Select Menu

hot

Bài đăng nổi bật

TỦ SÁCH PHẬT HỌC DÀNH CHO SMARTPHONE

Trong cuộc sống hiện đại, sách điện từ đang dần thay thế sách giấy. Các tác phẩm Phật học, trong đó có Kinh Phật, cũng không ngoài quy luật ...

Tìm kiếm Blog này

random posts

Ads 180

Ads 180
Bán xe Ford Taurus

Popular Posts

Phật

Tăng

Thần Thông

Thiên Giới

Chùa

Đọa Xứ

Video


 

Người Phật tử Việt Nam xưa nay thường biết đến khái niệm Tịnh độ qua các kinh nói về Phật Di Đà (Amitābhasutra và Sukhavativyūhasutra) từ Hán tạng, vốn được phiên dịch từ kinh điển Sanskrit. Ở đó, cõi Tịnh độ hay Cực lạc (Phạn ngữ Sukhavatì) được mô tả là cảnh giới tuyệt vời với tất cả những sự thù thắng, trang nghiêm.

Con đường dẫn đến cõi này có thể chỉ gói gọn trong công phu trì niệm hồng danh Phật Di Đà. Ngoài sự thanh tịnh có được từ việc nhất tâm niệm Phật Di Đà, oai lực của Ngài cũng thừa sức tiếp dẫn vong linh người niệm Phật vãng sinh về thế giới Tịnh độ để họ tiếp tục tu hành trong điều kiện thuận lợi hơn xưa gấp triệu lần. Cõi ấy giữa người với người không hề biết tương tranh, thù hận vì ở đó không có chuyện chiếm hữu lợi danh như ở cõi Ta bà nhiều kiếp nạn này.

Nhưng đó là theo kinh điển Hán tạng, nguồn giáo lý chủ đạo của Phật giáo Bắc truyền. Trong bài viết này ta thử tìm hiểu vấn đề qua kinh điển Pāli, nguồn giáo lý căn bản của Phật giáo Nam truyền. Dĩ nhiên, trong Tam tạng Pāli cũng có khái niệm Tịnh độ (nếu ta muốn gọi thế) với những trình bày thật rõ ràng về cảnh giới này, những cư dân ở đó và con đường dẫn đến cảnh giới Tịnh độ, tức phép cầu vãng sanh theo kinh điển Nam truyền.

CÕI TỊNH ĐỘ THEO KINH ĐIỂN PĀLI

Trước hết, cõi Tịnh độ được biết đến trong kinh điển Pāli qua danh từ Suddhāvāsa, còn được dịch là Tịnh cư, theo lối chiết tự Suddha (thanh tịnh) và Āvāsa (chỗ ở). Vậy Suddhāvāsā cũng có thể được dịch là Tịnh độ, Tịnh thổ. Thậm chí chữ Pāli này còn gần gũi với chữ Tịnh độ, Tịnh thổ hơn là Sukhavati (chốn An lạc), một chữ chỉ có thể xem là tương đương với từ Sugati (Lạc cảnh, Thiện thú) trong kinh điển Pāli, chỉ chung cho các cõi nhân thiên.

Theo các chú sớ A Tỳ Đàm, có tất cả 5 cõi Tịnh độ, nằm trong 16 cõi Phạm thiên Hữu sắc, và là chỗ tái sanh của các bậc Thinh văn Bất lai hay còn gọi là A na hàm (Anāgāmi người không còn trở lại các cõi dục giới). Tuy cảnh giới này chỉ gồm toàn các vị Bất lai và A-la-hán (chứng A-la-hán sau khi sanh về đây), nhưng trên căn bản vì vẫn là cõi Hữu sắc nên ở 5 cõi Tịnh độ này vẫn có những lâu đài, hoa viên rất trang nghiêm, dĩ nhiên không phải là nơi chốn hưởng thụ, mà đó chỉ là những dấu vết tối thiểu của một cõi Ngũ uẩn (1). Về tuổi thọ, chư Thánh Bất lai ở cõi thấp nhất trong 5 cõi Tịnh độ là cõi Vô phiền (Avihā) có thọ mạng 1.000 đại kiếp, kế đến là cõi Vô nhiệt (Ātappā) có thọ mạng 2.000 đại kiếp, cõi thứ ba là Thiện hiện (Sudassā) có thọ mạng 4.000 đại kiếp, cõi thứ tư là Thiện kiến (Sudassì) có thọ mạng 8.000 đại kiếp và cõi Sắc cứu cánh (Akanittha) có thọ mạng 16.000 đại kiếp.

Do có những lúc trải qua một thời gian dài không có chư Phật ra đời độ sinh nên dân số trên 5 cõi Tịnh độ chỉ có giảm mà không được bổ sung, do vậy cũng có những thời điểm 5 cõi này không tiếp tục tồn tại.

CƯ DÂN TỊNH ĐỘ THEO KINH ĐIỂN PĀLI

Trước tiên là trình bày đại lược về 4 tầng Thánh trí làm nên 4 bậc Thánh nhân và chính Đức Phật cũng được kể vào đó. Sơ quả hay Tu đà hoàn (Sotāpatti, Dự lưu), còn được gọi là Thất lai, người không thể tái sanh quá 7 lần, là vị đã chấm dứt hoàn toàn 3 thứ phiền não thân kiến ( nôm na là chấp kiến trong 5 uẩn), hoài nghi (nghi ngờ về Phật pháp nói chung) và giới cấm thủ (chấp trước các tín điều mù quáng). Ở một số vị, thánh trí Sơ quả chỉ là một giai đoạn thoáng qua trước khi hoàn tất các tầng thánh trí cao hơn. Như trường hợp Đức Phật hoặc các vị Thanh văn tốc chứng. Nhưng cũng có lúc giai đoạn này kéo dài trong nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều năm hoặc vài kiếp sống (dĩ nhiên không quá 7 kiếp). Sớ giải Trường Bộ ghi rằng Thiên vương Đế Thích hiện nay là một vị Thánh Sơ quả. Khi hết tuổi thọ, ngài sẽ sinh xuống nhân gian làm Chuyển luân vương và chứng đắc Nhị quả Tư đà hàm. Sau đó sanh lên Đao Lợi thiên chứng Tam quả A na hàm và lần lượt tái sanh ở đủ 5 cõi Tịnh độ, bắt đầu là cõi Vô phiền, cuối cùng ngài sẽ chứng quả A-la-hán và nhập diệt ở cõi Sắc cứu cánh.

Tầng Thánh trí thứ hai là Nhị quả Tư đà hàm. Ngoài 3 phiền não đã chấm dứt ở tầng thánh trước, quả vị này còn làm giảm nhẹ dục ái và sân hận. Do chỉ còn có thể tái sanh cõi Dục giới một lần nữa thôi, nên quả vị này còn được gọi là Nhất lai (Sakadāgāmī).

Tầng Thánh thứ ba là Tam quả A na hàm (Anāgāmi), nghĩa là bậc Bất lai, người không còn trở lui các cõi dục giới nữa (có tất cả 11 cõi Dục giới). Theo A Tỳ Đàm tạng Pàli thì do đã chấm dứt dục ái (niềm tham luyến trong ngũ trần) và sân hận nên vị Thánh Tam quả trong trường hợp không thể chứng A-la-hán rồi nhập diệt ngay đời này thì có hai con đường để đi:

Nếu đã chứng đắc Ngũ thiền thì sẽ tùy theo khả năng mạnh yếu của Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ mà sanh về một trong năm cõi Tịnh độ. Tín nổi trội thì sanh về cõi Vô phiền, Tấn hùng hậu thì về cõi Vô nhiệt, Niệm hùng hậu về cõi Thiện hiện, Định hùng hậu thì về cõi Thiện kiến, Tuệ thâm hậu thì sanh về cõi Sắc cứu cánh (Pāli gọi là Akanittha, Không thứ gì yếu kém). Ở cõi Tịnh độ thứ năm này toàn bộ Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ đều được sung mãn; vì đây là nơi chốn sau cùng để một vị Bất lai chứng quả A-la-hán và nhập diệt.

Trong trường hợp vị Thánh Bất lai chưa chứng qua một tầng thiền định nào, tức chỉ có trí tuệ Thiền quán (Vipassanā) mà không từng tu tập Thiền chỉ (Samātha) thì lúc mạng chung, vị này do khả năng ly dục vô sân tuyệt đối nên tối thiểu cũng thành tựu Sơ thiền trước khi mạng chung ở cõi Dục giới và như vậy cũng đủ để sanh về cõi Phạm thiên thấp nhất là Phạm thiên Sơ thiền.

Do túc duyên và trình độ tu chứng có khác nhau nên giữa các bậc Thánh Tam quả cũng có vài sai biệt. Theo Manorathapurani, Chú sớ Tăng Chi Bộ (phần Tika):

– Antarāparinibbāyī (Tiền bán Niết bàn): Vị Bất lai chứng A-la-hán khi chưa sống hết phân nửa thọ mạng ở cõi Tịnh độ nào đó trong 5 cõi.

– Upahaccaparinibbāyī (Hậu bán Niết bàn): Chứng A-la-hán sau khi sống hơn nửa thọ mạng ở cõi Tịnh độ nào đó.

– Uddhamsoto Akanitthagāmī (Luân lưu Niết bàn): Do căn tánh không xuất sắc, có vị Bất lai phải lần lượt sanh đủ 5 cõi Tịnh độ mới chứng quả A-la-hán rồi nhập diệt ở cõi Tịnh độ cao nhất.

– Asankhāraparinibbāyī (Bất lao Niết bàn): Vị Bất lai có thể chứng A-la-hán mà không cần nhiều cố gắng.

– Sasankhāraparinibbāyī (Cần lao Niết bàn): Vị Bất lai phải nhiều nỗ lực mới có thể chứng A-la-hán.

Tầng Thánh trí thứ tư chính là quả vị A-la-hán, người chấm dứt toàn bộ phiền não. Theo A Tỳ Đàm Pàli thì có 3 quả vị A-la-hán: Chư Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha hay Sabbannubuddha- Toàn Giác) cũng là những vị A-la-hán nhưng do tự mình chứng đắc và là đạo sư hướng dẫn cho những người hữu duyên chứng đắc A-la-hán. Những vị A-la-hán đệ tử này được gọi là Thanh văn giác (Sāvakabuddha). Quả vị A-la-hán thứ ba là Độc Giác Phật (Paccekabuddha), những vị tự mình chứng ngộ A-la-hán nhưng không thể hướng dẫn người khác chứng ngộ A-la-hán. Kinh điển Hán tạng còn gọi Độc Giác Phật là Duyên Giác Phật vì cho rằng các Ngài nhờ liễu ngộ nguyên lý Duyên khởi mà giác ngộ (cách nghĩ này bắt nguồn từ những giai thoại về chư Phật Độc Giác trong Chú sớ Tiểu Bộ Kinh, một trong những bộ phận kinh điển làm nền tảng cho nhiều kinh luận hậu tác, đọc kỹ các bộ A Hàm sẽ thấy rõ điều này). Kỳ thực, nếu đọc kinh Đại Duyên trong Trường Bộ kinh, ta sẽ thấy lý Duyên khởi và lý Tứ đế (vẫn bị hiểu lầm là dành riêng cho Thanh văn) vốn dĩ chỉ là một. Trong Trung Bộ kinh, Đức Phật đã xác định ai thấy lý Duyên khởi chính là thấy Pháp và ngược lại. Đồng thời, không hề có chuyện một người giác ngộ lý Tứ đế mà lại mơ hồ về lý Duyên khởi hay ngược lại. Tất cả quả vị A-la-hán vừa nêu trên đây luôn giống nhau về khía cạnh giác ngộ các pháp cần yếu (như Tứ đế, Duyên khởi…), chỉ khác ở hai điểm chính: Tự mình hiểu ra hay phải nhờ thầy hướng dẫn và điểm thứ hai là ngoài trí tuệ giác ngộ còn có khả năng hiểu biết sâu rộng những gì nằm ngoài lý tưởng giác ngộ hay không. Xét về khía cạnh này, chỉ có chư Phật Chánh Đẳng Giác là viên mãn. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng ta chỉ đặc biệt nhấn mạnh quả vị Bất lai, vì đề tài ở đây là các cõi Tịnh độ.

PHÉP VÃNG SANH TỊNH ĐỘ THEO KINH ĐIỂN PĀLI

Vãng sanh vẫn được dùng song song với chữ siêu sanh, nhưng theo tinh thần A Tỳ Đàm Pāli thì siêu sanh còn có thể được hiểu là vượt thoát tái sanh, một điều chỉ thực hiện được bởi một vị A-la-hán. Như vậy trong trường hợp vị Bất lai sanh về các cõi Tịnh độ chỉ có thể gọi là vãng sanh. Và nếu phải trả lời câu hỏi về con đường vãng sanh Tịnh độ, thì như tất cả những gì vừa nêu trên, ta hoàn toàn có thể nói rằng vãng sanh Tịnh độ chỉ là một phần đường trên hành trình giải thoát của một vị Thanh văn, và như thế pháp môn Tịnh độ hay con đường vãng sanh trong trường hợp này cũng đồng nghĩa với hành trình Tam học, Tứ niệm xứ, Bát chánh đạo, nói chung là hành trình 37 Bồ đề phần. Các pháp trong 37 Bồ đề phần đối với nhau chỉ là mối quan hệ tương tức; cái này chính là cái kia, trong cái kia có cái này.

Như vậy, lời đáp cho câu hỏi về con đường vãng sanh là toàn bộ những gì mà ta vẫn gọi là Phật pháp và theo cách hiểu này, pháp môn Tịnh độ cần thiết cho tất cả mọi người. Đồng thời, chiếu theo tinh thần căn bản của Phật giáo mà nói thì khi nhắc đến pháp môn Tịnh độ, cầu vãng sanh không hề có nghĩa là chờ đợi sự tiếp dẫn của bất cứ ai, mà phải là sự lên đường bằng chính đôi chân của mình.

Toại Khanh

Nguồn: fb Simsapa


Thiện là gì? Thiện là 6 căn biết 6 trần bằng tâm lành. Bất thiện là 6 căn biết 6 trần bằng tâm ác. Vui là 6 căn biết 6 trần như ý. Buồn khổ là 6 căn biết 6 trần bất toại.

Hạng chúng sanh bất thiện nó sống bằng 12 cái tâm nhân bất thiện: 8 tâm tham, 2 tâm sân, 2 tâm si là 12. Mười hai tâm nhân bất thiện đó nó sẽ tạo ra 8 tâm quả bất thiện. Mà trong 8 tâm quả bất thiện nói gọn lại là 6 căn chuyên môn biết cách bất toại. Do anh sống trong 12 tâm bất thiện, cho nên ngay bất cứ lúc nào anh có 12 tâm bất thiện xuất hiện thì một cách kín đáo lặng lẽ âm thầm anh đã tạo ra 8 tâm quả bất thiện cho một kiếp sau mà lúc nào thì trời biết, tùy nó mạnh hay yếu.

Tâm bất thiện mạnh hay yếu tùy vào ba điều kiện:

1. Đối tượng mình tạo nghiệp là đám đông hay cá nhân.

2. Tâm trạng của mình lúc mà mình làm nó chủ ý hay vô tình, nó mạnh hay yếu, thiết tha hay hờ hững.

3. Tác dụng của công việc đó mình làm vì mục đích gì.

Thí dụ: Tôi không thích đám đám đông Phật giáo này vì tôi là người không biết đạo nên mỗi lần nó tới ngồi thiền tôi bật nhạc lên lớn xíu. Nếu mà đám đông này tới vui chơi party, thì hành động tôi mở nhạc đó có tội nhẹ. Nhưng nếu mà đám đông này là học đạo, ngồi thiền là chết tôi.

Chỉ là một động tác rất là nhẹ, chỉnh volume thôi, là tôi đi địa ngục 18 kiếp. Mười tám kiếp là nói nghĩa bóng thôi chứ nó có thể là vô số kiếp. Bởi vì tôi phá đi cái cơ hội để người ta nghe đạo và hành đạo. Nếu cũng động tác này mà tôi chỉ vặn để tôi hay con tôi nghe nhạc thì khác, nhưng hôm nay tôi vặn để phá đám bên đấy thì lúc đó tôi nghĩ gì? Tôi thấy đông đông tôi tưởng đám Phật giáo đó là party phá cho vui thôi thì lúc đó ý tôi lại khác. Nhưng nếu mà tôi biết chính xác cái đám này nó đang mê hành thiền, nó đang learning Buddhism thì lúc đó tội nó khác. Cho nên tùy đối tượng đó là đám đông hay cá nhân, dụng tâm chủ ý là gì và tác dụng cùng hiệu quả, hậu quả của nó là gì.

Trong Kinh ghi rất rõ, cũng công sức đó, thời gian đó, tài sản vật chất đó bỏ ra, nếu mà ta nhắm tới đối tượng tập thể và nhất là ta nhắm đến tác dụng lâu bền thì công đức đó chẳng thể nghĩ bàn. Ví dụ xây dựng cầu, đường, đào giếng ... số người sử dụng 3 cái này nhiều hay ít? Và việc sử dụng nó là không có giới hạn biết tới kiếp nào mới hư, và số lượng người dùng nó không thể đếm kể. Thí dụ tôi chỉ bỏ ra 2000$ để đào cái giếng ở Miến Điện thì công đức đó chẳng thể nghĩ bàn. Bởi vì số người xài nó gồm có Tăng, Ni, Phật tử, cư sĩ, những người dùng giếng đó là những người học đạo, hành đạo và có lẽ là những người chứng đạo. Trong đó có những vì Bồ tát tương lai, vị Phật tương lai. Chúng ta không biết được trong chúng sanh ai sẽ thành Phật. Cho nên khi bỏ $2000 mà đào giếng chỉ nghĩ một chuyện là không có đại ca nào đi ngang đây mà không dùng cái giếng này. Vậy thì quả báo của $2000 này là không thể nghĩ bàn. Trong khi đó mình bỏ ra $50,000 đãi mấy chục người ăn yến sào, bào ngư, chỉ vài chục mâm nhậu là hết, và không đi đến đâu hết. Thì so với $2000 đào giếng kia là không thể nghĩ bàn.

Trích bài giảng Căn Bản Giáo Lý A Tỳ Đàm của sư Giác Nguyên

Kalama xin tri ân bạn mslenhung ghi chép

-


 “1. Một thời, Thế Tôn trú ở Nàdika, tại Ginjakāvasatha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo" - "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. Niệm chết, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy tu tập niệm chết.”

Đây là bài kinh ruột của chúng tôi. Một thời Thế Tôn trú ở Nādika, tại Ginjakāvasatha. Mỗi lần tôi gặp địa danh Ginjakāvasatha này tự nhiên tôi ngậm ngùi. Ở đó có một ngôi nhà lớn bằng gạch cho nên dân địa phương đặt tên chỗ đó là Nhà Gạch (Ginjakāvasatha: a house made of bricks). Giống như ai đọc Chí Phèo của Nam Cao thì biết mối tình trái ngang dễ thương của Thị Nở, Chí Phèo cũng diễn ra trong bối cảnh lò gạch. Tôi dừng lại ở cái địa danh này bởi vì chắc trong room này cũng có nhiều người cũng yêu văn và cũng biết nhân vật Chí Phèo Thị Nở, từ đây về sau mỗi lần nhìn thấy địa danh này trong kinh hoặc mỗi lần nhắc đến Chí Phèo Thị Nở quí vị sẽ nhớ đã từng nghe ông sư giảng trong room rằng trong thời Đức Phật cũng có một cái nhà gạch. Đương nhiên thời nào ở đâu cũng có Chí Phèo Thị Nở, ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên, ở đâu cũng có Thạch Sanh Lý Thông, ở đâu cũng có Thúy Kiều… Tự nhiên muốn tặng bà con món quà sáng. Từ nay về sau thấy chữ  Ginjakāvasatha thì nhớ đây là cái lò gạch thời Đức Phật, chắc chắn là cũng có Thị Nở, Chí Phèo, cũng có khu vườn chuối, cũng có những đêm say sưa, có gió có trăng, có bát cháo hành, đi về có nhau. Tào lao tới đó đủ rồi, bây giờ quay lại kinh.

Ngay tại ngôi nhà gạch đó, Thế Tôn đã gọi các tỳ kheo và nói rằng: Phải có một pháp môn khi tu tập tới nơi tới chốn sẽ đem lại lợi ích rất là lớn, đó là đề mục niệm chết. Rất nhiều người trong room chưa từng nghe qua đề tài này. Thường là chỉ nghe hai đề mục phổ thông là niệm Phật, niệm hơi thở; hoặc là từ bi quán, nguyện cho tất cả chúng sanh hướng Đông, hướng Tây, hướng Nam, hướng Bắc được an lạc, không đau khổ, không sợ hãi, đừng oan trái lẫn nhau… đại khái là chỉ nghe nói pháp môn rải tâm từ, niệm Phật, niệm hơi thở, quán bất tịnh, quán thể trược, quán tử thi. Nhiều người sẽ ngạc nhiên mắt chữ A mồm chữ O thắc mắc sao tu mà có cái niệm đề mục gì lạ. Họ không ngờ được rằng cái đề mục chết này là đề mục dính liền trong tâm khảm của tất cả người tu hành cầu giải thoát. 

Vì đâu tôi nói như vậy? Chúng ta thấy đại trí như Bồ tát Tất Đạt nhìn thấy xác chết là đã muốn buông hết để đi tu. Ngài nhìn thấy bốn cảnh lão-bệnh-tử-tăng là buông đi tu liền tức thì. Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên lúc còn ngoài đời hai anh em rủ nhau đi xem kịch, nhìn thấy mỗi lần bức màn trên sân khấu kéo ra đóng lại là ra người khác. Chuyện thay tuồng, thay vai, thay áo liên tục diễn ra. Các ngài nhìn nhau, và nói với nhau, sao giống cuộc đời quá. Có rồi mất; hồi nào là lên voi, hồi nào là xuống chó; hồi nào là công hầu khanh tướng, hồi nào là ăn mày khố rách áo ôm. Thế là hai anh em chán đời quyết định bỏ đi tu luôn. Các ngài cũng thấm thía nỗi đời hư ảo đó.

Tự nhiên nói đến đây tôi nhớ câu thơ rất là hay của ông nào đó ở Việt Nam: Hôm nay ngửa mặt nhìn trời/ nghe ta hư ảo nghe đời phù du. Đề mục niệm chết phải là thường trực trong tâm tưởng của người tu hành. Bởi vì, anh có tu đề mục gì, thân thọ tâm pháp hay là gì tôi không cần biết. Anh chỉ làm ơn nhớ giùm rằng [cơ hội tu tập chỉ có ngay trước mắt, ngay bây giờ và tại đây]. Hãy nhớ như vậy. Tu tập rốt ráo là phải như vậy. Luôn luôn tâm niệm như vậy. Chuyện đáng làm nhất trong cuộc đời của mình chính là tu tập. Và cơ hội tu tập là tại đây và bây giờ. Bởi vì không biết một tí nữa chuyện gì xảy ra. Mỗi ngày tôi liếc một vòng các báo để biết tình hình thế giới nói chung, và cũng đảo một vòng trên báo VN. Mình thấy lúc này tai nạn giao thông quá tàn khốc, dễ chết lắm. Tôi không dọa bà con, nhưng bà con phải đồng ý với tôi là bà con dừng đèn đỏ cũng chết, đi xe 2 bánh cũng chết, 4 bánh cũng chết, 8 bánh 18 bánh cũng chết. Cho nên chuyện đáng làm nhất trong đời người đó là sống theo lời Phật dạy. Cơ hội để sống theo lời Phật dạy chỉ có tại đây và bây giờ mà thôi. Câu đó nghe hơi quá nhưng đó là sự thật. Chuyện hôm qua đã qua mất rồi nói làm chi. Chuyện sắp tới mình không lấy gì làm chắc, không biết lát nữa mình ra đường có còn không. Đừng có nói chỉ xảy ra trong nước, mà nước nào cũng vậy hết. Trong nhịp sống xô bồ của thế giới hôm nay, chúng ta tích tập trong người biết bao nhiêu thứ tâm bịnh, stress, trầm uất. Với điều kiện thuốc men thực phẩm, cơ thể mình tích tập biết bao nhiêu chứng bịnh do thực phẩm, do nhịp sống rộn ràng đem lại. Cái mầm chết trong thân xác của chúng ta lúc nào cũng đầy ắp. Cơ hội mà chúng ta chết nhiều lắm. Chưa kể bây giờ có những chứng bệnh người ta chưa kịp đặt tên mà đã chết cả đám rồi. Có những chứng bệnh lạ lắm, mất hẳn khả năng đề kháng. Không phải Sida, mà thuốc men gì cũng từ chối, không tiếp nhận dược phẩm nào vào người hết. Chích thuốc vô là người bệnh chỉ biết mệt thôi, bác sĩ tìm không ra bệnh. Tìm không ra làm sao cho thuốc. Thế là bệnh nhân đành phải chịu chết. Loại bệnh đó bây giờ rất là nhiều. Tôi nghĩ trong room này có nhiều người có kiến thức chuyên môn sẽ hiểu điều tôi nói. Có người bịnh ung thư, từ lúc phát hiện đến lúc chết là 10 năm, có người chỉ vừa phát hiện ba tháng sau là đi. Di căn lên tới tủy tới xương rồi. Những người khám định kỳ cũng không nên tin tưởng lắm vào tuổi thọ của mình, bởi vì có một số bệnh là đi nhanh lắm. Bên Houston có một cô người Việt khỏe mạnh lắm, cổ đi làm về chiều thứ Tư, thấy kỳ kỳ, nói với chồng. Ông chồng biết vợ không bao giờ nói những câu kỳ cục như vậy, thường là cô vợ hay trấn an chồng. Bây giờ thì cô nói thấy trong người kỳ kỳ. Khi đưa đi viện, thì họ nói là chỉ còn về làm di chúc thôi, không qua khỏi tuần này. Cổ chỉ mệt thôi. Về thu xếp việc nhà thì chiều thứ Sáu mất. Mất mà vẫn còn tiếp tục trẻ đẹp. Mới chiều thứ Tư đưa vô, bệnh viện nói không chữa được cho về thu xếp. Thu xếp xong việc nhà là chiều thứ Sáu mất. Rất đơn giản!

Bài kinh này rất quan trọng. Đức Phật dạy: Nền tảng của tất cả mọi pháp môn chính là niệm chết. Anh tu cái gì không cần biết, chuyện đầu tiên anh phải nhớ rằng cơ hội để anh hành trì chỉ là tại đây và bây giờ mà thôi. Một tiếng nữa mình không biết chuyện gì xảy ra. Hoặc không chết mà tự nhiên bị liệt, hoặc tửng tửng quên sạch hết, thành ra con người khác, hoặc nằm thiêm thiếp, hoặc coma, thành người thực vật.
Ngài hỏi chư tăng, mỗi vị đều thưa với Ngài là chúng con có tu tập sự chết. Mỗi vị đều trình với Ngài họ tu như thế nào, trong đó có một vị tỳ kheo được Đức Phật tán thán. Vị đó nói rằng: Con tu tập đề mục chết trong từng hơi thở. 

Tôi không biết là do tôi sẽ yểu mệnh, hay do một thúc đẩy tiền duyên quá khứ, nhưng tôi rất-rất-rất là tâm đắc đề mục chết. Một phần có thể do nhát gan, một phần do thể trạng không khỏe từ bé, và cũng hy vọng một phần là do sự tác động của kinh điển, cho nên đề mục chết là đề mục mà tôi thường hay nhắc nhở bà con ngay khi có dịp. 

Có 3 cấp độ niệm chết:

Cấp độ 1. Niệm chết một cách sơ sài (về thời gian và tâm trạng) để thu xếp đời sống.
Cứ nhớ chừng chừng là cái chết sẽ đến, mỗi lần nhớ như vậy thì tâm trạng hơi ngậm ngùi, hơi giật mình, nhưng không đến nỗi kinh động lắm, và thời gian cũng không khít khao lắm. Vài ngày nhớ một lần, để thu xếp chuyện gia đình, nhà cửa.

Cấp độ 2. Niệm chết để tinh tấn trong mỗi ngày, trong  mỗi thời khóa tu tập. 
Nghĩa là buổi sáng mùa đông thấy ngủ nướng ngon quá, sực nhớ đến cái chết bật dậy liền. Hoặc buổi chiều thấy gió mát hiu hiu muốn pha bình trà ngồi chơi, nhưng không, tới giờ thiền tọa rồi, bắt đầu kiếm chỗ vô ngồi. Ngồi một hồi định đi đâu đó chơi, nhưng không, nhớ là cơ hội không còn nhiều. Còn sống còn khỏe còn trẻ mới tu chứ mai mốt già bịnh chết thì làm sao tu. Thay vì đi chơi thì từ thiền tọa chuyển qua thiền hành.

Cấp độ 3. Liên tục thường trực niệm chết trong mỗi hơi thở.
Nghĩa là lúc nào cũng nhớ rằng thân tâm này đang chết đi trong từng giây, để không còn thích ghét, sợ hãi. Ngay cả cái chết có xảy đến cũng không sợ hãi. Lúc nào cũng nhớ rằng thân tâm này không có gì là một. Con số 1 là một con số giả thuyết, không có ở trong tự điển Phật pháp. Trong đạo Phật không có cái gì là một hết. Ví dụ nói rằng “trong mỗi (một/ each) chúng sanh” là mình thấy có cái gì đó hơi sai sai rồi. Bởi cái gọi là chúng sanh gồm rất nhiều thứ mà mình gom gọn lại là danh và sắc. Danh gồm có tâm thức và tâm sở -- tâm sở có tới mấy chục. Sắc pháp chính là vật chất, có tới mấy chục thứ sắc pháp. Mấy chục đó cộng lại thành ra cái gọi là một-người. Phải hiểu ngầm con số 1 này là con số giả thuyết, con số mượn. Rồi cái dòng chảy sanh diệt của tâm thức diễn ra trong từng sát-na. Một giây đồng hồ của mình có vô số sát-na. Một sát na là tổng hợp của tâm thức và mấy chục tâm sở trong đó. Càng xé nhỏ thì càng thấy không có gì là một. Hành giả thường xuyên liên tục ghi nhớ điều này, thật ra không có gì là một, tất cả là đồ ráp, mình chỉ là một nắm cát. Nắm cát này đang bị gió cuốn, nắm cát này đang bị cuốn theo chiều gió, nắm cát này đang được thay thế bởi nắm cát khác. Liên tục và thường trực suy niệm như vậy được gọi là niệm chết ở cấp độ ba. Với cấp độ này thì bà con mới có thể đối phó với những sợ hãi ghen tuông hờn giận tiếc nuối ray rứt, và bà con mới có thể sống an lạc, sống với tâm trạng của người không còn gì để nắm và cũng không biết nắm vào đâu. Tâm trạng đó rất là thoải mái. 

Từ trước đến giờ chúng ta thấy bơ vơ cô quạnh, chúng ta thấy lẻ loi nhưng chúng ta không biết được rằng trên đời làm gì có điểm tựa cho danh sắc. Danh sắc do duyên mà có, chứ không có tựa không nương vào đâu hết. Quí vị mở cuốn Kinh Nghiệm Tuệ Quán 2 của chúng tôi mà xem phần 40 đặc tính Tam tướng của danh sắc, trong đó mấy cái đặc tính: Atāṇato là không có điểm tựa trong dòng chảy sanh diệt, Aleṇati là không có chỗ nương náu trong Tam tướng. Nghĩa là đủ duyên thì có, duyên hết thì nó bèn tan, không có cái gì có thể kềm giữ nắm níu nó lại hết.  Nghĩ vậy mới thấy khiếp. Hành giả phải thấy đến mức như vầy: đây là do duyên hội lại, mắt thấy, cộng với tiền nghiệp, cộng với khuynh hướng tâm lý và môi trường hiện tại gió mát trăng thanh. Đây là trăng đang lên sau bờ tre bụi chuối, gió mát hiu hiu…. Những gì đang thấy cộng hết lại, mình thấy vui, thấy đêm nay trăng đẹp. Cũng đêm trăng đó, đang ngồi thưởng thức, bỗng nghe phone kêu cái ‘beng’, móc ra đọc cái tin nhắn nổi điên lên. Cũng đêm trăng đó, không lấy bớt cái gì hết, chỉ là tặng thêm cái tin nhắn thôi. Nếu là hành giả tu tập, hành giả thấy, ồ thì ra, nỗi khổ niềm đau niềm hạnh phúc của mình sao mong manh phù du đến như thế. Trước sau chỉ có ngần ấy thôi, nó do duyên mà có. Quí vị nghĩ bây giờ tôi đẹp, tôi khỏe, chồng thương vợ quý, con cái nhà cửa ngon lành… thì mấy cái đó là do mình tưởng thôi quí vị. Chứ còn để cho mình vui là tôi không có hứa. Hồi nãy đang trăng thanh gió mát ngon lành mà chỉ một cái beng rồi coi tin nhắn thế là tan tành. Trăng rụng xuống cầu, gió mát biến thành gió nóng sa mạc. Hành giả tu tập đề mục chết là phải thường xuyên tâm niệm rằng cái chết đang xảy ra trong từng phút cho thân và tâm này. Không có cái gì trên đời này là một, mọi thứ chỉ là một khối tổng hợp của nhiều thứ; nó tan biến trong từng phút từng giây và được thay thế bởi khối tổng hợp khác. Đó là niệm chết cấp 3, mức rốt ráo nhất. 

Phải nói như vậy  bà con mới thấy vì đâu Thế Tôn khen vị tỳ kheo niệm chết trong từng hơi thở. Niệm chết như vậy thì khi gặp cái chết mới không có sợ, và khi ra đi không có sợ hãi, không tiếc nuối, không ray rứt, không luyến lưu, không quay đầu nhìn lại. Không có gì tan nát can tràng cho bằng chân bước đi mà đầu quay lại mắt nhìn lưu luyến – đau lắm. 

Mình sống làm sao mà tới ngày mình đi mình không có sợ, không tiếc nuối mà mình thấy đi đến chỗ mới tốt hơn, còn chỗ này ớn quá rồi. Đây cũng là lý do vì đâu có kẻ muốn tự sát. Tôi nói như vậy không phải là xúi bà con tự sát. Tôi chỉ minh họa là có những người thấy đời sống này ra làm sao đó họ mới đi tự sát. Người tu hành thì không tự sát, nhưng mình phải sẵn sàng ra đi trong một tâm trạng hoặc thanh thản, hoặc chán chường. Không còn gì luyến lưu nắm níu. Tệ nhất là chết kiểu sợ hãi, tiếc nuối, ray rứt. Cái đó là tôi kỵ dữ lắm. 

Như vậy, có ba cấp độ niệm chết: 1. Niệm chết một cách sơ sài để dàn xếp cuộc sống; 2. Niệm chết để mình tinh tấn trong mỗi ngày; 3. Niệm chết để chứng thánh, để có thể ra đi bất cứ lúc nào. 

# Niệm Chết
#NhậtKýChépBằngKinh19
#SưGiácNguyên giảng

Nguồn: fb New Dharma Readers
-


Mình không thể nào trông mong người ta giúp mình mà mình cứ ngồi khoanh tay. Ví dụ như thuốc bơm vào chữa trị cho bệnh nhân, thì cơ thể bệnh nhân phải có khả năng tiếp nhận ra sao thì thuốc đó mới có hiệu quả. Có trường hợp thuốc đưa vô, cơ thể nó phản ứng chứ không có nhận. Trường hợp đó chỉ có chết thôi. Thuốc là để giúp cho cơ thể bệnh nhân hết bệnh nhưng cơ thể phải tương ứng mới nhận được. Bác sĩ có giỏi bằng trời, thuốc hay bằng trời mà không có sự hợp tác của bệnh nhân thì thầy và thuốc đều không thể làm việc được.

Cách đây mấy năm tôi có đi thăm một bà cụ 103 tuổi, người Hoa, bà bị bệnh nặng. Khi con cháu bà đưa tôi về thăm bà, bà lén khoe với tôi một chuyện. Bà lấy tay che môi, bà nói nhỏ nhỏ: “Tao mới giấu thêm 6 viên thuốc nữa”. Bà mới giở cái nệm ra, ở dưới là một bụm mấy viên thuốc. Bà mới lắc đầu trề môi: “Tụi nó muốn giết tao đâu có dễ”. Coi như y tá đưa thuốc nhiêu là bà giấu hết. Vì bà nghĩ là tụi nó muốn giết bà. Mà y tá hơi hờ hững không để ý. Khi tôi vô bà kể mà mặt bà hiển hách chiến công lắm. Nghĩ sao đi giấu mà còn khoe nữa. Tưởng vậy là hay. Giờ thì bả chết rồi. Giấu thế sao mà sống nỗi.

Ở đây cũng vậy, dầu thầy hay cách mấy mà người bệnh không hợp tác, thuốc hay cách mấy mà không hợp tác, thì thua. Cho nên Tây có câu “Chúa chỉ giúp người nào biết tự cứu” *. Tôi kể câu chuyện lũ lụt các vị nhớ không? Giáo dân đi ngang nhà thờ nói: "Cha ơi, lụt tới rồi, Cha lên xe tụi con chở đi!" Cha nói: "Chúa không bỏ cha." Lát sau, nước tới rún, giáo dân đi xuồng tới, "Cha ơi, đi với con." Ông vẫn lắc đầu, "Chúa không bỏ cha." Lát sau nước đến ngực, trực thăng tới đòi đem ông đi, cảnh sát tới đòi mang ông đi, ông vẫn kêu “Không, chúa không bỏ cha”. Mười lăm phút sau ông về với Chúa. Mắt mờ lệ nhìn chúa, ông hỏi: "Vì sao chúa bỏ con?" Chúa trả lời: "Ta đã điều nào ca nô, nào trực thăng, cảnh sát mà con đều lắc đầu, thì ta giúp con kiểu nào đây? Con còn kêu trời nào nữa?"

Câu chuyện đó tuyệt đối không phải chuyện đùa. Câu chuyện đó cũng không phải là câu chuyện Chúa, mà là câu chuyện chùa. Bởi vì chùa cũng y chang như vậy. Không có phật nào độ được người nào không hợp tác.

Phật trí vô biên,

Phật lực vô cùng,

Phật tâm vô lượng,

Không độ được người vô duyên.

Nhớ nha! Bởi vì nếu các bậc thánh hiền mà độ được cả mấy cái thằng cà chớn, thì bây giờ tụi mình đâu có nằm lủ khủ ở đây.

Trích bài giảng Hỗ Tương, Tương Ưng và Quyền Duyên

Kalama xin tri ân bạn Nguyenhuongbichhue ghi chép.

Nguồn: http://toaikhanh.com/ 



Có người đến hỏi Đức Thế Tôn : 

-Vì đâu mà chúng sanh chết rồi kẻ bị đọa người được đi lên ? 

Ngài dạy rằng : 

-Chết do có người đi lên hay đi xuống là do hành xử theo chánh pháp và nếp sống hợp đạo. Tức là hành thập thiện. Số đọa là do sự hành xử vô đạo, hành xử trái với chánh pháp.

Thập thiện là gì ? Bố thí, trì giới, Chỉ, Quán, thuyết pháp, thính pháp , phục vụ , hồi hướng , cung kính và điều chỉnh tri kiến. Tôi giảng sơ vì trong room có nhiều người mới “chưa bóc tem “.

𝟏- 𝑩ố 𝒕𝒉í

Là chia sẻ những gì mà mình có cho người khác. Một là bố thí để cầu công đức, hai là bố thí vì thương người. Bà Teresa nói thế này : “Nếu ta không làm được việc lớn thì ta cũng có thể làm được việc nhỏ với một trái tim lớn “.

Hoặc là câu này của tôi “Nếu không làm chuyện lớn thì đừng làm lớn chuyện."

𝟐- 𝑻𝒓ì 𝑮𝒊ớ𝒊

Trì giới cho mình và cho người. Trì giới cho mình là để cầu công đức và để trang nghiêm nội tâm, trì giới cho người là thương người mình không làm và mình nghĩ đến mình. Mình không làm điều đó vì mình sợ tội, vì mình muốn có phước nhưng mà cũng có trường hợp là không làm chuyện đó vì thương chúng sanh nên không nỡ. Cái đó mới khó cho nên Tây có câu “ Ta làm thiện không phải vì người nhận  là ai mà bởi vì ta là người nào."

𝟑 & 𝟒- 𝑪𝒉ỉ-𝑸𝒖á𝒏 𝑺𝒂𝒎𝒂𝒕𝒉𝒂 𝒗à 𝑽𝒊𝒑𝒂𝒔𝒔𝒂𝒏𝒂

Có nghĩa là tập trung tư tưởng cũng là tu. Sống chánh niệm trong từng khoảnh khắc một cách linh hoạt, kiểu chánh niệm cũng là tu. Chỉ riêng Chỉ Quán này nói cũng mấy chục năm. Ở đây tôi chỉ nói vắn tắt vậy thôi.

𝟓-𝑪𝒖𝒏𝒈 𝒌í𝒏𝒉

Từ khi sanh ra đến giờ có lúc mình làm con chó, con heo, làm con người, lúc nào cũng coi bản thân mình là quan trọng. Nhưng mà khi mình là con người, mình khác con thú ở chỗ là mình phải biết ở dưới nhìn lên, ở trên nhìn xuống. Ở trên nhìn xuống thì yêu thương bao dung, ở dưới nhìn lên để tôn kính và học hỏi. Sống mà không biết cúi đầu thì đời đời không ai cúi đầu trước mặt mình hết, sống mà không dám mất thì đời đời sẽ không được, kẻ nào dám mất thì kẻ ấy mới có lúc họ được. Mình khiêm tốn không phải là vì mình muốn đời sau sanh ra mình được người ta cúi đầu, nhưng mà chuyện đầu tiên mình khiêm tốn, biết cung kính người khác chỉ vì một lý do mình nghĩ mình chỉ là một đống rác thì lấy cái lý do gì mà mình không tôn kính người khác. Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai mình nghĩ tại sao mình phải tôn kính người khác là bởi vì mình nghĩ trên đời này ai cũng có cái thiện. Hạnh phúc mà người coi mình là con số không nó lớn lắm. Có cô Phật tử hỏi tôi “ tại sao quí thầy gặp nhau mà quí thầy có thể quỳ xuống lạy nhau một cách dễ dàng như vậy “, Cô rất ngạc nhiên bởi vì ngày xưa cô là một gia đình danh gia vọng tộc. Tôi nói :”tại cô chưa có thử nên cô chưa biết, cái cảm giác mà hạ mình trước người mình quý mến nó hạnh phúc lắm.” Phúc thay cho kẻ nào tìm được đối tượng trong đời để mình tôn kính, bất hạnh thay cho kẻ nào trên đời này không tìm ra lý do để mà cúi đầu. Đó là hạnh tu rất là xuất sắc.

𝟔- 𝑷𝒉ụ𝒄 𝑽ụ

Là mình phải động tay động chân để mà giúp đỡ người khác dù ít dù nhiều, chứ còn sống mà chỉ biết có mình thì khó lắm. Tôi nhớ câu chuyện có lần đó trong một lớp học bắt đầu buổi giảng, cô giáo kêu cả lớp đứng lên để mà vinh danh bạn David hôm nay làm một cử chỉ rất là đẹp là dắt một bà cụ qua đường. Trong lớp nghe cô giáo đề nghị vỗ tay thì các em vỗ tay. Có em nhìn ngưỡng mộ, có em lén nhìn ghen tị bạn David. Hôm sau bắt đầu buổi học thì hơn nửa lớp đứng lên và nói “Xin cô cũng cho chúng em một tràng pháo tay, vì hôm nay chúng em cũng muốn nói là chúng em vừa đưa một bà cụ qua đường.”

Cô giáo hỏi “Một bà cụ mà đến mười em đưa qua đường là sao ?” Các em trả lời “Vì bà không muốn qua, nhưng mà tụi em nhớ lời cô là David đưa một bà cụ qua đường đáng được vỗ tay, cho nên hôm nay tụi em hè nhau đưa bà qua đường mặc dù bà không thích, nhưng cuối cùng tụi em tìm cách cũng đưa bà qua được.” Cô giáo kêu “trời, mấy em hiểu không, đưa người qua đường đó là một điều tốt, nhưng khi nào người ta cần, còn đằng này mấy em đè người ta xuống, khiêng người ta đi thì không đúng.”

Phục vụ có nghĩa là mình bỏ ra chút ít thời gian công sức để mà hỗ trợ nhu cầu công việc. Cho là một nghệ thuật, giúp đỡ người cũng là một nghệ thuật, khen ngợi cũng là một nghệ thuật . Đó cũng là một công đức.

𝟕- 𝑻𝒉𝒖𝒚ế𝒕 𝑷𝒉á𝒑 

Là mình chia sẻ về đạo cho người khác. Trong kinh Tăng Chi Phật dạy “Ơn cha nghĩa mẹ Này các Tỳ Kheo, ta cho rằng không cách chi mà có thể dùng các phương tiện vật chất mà đền đáp. Này các Tỳ Kheo ta nói rằng dầu cho một người bên vai trái cõng cha bên phải cõng mẹ đi suốt trái đất một trăm năm để cho cha mẹ tha hồ tiểu tiện trên người của mình thì ta nói rằng một trăm năm khổ nhọc như vậy vẫn chưa đủ để đền đáp hết ơn đó được, vì tấm lòng của cha mẹ đối với con không thể cân đong đo đếm được. Tuy nhiên, ta nói rằng một người mà hướng dẫn cha mẹ vào chánh pháp, khiến cho cha mẹ có niềm tin, biết bố thí, biết giới hạnh, thì ta cho rằng sự hướng dẫn đó đủ để đáp đền được công ơn trời biển với cha mẹ “. Điều đó cho thấy rằng thuyết pháp quan trọng lắm, nó chia sẻ nguồn sáng cho người khác.Trên đời có cái gì khổ bằng mình mù hoặc là mình có mắt mà mình sống trong bóng tối, không biết đường đâu mà lần, bỗng nhiên có một khe hở ánh sáng nó len vào, có một tia đèn pin nó quét ngang thì sung sướng biết dường nào. Cho nên thuyết pháp là hiến tặng cho đời một nguồn sáng, giúp cho người ta có đường lối suy tư và hành động. Đó là công đức vô lượng vô biên.

𝟖- 𝑻𝒉í𝒏𝒉 𝑷𝒉á𝒑

Không phải mình ngồi mình nghe một cách tiêu cực thụ động, mà đằng này mình biết lắng nghe, vì mình là ao tù nước đọng. Nếu mà một cái ao mà nước không ra không vào thì chỉ cần chờ chiếc lá rụng hoặc là thú chết nó lọt xuống dưới là nó thúi cả làng. Nhưng mà một cái ao nếu mà có nước ra nước vào thì nó trong lắm, nó đẹp, sạch và hữu dụng. Thì một cái não trạng của chúng ta nó cũng phải thường xuyên được nước ra nước vào, phải có lắng nghe, học hỏi, chỉnh sửa thì mới khá được. Nghe pháp cũng là một công đức, vì càng nghe mình càng khá hơn. Trong kinh có nói nghe pháp có nhiều mục đích:

Nghe để phá nghi, nghe để giải quyết những điểm thắc mắc nào đó, nghe để biết thêm nhiều điều chưa biết, nghe để củng cố những điều mình đã biết, nghe để mình sống lại những điều mình vừa mới được nghe. Thí dụ như ngài Xá Lợi Phất, ngài sẵn sàng ngồi xuống để nghe chú đệ tử sa di 7 tuổi thuyết pháp, không phải ngài nghe để ngài phá nghi, cũng không phải nghe để biết thêm điều chưa biết, cũng không phải nghe để củng cố điều đã biết, mà ngài nghe để ngài sống lại những điều ngài đang nghe. Khi ngài đang nghe, mà vị đó nói Niệm Giác Chi, Cần Giác Chi, là ngài hỷ lạc toàn thân. Cho nên nghe pháp đến cả ngài Xá Lợi Phất mà ngài còn thích nghe pháp như vậy. Đức Thế Tôn có nhiều lần bệnh, ngài nói với ngài Mục Kiền Liên và chư tăng “ Như Lai đang bệnh, không có an lạc về thân, hãy đọc cho Như Lai nghe một đoạn về Thất Giác Chi. Chư Tăng thưa “ Bạch Đức Thế Tôn, đây là Thất Giác Chi đã được Thế Tôn chứng đắc và tuyên thuyết thế nào là 7 : Niệm Giác Chi, Trạch Giác Chi, Cần Giác Chi, Hỷ Giác Chi, Định Giác Chi, Tịnh Giác Chi và Xả Giác Chi.”

Khi Thế Tôn nghe chư tăng đọc lại những điều mà Ngài đã giảng, Ngài bèn hoan hỷ và hết bệnh. Có thể trong room này không  tin, các vị nghĩ là Phật bị bệnh mà cũng cần tụng kinh ?! Không phải ! Ngài nghe để Ngài sống lại với cái mà ngài đang nghe. Ngày nay mình không hiểu ý nghĩa của chuyện đó, mình cứ tưởng quanh năm sống không ra gì, rồi tới lúc bệnh thỉnh tăng ni về tụng cầu an cầu siêu, thì phải nói rằng đó là hiểu lầm. Trong kinh Mi Tiên vấn đáp có ghi một buổi cầu an mà có kết quả : 1/là người tụng phải là người tập trung tư tưởng gởi hết tâm tư vào lời tụng của mình, chứ còn miệng ê a mà lòng đi đâu, phiêu bạt gởi gió theo mây ngàn bay thì coi như nó không linh, 2/lòng người tụng kinh phải khắn khít. Người mà được tụng kinh phải có cái tâm đón nhận, chứ còn lúc đó bị phiền não tham, sân, si chi phối thì cũng không được. 3/là người đó không bị trọng nghiệp. Trọng nghiệp là nghiệp quá khứ quá nặng. Nói theo VN là bệnh căn, bệnh quả, nghiệp chướng kiếp trước. Ngay cả vị Chánh Đẳng Chánh Giác cũng phải bó tay. Ngài không cứu mình được vì đó là bệnh nghiệp. Thí dụ như bệnh ung thư, sơ gan cổ trướng, thầy chạy, bác sĩ chê. Nghiệp nhỏ, nghiệp nhẹ như là thời tiết, trúng gió, trúng sương, thực phẩm, tai nạn, thì cái đó còn chữa được. Bệnh là do nhân  hiện tại. Chứ còn đã là nghiệp nặng thì không né kịp phải chịu thôi.

𝟗- 𝑯ồ𝒊 𝑯ướ𝒏𝒈 

Là tấm lòng của người hành thiện đối với vô lượng chúng sanh khác. Ta biết rằng, có trong tay một món ăn thì ta phải sẵn lòng chia sẻ cho người khác. Đó là vật thí và tài thí. Nhưng mà ta biết rằng ta đang có một công đức lớn và có vô lượng chúng sanh đang hướng về ta để cầu công đức. Họ muốn lắm nhưng mà không có điều kiện để làm, họ đang chầu chực để họ chờ mình nhắc tới họ. Khi mình nghĩ tới họ mình phát đại bi tâm, bèn hồi hướng đến vô lượng chúng sanh không phân biệt biên giới thì công đức đó chẳng thể nghĩ bàn. Các vị có biết rằng có biết bao nhiêu người trong chúng ta, khi sống làm nghiệp này nghiệp kia, nặng thì đi địa ngục bàng sanh, súc sanh, có người sanh làm A-tu-la, ngạ quỷ. 

Ngạ Qủy có hai trường hợp:

 1) không thể nhận được phước hồi hướng, dù có hồi hướng cỡ nào đi nữa cũng phải sống cho hết cái tuổi thọ để trả nghiệp. 

 2) Là loại ngạ quỷ mà có thể nhận được đồ cúng hoặc phước hồi hướng. Rất là tội nghiệp khi chết mà bị lọt vô đây. Trong kinh nói có những kẻ hàng ngàn năm, hàng triệu năm, lang thang khắp đầu đường ghềnh cuối bể mà cứ thấy nước là nhào tới thì nước khô queo. Còn trong mắt người ta thì dòng nước nó vẫn cuồn cuộn, lăn tăn bình thường. Riêng với ngạ quỷ thì nó khô queo, còn không thì nó thành lửa cháy rần rần giống như cái suối dầu lửa hoặc là nó thành nguyên một dòng suối máu mủ với nước vàng tanh tưởi, nước cống đen ngờm tanh rình suốt hàng ngàn năm như vậy. Cho nên chỉ cần nghe ở đâu mà động dao động thớt, có mùi nhan khói tụng niệm hồi hướng là nó mừng lắm, nó nhào tới. Cho nên người ta đâu có biết, chỉ hồi hướng cho thân nhân gia đình, ba mẹ, ông bà của họ. 

Cho nên nhớ tốt nhất là hồi hướng cho vô lượng chúng sanh vì hai lẽ:

 1) Chúng sanh nào cũng đáng thương. 

 2) Khó mà tìm ra được một chúng sanh nào chưa từng là thân quyến của mình. Tất thảy trong đời này đều nằm trong hai hạng người : Người thiện, người hạnh phúc thì nằm trong nhóm dễ thương, người ác, người khổ thì trong nhóm đáng thương. Trong đời này không có ai để mình ghét. Trong vô lượng vũ trụ thánh hiền, nam nữ, đực, cái, trống, mái đều nằm trong hai hạng người dễ thương và đáng thương. Đây là lý do tại sao mà chúng ta phải hồi hướng. Hôm nay chúng ta đối với người khác ra sao, thì mai này đời sau kiếp khác cũng có kẻ hành động như vậy với ta. Lăn đùng ra chết, có lúc nhận được, lúc không nhận được nhưng mà có còn hơn không. Chứ còn lúc nào mình cũng ba tôi, mẹ tôi, ông bà tôi mà mình quên vô lượng chúng sanh khác thì tội nghiệp lắm quí vị nhe. 

𝟏𝟎- Đ𝒊ề𝒖 𝒄𝒉ỉ𝒏𝒉 𝑻𝒓𝒊 𝑲𝒊ế𝒏

Là người thường xuyên liên tục lắng nghe học hỏi xem chỗ biết của mình đúng hay sai, nó tới chưa, đủ sâu chưa, đủ rộng chưa, chính xác chưa, phải thường xuyên như vậy. Phúc thay cho kẻ nào thường xuyên lắng nghe học hỏi mà biết nghi ngờ cái biết của mình, luôn luôn có khả năng xét lại. Bất hạnh thay cho kẻ nào biết ba mớ và bèn cho đó là chân lý vĩnh cữu hằng số bất biến, Điều đó vô cùng bất hạnh.

Trong đời tu của tôi, tôi cũng gặp cả hai hạng người này. Biết ba mớ bèn cho đó là tinh hoa của vũ trụ, mình là cái rốn của càn khôn. Quí vị tưởng tượng một vấn đề giáo lý, Ngài A Nan là đệ nhất đa văn, Ngài là Sơ quả không cách nào bằng một vị A-la-hán vô danh. Các vị A-la-hán vô danh hay là có tiếng cũng không làm sao mà bì được cái biết của ngài Xá Lợi Phất. Cũng vấn đề đó, ngài Xá Lợi Phất làm sao hiểu hơn Đức Phật. Và điều này cho thấy rằng mỗi vấn đề giáo lý đều có nhiều tầng lớp nhận thức khác nhau về độ sâu lẫn chiều rộng. Cho nên chúng ta có thuộc lòng tam tạng đi nữa thì vẫn phải lắng nghe người khác, là vì cái chỗ hiểu nào của mình cũng cần phải có chỗ để bổ sung, bổ khuyết và điền khuyết. Nhớ nhe ! Chắc chắn một ngàn phần trăm là như vậy. Tôi thí dụ sợi tóc, quí vị đừng có nói với tôi sợi tóc nó nhỏ thì những gì mà các vị biết về sợi tóc này hoàn toàn đầy đủ không cần biết thêm nữa. Tôi xin chia buồn với ai mà có cái nhận thức và suy tư như vậy. Cho là sợi tóc nó là nhỏ, còn cái biết của ta là một tiến sĩ hoá học, một tiến sĩ vật lý ta đã biết hoàn toàn mọi sự về sợi tóc là sai ! Bởi vì nó nhiều chuyện trong sợi tóc mà một ngàn năm nữa chúng ta cũng chưa biết hết về sợi tóc đâu quí vị. Nhiều lắm thì chúng ta chỉ biết lơ mơ như là “tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm “ hay là “Tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lêng đênh”. Biết lơ mơ kiểu đó không có đủ xài nhe ! 

Người nào khi còn sống mà hành thập thiện, sống có hành động tư duy theo mười cái này thì khi chết có cái cơ đi lên. Tôi xài chữ rất là chính xác là chữ CƠ tức là có hy vọng, chứ không có chắc lắm là vì cái nợ xấu mình nhiều quá. Trong chánh tạng kinh Tăng Chi Đức Phật dạy “ Này các Tỳ Kheo ai cho rằng kẻ làm thiện chết rồi chắc chắn sanh thiên, ta nói rằng đó là tà kiến. Ai nói rằng kẻ làm ác chết rồi chắc chắn phải bị đọa, ta cho rằng đó là tà kiến."

Là vì sao ? Mình mới nghe qua mình không thấy ghê, nhưng ngẫm lại ghê thiệt . Là khi mình nói một người làm thiện chắc chắn sanh thiên như vậy là mình đã quên mấy chục triệu tỷ ức kiếp luân hồi về trước rồi. Các vị tưởng tượng cơ hội làm lành làm thiện và cơ hội làm ác cái nào nhiều hơn ? Rồi bản năng thiện và bản năng ác cái nào mạnh hơn, rồi bạn ác, thầy xấu nhiều hơn là thầy bạn đàng hoàng. Cho nên trong vô số tỷ triệu ức kiếp luân hồi về trước, nghiệp ác mình nó có đến một tỷ luôn, còn cái chuyện tu hành của mình thì nó lai rai ầu ơ ví dầu. Nói ra không phải cho các vị run xuống tinh thần nhưng đó là sự thật. 

Sư Giác Nguyên 
(Chép lại bài giảng của Sư)
Nguồn: fb Simsapa

- -

Giác Nguyên

Bên Bắc Truyền họ dạy cho người ta là lúc sống gặp tai nạn thì niệm Quan Âm và lúc chết thì niệm U Minh Giáo Chủ - Địa Tạng Vương, hoặc là niệm Tây Phương tiếp dẫn A Di Đà Phật.

Tôi xin hỏi các vị vậy chứ mình gặp nạn mình cầu Quan Âm mình có được thoát nạn như ý không? Nếu mà nói Quan Âm phù hộ, như vậy cả hai đội bóng nó cầu Quan Âm phù hộ thì Quan Âm phù hộ đội nào? Ông Phát một đội, tui cũng một đội, mà đứa nào cũng cầu Quan Âm phù hộ, "mẹ hiền phù hộ cho con", thì Quan Âm binh ai? Nó hơi kẹt. Thứ hai, Nếu nói rằng ai mà chí thành thì Bồ Tát phù hộ thì có dám chắc là chí thành là Bồ Tát phù hộ không? Bởi vì theo kinh điển nguyên thủy, nếu cái phước nghiệp có thể giúp mình vượt qua vụ này thì mình không cần ai phù hộ, tự nó sẽ qua. Khi mình cầm nguyên nồi nước sôi hất vô ổ kiến thế nào cũng có con sống con chết, đúng không ? Cầm đạn mà lia vô đám đông thế nào cũng có đứa sống đứa chết, đúng không? Thí dụ như vừa rồi có vụ bắn giết trong cái đại nhạc hội đó, nhớ không?

Chúng sanh có nghiệp hộ trì

dữ lành tốt xấu sở y của mình.

Cho nên, nếu mà nói Bồ Tát có thể hộ trì cho mình thì vậy chứ những đứa có phước và không có phước Bồ Tát phù hộ hết, có phải vậy không? Không.

Vậy cuối cùng quy lại là do cái nghiệp.

Nếu nói Bồ Tát Quán Âm là Đại Bi vậy xin hỏi mấy cha Bồ Tát khác không có Đại Bi sao? Có hiểu tôi nói gì không? Muốn thành Phật thì phải có Đại Bi. Theo tôi biết thì không có Phật nào thiếu Đại Bi mà được thành Phật hết. Không bao giờ có một vị Bồ Tát nào thiếu lòng đại bi mà leo lên ngồi cái tòa này hết. Đại Bi là gì? Giúp được thì giúp, bất kể bản thân. Đó mới là Đại Bi.

Còn nhớ 5 hạng người mà bữa hổm mình học không?

Hạng thứ nhất, chỉ nghĩ đến bản thân bất kể người khác.

Hạng thứ hai, chỉ quan tâm đến người nào tốt với mình.

Hạng thứ ba, thương được kẻ không ân không oán, người dưng nước lã.

Hạng thứ tư, thương được bạn của kẻ thù.

Hạng thứ năm, thương được kẻ thù.

Thì Đại Bi phải là hạng thứ năm trong vô sô kiếp.

Trong bài học này chúng ta cùng nhau ngồi lại để phân tích, chúng ta không có cái ý bôi bác. Vấn đề không phải bôi bác ai. Chỉ vì mình hiểu sai chứ không phải vậy. Cái tín ngưỡng Quan Âm tôi phải nói là rất hay. Nhưng mà do mình hiểu sai cho nên làm hư đi hình ảnh Quan Âm. Hình ảnh Quan Âm phải nên hiểu như thế này: Thờ Quan Âm là thờ cái "symbol" (biểu tượng) của cái "kindness" (lòng từ bi), chớ không phải thờ Quan Âm để mà cầu "somebody helps you" (ai đó cứu tôi với). Bởi vì trong kinh nói, cầu nguyện lúc lâm nguy không phải để thoát nạn mà để lòng bình tĩnh lúc lâm nguy.

Và theo các chuyên gia cứu hộ, thì trong bất cứ tai nạn nào, cái tên mà bình tĩnh có khả năng thoát nạn cao hơn cái tên hoảng loạn 30 lần. Ví dụ vừa rồi ở Iran một chiếc máy bay bị trục trặc phải hạ cánh khẩn cấp. Lúc người ta bung cái cửa thoát hiểm, thì mấy bà thay vì người ta tuần tự thứ lớp đi theo hướng dẫn của tiếp viên thì mấy bả chuyện đầu tiên là nhào lên khoang hành lý lôi mấy cái túi LV, Gucci mới mua chưa kịp xài. Mà lúc mà nhào lên lấy hành lý là đã rối. Rồi lấy được xong là cứ đạp người trước mặt để mà chạy ra. Vì vậy mới chết một mớ luôn. Cái chuyện mà lấy hành lý là bậy số một, mà đạp lên nhau là bậy số hai, tổng cộng là bậy toàn tập.

Cho nên trong bất cứ tình huống nào, dầu là trước cái chết không tránh được, thì cái tên bình tĩnh nó hơn cái tên hoảng loạn ở chỗ là nó chết trong bình tĩnh. Giả sử khi mà biết cái vụ này không thể qua được, thì ít ra cái chết trong bình tĩnh hình như cũng tốt hơn cái chết trong hoảng loạn. Chưa kể là khi nó bình tĩnh nó còn cơ hội thoát nạn. Có nhiều người, họ bình tĩnh họ không chỉ thoát nạn mà họ còn có quởn họ giúp được người khác nữa. Còn nhiều người thì khi loạn lên bản thân cứu không được, không tự cứu được thì làm sao có thể cứu người khác? Cho nên ở đây, mình niệm Phật niệm Bồ Tát là để có được sự bình tĩnh lúc lâm nguy - chứ không phải để thoát nạn. Mặc dù, mình cũng phải hiểu ngầm rằng khi có bình tĩnh thì khả năng thoát nạn sẽ cao hơn.

Còn khi anh cứ cầu nguyện được cái này cái kia lỡ mà không được anh có thất vọng không? Nhớ dùm tôi cái này. Chư Phật chỉ độ giúp ta được khi ta có phước duyên thôi. Các Ngài chỉ hà hơi, tiếp sức, trợ lực thôi. Tin tôi đi. Không thể nào nói là thờ "linh lắm". Thì tôi hỏi, nếu như bên Thái Lan có nhiều vị sư cho phật tử cái tượng phật nói "linh lắm, linh lắm". Đem thờ là phát tài. Nếu Phật tử nó bình tĩnh hỏi lại: "Sao sư không để lại xài?" Thì khi ổng nói phát mà thực ra ổng đưa cho mình là để chờ mình cúng cái bao thơ, hiểu không ? Các vị thấy có kỳ không?

Hoặc có cái này tôi thắc mắc sao Phật tử hiền quá, Đức Phật trong kinh ngài cao một thước tám, tiếng Pali gọi là 18 cái usapha, 1 usapha là 1 tấc mà 18 cái là 1 mét 8. Khi Ngài tịch rồi, thiêu ngài xá lợi tối đa là 5kg. Tối đa 5kg là nhiều lắm, chứ một người mét tám mà làm gì được 5kg, nhưng mà tôi tặng không thêm mấy kg nữa đó. Thì tôi hỏi, 5kg đó mà đem chia ra thì làm gì tới tay mấy người tào lao như mình? Trong kinh nói, lúc chia xá lợi là Đế Thích dòm chăm bẵm. Lúc cái ông chia xá lợi ổng thấy cái răng được quá, ổng lấy cái răng ổng nhét vào tóc, tóc ổng dài mà, rồi ổng chia tiếp. Đức Đế Thích thấy vậy, mới lấy cái răng của ổng đem đi mất. Ông kia chia xong rờ tóc thấy mất cái răng. Điều đó cho thấy rằng, Đế Thích vàng ngọc không màng nhưng mà rất là quan tâm xá lợi của Đức Phật, bởi vì đó là tinh hoa của 20 A-tăng-kỳ. Có hiểu không? Chưa hết.

Phạm Thiên thượng giới một tòa,

xương vai bên tả cùng là tam y,

đền thờ cao vợi cực kỳ

chúng con lễ bái thiên uy tháp này"

Phạm Thiên là mấy ông mà ăn rồi cứ ở vậy không à, hít thở để cười như Làng Mai. Vậy mà người ta còn làm một cái tháp "Phạm Thiên thượng giới một tòa" để "Xương vai bên tả cùng là tam y." Phạm Thiên còn phải thờ một miếng xương vai. Đức Phật có hai vai, một mảnh bên vai trái với bộ tam y của Đức Phật Phạm Thiên còn thờ. Điều đó cho thấy rằng, Phạm Thiên Đế Thích không màng tiền bạc, đúng không? Và họ lại rất quan tâm tới xá lợi. Vậy thì em xin hỏi các bố, 5kg ấy họ có để yên cho mình giữ không ? Tu hành cái kiểu cà chớn của mình thì mình "có cửa" không? Nói kiểu Việt Nam của mình là "có cửa" không? Năm kí lô mà chia cho vô lượng vũ trụ thì các vị nghĩ coi các vị có thể nào có được không? Đó là cái vô lý thứ nhất.

Cái vô lý thứ hai, nếu đúng là xương của Phật, tăng ni nào lại dám cầm tặng cho thí chủ? Tôi xin các vị ngồi yên lại suy nghĩ coi. Tôi không có ý bôi bác. Nếu cái ông sư đó mà ổng tin Phật, ổng tin Phật như là tôi tin, tức là tin qua nền tảng giáo lý, thì ổng nên ngồi nghĩ kỹ lại đi. Cái mảnh gì đó, mảnh "something", tôi không biết kêu là mảnh gì nữa, cái mảnh mà ổng đưa người ta, có phải xá lợi không? Nếu mà đúng là xương của Đức Thích Ca Mâu Ni, tứ sanh từ phụ, thiên nhân chi đạo sư, nếu ổng biết vậy, theo quý vị, vàng tấn có đổi được cái miếng đó không? Quý vị có hiểu tôi nói gì không? Vàng tấn chứ tôi không nói vàng ký. Vàng tấn, nghĩa là 26 cây 6 lượng là được 1kg, mà tôi cho cả tấn, thì liệu có đổi được mảnh nhỏ đó không? Không thể nào. Vậy mà mấy bố gặp ai mấy bố cũng cho một cái tháp.

Ngộ lắm. Ở Băng Cốc có cái tiệm chuyên bán xá lợi. Đặc biệt trong đó cung cấp xá lợi của những vị mà vốn không để lại xá lợi! Ví dụ như Ngài Rahula, Ngài tịch trên cõi trời. Không biết họ liên lạc email điện thoại tin nhắn gì không biết mà làm sao Ngài tịch trên đó mà "ship" được xá lợi về đây cho bán. Rồi thí dụ thứ hai là ngài Bakula. Ngài trước khi tịch đã chú nguyện: "Khi ta sống không có học trò, không đệ tử, khi ta chết ta cũng không muốn để lại xá lợi cho đời." Ngài chú nguyện xong là Ngài nhập thiền Ngài tịch, thì khi Ngài tắt thở xong tự có lửa thiêu, thiêu nát xá lợi không để lại dấu vết, tan mất như một làn khói. Vậy mà bên Thái Lan vẫn có xá lợi của Ngài. Họ dò tìm trong không khí thu gom được hay sao?

Rồi tới xá lợi Tây Tạng. Tây Tạng hay tổ chức những cuộc triển lãm xá lợi gì đâu mà tròn tròn đủ thứ màu. Bà con vô thấy là cứ xì xụp lạy. Tôi không hiểu được. Cái đầu này là để đội nón hay để suy nghĩ? Đa phần dùng cái này là để đội nón thôi. Các vị có thấy xá lợi đó hay không? Có thấy Tây Tạng mà họ có những triển lãm không? Các vị coi thấy mấy viên tròn tròn mà đủ màu đó không? Rồi người ta quỳ xuống người ta lấy nguyên cái đó để trên đầu mà lạy - mà trời ơi, nhiều nhất là mấy chủ tiệm nail! Chắc vài bữa nữa tui cũng làm vài ký đem về Kalama quá. Khủng khiếp. Chuyện như vậy mà họ vẫn tin được.

Cái đó là chuyện đáng để mình suy nghĩ.

Các vị nghĩ coi, Đức Phật khả kính như vậy mà ngài mất rồi để lại, tôi cho tối đa, 5kg thì làm sao mà tới tay mình? Mà trong kinh ghi rõ, Phạm Thiên, Đế Thích mà còn đem về từng mảnh để thờ, thì hãy tự hỏi 5kg đó chia làm sao mà tới được tay mình? Ngày xưa các ngài A-la-hán còn thì người ta còn nể mặt. Ngày nay tu kiểu như mình thì chư thiên họ liệu có để cho mình không? Các vị có biết không? Kích thước chiều cao của mình, trọng lượng của mình là bao nhiêu, nhà mình ở là bao nhiêu, trong mắt chư thiên mình như là một bầy mối vậy đó. Mà họ thờ Phật, họ rất kính Phật, họ có đành lòng họ thấy xá lợi của Thế Tôn nằm nguyên trong cái ổ mối không? Chỉ trừ ra các vị A-la–hán còn. Khi các vị A-la–hán còn thì Phạm Thiên, Chư Thiên họ nhìn cái trú xứ của A-la–hán họ không thấy thấp bé như trú xứ bình thường. Ở đâu có người đức độ ở thì Phạm Thiên, Chư Thiên họ nhìn chỗ ở đó nó không có dơ bẩn và thấp bé như chỗ ở của người tầm thường. Mặc dù trong mắt người bình thường thì nó rất bình thường, nhưng trong mắt Chư thiên Phạm Thiên thì chỗ đó nó không thấp bé mà nó là núi. Nó là núi cao, nó là đại dương, là chỗ ở của La hán. Trong mắt của Chư Thiên, Phạm Thiên nó khả kính như vậy. Nhưng một khi không còn A-la-hán thì chỗ đó đối với Chư Thiên Phạm Thiên là một cái bãi rác, một cái vũng sình, một cái bụi rậm, một bụi cỏ dại thôi. Thử hỏi xá lợi của Đức Phật mà nằm một cái chỗ bụi rậm như vậy thì Chư Thiên họ có đành lòng không? Họ đi kiếm từng viên để họ thờ, mà bây giờ họ gặp xá lợi của Thế Tôn trong đám bụi cỏ đó? Không, tôi không tin. Với những gì tôi đọc tôi hiểu về Đức Phật, chuyện đó là không có. Vậy mà hôm nay có nhiều người hì hục đi tin cái đó. Tôi biết tôi nói cái này rất là dễ va chạm với những vị đang tuyên truyền về xá lợi, đang kêu gọi xây tháp. Riêng tôi, tôi không tin chuyện đó - và dĩ nhiên tôi chịu trách nhiệm với những gì tôi đang nói.

Tôi nói để mình thấy có những thứ negative và positive. Đó là xá lợi có hai: Xá lợi sắc thân và Xá lợi pháp thân. Xá lợi sắc thân là xương, di cốt của Đức Phật, của A-la-hán. Còn cái xá lợi Pháp thân chính là lời dạy, là kinh điển. Mà đa phần bà con mình chỉ thích xá lợi sắc thân. Vì sao? Vì sờ được, thấy được, và không làm mình nhức đầu, chỉ cần cắm đầu lạy là ... "phước báu mênh mông". Còn cái xá lợi pháp thân thì nhức đầu quá. "Lâu lâu ổng về ổng đem cho một mớ mà ngồi rang chiên tùm lum nhức đầu quá."

Trích bài giảng Duyên Hệ và Tu Hành của sư Giác Nguyên 
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép