngài không chớp mắt, không thốt được nên lời, và ngài yên lặng vỗ về cô chờ câu trả lời. Cố gắng lấy một hơi dài, và chọn từ, cô nói cô muốn xuất gia và đi theo ngài, nhưng cô sợ cha cô chẳng bao giờ cho phép. Với một nụ cười khích lệ và nhẹ nhàng gật đầu, Ajaan Mun dặn cô về nhà.
Cha của Tapai đón nhận đề xuất đó một cách lạnh lùng. Ông từ chối việc cho phép cô đi tu vì ông sợ rằng nếu sau này con gái ông xả y và hoàn tục, cô sẽ rất khó kiếm được chồng. Ông khuyên cô nên vui sống cuộc đời bình thường và hài lòng với các việc làm của người cư sĩ.
Đón nhận tin đó với nụ cười của người đã biết trước, Ajaan Mun khích lệ cô nên kiên nhẫn – thời khắc của cô sẽ đến. Trong lúc này, cô phải tuân theo lời chỉ dạy trước lúc đi xa của ngài một cách nghiêm ngặt. Ngài yêu cầu cô nhất định phải ngừng hành thiền sau khi ngài đi. Ngài dạy cô trước mắt phải hài lòng sống cuộc sống thế gian. Đến khi thời khắc tới, cô sẽ có một cơ hội khác để phát triển kỹ năng thiền của mình. Ngài hứa rằng trong tương lai, một vị thầy tài giỏi khác sẽ đến hướng dẫn cô đi theo chánh đạo. Còn lúc này, cô cần kiên nhẫn.
Ajaan Mun thấy rằng bản chất tâm của Tapai rất mạo hiểm và năng động. Cô chưa đủ khả năng kiểm soát sự chú tâm để tự hành thiền một cách an toàn. Nếu có rủi ro xảy ra trong khi hành thiền, cô sẽ không có người giúp đỡ khi ngài không có ở đó. Ngài nhận ra rằng cô cần một vị thiền sư lão luyện để kiểm soát cô khi cô mất phương hướng; nếu không, cô rất dễ đi sai đường và gây nguy hiểm cho bản thân mình. Vì lý do đó, ngài ngăn cô không được hành thiền sau khi ngài đi.
Mặc dù Tapai không hiểu lý do của Ajaan Mun trong việc nghiêm cấm ngặt nghèo này, cô có niềm tin tưởng mãnh liệt nơi ngài. Do đó, cô ngừng hành thiền ngay lập tức, mặc dù cô rất muốn tiếp tục thiền đến nỗi cô thấy trái tim mình như tan vỡ. Phải mất hai mươi năm sau đó cô mới được quay trở lại hành thiền.
^^^
Thân bạn, tâm bạn, cuộc sống của bạn –
những thứ đó không thuộc về bạn, do đó
bạn đừng trông chờ chúng sẽ mang lại
hạnh phúc thực sự cho mình.
Chìm trong công việc vô tận
Tapai trở nên trầm lặng và thu mình sau khi Ajaan Mun đi. Niềm vui và sự hưng phấn tràn ngập trong cô đã chìm xuống và biến mất khi cô ngưng hành thiền. Bản tính nhút nhát, Tapai không thích giao du; thay vào đó, cô lao vào công việc làm cô bận bịu suốt cả ngày.
Tay cô không lúc nào ngơi; thân cô luôn luôn vận động. Cô trồng bông, gỡ và quay những quả bông trắng xốp thành những cuộn sợi chắc tay để cô dùng dệt vải. Cô trồng cây chàm rồi chặt, nghiền ra chiết lấy màu xanh đậm để nhuộm quần áo. Cô ngồi trong ánh sáng lờ mờ hàng giờ, gỡ những cuộn sợi tơ và sợi bông để dệt vải, rồi tỉ mỉ cắt và khâu thành váy quấn và áo rộng, và sau đó nhuộm lên những hoa văn đẹp mắt. Cô tiếp tục trồng dâu để nuôi tằm. Cô quay chỉ tơ sống, dệt thành vải đũi thô, phù hợp với điều kiện khắc nghiệt của cuộc sống nông thôn.
Cô cũng khéo tay trong việc đan rổ, biến những sợi mây và tre thành những dụng cụ đựng đồ bền mà nhẹ và đẹp mắt. Cô khâu gối và đệm và nhồi chúng bằng bông mềm. Cô đan quần áo len để mặc lúc mùa đông giá lạnh. Khi rảnh rỗi, cô vá quần áo cũ sờn rách với con mắt tinh tường và đôi tay nhẹ nhàng. Cô nhận ra tất cả những cây cỏ tốt nhất trong rừng chỉ bằng việc nhìn và ngửi, và trong một chuyến đi chơi cả ngày vào rừng mát mẻ, cô hái rất nhiều cây thuốc và rau rừng. Khi chiều tối trở về nhà với một giỏ đầy, Tapai chặt và thái những thứ lượm được, rồi nấu lá và củ tươi với một ít thịt hoặc cá thành một món ăn ngon miệng và bổ dưỡng.
Sự đa tài của Tapai làm cộng đồng Phu Tai ngưỡng mộ. Những cô gái trẻ đảm đang với những kỹ năng truyền thống được ngợi khen, và được coi là những cô dâu tuyệt vời. Ngoài ra, cô còn có những ưu điểm khác, như nhẫn nại, đáng tin cậy, hiếu thảo với gia đình và tuân thủ các phong tục tập quán; cũng như kính trọng những người lớn tuổi. Chẳng bao lâu, các chàng trai bắt đầu theo đuổi. Đặc biệt trong số đó có một cậu hàng xóm, ít hơn Tapai một tuổi tên là Bunmaa, mạnh dạn cầu hôn với bố mẹ cô. Còn vô cùng xúc động bởi lời chỉ dạy của Ajaan Mun, Tapai không quan tâm đến những chuyện tình cảm và chưa bao giờ nghiêm túc nghĩ đến chuyện lấy chồng. Nhưng khi cha mẹ cô đồng ý với lời cầu hôn của Bunmaa, cô chưa sẵn sàng nghĩ đến việc không vâng theo ý muốn của họ. Có lẽ giờ đây đó là điều không thể tránh khỏi, là một phần của cuộc sống thế gian mà cô phải bằng lòng – tạm thời vào lúc đó.
Tapai và Bunmaa cưới theo truyền thống Phu Tai vào đầu mùa mưa khi cô ở tuổi mười bảy. Theo tục lệ, cô chuyển đến sống với gia đình chồng không xa nhà cha mẹ cô. Cô ở với họ trong một ngôi nhà sàn bằng gỗ rộng và có mái dốc lợp bằng rạ. Một lần nữa, cô lại là thành viên trẻ nhất trong gia đình và mọi người mong chờ cô gánh vác những công việc chính yếu hàng ngày. Tính dẻo dai và mạnh mẽ của Tapai đồng nghĩa với việc cô không nề hà công việc nặng nhọc. Nhưng Bunmaa là người vô tâm, mải chơi, thích tán gẫu trong khi người khác làm việc. Anh ta thích thuê các cô gái làng trồng và gặt lúa, và tán tỉnh các cô cho vui trong khi vợ mình làm việc ngay cạnh đó – thậm chí nói xấu Tapai đằng sau lưng cô. Có lẽ anh ta hy vọng cô có phản ứng ghen tuông; nhưng cô ra vẻ dửng dưng và im lặng với những hành động và lời nói hớ hênh của anh ta.
Tapai đắm chìm trong công việc không bao giờ hết – làm việc để sinh sống, làm việc để có thức ăn và chỗ ở, những nhiệm vụ không dứt của người vợ trẻ. Thức dậy trước khi mặt trời mọc, nhanh tay làm việc trong bóng nến lờ mờ, cô nhóm lửa từ than củi đen xếp lồng phồng trong bếp lò đất nhỏ, quạt cho đến khi than hồng rực lên. Nước sôi bốc hơi lên chõ đồ xôi hình nón, đồ chín gạo nếp bằng sức nóng của hơi nước. Lượng xôi cả ngày được đồ một lần – đủ cho ba bữa ăn: cho cô, chồng cô và một ít cho khách.
Gia súc nuôi trong nhà, nhiều con ở vườn sau hoặc ở nền đất dưới nhà sàn, cần được cho ăn và uống. Nước luôn là vấn đề nan giải. Xóm giềng chung nhau những cái giếng, nằm rải rác trong làng. Nước được kéo lên bằng tay rồi đổ đầy thùng gỗ, hai thùng một lần, rồi được gánh mỗi thùng một đầu quang gánh cho cân đi về nhà. Dân làng đi đi lại lại nhiều lần để đổ đầy những chum sành to ở nhà. Đó là công việc nặng nhọc, nhưng bắt buộc phải làm. Nước cần để uống và rửa bát, giặt quần áo, và tắm cho khỏi bụi bẩn và cáu ghét trên người sau một ngày dài nhễ nhại mồ hôi.
Cuộc sống nông thôn luôn gắn liền với việc trồng lúa không thể tách rời. Lúa lại phụ thuộc vào mùa mưa, chu kỳ hàng năm làm cây cối xanh tươi. Mưa là điềm lành, do vậy được tổ chức thành lễ hội. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là thêm nhiều việc, đòi hỏi lao động nặng nhọc là không thể tránh được. Việc cày bừa bắt đầu vào đầu tháng Năm, đất bỏ hoang được thấm ướt những trận mưa rào nặng hạt đầu tiên. Những đôi trâu nước lực lưỡng bị đeo ách với cái cày gỗ cồng kềnh và bị kéo đi kéo lại từ đầu này đến đầu kia của ruộng để làm tơi đất. Sau đó chúng lại được dắt đi dắt lại để giẫm đất cục thành bùn. Thóc giống được gieo trên những mảnh vườn ươm và được chăm sóc cẩn thận – thường được tưới bằng nước lấy từ suối trong mùa khô – cho đến khi cây mạ đủ lớn và sẵn sàng cho việc cấy lúa. Việc cấy lúa thành hàng do nhóm phụ nữ đảm nhiệm một cách nhịp nhàng hết đời này qua đời khác. Cúi lưng, phụ nữ trong làng cùng nhau đi giật lùi trên ruộng bùn nhão nhoét cắm mạ xuống ruộng.
Mùa mưa làm thay đổi vùng thôn quê thành những mảnh ruộng lúa xanh ẩm ướt đan chéo ngang dọc dưới bầu trời nặng trĩu những cơn mưa. Những ngọn đồi quanh làng với những rặng tre rậm rạp được mưa phùn lất phất điểm xuyết cho khung cảnh thêm xum xuê. Mạ non đứng thành những hàng ngoằn ngoèo trên mặt nước ngập ruộng. Buổi sáng thường yên tĩnh và sương mù vì nóng ẩm; và buổi tối thì râm ran tiếng ếch kêu bên bờ ruộng và tiếng ngỗng quàng quạc ngoài ao.
Mỗi một mùa mưa đến mang cho Tapai một loạt lo lắng. Cô lo sẽ có quá ít mưa vào tháng Tám, khi gió Tây Nam bắt đầu thổi tới, và lũ lụt vào tháng chín khi bão quật vào bờ và mưa trút nặng hạt, cắt nát đồng quê thành từng lát mỏng. Đường bị mưa biến thành bùn và bị xe bò và trâu quấy lên nhão nhoét làm cho người và súc vật phải rán sức hơn. Mưa dường như không mủi lòng đổ mưa như trút nước xen kẽ mưa phùn lất phất. Nhưng nhờ vậy, lúa mọc cao xanh mướt.
Lúa trỗ bông vào giữa tháng Mười. Những cánh đồng trở thành một biển lúa vàng óng khẽ nhấp nhô trong gió nhẹ mùa thu. Tapai cùng với cả gia đình ra đồng gặt lúa vào mùa gặt. Với những nhát liềm sắc bén nhanh tay, cả gia đình cắt ngang thân lúa, chồng những bó lúa lên chỗ trống giữa các hàng lúa. Hàng tuần lễ, mọi người làm việc vất vả dưới cái nắng gắt, cúi lưng, lưỡi liềm đưa lên, hạ xuống khi họ di chuyển từ hàng này sang hàng khác. Sau đó, những bó lúa nặng trĩu những hạt được trải xuống đất để cho khô dưới ánh nắng tháng Mười.
Công việc của Tapai hiện giờ là một phần sinh kế trong gia đình mới của cô. Cô trông coi nhà cửa và làm việc quên mình ngoài đồng không hề kêu ca. Cô chịu khó làm việc nặng nhiều tuần, nhổ cỏ và be bờ. Sau vụ gặt, cô cùng chồng dựng chòi ở ngoài ruộng để trông lúa mới gặt – nguồn cung cấp thực phẩm cho năm tới – và chờ cho hạt lúa khô hẳn để có thể bắt đầu đập lúa. Vì việc đập lúa và sẩy thóc là việc của phụ nữ, điều đó có nghĩa là Tapai và những người phụ nữ khác phải ngủ ngoài trời nhiều đêm lạnh sau ngày làm việc.
Giờ này qua giờ khác, những người phụ nữ cúi lưng xuống đằng trước rồi lại uốn người lại đằng sau đập lúa lấy hạt. Nhấc bó lúa lên cao trên trời bằng hai tay, những người phụ nữ đập chúng xuống đất liên tục cho đến khi hạt lúa rời khỏi thân thành những đống thóc xốp. Hạt thóc lại được sẩy bằng những cái mẹt to tròn đan bằng những lát tre thưa. Mỗi một mẹt nặng được hất lên đập xuống trong không khí cho đến khi rơm nằm lẫn lộn bay đi theo gió. Sau khi được phơi khô, đập, sẩy, thóc mới được chất lên thùng xe bằng gỗ chắc nịch do trâu kéo về làng, và được cất vào kho thóc nhỏ trong nhà.
^^^
Các giác quan của tôi thường
xuyên bị dội bom: mắt do hình
ảnh, tai do âm thanh, mũi do mùi,
lưỡi do vị và thân do xúc chạm.
Tôi khám phá tất cả những thứ đó.
Bằng cách đó, mỗi giác quan của
tôi trở thành một vị thầy.
Bé Kaew
Tapai không thích cuộc sống bận rộn này, nhưng cô chịu đựng. Niềm an ủi duy nhất của cô luôn là thiền viện, những ngày lễ tôn giáo, những hoạt động tâm linh. Trong lĩnh vực này, cô bị chồng cấm nghiêm ngặt hơn, anh ta thấy rằng chỗ của phụ nữ là ở nhà với gia đình; không phải ra ngoài xã hội, và đương nhiên không phải là ở thế giới tâm linh. Những niềm tin từ rất lâu đời chia rẽ đời sống văn hóa và hoạt động cộng đồng người Phu Tai thành hai phần riêng biệt: thấp và cao, đàn ông và đàn bà. Đấy cũng là một phần cuộc sống của Tapai. Nó đã hằn sâu trong nền giáo dục cô được thừa hưởng và không được làm trái lại. Chồng của Tapai không cho cô một chút tự do cá nhân quý giá nào cả. Đó là đặc quyền của anh ta và là một phần giao kèo bất thành văn trong hôn nhân. Anh ta cấm cô tham dự những ngày tụng giới trong thiền viện, và hạn chế cô tham gia các hoạt động tâm linh cúng dường vật thực đến các sư vào buổi sáng và tụng kinh paritta buổi tối. Cô phục tùng các yêu cầu của anh ta. Cô không có lựa chọn nào khác.
Làm việc nhà và làm việc ngoài đồng trở thành những hoạt động tinh thần trong cuộc sống hôn nhân của cô. Ngày của cô thường dài và tẻ nhạt, nhưng cô nỗ lực để chuyển sự nhàm chán thành sự định tâm. Cô tự dạy mình định tâm ngay giữa cuộc sống đầy náo loạn và lộn xộn này, tự kiềm thúc tâm mình và buộc mình chú tâm ngay vào chính những cảm giác bực bội và phẫn uất. Khi cảm thấy tức giận chồng, cô cố gắng chuyển cảm xúc của mình thành tình yêu và sự thương cảm. Khi cảm thấy ghen tị với người khác, cô suy ngẫm về cuộc sống xuất gia, và lời hứa khả của Ajaan Mun rằng một ngày kia cô sẽ từ bỏ cuộc sống trần tục này để được đắp y trắng của một tu nữ. Tapai biết bằng trực giác giá trị của việc tu tập tâm linh sâu sắc; nhưng vào thời điểm hiện tại cô phải tự bằng lòng với việc làm cho các hoạt động bình thường hàng ngày trở nên thiêng liêng hơn.
Cô làm mọi việc nhà với đầy đủ trách nhiệm. Luôn luôn biết rằng mình không hài lòng, Tapai nhận rõ biên giới của cuộc sống gò bó của mình: những góc nhỏ chật hẹp của cuộc hôn nhân đã cột chặt cô ở mọi phía. Tất cả những gì cô nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy đều là bất toại nguyện. Ngày nào còn 17, chẳng bao lâu sau cô đã 27 tuổi. Dường như năm nào cũng lặp lại y nguyên sự nhàm chán, sự đau khổ. Cô cam chịu chấp nhận mọi việc như nó là, như nó đã luôn là, rút vào hoạt động quán chiếu của mình, và cố gắng làm cho những việc nhỏ bé trở nên thiêng liêng.
Tapai bắt đầu suy nghĩ ngày càng nhiều hơn về việc thoát ly cuộc đời trần thế để đắp bộ y đơn giản và sống cuộc đời bình dị của tu sĩ đạo Phật. Rất âm thầm, quyết tâm của cô cứ ngày một lớn dần, mạnh mẽ hơn nữa khi mỗi mùa qua đi cho đến khi dường như cô không cần gì khác nữa. Cuối cùng, một buổi tối sau khi ăn xong, cô quỳ xuống bên chồng và cố làm cho anh ta hiểu cô cảm thấy thế nào, cô muốn được giải thoát thế nào khỏi những nghĩa vụ của gia đình để từ bỏ thế gian và đi tu. Phản ứng của chồng cô lạnh lùng và không nhượng bộ. Anh ta từ chối thẳng thừng, gạt bỏ mọi thảo luận tiếp theo. Yên lặng, đôi mắt cụp xuống vâng lời, Tapai chấp nhận phán quyết của anh ta và tiếp tục cuộc sống của mình.
Ngày lại ngày, cuộc sống của Tapai cứ trôi đi như vậy. Cô kiên nhẫn, hy vọng chờ đợi thời cơ. Vài tuần sau, khi cô thấy chồng vui vẻ, cô lại cầu xin tự do cho mình một lần nữa. Và lại một lần nữa, chồng cô từ chối. Anh ta nói rằng nếu cô bỏ anh để đi tu, người ta sẽ bàn ra tán vào, rằng cô bỏ anh ta vì anh ta không xứng đáng làm chồng, vì anh ta không thể làm cô có con.
Tapai không biết phải nói gì. Rõ ràng là họ sống với nhau đã mười năm mà không có con. Quanh họ là những gia đình rất đông con cháu, nhưng gia đình của họ không bao giờ đông lên. Có lẽ đó là một nghiệp quả may mắn: bước ngoặt này của số phận lẽ ra phải giúp cô ra đi dễ dàng hơn. Ngược lại, nó lại được dùng để ngăn cản sự ra đi của cô. Cô cố thêm một lần nữa giải thích cho anh ta để có được sự thông cảm lẫn nhau; nhưng không đạt kết quả. Câu trả lời của anh ta vẫn là không.
Các gia đình Phu Tai thường đông người. Mỗi một đứa bé ra đời được ăn mừng như một chiến thắng cho sự sinh tồn của họ, mỗi một bé mới sinh sẽ giúp đỡ một phần công việc. Trẻ em lớn lên để chia sẻ gánh nặng của công việc đồng áng và làm việc nhà, và sau này chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già. Sau bao nhiêu năm lấy chồng mà không có con, các cô bác và chị em họ của Tapai lo lắng cho cô: ai sẽ là người chăm sóc cô khi cô già?
Do đó khi một người em họ – một người phụ nữ đông con – lại có bầu nữa, mọi người quyết định em bé đó sẽ được giao cho Tapai nuôi như con riêng của cô. Như đã thống nhất từ trước với người mẹ, Tapai trợ giúp việc đỡ đẻ một bé gái khỏe mạnh, cô bồng trong tay và thương yêu đem về nhà ngay sau khi sinh. Tapai nhanh chóng đặt tên bé là “Kaew”, “cục cưng nhỏ” của cô.
Khi mọi người thấy Tapai vui sướng với đứa nhỏ, và tình mẫu tử được thể hiện như thế nào, luôn tận tình và quan tâm, họ bắt đầu gọi cô là Mae Kaew, “mẹ Kaew”. Vì cái tên đó nghe rất tự nhiên, nó được giữ mãi; và từ đó cô được gọi bằng cái tên Mae Kaew.
Em Kaew bé bỏng lớn lên thành một cô bé thông minh và lanh lợi, hăng hái học các công việc hàng ngày của mẹ, bắt chước thành thạo những chuyển động nhanh nhẹn của Mae Kaew và rèn luyện tấm thân nhỏ bé của mình để bắt được nhịp điệu của công việc cho đến khi nó trở thành quen thuộc. Cái chết bất ngờ của mẹ làm Mae Kaew buộc phải phát triển những kỹ năng này từ tấm bé, do đó cô muốn con gái của mình cũng có ý thức về mục đích và mức độ trách nhiệm giống như vậy.
Việc nuôi dạy con gái trở thành trải nghiệm vui vẻ và sung sướng. Nó làm Mae Kaew quên đi những cấm đoán trói buộc của cuộc sống, và giải thoát cô, ít nhất là tạm thời, khỏi sự tẻ ngắt của nó. Cô ước ao được chia sẻ sự khát khao tinh thần với ai đó, nhưng bé Kaew còn quá nhỏ, quá ngây thơ, quá vô tư để nhận thấy sự đau khổ của cuộc đời quanh bé. Đối với Mae Kaew, người từ lâu đã quá quen thuộc với sự đau đớn và nỗi thống khổ của cuộc đời, khổ đau mà những người quanh cô phải chịu đã ảnh hưởng đến cô như vết thương trong ngực, sắc mạnh và nặng nề. Cô cảm thấy cuộc sống khắc nghiệt triền miên của những người dân làng bình thường ngày ngày phải vật lộn với công việc. Họ phải làm việc suốt cả đời, từ lúc trẻ đến lúc già, cho đến chết. Niềm vui của sự sinh ra đời kéo theo sự sầu khổ của cái chết, hết lũ lụt làm thiệt hại lại tiếp đến hạn hán tàn phá.
Cùng năm nhận nuôi bé Kaew, cha của Mae Kaew mất. Nỗi buồn theo sau niềm vui. Năm đó, trời không mưa, và do vậy mất mùa lúa. Hạnh phúc và khổ đau, dường như luôn đi thành cặp, như hai bánh xe của cỗ xe bò kéo đưa đời người dần tới cái chết – và lại tái sinh, rồi bánh xe lại quay một vòng mới. Mae Kaew thấy rằng sự đổi thay và đau khổ là trung tâm của cuộc sống; rằng tất cả mọi thứ đều thay đổi và không ai thoát khổ được.
Trải qua niềm vui và nỗi buồn, vụ mùa bội thu và thất bát, Mae Kaew chưa bao giờ từ bỏ khát khao thật sự trong tâm mình. Đã được ăn sâu bén rễ không suy chuyển dưới vẻ bề ngoài luôn thay đổi, việc đi tu vẫn là mục tiêu bất di bất dịch của đời cô. Cô thường tưởng tượng ra cảnh mình gia nhập với các tu nữ ở Wat Nong Nong, cạo tóc, đắp y trắng tuyền, sống trong im lặng giản đơn mộc mạc – và tiếp tục hành thiền, không bị quấy rầy. Đi tu như một cách sống. Bao nhiêu năm cô đã tự rèn luyện mình sống tại thế gian, và không bị lạc trong đó; để biết sự náo loạn trong tâm mình và làm nó an tịnh lại. Hạnh phúc và khổ đau, vui sướng và buồn bã, đó là những dao động làm cô không thấy bình yên, là những trạng thái đánh lừa tâm và làm cô quên mất mình và mục đích của mình. Khi cô lãnh nhận nhiều trách nhiệm hơn theo tuổi tác, sự bình yên đã biến mất nhường chỗ cho sự thất vọng – sự không toại nguyện nhằng nhẵng của việc chưa thành. Lời hứa lúc đi xa của Ajaan Mun rằng một ngày ước mơ của cô sẽ thành hiện thực, vẫn luôn luôn là nơi trú ẩn cho trái tim day dứt vì bất toại nguyện của cô. Nhưng bây giờ, khi có một cô con gái để nuôi dạy, khả năng đi tu dường như xa vời hơn lúc nào hết.
Có lẽ, nếu xuất gia cả đời là không thể được, vẫn có thể xuất gia một thời gian ngắn. Xét cho cùng, các nam thanh niên trong làng vẫn thường xuất gia gieo duyên, làm sư trong một mùa an cư, tiếp thêm sinh lực trước khi quay trở lại cuộc sống tại gia cư sĩ. Xuất gia gieo duyên được coi như là một nghi lễ. Thậm chí đàn ông có vợ cũng xuất gia trong những quãng thời gian ngắn. Tại sao cô không thể làm giống như vậy? Dĩ nhiên, cô phải nghĩ về con. Nhưng hơn tám tuổi, bé Kaew đã có thể làm được việc nhà và chăm sóc nhu cầu của bố trong ba tháng. Mae Kaew có thể nhờ họ hàng giúp đỡ nữa. Để chắc chắn, trước tiên các việc nặng như việc cày bừa và gieo mạ đau gãy lưng đã làm xong. Và cô sẽ về nhà sau khóa an cư vừa kịp vào mùa gặt. Chồng cô đã luôn rõ ràng rằng anh ta sẽ không bao giờ thả cho cô bước đi trên con đường tâm linh. Nhưng có lẽ, khi lập kế hoạch cẩn thận, vẫn có thể sắp xếp được, như là một sự thỏa hiệp. Một chút tự do còn tốt hơn là hoàn toàn không có tự do; vài bước trên đường đạo còn tốt hơn không đi được bước nào cả.
Vậy là một lần nữa Mae Kaew lại quỳ bên chồng, như cô đã làm lần đầu tiên mười năm trước đó, và từ đáy lòng mình nói về ước vọng mở ra một ô cửa sổ nhỏ tự do trong đời mình, một chương ngắn là hoàn toàn của riêng cô. Chỗ của cô là ở nhà và với gia đình, cô chấp nhận điều đó; nhưng cô van xin có được một cơ hội ngắn ngủi này để biến ước mơ cả đời mình thành sự thật. Cô kể chi tiết những gì cô dự định bố trí, những gì cô sẽ làm để đảm bảo cuộc sống ở nhà sẽ được suôn sẻ khi vắng cô. Và cô nghiêm túc hứa rằng cô sẽ quay về ngay sau khi ba tháng an cư kết thúc.
Chồng cô lặng lẽ nghe một cách vô cảm, nhìn thẳng về đằng trước, cho đến khi cô nói hết. Sau đó anh ta quay về phía cô, lắc đầu, và với cử chỉ xua đuổi, bảo cô quên chuyện đi tu đi. Cô có chồng để chăm và con để nuôi dạy – và đó là một công việc chiếm toàn thời gian. Anh ta không muốn nghe một lời nào nữa về những ước mơ của cô.
Do đó Mae Kaew lại co lại vào những góc chật hẹp của đời mình và chờ đợi. Sự kiên nhẫn là một công đức. Lòng bi mẫn và tha thứ cũng là công đức. Cô nín nhịn không giận chồng và không bực tức với những cấm đoán của anh ta. Cô yêu con mình, và cô tôn trọng ý muốn của anh ta. Nhưng, cô không từ bỏ mơ ước của mình. Hy vọng, đối với Mae Kaew, đã trở thành một công đức cứu rỗi. Rồi sang năm sau, khi mùa an cư sắp đến, cô lại thử xin chồng nhân nhượng. Mặc dù phản ứng của chồng cô lần này nhẹ nhàng hơn, và bớt lỗ mãng hơn, nhưng không hề bớt phần phản đối và phũ phàng.
Tình trạng khó khăn của cô được gia đình cả hai bên biết và bàn ra tán vào. Một số người ủng hộ, số khác phản đối. Một người bác bên cha đứng tuổi, được tất cả mọi người kính trọng và vị nể vì sự sáng suốt và tính công bằng của mình, đã được mời ra để làm trung gian. Ông đã biết Mae Kaew từ khi cô còn nhỏ đi theo bố đến gặp ngài Ajaan Mun, và ông thông cảm với ý định đúng đắn của cô. Ông quyết định bày tỏ lòng tưởng nhớ đến người cha đã quá cố của cô bằng cách đấu lý cho kết quả tốt đẹp. Nói chuyện riêng với chồng của cô cháu gái, ông ca tụng những công đức của việc theo đạo và kêu gọi anh ta hãy xử sự công bằng và hợp lý, nhẹ nhàng thuyết phục anh ta chấp nhận một sự thỏa hiệp ngắn hạn. Cuối cùng, đã đạt được thỏa thuận: Bunmaa sẽ đồng ý cho vợ mình thọ giới xuất gia trong ba tháng an cư – nhưng không được quá lấy một ngày. Về phần mình theo thỏa thuận, anh ta thề sẽ giữ gìn trông coi cả gia đình và trông con trong khi cô vắng nhà. Thậm chí anh ta còn được thuyết phục duy trì tiết chế trong vòng ba tháng, bằng cách giữ đầy đủ ngũ giới cho đến khi cô về: tránh xa sự sát sanh, trộm cắp, nói dối, tà dâm và sử dụng chất say. Đó là việc thực hành theo tôn giáo căn bản và thông thường, nhưng đó là điều mà anh ta hiếm khi có xu hướng tuân theo.
Ngạc nhiên, sửng sốt và vui sướng với sự thay đổi đột ngột của tình hình, Mae Kaew chắp hai tay lên trán và để lòng biết ơn ngấm chìm vào trong. Lời tiên đoán hai mươi năm của Ajaan Mun cuối cùng đã trở thành hiện thực. Hướng vào nội tâm trong chốc lát, cô nguyện sẽ quyết tâm nghiêm túc để sử dụng tốt nhất thời gian làm tu nữ của mình. Hành thiền đã luôn thường trực trong ý nghĩ của cô, và sứ mệnh chưa hoàn thành bị bỏ dở từ lâu, rồi chờ đợi, và bây giờ đòi hỏi phải được chú ý. Sau bao nhiêu thất vọng trong quá khứ, giờ cô không thể làm bản thân mình thất vọng.
^^^
Không có nhận xét nào