“1. Một thời, Thế Tôn trú ở Nàdika, tại Ginjakāvasatha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo" - "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. Niệm chết, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy tu tập niệm chết.”
Đây là bài kinh ruột của chúng tôi. Một thời Thế Tôn trú ở Nādika, tại Ginjakāvasatha. Mỗi lần tôi gặp địa danh Ginjakāvasatha này tự nhiên tôi ngậm ngùi. Ở đó có một ngôi nhà lớn bằng gạch cho nên dân địa phương đặt tên chỗ đó là Nhà Gạch (Ginjakāvasatha: a house made of bricks). Giống như ai đọc Chí Phèo của Nam Cao thì biết mối tình trái ngang dễ thương của Thị Nở, Chí Phèo cũng diễn ra trong bối cảnh lò gạch. Tôi dừng lại ở cái địa danh này bởi vì chắc trong room này cũng có nhiều người cũng yêu văn và cũng biết nhân vật Chí Phèo Thị Nở, từ đây về sau mỗi lần nhìn thấy địa danh này trong kinh hoặc mỗi lần nhắc đến Chí Phèo Thị Nở quí vị sẽ nhớ đã từng nghe ông sư giảng trong room rằng trong thời Đức Phật cũng có một cái nhà gạch. Đương nhiên thời nào ở đâu cũng có Chí Phèo Thị Nở, ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên, ở đâu cũng có Thạch Sanh Lý Thông, ở đâu cũng có Thúy Kiều… Tự nhiên muốn tặng bà con món quà sáng. Từ nay về sau thấy chữ Ginjakāvasatha thì nhớ đây là cái lò gạch thời Đức Phật, chắc chắn là cũng có Thị Nở, Chí Phèo, cũng có khu vườn chuối, cũng có những đêm say sưa, có gió có trăng, có bát cháo hành, đi về có nhau. Tào lao tới đó đủ rồi, bây giờ quay lại kinh.
Ngay tại ngôi nhà gạch đó, Thế Tôn đã gọi các tỳ kheo và nói rằng: Phải có một pháp môn khi tu tập tới nơi tới chốn sẽ đem lại lợi ích rất là lớn, đó là đề mục niệm chết. Rất nhiều người trong room chưa từng nghe qua đề tài này. Thường là chỉ nghe hai đề mục phổ thông là niệm Phật, niệm hơi thở; hoặc là từ bi quán, nguyện cho tất cả chúng sanh hướng Đông, hướng Tây, hướng Nam, hướng Bắc được an lạc, không đau khổ, không sợ hãi, đừng oan trái lẫn nhau… đại khái là chỉ nghe nói pháp môn rải tâm từ, niệm Phật, niệm hơi thở, quán bất tịnh, quán thể trược, quán tử thi. Nhiều người sẽ ngạc nhiên mắt chữ A mồm chữ O thắc mắc sao tu mà có cái niệm đề mục gì lạ. Họ không ngờ được rằng cái đề mục chết này là đề mục dính liền trong tâm khảm của tất cả người tu hành cầu giải thoát.
Vì đâu tôi nói như vậy? Chúng ta thấy đại trí như Bồ tát Tất Đạt nhìn thấy xác chết là đã muốn buông hết để đi tu. Ngài nhìn thấy bốn cảnh lão-bệnh-tử-tăng là buông đi tu liền tức thì. Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên lúc còn ngoài đời hai anh em rủ nhau đi xem kịch, nhìn thấy mỗi lần bức màn trên sân khấu kéo ra đóng lại là ra người khác. Chuyện thay tuồng, thay vai, thay áo liên tục diễn ra. Các ngài nhìn nhau, và nói với nhau, sao giống cuộc đời quá. Có rồi mất; hồi nào là lên voi, hồi nào là xuống chó; hồi nào là công hầu khanh tướng, hồi nào là ăn mày khố rách áo ôm. Thế là hai anh em chán đời quyết định bỏ đi tu luôn. Các ngài cũng thấm thía nỗi đời hư ảo đó.
Tự nhiên nói đến đây tôi nhớ câu thơ rất là hay của ông nào đó ở Việt Nam: Hôm nay ngửa mặt nhìn trời/ nghe ta hư ảo nghe đời phù du. Đề mục niệm chết phải là thường trực trong tâm tưởng của người tu hành. Bởi vì, anh có tu đề mục gì, thân thọ tâm pháp hay là gì tôi không cần biết. Anh chỉ làm ơn nhớ giùm rằng [cơ hội tu tập chỉ có ngay trước mắt, ngay bây giờ và tại đây]. Hãy nhớ như vậy. Tu tập rốt ráo là phải như vậy. Luôn luôn tâm niệm như vậy. Chuyện đáng làm nhất trong cuộc đời của mình chính là tu tập. Và cơ hội tu tập là tại đây và bây giờ. Bởi vì không biết một tí nữa chuyện gì xảy ra. Mỗi ngày tôi liếc một vòng các báo để biết tình hình thế giới nói chung, và cũng đảo một vòng trên báo VN. Mình thấy lúc này tai nạn giao thông quá tàn khốc, dễ chết lắm. Tôi không dọa bà con, nhưng bà con phải đồng ý với tôi là bà con dừng đèn đỏ cũng chết, đi xe 2 bánh cũng chết, 4 bánh cũng chết, 8 bánh 18 bánh cũng chết. Cho nên chuyện đáng làm nhất trong đời người đó là sống theo lời Phật dạy. Cơ hội để sống theo lời Phật dạy chỉ có tại đây và bây giờ mà thôi. Câu đó nghe hơi quá nhưng đó là sự thật. Chuyện hôm qua đã qua mất rồi nói làm chi. Chuyện sắp tới mình không lấy gì làm chắc, không biết lát nữa mình ra đường có còn không. Đừng có nói chỉ xảy ra trong nước, mà nước nào cũng vậy hết. Trong nhịp sống xô bồ của thế giới hôm nay, chúng ta tích tập trong người biết bao nhiêu thứ tâm bịnh, stress, trầm uất. Với điều kiện thuốc men thực phẩm, cơ thể mình tích tập biết bao nhiêu chứng bịnh do thực phẩm, do nhịp sống rộn ràng đem lại. Cái mầm chết trong thân xác của chúng ta lúc nào cũng đầy ắp. Cơ hội mà chúng ta chết nhiều lắm. Chưa kể bây giờ có những chứng bệnh người ta chưa kịp đặt tên mà đã chết cả đám rồi. Có những chứng bệnh lạ lắm, mất hẳn khả năng đề kháng. Không phải Sida, mà thuốc men gì cũng từ chối, không tiếp nhận dược phẩm nào vào người hết. Chích thuốc vô là người bệnh chỉ biết mệt thôi, bác sĩ tìm không ra bệnh. Tìm không ra làm sao cho thuốc. Thế là bệnh nhân đành phải chịu chết. Loại bệnh đó bây giờ rất là nhiều. Tôi nghĩ trong room này có nhiều người có kiến thức chuyên môn sẽ hiểu điều tôi nói. Có người bịnh ung thư, từ lúc phát hiện đến lúc chết là 10 năm, có người chỉ vừa phát hiện ba tháng sau là đi. Di căn lên tới tủy tới xương rồi. Những người khám định kỳ cũng không nên tin tưởng lắm vào tuổi thọ của mình, bởi vì có một số bệnh là đi nhanh lắm. Bên Houston có một cô người Việt khỏe mạnh lắm, cổ đi làm về chiều thứ Tư, thấy kỳ kỳ, nói với chồng. Ông chồng biết vợ không bao giờ nói những câu kỳ cục như vậy, thường là cô vợ hay trấn an chồng. Bây giờ thì cô nói thấy trong người kỳ kỳ. Khi đưa đi viện, thì họ nói là chỉ còn về làm di chúc thôi, không qua khỏi tuần này. Cổ chỉ mệt thôi. Về thu xếp việc nhà thì chiều thứ Sáu mất. Mất mà vẫn còn tiếp tục trẻ đẹp. Mới chiều thứ Tư đưa vô, bệnh viện nói không chữa được cho về thu xếp. Thu xếp xong việc nhà là chiều thứ Sáu mất. Rất đơn giản!
Bài kinh này rất quan trọng. Đức Phật dạy: Nền tảng của tất cả mọi pháp môn chính là niệm chết. Anh tu cái gì không cần biết, chuyện đầu tiên anh phải nhớ rằng cơ hội để anh hành trì chỉ là tại đây và bây giờ mà thôi. Một tiếng nữa mình không biết chuyện gì xảy ra. Hoặc không chết mà tự nhiên bị liệt, hoặc tửng tửng quên sạch hết, thành ra con người khác, hoặc nằm thiêm thiếp, hoặc coma, thành người thực vật.
Ngài hỏi chư tăng, mỗi vị đều thưa với Ngài là chúng con có tu tập sự chết. Mỗi vị đều trình với Ngài họ tu như thế nào, trong đó có một vị tỳ kheo được Đức Phật tán thán. Vị đó nói rằng: Con tu tập đề mục chết trong từng hơi thở.
Tôi không biết là do tôi sẽ yểu mệnh, hay do một thúc đẩy tiền duyên quá khứ, nhưng tôi rất-rất-rất là tâm đắc đề mục chết. Một phần có thể do nhát gan, một phần do thể trạng không khỏe từ bé, và cũng hy vọng một phần là do sự tác động của kinh điển, cho nên đề mục chết là đề mục mà tôi thường hay nhắc nhở bà con ngay khi có dịp.
Có 3 cấp độ niệm chết:
Cấp độ 1. Niệm chết một cách sơ sài (về thời gian và tâm trạng) để thu xếp đời sống.
Cứ nhớ chừng chừng là cái chết sẽ đến, mỗi lần nhớ như vậy thì tâm trạng hơi ngậm ngùi, hơi giật mình, nhưng không đến nỗi kinh động lắm, và thời gian cũng không khít khao lắm. Vài ngày nhớ một lần, để thu xếp chuyện gia đình, nhà cửa.
Cấp độ 2. Niệm chết để tinh tấn trong mỗi ngày, trong mỗi thời khóa tu tập.
Nghĩa là buổi sáng mùa đông thấy ngủ nướng ngon quá, sực nhớ đến cái chết bật dậy liền. Hoặc buổi chiều thấy gió mát hiu hiu muốn pha bình trà ngồi chơi, nhưng không, tới giờ thiền tọa rồi, bắt đầu kiếm chỗ vô ngồi. Ngồi một hồi định đi đâu đó chơi, nhưng không, nhớ là cơ hội không còn nhiều. Còn sống còn khỏe còn trẻ mới tu chứ mai mốt già bịnh chết thì làm sao tu. Thay vì đi chơi thì từ thiền tọa chuyển qua thiền hành.
Cấp độ 3. Liên tục thường trực niệm chết trong mỗi hơi thở.
Nghĩa là lúc nào cũng nhớ rằng thân tâm này đang chết đi trong từng giây, để không còn thích ghét, sợ hãi. Ngay cả cái chết có xảy đến cũng không sợ hãi. Lúc nào cũng nhớ rằng thân tâm này không có gì là một. Con số 1 là một con số giả thuyết, không có ở trong tự điển Phật pháp. Trong đạo Phật không có cái gì là một hết. Ví dụ nói rằng “trong mỗi (một/ each) chúng sanh” là mình thấy có cái gì đó hơi sai sai rồi. Bởi cái gọi là chúng sanh gồm rất nhiều thứ mà mình gom gọn lại là danh và sắc. Danh gồm có tâm thức và tâm sở -- tâm sở có tới mấy chục. Sắc pháp chính là vật chất, có tới mấy chục thứ sắc pháp. Mấy chục đó cộng lại thành ra cái gọi là một-người. Phải hiểu ngầm con số 1 này là con số giả thuyết, con số mượn. Rồi cái dòng chảy sanh diệt của tâm thức diễn ra trong từng sát-na. Một giây đồng hồ của mình có vô số sát-na. Một sát na là tổng hợp của tâm thức và mấy chục tâm sở trong đó. Càng xé nhỏ thì càng thấy không có gì là một. Hành giả thường xuyên liên tục ghi nhớ điều này, thật ra không có gì là một, tất cả là đồ ráp, mình chỉ là một nắm cát. Nắm cát này đang bị gió cuốn, nắm cát này đang bị cuốn theo chiều gió, nắm cát này đang được thay thế bởi nắm cát khác. Liên tục và thường trực suy niệm như vậy được gọi là niệm chết ở cấp độ ba. Với cấp độ này thì bà con mới có thể đối phó với những sợ hãi ghen tuông hờn giận tiếc nuối ray rứt, và bà con mới có thể sống an lạc, sống với tâm trạng của người không còn gì để nắm và cũng không biết nắm vào đâu. Tâm trạng đó rất là thoải mái.
Từ trước đến giờ chúng ta thấy bơ vơ cô quạnh, chúng ta thấy lẻ loi nhưng chúng ta không biết được rằng trên đời làm gì có điểm tựa cho danh sắc. Danh sắc do duyên mà có, chứ không có tựa không nương vào đâu hết. Quí vị mở cuốn Kinh Nghiệm Tuệ Quán 2 của chúng tôi mà xem phần 40 đặc tính Tam tướng của danh sắc, trong đó mấy cái đặc tính: Atāṇato là không có điểm tựa trong dòng chảy sanh diệt, Aleṇati là không có chỗ nương náu trong Tam tướng. Nghĩa là đủ duyên thì có, duyên hết thì nó bèn tan, không có cái gì có thể kềm giữ nắm níu nó lại hết. Nghĩ vậy mới thấy khiếp. Hành giả phải thấy đến mức như vầy: đây là do duyên hội lại, mắt thấy, cộng với tiền nghiệp, cộng với khuynh hướng tâm lý và môi trường hiện tại gió mát trăng thanh. Đây là trăng đang lên sau bờ tre bụi chuối, gió mát hiu hiu…. Những gì đang thấy cộng hết lại, mình thấy vui, thấy đêm nay trăng đẹp. Cũng đêm trăng đó, đang ngồi thưởng thức, bỗng nghe phone kêu cái ‘beng’, móc ra đọc cái tin nhắn nổi điên lên. Cũng đêm trăng đó, không lấy bớt cái gì hết, chỉ là tặng thêm cái tin nhắn thôi. Nếu là hành giả tu tập, hành giả thấy, ồ thì ra, nỗi khổ niềm đau niềm hạnh phúc của mình sao mong manh phù du đến như thế. Trước sau chỉ có ngần ấy thôi, nó do duyên mà có. Quí vị nghĩ bây giờ tôi đẹp, tôi khỏe, chồng thương vợ quý, con cái nhà cửa ngon lành… thì mấy cái đó là do mình tưởng thôi quí vị. Chứ còn để cho mình vui là tôi không có hứa. Hồi nãy đang trăng thanh gió mát ngon lành mà chỉ một cái beng rồi coi tin nhắn thế là tan tành. Trăng rụng xuống cầu, gió mát biến thành gió nóng sa mạc. Hành giả tu tập đề mục chết là phải thường xuyên tâm niệm rằng cái chết đang xảy ra trong từng phút cho thân và tâm này. Không có cái gì trên đời này là một, mọi thứ chỉ là một khối tổng hợp của nhiều thứ; nó tan biến trong từng phút từng giây và được thay thế bởi khối tổng hợp khác. Đó là niệm chết cấp 3, mức rốt ráo nhất.
Phải nói như vậy bà con mới thấy vì đâu Thế Tôn khen vị tỳ kheo niệm chết trong từng hơi thở. Niệm chết như vậy thì khi gặp cái chết mới không có sợ, và khi ra đi không có sợ hãi, không tiếc nuối, không ray rứt, không luyến lưu, không quay đầu nhìn lại. Không có gì tan nát can tràng cho bằng chân bước đi mà đầu quay lại mắt nhìn lưu luyến – đau lắm.
Mình sống làm sao mà tới ngày mình đi mình không có sợ, không tiếc nuối mà mình thấy đi đến chỗ mới tốt hơn, còn chỗ này ớn quá rồi. Đây cũng là lý do vì đâu có kẻ muốn tự sát. Tôi nói như vậy không phải là xúi bà con tự sát. Tôi chỉ minh họa là có những người thấy đời sống này ra làm sao đó họ mới đi tự sát. Người tu hành thì không tự sát, nhưng mình phải sẵn sàng ra đi trong một tâm trạng hoặc thanh thản, hoặc chán chường. Không còn gì luyến lưu nắm níu. Tệ nhất là chết kiểu sợ hãi, tiếc nuối, ray rứt. Cái đó là tôi kỵ dữ lắm.
Như vậy, có ba cấp độ niệm chết: 1. Niệm chết một cách sơ sài để dàn xếp cuộc sống; 2. Niệm chết để mình tinh tấn trong mỗi ngày; 3. Niệm chết để chứng thánh, để có thể ra đi bất cứ lúc nào.
# Niệm Chết
#NhậtKýChépBằngKinh19
#SưGiácNguyên giảng
Nguồn: fb New Dharma Readers
Không có nhận xét nào