Select Menu

hot

Bài đăng nổi bật

TỦ SÁCH PHẬT HỌC DÀNH CHO SMARTPHONE

Trong cuộc sống hiện đại, sách điện từ đang dần thay thế sách giấy. Các tác phẩm Phật học, trong đó có Kinh Phật, cũng không ngoài quy luật ...

Tìm kiếm Blog này

random posts

Ads 180

Ads 180
Bán xe Ford Taurus

Popular Posts

Phật

Tăng

Thần Thông

Thiên Giới

Chùa

Đọa Xứ

Video

» » » Chương Bốn Pháp / Phẩm 07-12
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn


KINH TĂNG CHI BỘ 
Anguttara Nikàya 
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt 

Chương IV - Bốn Pháp 

PHẨM 07-12

-ooOoo-
 

7. Phẩm Nghiệp Công Ðức


(I) (61). Bốn Nghiệp Công Ðức

1. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:

2.

- Có bốn pháp này, này Gia chủ, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời. Thế nào là bốn?

"Mong rằng tài sản khởi lên cho ta đúng pháp". Ðây là pháp thứ nhất, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời. "Tài sản đã được đúng pháp, mong rằng tiếng tốt được đồn về ta, cùng với bà con, và các bậc Thầy". Ðây là pháp thứ hai, khả lạc... khó được ở đời. "Tài sản đã được đúng pháp, tiếng tốt đã được đồn về ta, cùng với bà con, và các bậc Thầy, mong rằng ta sống lâu, hộ trì thọ mạng kéo dài". Ðây là pháp thứ ba, khả lạc... khó được ở đời. "Tài sản đã được đúng pháp, tiếng tốt đã được đồn về ta, cùng với bà con, và các bậc Thầy, sau khi được sống lâu, hộ trì thọ mạng kéo dài, mong rằng khi thân hoại mạng chung, ta sanh lên cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này". Ðây là pháp thứ tư, khả lạc... khó được ở đời.

Bốn pháp này, này Gia chủ, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó tìm được ở đời.

3. Này Gia chủ, đối với bốn pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời này, có bốn pháp đưa đến chứng được những pháp ấy. Thế nào là bốn?

Ðầy đủ lòng tin, đầy đủ giới, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.

4. Và này Gia chủ, thế nào là đầy đủ lòng tin? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: Vị này là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Này Gia chủ, đây gọi là đầy đủ lòng tin.

5. Và này Gia chủ, thế nào là đầy đủ giới? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh... từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Này Gia chủ, đây gọi là đầy đủ giới.

6. Và này Gia chủ, thế nào là đầy đủ bố thí? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử sống ở gia đình, tâm không bị cấu uế xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay rộng mở, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích san sẻ vật bố thí. Này Gia chủ, đây gọi là đầy đủ bố thí.

7. Và này Gia chủ, thế nào là đầy đủ trí tuệ? Này Gia chủ, sống với tâm bị dục tham chinh phục, làm việc không nên làm, không làm việc nên làm. Do làm việc không nên làm, không làm việc nên làm, vị ấy rời khỏi danh tiếng và an lạc. Này Gia chủ, sống với tâm vị sân hận chinh phục... sống với tâm bị hôn trầm thụy miên chinh phục... sống với tâm bị trạo hối chinh phục... sống với tâm bị nghi chinh phục, làm việc không nên làm, không làm việc nên làm; do làm việc không nên làm, không làm việc nên làm, vị ấy rời khỏi danh tiếng và an lạc.

8. Này Gia chủ, Thánh đệ tử ấy, sau khi biết được dục tham là uế nhiễm của tâm, từ bỏ dục tham, uế nhiễm của tâm; sau khi biết được sân hận là uế nhiễm của tâm, từ bỏ sân hận, uế nhiễm của tâm; sau khi biết được hôn trầm thụy miên là uế nhiễm của tâm, từ bỏ hôn trầm thụy miên, uế nhiễm của tâm; sau khi biết được trạo hối là uế nhiễm của tâm, từ bỏ trạo hối, uế nhiễm của tâm; sau khi biết được nghi là uế nhiễm của tâm, từ bỏ nghi, uế nhiễm của tâm; này Gia chủ, đây gọi là vị Thánh đệ tử có đại trí tuệ, có trí tuệ rộng lớn, bước vào giới vức minh kiến, đầy đủ trí tuệ. Ðây gọi là đầy đủ trí tuệ.

Này Gia chủ, đối với bốn pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời này, có bốn pháp này đưa đến chứng được những pháp ấy.

9. Vị Thánh đệ tử ấy, này Gia chủ, với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra, đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, là người đã làm bốn hành động. Thế nào là bốn?

10. Ở đây, này Gia chủ, Thánh đệ tử, với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, tự làm mình an lạc, hoan hỷ, chơn chánh đem lại an lạc; giúp cha mẹ được an lạc hoan hỷ, chơn chánh đem lại an lạc; giúp vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ, chơn chánh đem lại an lạc; giúp bạn bè thân hữu được an lạc hoan hỷ, là người chơn chánh đem lại an lạc. Này Gia chủ, đây là trường hợp thứ nhất, vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

11. Lại nữa, này Gia chủ, Thánh đệ tử, với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, với tài sản ấy, tự làm cho mình được an toàn, chống lại những tai họa từ lửa đến, từ nước đến, từ vua đến, từ ăn trộm đến, từ các thừa tự thù nghịch đến. Này Gia chủ, đây là trường hợp thứ hai vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

12. Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử với tài sản... thâu hoạch đúng pháp. Với tài sản ấy, vị ấy tổ chức năm loại lễ hiến cúng; hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho các vong linh quá khứ, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên. Này Gia chủ, đây là trường hợp thứ ba vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

13. Lại nữa, này Gia chủ, Thánh đệ tử với tài sản... thâu hoạch đúng pháp, đối với những vị Sa-môn, Bà-la-môn sống từ bỏ kiêu mạn, phóng dật, an trú trên nhẫn nhục, nhu hòa, an tịnh tự mình, nhiếp phục tự mình, làm lắng dịu tự mình; đối với những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy, vị ấy tổ chức sự cúng dường tối thượng, thuộc về cõi Trời, đem đến quả lạc dị thục, đưa đến Thiên giới. Này Gia chủ, đây là trường hợp thứ tư vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

14. Vị Thánh đệ tử ấy, này Gia chủ, với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp; với tài sản ấy, vị ấy là người đã làm được bốn hành động này. Nếu tài sản của ai, này Gia chủ, được tiêu dùng không đúng với bốn hành động này, những tài sản này được gọi là tài sản đi đến không lợi ích, đi đến không thành đạt, đạt được sự hưởng thọ không đúng phương xứ. Nếu những tài sản của ai, này Gia chủ, được tiêu dùng với bốn hành động này, những tài sản này được gọi là những tài sản đi đến lợi ích, đi đến thành đạt, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

Tài sản ta thọ hưởng,
Gia nhân được nuôi dưỡng,
Chính nhờ các tài sản,
Do ta tránh tai họa,
Ta cúng dường tối thượng,
Làm năm loại hiến vật,
Hộ trì bậc trì giới,
Bậc tự điều, Phạm hạnh,
Mục đích gì bậc trí,
Trú nhà, cầu tài sản,
Mục đích ấy Ta đạt,
Ðược làm không hối hận.
Người nào nhớ nghĩ vậy,
An trú trên Thánh pháp,
Ðời này được tán thán,
Ðời sau được hoan hỷ,
Trên cảnh giới chư Thiên.


(II) (62). Không Nợ

1. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:

2.

- Có bốn loại an lạc này, ngày Gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ khởi lên cho vị ấy. Thế nào là bốn? Lạc sở hữu, lạc thọ dụng, lạc không mắc nợ, lạc không phạm tội.

3. Và này Gia chủ, thế nào là lạc sở hữu?

Ở đây, này Gia chủ, tài sản của người thiện nam tử, thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp. Vị ấy suy nghĩ: "Ta có tài sản, thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay... thâu hoạch đúng pháp." Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là lạc sở hữu.

4. Và này, thế nào là lạc tài sản?

Ở đây, này Gia chủ, thiện nam tử thọ hưởng những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được... thâu hoạch đúng pháp và làm các việc phước đức. Vị ấy nghĩ rằng: "Ta thọ hưởng những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn... thâu hoạch đúng pháp và ta làm các phước đức." Nghĩ vậy vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là lạc tài sản.

5. Và này Gia chủ, thế nào là lạc không mắc nợ? Ở đây, này Gia chủ, vị thiện gia nam tử không có mắc nợ ai một điều gì, ít hay nhiều. Vị ấy nghĩ rằng: "Ta không có mắc nợ ai một điều gì, ít hay nhiều." Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là lạc không mắc nợ.

6. Và này Gia chủ, thế nào là lạc không phạm tội?

Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu thân hành không phạm tội, thành tựu khẩu hành không phạm tội, thành tựu ý hành không phạm tội. Vị ấy nghĩ rằng: "Ta thành tựu thân hành không phạm tội, khẩu hành không phạm tội, ý hành không phạm tội". Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là lạc không phạm tội.

Có bốn loại lạc này, này Gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ, khởi lên cho vị ấy.

Ðược lạc không mắc nợ,
Nhớ đến lạc sở hữu,
Người hưởng lạc tài sản,
Với tuệ, thấy như thị,
Do thấy, vị ấy biết,
Sáng suốt cả hai phần,
Lạc vậy chỉ bằng được,
Bằng một phần mười sáu,
Lạc không có phạm tội.


(III) (63). Bằng Với Phạm Thiên

1.

- Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là giống như Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là giống như bậc Ðạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy, này các Tỷ-kheo, được xem là giống như chư Thiên thời trước. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là đáng được cúng dường.

2. Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; các bậc Ðạo sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; chư Thiên thuở xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; đáng được cung kính cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì mẹ cha giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dưỡng chúng lớn và giới thiệu chúng vào đời này.

Mẹ cha gọi Phạm thiên,
Bậc Ðạo sư thời trước,
Xứng đáng được cúng dường,
Vì thương đến con cháu,
Do vậy bậc Hiền sĩ,
Ðảnh lễ và tôn trọng,
Dâng đồ ăn đồ uống,
Vải mặc và giường nằm,
Thoa bóp cả thân mình,
Tắm rửa cả chân tay.
Với sở hành như vậy,
Ðối với mẹ và cha,
Ðời này người hiền khen,
Ðời sau hưởng Thiên lạc.


(IV) (64). Ðịa Ngục

1.

- Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Với bốn pháp gì? Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

2.

Sát sanh và trộm cắp,
Cái được gọi nói láo,
Và đi đến vợ người,
Bậc trí không tán thán.


(V) (65). Hình Thức Bên Ngoài

1.

- Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Hạng người đo lường sắc và thỏa mãn với sắc; hạng người đo lường tiếng và thỏa mãn với tiếng; hạng người đo lường với thô và thỏa mãn với thô; hạng người đo lường pháp và thỏa mãn với pháp. Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.

2.

Những ai đo lường sắc,
Những ai đi đến tiếng,
Bị tham dục dắt dẫn,
Chúng không biết người ấy.
Không biết được nội tâm,
Không thấy được ngoại cảnh,
Kẻ ngu bị bao quanh,
Bị tiếng nói chi phối,
Không biết được nội tâm,
Quán thấy được ngoại cảnh,
Thấy được quả ở ngoài,
Bị tiếng nói chi phối.
Rõ biết được nội tâm,
Quán thấy được ở ngoài,
Thấy rõ không chướng ngại,
Không bị tiếng chi phối.


(VI) (66). Tham Ái

1.

- Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn? Có tham, có sân, có si, có mạn. Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt hiện hữu ở đời.

2.

Tham ái vật đẹp đẽ,
Thích thú sắc khả ái,
Bị cột bởi vô minh,
Các hữu tình hạ liệt,
Càng tăng trưởng trói buộc.
Cho đến kẻ có trí,
Làm các việc bất thiện,
Sanh từ tham, sân, si,
Khiến phiền muộn, khó chịu,
Làm đau khổ sanh khởi,
Kẻ vô minh bao vây,
Kẻ mù không có mắt,
Tự tánh họ là vậy,
Họ không thể nghĩ rằng,
Ta có thể như vậy.


(VII) (67). Vua Các Loài Rắn

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika.

Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo ở Sàvatthi bị rắn cắn chết. Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

2.

- Ở đây, bạch Thế Tôn, một Tỷ-kheo ở Sàvatthi bị rắn cắn đã mệnh chung.

- Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, với từ tâm đã không hướng đến bốn gia đình vua các loài rắn. Nếu Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, với từ tâm có hướng đến bốn gia đình vua các loài rắn, thời này các Tỷ-kheo, vị ấy có thể không bị rắn cắn mà mạng chung. Thế nào là bốn gia đình vua các loài rắn?

Gia đình vua các loài rắn Virùpakkha, gia đình vua các loài rắn Eràpattha, gia đình vua các loài rắn Chabyàputta, gia đình vua các loài rắn Kanhàgotamaka; Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo với từ tâm đã không hướng đến bốn gia đình vua các loài rắn này. Nếu Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, với từ tâm có thể hướng đến bốn gia đình vua các loài rắn, thời này các Tỷ-kheo, vị ấy có thể không bị rắn cắn mà mạng chung. Này các Tỷ-kheo, Ta cho phép với từ tâm hướng đến bốn gia đình vua các loài rắn này để tự bảo vệ, để tự hộ trì, để tự che chở.

3.

Ta hãy có từ tâm
Với Virùpakkha,
Ta hãy có từ tâm
Với Eràpatha,
Ta hãy có từ tâm
Với Chabyaputta,
Ta hãy có từ tâm
Với Kanhàgotamaka,
Ta hãy có từ tâm
Với các loài không chân,
Ta hãy có từ tâm
Với các loài hai chân,
Ta hãy có từ tâm
Với các loài bốn chân,
Ta hãy có từ tâm,
Với các loài nhiều chân,
Mong rằng loài không chân
Không có làm hại ta,
Mong rằng loài hai chân
Không có làm hại ta,
Mong rằng loài bốn chân
Không có làm hại ta,
Mong rằng loài nhiều chân
Không có làm hại ta,
Mọi chúng sanh, hữu tình
Toàn thể mọi sinh vật,
Mong chúng thấy hiền thiện,
Chớ đi đến điều ác.

"Ðức Phật là vô lượng, Pháp là vô lượng, chúng Tăng là vô lượng, có lượng là các loài bò sát, các loài rắn, các con bò cạp, các con một trăm chân, các loại nhện giăng tơ, các con thằn lằn và các loài chuột. Ta đã làm sự hộ trì. Ta đã làm sự che chở, mong rằng các loài hữu tình sẽ bỏ đi. Ta đảnh lễ đức Thế Tôn. Ta đảnh lễ bảy vị Chánh Ðẳng Giác."


(VIII) (68). Devadatta

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại núi Gijjhakùta sau khi Devadatta bỏ đi không bao lâu. Tại đấy, Thế Tôn nhơn việc Devadatta bảo các Tỷ-kheo:

- Ðem đến hại mình, này các Tỷ-kheo, khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta; đem đến bất hạnh cho người, này các Tỷ-kheo, khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta! Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây chuối khi sanh ra trái, đem đến hại mình; khi sanh ra trái, đem đến bất hạnh cho người khi sanh ra trái. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đem đến hại mình khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta, đem đến bất hạnh cho người khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta. Ví như, này các Tỷ-kheo, cây tre đem đến hại mình khi sanh ra trái, đem đến bất hạnh cho người khi sanh ra trái. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đem đến hại mình khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta. Ví như, này các Tỷ-kheo, cây lau đem đến hại mình khi sanh ra trái, đem đến bất hạnh cho người khi sanh ra trái. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đem đến hại mình khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta, đem lại bất hạnh cho người khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ví như con la đem đến hại mình khi mang thai, đem đến bất hạnh cho người khi mang thai. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đem đến hại mình khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta, đem đến bất hạnh cho người khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta.

2.

Quả giết hại cây chuối,
Giết hại tre và lau,
Cung kính hại người ngu,
Thai tạng hại con la.

(IX) (69). Tinh Cần

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn tinh cần này, thế nào là bốn?

Tinh cần chế ngự, tinh cần đoạn tận, tinh cần tu tập, tinh cần hộ trì.

2. Này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần chế ngự?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích khiến cho các ác bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần chế ngự.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần đoạn tận?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích đoạn tận các ác bất thiện pháp, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần đoạn tận.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần tu tập?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích làm cho sanh khởi các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần tu tập.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần hộ trì?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có mù mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần hộ trì.

Này các Tỷ-kheo, có bốn loại tinh cần này.

Chế ngự và đoạn tận,
Tu tập và hộ trì,
Bốn loại tinh cần này,
Ðược bà con mặt trời,
Ðược đức Phật thuyết giảng.
Ở đây vị Tỷ-kheo,
Với bốn tinh cần này,
Nhiệt tâm và nỗ lực.
Ðạt được khổ đoạn diệt.


(X) (70). Phi Pháp

1.

- Khi nào, này các Tỷ-kheo, các vua phi pháp có mặt, khi ấy, các đại thần phi pháp của vua có mặt. Khi nào các đại thần phi pháp của vua có mặt, khi ấy các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt. Khi nào các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và dân chúng các làng trở thành phi pháp. Khi nào dân chúng thị thành và ở các làng là phi pháp, khi ấy mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo. Khi nào mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo, khi ấy các dãy ngân hà, các loại sao đi sai quỹ đạo. Khi nào các dãy ngân hà, các loại sao đi sai quỹ đạo, khi ấy ngày đêm đi sai quỹ đạo. Khi nào ngày đêm đi sai quỹ đạo, khi ấy tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo. Khi nào tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo, khi ấy thời tiết và năm đi sai quỹ đạo. Khi nào thời tiết và năm đi sai quỹ đạo, khi ấy gió thổi sai lạc trái mùa. Khi nào gió thổi sai lạc trái mùa, khi ấy chư Thiên bực mình. Khi nào chư Thiên bực mình, khi ấy trời mưa không có điều hòa. Khi nào trời mưa không có điều hòa, khi ấy lúa chín trái mùa. Này các Tỷ-kheo, khi nào lúa chín trái mùa, khi ấy các loài Người nuôi sống với loại lúa ấy, thì thọ mạng sẽ ngắn, dung sắc xấu, yếu sức và nhiều bệnh.

2. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các vua đúng pháp có mặt, thì khi ấy các vị đại thần đúng pháp của vua có mặt. Khi nào các vị đại thần đúng pháp của vua có mặt, khi ấy các Bà-la-môn gia chủ đúng pháp có mặt. Khi nào các Bà-la-môn gia chủ đúng pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và dân chúng các làng trở thành đúng pháp. Khi nào dân chúng thị thành và ở các làng là đúng pháp, khi ấy mặt trăng, mặt trời đi đúng quỹ đạo. Khi nào mặt trăng, mặt trời đi đúng quỹ đạo, khi ấy các dãy ngân hà, các loại sao đi đúng quỹ đạo. Khi nào các dãy ngân hà, các loại sao đi đúng quỹ đạo, khi ấy ngày đêm đi đúng quỹ đạo. Khi nào ngày đêm đi đúng quỹ đạo, khi ấy tháng và nửa tháng đi đúng quỹ đạo. Khi nào tháng và nửa tháng đi đúng quỹ đạo, khi ấy thời tiết và năm đi đúng quỹ đạo. Khi nào thời tiết và năm đi đúng quỹ đạo, khi ấy gió thổi đúng mùa. Khi nào gió thổi đúng mùa, khi ấy chư Thiên hoan hỉ. Khi nào chư Thiên hoan hỉ, khi ấy trời mưa điều hòa. Khi nào trời trở mưa điều hòa, khi ấy, lúa chín đúng mùa. Này các Tỷ-kheo, khi nào lúa chín đúng mùa, khi ấy loài Người nuôi sống với loại lúa ấy, thọ mạng sẽ lâu dài, dung sắc đẹp đẽ, có sức mạnh và không có nhiều bệnh.

Khi đàn bò lội sông,
Ðầu đàn đi sai lạc,
Cả đàn đều đi sai,
Vì hướng dẫn sai lạc.
Cũng vậy, trong loài Người,
Vị được xem tối thắng,
Nếu sở hành phi pháp,
Còn nói gì người khác,
Cả nước bị đau khổ,
Nếu vua sống phi pháp.

Khi đàn bò lội sông,
Ðầu đàn đi đúng hướng,
Cả đàn đều đúng hướng,
Vì hướng dẫn đúng đường.
Cũng vậy trong loài Người,
Vị được xem tối thắng,
Nếu sở hành đúng pháp,
Còn nói gì người khác,
Cả nước được an vui,
Nếu vua sống đúng pháp.


8. Phẩm Không Hý Luận


(I) (71). Không Có Hý Luận

- Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường thông suốt và có những căn bản thẳng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có giới, nghe nhiều, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường thông suốt, và có những căn bản thẳng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc.


(II) (72). Chánh Kiến

- Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thực hành con đường thông suốt và có những căn bản thẳng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là bốn?

Tầm viễn ly, tầm không sân, tầm không hại, chánh tri kiến.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường thông suốt và có những căn bản thẳng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc.


(III) (73). Bậc Chân Nhân

1.

- Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu không phải bậc Chân nhân. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, không phải bậc Chân nhân là người dầu không được hỏi, nói lên lời không tán thán người khác; còn nói gì nếu được hỏi!

Nhưng nếu được hỏi và phải trả lời, thời không dè dặt, không ngập ngừng, vị này nói lên lời không tán thán người khác, đầy đủ toàn bộ. Này các Tỷ-kheo, cẩn phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này không phải Chân nhân.

2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, không phải Chân nhân là người dầu được hỏi, không nói lên lời tán thán người khác; còn nói gì nếu không được hỏi!

Nhưng nếu được hỏi và phải trả lời, thời dè dặt và ngập ngừng, vị này nói lên lời tán thán người khác, không đầy đủ, không toàn bộ. Này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này không phải Chân nhân.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, không phải Chân nhân là người dầu được hỏi, không nói lên lời không tán thán về mình; còn nói gì nếu không được hỏi!

Nhưng nếu được hỏi và phải trả lời, thời dè dặt và ngập ngừng, vị này nói lên lời không tán thán về mình, không đầy đủ, không toàn bộ. Này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu, vị này không phải Chân nhân.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, không phải là Chân nhân là người dầu không được hỏi, cũng nói lên lời tán thán về mình; còn nói gì nếu được hỏi!

Nhưng nếu được hỏi và phải trả lời, không dè dặt, không ngập ngừng, vị này nói lên lời tán thán về mình, đầy đủ và toàn bộ. Này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu vị này không phải Chân nhân.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu không phải bậc Chân nhân.

5. Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu là bậc Chân nhân. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, bậc Chân nhân là người dầu có được hỏi, không nói lên lời không tán thán người khác; còn nói gì nếu không được hỏi!

Nhưng nếu được hỏi, và phải trả lời, dè dặt và ngập ngừng, vị ấy không nói lên lời tán thán người khác. Cần phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này là bậc Chân nhân.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Chân nhân là người dầu không được hỏi, cũng nói lên lời tán thán người khác; còn nói gì nếu được hỏi.

Nếu được hỏi và phải trả lời, không dè dặt, không ngập ngừng, vị ấy nói lời tán thán người khác, đầy đủ và toàn bộ. Cần phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này là bậc Chân nhân.

7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Chân nhân là Người, nếu không được hỏi, vẫn nói lên lời không tán thán về mình; còn nói gì nếu được hỏi!

Nếu được hỏi và phải trả lời, không dè dặt, không ngập ngừng, vị ấy nói lên lời không tán thán về mình, đầy đủ và toàn bộ. Cần phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này là bậc Chân nhân.

8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Chân nhân dầu có được hỏi cũng không nói lên lời tán thán về mình; còn nói gì nếu không được hỏi!

Nếu được hỏi và phải trả lời, dè dặt và ngập ngừng, vị ấy nói lên lời tán thán về mình, không đầy đủ; không toàn bộ. Cần phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này là bậc Chân nhân.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu là bậc Chân nhân.


(IV) (74). Người Vợ Trẻ

1.

- Ví như, này các Tỷ-kheo, người vợ trẻ, trong đêm hay ngày, được đưa về nhà chồng, nàng cảm thấy hết sức xấu hổ, sợ hãi trước mặt mẹ chồng, cha chồng, trước mặt chồng, cho đến trước mặt các người phục vụ, làm công. Sau một thời gian, do chung sống, do thân mật, nàng có thể nói với mẹ chồng, với cha chồng, với chồng: "Hãy đi đi, các người có biết được gì!".

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có Tỷ-kheo, trong đêm hay ngày được xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, cảm thấy hết sức xấu hổ, sợ hãi trước mặt các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, cho đến trước những người làm vườn và những Sa-di. Sau một thời gian, do chung sống, do thân mật, vị ấy có thể nói với sư A-xà-lê, với sư Giáo thọ: "Hãy đi đi, các người có thể biết được gì!".

3. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau: "Ta sẽ sống với tâm người vợ trẻ khi mới đến nhà chồng". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.


(V) (75). Sự Tối Thượng

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn sự tối thượng này. Thế nào là bốn? Giới tối thượng, Ðịnh tối thượng, Tuệ tối thượng, Giải thoát tối thượng. Này các Tỷ-kheo, có bốn sự tối thượng này.

2. Này các Tỷ-kheo, có bốn sự tối thượng này. Thế nào là bốn? Sắc tối thượng, thọ tối thượng, tưởng tối thượng, hữu tối thượng. Này các Tỷ-kheo, có bốn sự tối thượng này.


(VI) (76). Kusinàrà

1. Một thời Thế Tôn trú ở Kusinàrà, tại Upavattana, trong rừng cây Sàla của dân chúng Mallà, giữa những cây Sàla song thọ, trong khi Ngài sắp sửa nhập Niết-bàn. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2.

- Này các Tỷ-kheo, nếu có một Tỷ-kheo nào nghi ngờ hay phân vân gì về Phật, Pháp, chúng Tăng, Ðạo hay con đường thực hành, thời này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy hỏi đi, sau chớ có hối tiếc: "Bậc Ðạo Sư có mặt trước chúng ta, mà chúng ta không tận mặt hỏi Thế Tôn."

Khi được nói vậy, các Tỷ-kheo ấy giữ im lặng.

3. Lần thứ hai, Thế Tôn... Lần thứ ba, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo, nếu có một Tỷ-kheo nào nghi ngờ hay phân vân gì về Phật, Pháp, chúng Tăng, Ðạo hay con đường thực hành, thời này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy hỏi đi, về sau chớ có hối tiếc: "Bậc Ðạo Sư có mặt trước chúng ta, mà chúng ta không tận mặt hỏi Thế Tôn."

Lần thứ ba, các Tỷ-kheo ấy giữ im lặng.

4. Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo, nếu có vị nào vì lòng kính trọng bậc Ðạo Sư mà không hỏi, thời, này các Tỷ-kheo, giữa bạn đồng tu, hãy hỏi nhau.

Khi được nói vậy, những Tỷ-kheo ấy giữ im lặng.

5. Rồi Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, thật kỳ diệu thay! Bạch Thế Tôn, thật hy hữu thay! Bạch Thế Tôn, con tin rằng, trong chúng Tỷ-kheo này, không có một Tỷ-kheo nào có nghi ngờ hay phân vân gì đối với Phật, Pháp, chúng Tăng, Ðạo hay con đường thực hành.

- Này Ananda, Thầy có lòng tín thành nên nói vậy. Nhưng ở đây, này Ananda, Như Lai biết rằng trong chúng Tỷ-kheo này, không có một Tỷ-kheo nào có nghi ngờ hay phân vân gì đối với Phật, Pháp, chúng Tăng, Ðạo hay con đường thực hành. Này Ananda, trong 500 Tỷ-kheo này, Tỷ-kheo thấp nhất đã chứng được quả Dự lưu, không còn bị thối đọa, chắc chắn hướng đến Chánh Giác.


(VII) (77). Không Thể Nghĩ Ðược

- Có bốn điều này không thể nghĩ đến được, này các Tỷ-kheo, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ. Thế nào là bốn? Phật giới của các đức Phật, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ. Thiền giới của người ngồi Thiền, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ được, nếu nghĩ... thống khổ. Quả dị thục của nghiệp, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến... thống khổ. Tâm tư thế giới, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến thời có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.

-Có bốn điều này không thể nghĩ đến được, này các Tỷ-kheo, nếu nghĩ đến, thời có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.


(VII) (78). Thanh Tịnh Thí Vật

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn thanh tịnh thí vật này. Thế nào là bốn?

Có bố thí, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận. Có bố thí, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh từ người nhận, không thanh tịnh từ người cho. Có bố thí, này các Tỷ-kheo, không thanh tịnh từ người cho, cũng không thanh tịnh từ người nhận. Có bố thí, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh từ người cho, cũng thanh tịnh từ người nhận.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bố thí thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, người cho có giới, theo thiện pháp, còn người nhận là ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là bố thí thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận.

3. Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là bố thí, thanh tịnh từ người nhận, không thanh tịnh từ người cho?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bố thí ác giới, theo ác pháp, còn người nhận có giới, theo thiện pháp. Như vậy này các Tỷ-kheo, là bố thí, người nhận thanh tịnh, người cho không thanh tịnh.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bố thí, người cho không thanh tịnh, và người nhận cũng không thanh tịnh?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, người cho là ác giới, theo ác pháp, và người nhận cũng là ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là bố thí, người cho không thanh tịnh, người nhận cũng không thanh tịnh.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bố thí, người cho thanh tịnh, người nhận cũng thanh tịnh?

Ở đây này các Tỷ-kheo, người bố thí có giới, theo thiện pháp, và người nhận cũng có giới, theo thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là bố thí, người cho thanh tịnh, và người nhận cũng thanh tịnh.

Này các Tỷ-kheo, có bốn loại bố thí thanh tịnh này.


(IX) (79). Buôn Bán

1. Rồi Tôn giả Sàriputta... ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy, đi đến thất bại? Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, có hạng người, do buôn bán như vậy, không thành tựu được như ý muốn? Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy, thành tựu được như ý muốn? Do nhân gì, do duyên gì, ở đây có hạng người do buôn bán như vậy, lại được thành tựu ngoài ý muốn?

2.

- Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa hẹn như sau: "Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ", nhưng người ấy không cho như đã được hứa. Nếu từ chỗ đấy mạng chung, đi đến chỗ này, dầu cho người ấy có buôn bán gì, buôn bán đi đến chỗ thất bại.

3. Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa như: "Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ", nhưng người ấy không cho như đã quyết định muốn cho. Nếu từ chỗ đấy mạng chung, đi đến chỗ này, dầu cho người ấy có buôn bán gì, buôn bán ấy không đi đến thành tựu như ý muốn.

4. Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa như sau: "Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ". Và người ấy cho như đã quyết định muốn cho. Nếu từ chỗ đấy mạng chung, đi đến chỗ này, dầu cho người ấy có buôn bán gì, buôn bán ấy đi đến thành tựu như ý muốn.

5. Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa như sau: "Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ", và người ấy cho hơn như đã quyết định muốn cho. Nếu từ chỗ đấy mạng chung đi đến chỗ này, dầu người ấy có buôn bán gì, buôn bán như vậy được thành tựu ngoài ý muốn.

Này Sàriputta, đây là nhân, đây là duyên, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy đi đến thất bại. Ðây là nhân, đây là duyên, này Sàriputta, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy, không thành tựu được như ý muốn. Ðây là nhân, đây là duyên, này Sàriputta, ở đây, có hạng người, do buôn bán như vậy, thành tựu được như ý muốn. Ðây là nhân, đây là duyên, này Sàriputta, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy được thành tựu ngoài ý muốn.


(X) (80). Tinh Túy của Sự Nghiệp

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, nữ nhân không ngồi giữa trong pháp đình, không có dấn thân vào sự nghiệp, không đi đến tinh túy của sự nghiệp?

- Phẫn nộ là nữ nhân, này Ananda. Tật đố là nữ nhân, này Ananda. Xan tham là nữ nhân, này Ananda. Ác tuệ là nữ nhân, này Ananda. Ðây là nhân, đây là duyên, này Ananda, nữ nhân không ngồi giữa pháp đình, không có dấn thân vào sự nghiệp, không đi đến tinh túy của sự nghiệp.


9. Phẩm Không Có Rung Ðộng


(I) (81). Ăn Trộm

1.

- Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là bốn?

Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo. Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

2. Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là bốn?

Từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo. Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.


(II) (82). Nói Láo

(Như kinh trên, (81), chỉ khác bốn pháp là: nói láo, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm.)


(III) (83). Tán Thán

1.

- Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là bốn?

Không suy tư, không thẩm sát, tán thán người không xứng đáng được tán thán; không suy tư, không thẩm sát, không tán thán người xứng đáng được tán thánh; không suy tư, không thẩm sat, tự cảm thấy tin tưởng đối với những chỗ không đáng tin tưởng; không suy tư, không thẩm sát, tự cảm thấy không tin tưởng đối với những chỗ đáng tin tưởng.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

2. Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

Có suy tư, có thẩm sát, không tán thán người không xứng đáng được tán thán; có suy tư, có thẩm sát, tán thán người xứng đáng được tán thán; có suy tư, có thẩm sát, tự cảm thấy không tin tưởng đối với những chỗ không xứng đáng được tin tưởng; không suy tư, không thẩm sát, tự cảm thấy tin tưởng đối với những chỗ đáng tin tưởng.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.


(IV) (84). Phẫn Nộ

(Như kinh trên, (83), chỉ khác về bốn pháp: Tôn trọng phẫn nộ, không tôn trọng diệu pháp; tôn trọng gièm pha, không tôn trọng diệu pháp; tôn trọng lợi dưỡng, không tôn trọng diệu pháp; tôn trọng cung kính, không tôn trọng diệu pháp).


(V) (85). Tối Tăm

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Sống trong bóng tối, hướng đến bóng tối; sống trong bóng tối, hướng đến ánh sáng; sống trong ánh sáng, hướng đến bóng tối; sống trong ánh sáng, hướng đến ánh sáng.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sống trong bóng tối, hướng đến bóng tối?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người được sanh trong một gia đình hạ tiện, gia đình một người đổ phân, hay gia đình một người thợ săn, đan rổ, hay gia đình người đan tre, làm bẫy sập, hay gia đình người đóng xe, hay gia đình người quét rác, hay trong một gia đình một người nghèo đói, ăn uống thiếu thốn, sanh kế khó khăn, khó tìm cho được đồ ăn, đồ mặc. Và người ấy lại xấu xí, khó ngó, còm lưng, nhiều bệnh hoạn, đui một mắt, quẹo tay bại chân, hay đi khấp khểnh, hay nửa thân tê liệt, không có được đồ ăn, đồ uống, đồ mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, chỗ năm, chỗ ở hay đèn. Người ấy sống với thân làm ác, sống với miệng nói ác, sống với ý nghĩ ác. Sau khi sống với thân làm ác, với miệng nói ác, với ý nghĩ ác, khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người trong bóng tối hướng đến bóng tối.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người được sanh trong một gia đình hạ liệt... chỗ nằm, chỗ ở hay đèn. Người ấy sống với thân làm lành, sống với miệng nói lành, sống với ý nghĩ lành. Sau khi sống với thân làm lành, với miệng nói lành, với ý nghĩ lành, khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, cõi trời, cõi đời này. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được sanh trong một gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ giàu có, hay trong gia đình Bà-la-môn giàu có, hay trong gia đình gia chủ giàu có, phú hào có tài sản lớn, có của cải lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản, vật dụng, nhiều tiền của, ngũ cốc. Người ấy lại đẹp trai, dễ nhìn, dễ thương, với màu da tuyệt đẹp, xinh xắn. Người ấy lại nhận được đồ ăn, đồ uống, áo mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, như vậy là hạng người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sanh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ giàu có, hay trong gia đình Bà-la-môn giàu có, hay trong gia đình gia chủ giàu có, phú hào có tài sản lớn, có của cải lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản, vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc. Và người ấy đẹp trai, dễ nhìn, dễ thương, với màu da tuyệt đẹp, xinh xắn. Người ấy lại nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy, thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành. Do thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành, người ấy khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, cõi trời, cõi đời này. Này các Tỷ-kheo, như vậy là người sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng.


(VI) (86). Thấp Kém

1.

- Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn? Thấp và thấp, thấp và cao, cao và thấp, cao và cao.

Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt hiện hữu ở đời.


(VII) (87). Các Hạng Sa Môn (1)

1.

- Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Sa-môn bất động, Sa-môn sen trắng, Sa-môn sen hồng, Sa-môn tinh luyện trong các Sa-môn.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Sa-môn bất động?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là hạng hữu học, đang đi trên con đường, sống cố gắng hướng đến vô thượng an ổn khỏi các ách nạn. Ví như, này các Tỷ-kheo, vị trưởng nam vua Sát-đế-lỵ, xứng đáng để được làm lễ quán đảnh, nhưng chưa làm lễ quán đảnh, và đạt đến địa vị bất động. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo hữu học, đang đi trên con đường, sống cố gắng hướng đến vô thượng an ổn khỏi các ách nạn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn bất động.

3. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen trắng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nhưng chưa với thân cảm giác được tâm giải thoát và an trú. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen trắng.

4. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen hồng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, và với thân cảm giác được tâm giải thoát và an trú. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen hồng.

5. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là hạng Sa-môn tinh luyện trong các hàng Sa-môn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhiều lần được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận đồ ăn khất thực, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận sàng tọa, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận dược phẩm trị bệnh, ít khi không được yêu cầu. Vị ấy sống với những vị đồng Phạm hạnh nào, các vị này đối với vị ấy, xử sự với nhiều thân nghiệp khả ái, với ít thân nghiệp không khả ái, với nhiều khẩu nghiệp khả ái, với ít khẩu nghiệp không khả ái, với nhiều ý nghiệp khả ái, với ít ý nghiệp không khả ái, giúp đỡ với nhiều giúp đỡ khả ái, với ít giúp đỡ không khả ái. Ở đây, một số cảm thọ khởi lên phát sanh từ mật hay phát sanh từ đàm, hay phát sanh từ gió, hay phát sanh từ sự gặp gỡ các nước trong thân thể; hay phát sinh từ sự thay đổi thời tiết, hay phát sanh từ sự gặp gỡ các nghịch vận, hay phát sanh từ các công kích thình lình bên ngoài vào, hay do quả dị thục của nghiệp; những số cảm thọ ấy không khởi lên nhiều, vị ấy ít bị bệnh tật. Ðối với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức; do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn tinh luyện trong các hàng Sa-môn.

6. Này các Tỷ-kheo, nếu nói một cách chơn chánh, nói về hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn, thời này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói về Ta là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn. Này các Tỷ-kheo, Ta nhiều lần được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận đồ ăn khất thực, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận sàng tọa, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận dược phẩm trị bệnh, ít khi không được yêu cầu. Ta sống với các Tỷ-kheo nào, các vị ấy đối với Ta, xử sự với nhiều thân nghiệp khả ái, với ít thân nghiệp không khả ái; với nhiều khẩu nghiệp khả ái, với ít khẩu nghiệp không khả ái; với nhiều ý nghiệp khả ái, với ít ý nghiệp không khả ái; giúp đỡ với nhiều giúp đỡ khả ái, với ít giúp đỡ không khả ái. Phàm có những cảm thọ nào khởi lên, phát sanh từ mật, hay phát sinh từ đàm, hay phát sanh từ gió, hay phát sanh từ sự gặp gỡ các nước trong thân thể, hay phát sanh từ sự thay đổi thời tiết, hay phát sanh từ sự gặp gỡ các nghịch vận, hay phát sanh từ sự công kích thình lình bên ngoài vào, hay do quả dị thục các nghiệp; những cảm thọ ấy không khởi lên nhiều nơi Ta. Ta ít bị bệnh tật. Ðối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, Ta có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tai, với thắng trí, Ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, nếu có nói một cách chơn chánh, nói về hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn, thời này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói về Ta là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn.

Này các Tỷ-kheo, đây là bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời.


(VIII) (88). Các Hạng Sa Môn (2)

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Sa-môn bất động, Sa-môn sen trắng, Sa-môn sen hồng, Sa-môn tinh luyện.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn bất động?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn bị đọa lạc, quyết chắc hướng đến giác ngộ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn bất động.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn sen trắng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi đoạn diệt ba kiết sử, làm cho nhẹ bớt tham, sân, si, là bậc Nhất lai, chỉ có một lần trở lui đời này rồi chấm dứt khổ đau. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen trắng.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn sen hồng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, là vị Bất lai, từ đấy nhập Niết-bàn, không phải trở lui từ thế giới ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen hồng.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, do đoạn tận các lậu hoặc, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn.

Này các Tỷ-kheo, bốn hạng Sa-môn này có mặt, xuất hiện ở đời.


(IX) (89). Các Hạng Sa Môn

1.

- Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn?

Sa-môn bất động, Sa-môn sen trắng, Sa-môn sen hồng, Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn bất động?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn bất động.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn sen trắng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có chánh tri kiến..., chánh định, chánh trí, chánh giải thoát, nhưng không có an trú với thân cảm giác tám giải thoát. Như vậy này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen trắng.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn sen hồng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo có chánh tri kiến... chánh giải thoát, an trú với thân cảm giác tám giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen hồng.

5. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhiều lần được yêu cầu nhận y, ít không được yêu cầu... Này các Tỷ-kheo, nếu nói một cách chơn chánh, nói về hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn, này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói về Ta, là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn.

Này các Tỷ-kheo, đây là bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời.


(X) (90). Các Hạng Sa Môn

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Sa-môn bất động, Sa-môn sen trắng, Sa-môn sen hồng, Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Sa-môn bất động?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị hữu học, ý chưa đạt được mục đích, đang sống hướng đến vô thượng an ổn khỏi các khổ ách. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn bất động.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn sen trắng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống tùy quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn: "Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc chấm dứt; đây là thọ... đây là tưởng... đây là các hành... đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức chấm dứt". Nhưng vị ấy chưa an trú với thân cảm giác tám giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen trắng.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn sen hồng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống, tùy quán sanh diệt trong năm thủ uẩn: "Ðây là sắc... đây là thức chấm dứt". Và vị ấy an trú với thân cảm giác tám giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen hồng.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhiều lần được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu... Này các Tỷ-kheo, nếu nói một cách chơn chánh, nói về hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn, người ấy này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói về Ta, là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.


10. Phẩm Asura (A-tu-la)


(I) (91). Các A Tu La

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

A-tu-la với quyến thuộc A-tu-la, A-tu-la với quyến thuộc chư Thiên; chư Thiên với quyến thuộc A-tu-la; chư Thiên với quyến thuộc chư Thiên.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người A-tu-la với quyến thuộc A-tu-la?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, theo ác pháp, hội chúng của người ấy cũng ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người A-tu-la với quyến thuộc A-tu-la.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người A-tu-la với quyến thuộc chư Thiên?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, theo ác pháp, nhưng hội chúng của người ấy có giới, theo pháp hành. Như vậy này các Tỷ-kheo, là hạng người A-tu-la với quyến thuộc chư Thiên.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người chư Thiên với quyến thuộc A-tu-la?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người giữ giới, theo pháp lành, còn hội chúng của người ấy ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người chư Thiên với quyến thuộc A-tu-la.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng chư Thiên với quyến thuộc chư Thiên?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có giới, theo pháp lành, và hội chúng của người ấy cũng có giới, theo pháp lành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người chư Thiên với quyến thuộc chư Thiên.

Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.


(II) (92). Ðịnh (1)

- Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được nội tâm chỉ, nhưng không được tăng thượng tuệ pháp quán. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được tăng thượng tuệ pháp quán, nhưng không được nội tâm chỉ. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không được nội tâm chỉ, cũng không được tăng thượng tuệ pháp quán. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được nội tâm chỉ và cũng được tăng thượng tuệ pháp quán.

Này các Tỷ-kheo, bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.


(III) (93). Ðịnh (2)

1.

- Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được nội tâm chỉ, không được tăng thượng tuệ pháp quán. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được tăng thượng tuệ pháp quán, nhưng không được nội tâm chỉ. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không được nội tâm chỉ, không được tăng thượng tuệ pháp quán. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được nội tâm chỉ, cũng được tăng thượng tuệ pháp quán.

2. Tại đấy, này các Tỷ-kheo, hạng người này được nội tâm chỉ, không được tăng thượng tuệ pháp quán. Sau khi người ấy an trú nội tâm chỉ, chú tâm thực hành tăng thượng tuệ pháp quán, người ấy, sau một thời gian được nội tâm chỉ, và được tăng thượng tuệ pháp quán.

3. Tại đấy, này các Tỷ-kheo, hạng người này được tăng thượng tuệ pháp quán, không được nội tâm chỉ. Sau khi người ấy an trú trên tăng thượng tuệ pháp quán, chú tâm thực hành nội tâm chỉ; người ấy sau một thời gian được tăng thượng tuệ pháp quán, và được nội tâm chỉ.

4. Tại đấy, này các Tỷ-kheo, hạng người này, không được nội tâm chỉ, không được tăng thượng tuệ pháp quán. Người ấy, này các Tỷ-kheo, để chứng đắc các thiện pháp ấy, cần phải thực hiện tăng thượng ý muốn, tinh tấn, cố gắng, nỗ lực, tâm không thối chuyển, chánh niệm, tỉnh giác.

Ví như, này các Tỷ-kheo, khi khăn bị cháy hay đầu bị cháy, và để dập tắt khăn và đầu, cần phải thực hiện tăng thượng ý muốn, tinh tấn, cố gắng, nỗ lực, tâm không thối chuyển, chánh niệm, tỉnh giác. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy, để chứng đắc các thiện pháp ấy, cần phải thực hiện tăng thượng ý muốn, tinh tấn, cố gắng, nỗ lực, tâm không thối chuyển, chánh niệm, tỉnh giác. Sau một thời gian, vị ấy thành người có được nội tâm chỉ và tăng thượng tuệ pháp quán.

5. Tại đấy, này các Tỷ-kheo, hạng người này có được nội tâm chỉ, có được tăng thượng tuệ pháp quán, người ấy, này các Tỷ-kheo, sau khi an trú trong các thiện pháp ấy, cần phải chú tâm tu tập hơn nữa để đoạn diệt các lậu hoặc.

Này các Tỷ-kheo, bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.


(IV) (94). Thiền Ðịnh

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chứng được nội tâm chỉ, không chứng được tăng thượng tuệ pháp quán. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chứng được tăng thượng tuệ pháp quán, không chứng được nội tâm chỉ. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không chứng được nội tâm chỉ, không chứng được tăng thượng tuệ pháp quán. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chứng được nội tâm chỉ, chứng được tăng thượng tuệ pháp quán.

2. Tại đây, này các Tỷ-kheo, hạng người này chứng được nội tâm chỉ... (xem 93, 2). Sau khi đi đến hạng người chứng được tăng thượng tuệ pháp quán, người này cần phải nói như sau: "Thưa Hiền giả, các hành cần phải thấy thế nào, các hành cần phải biết thế nào, các hành cần phải quán thế nào?". Người ấy trả lời cho vị này: "Như đã được thấy, như đã được biết, như vậy, này Hiền giả, các hành cần phải được thấy; như vậy, các hành cần phải được biết; như vậy, các hành cần phải quán". Vị này sau một thời gian, chứng được nội tâm chỉ, chứng được tăng thượng tuệ pháp quán.

3. Tại đấy, này các Tỷ-kheo, hạng người này chứng được tăng thượng tuệ pháp quán, không chứng được nội tâm chỉ. Người này sau khi đi đến hạng người chứng được nội tâm chỉ này, cần phải nói như sau: "Thưa Hiền giả, tâm cần phải an lập thế nào? Tâm cần phải an trú thế nào. Tâm cần phải nhứt tâm thế nào? Tâm cần phải định tĩnh thế nào? Người ấy trả lời cho vị này: "Như đã được thấy, như đã được biết, như vậy, thưa Hiền giả, tâm cần phải an lập; như vậy, tâm cần phải an trú; như vậy, tâm cần phải nhứt tâm; như vậy, tâm cần phải định tĩnh." Vị ấy sau một thời gian, chứng được tăng thượng tuệ pháp quán, chứng được nội tâm chỉ.

4. Tại đấy, này các Tỷ-kheo, hạng người này không chứng được nội tâm chỉ, không chứng được tăng thượng tuệ pháp quán. Người này, này các Tỷ-kheo, sau khi đi đến hạng người chứng nội tâm chỉ, chứng được tăng thượng tuệ pháp quán, người này cần phải nói như sau: "Thưa Hiền giả, tâm cần phải an lập thế nào? Tâm cần phải an trú thế nào? Tâm cần phải nhứt tâm thế nào? Tâm cần phải định tĩnh thế nào? Các hành cần phải thấy thế nào? Các hành cần phải biết thế nào? Các hành cần phải quán thế nào?" Người ấy trả lời cho vị này: "Như đã được thấy, như đã được biết, như vậy, này Hiền giả, tâm cần phải an lập; như vậy, tâm cần phải an trú. Như vậy, tâm cần phải nhứt tâm; như vậy, tâm cần phải định tĩnh; như vậy, các hành cần phải thấy; như vậy, các hành cần phải biết; như vậy, các hành cần phải quán". Vị ấy, sau một thời gian chứng được nội tâm chỉ, chứng được tăng thượng tuệ pháp quán.

5. Tại đấy, này các Tỷ-kheo, hạng người này chứng được nội tâm chỉ, chứng được tăng thượng tuệ pháp quán. Vị này, này các Tỷ-kheo, sau khi an trú trong các thiện pháp, cần phải tu tập chú tâm vào sự đoạn diệt các lậu hoặc.

Này các Tỷ-kheo, bốn hạng người này có mặt hiện hữu ở đời.


(V) (95). Que Lửa

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Không hướng đến lợi mình, lợi người; hướng đến lợi người, không lợi mình; hướng đến lợi mình, không lợi người; hướng đến lợi mình và lợi người.

2. Ví như, này các Tỷ-kheo, một que lửa lấy từ đống lửa thiêu xác, hai đầu đều cháy đỏ, ở giữa được trét với phân, không có tác dụng là đồ chụm lửa ở làng, hay ở rừng. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng người này giống như ví dụ ấy, tức là người không hướng đến lợi mình và lợi người.

3. Tại đây, này các Tỷ-kheo, hạng người này hướng đến lợi người, không lợi mình. Người này so với hạng người kia, vi diệu hơn, thù thắng hơn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng người này hướng đến lợi mình, không lợi người. Hạng người này so với hai hạng người kia, vi diệu hơn thù thắng hơn. Tại đây, này các Tỷ-kheo, hạng người này hướng đến lợi mình và lợi người, hạng người này so với ba hạng người trên, là tối thượng, tối thắng, thượng thủ, vô thượng và cực thắng.

4. Ví như, này các Tỷ-kheo, từ bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có sanh tô, từ sanh tô có thục tô, từ thục tô có đề hồ và đây gọi là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, hạng người này hướng đến lợi mình và lợi người, hạng người này so với ba hạng người trên là tối thượng, tối thắng, thượng thủ, vô thượng và cực thắng.

Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.


(VI) (96). Lợi Mình (1)

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người; hạng người hướng đến lợi người, không lợi mình; hạng người không hướng đến lợi mình, không hướng đến lợi người; hạng người hướng đến lợi mình và lợi người.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hướng đến nhiếp phục tham cho mình, không khích lệ người khác nhiếp phục tham, hướng đến nhiếp phục sân cho mình... nhiếp phục si cho mình, không khích lệ người khác nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi người, không lợi mình?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không hướng đến nhiếp phục tham cho tự mình, khích lệ nhiếp phục tham cho người, không hướng đến nhiếp phục sân cho tự mình... không hướng đến nhiếp phục si cho tự mình, khích lệ nhiếp phục si cho người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi người, không lợi mình.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không hướng đến lợi mình, không hướng đến lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không hướng đến nhiếp phục tham cho tự mình, không khích lệ người khác nhiếp phục tham, không nhiếp phục sân cho tự mình, không khích lệ người khác nhiếp phục sân... không nhiếp phục si cho tự mình, không khích lệ người khác nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không hướng đến lợi mình, không hướng đến lợi người.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình và lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hướng đến nhiếp phục tham cho tự mình, và khích lệ người khác nhiếp phục tham, hướng đến nhiếp phục sân cho tự mình... hướng đến nhiếp phục si cho tự mình và khích lệ người khác nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi ích cho mình và cho người.

Này các Tỷ-kheo, bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.


(VII) (97). Lợi Ích Cho Mình (2)

1. (Như kinh (96), đoạn đầu)

2.

- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người, mau mắn nhận xét trong các thiện pháp, thọ trì các pháp đã được nghe, suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì, sau khi hiểu nghĩa, hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp; nhưng không phải là người thiện ngôn, khéo nói, dùng những lời tao nhã, phát âm chính xác, rõ ràng, khiến cho nghĩa lý được minh bạch; không phải là người thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi mình, không có lợi người.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi người, không có lợi mình?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không mau mắn nhận xét trong các thiện pháp, không thọ trì các pháp đã được nghe, không suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì, không có sau khi hiểu nghĩa, hiểu pháp, thực hành pháp tùy pháp; là người thiện ngôn, khéo nói, dùng những lời tao nhã, phát âm chính xác rõ ràng, khiến cho nghĩa lý được minh bạch; là người thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi người, không có lợi mình.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người, không hướng đến lợi mình và lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không có mau mắn nhận xét trong các thiện pháp... không có sau khi hiểu nghĩa, hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp; không phải là người thiện ngôn, khéo nói... làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh. Như vậy này các Tỷ-kheo, là hạng người không hướng đến lợi mình và lợi người.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình và lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người mau mắn nhận xét trong các thiện pháp... sau khi hiểu nghĩa, hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp. Là người thiện ngôn, khéo nói... làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi mình và lợi người.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời.


(VIII) (98). Lợi Mình(3)

- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Hướng đến lợi mình, không lợi người; hướng đến lợi người, không lợi mình; không hướng đến lợi mình, lợi người; hướng đến lợi mình, lợi người.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.


(IX) (99). Những Học Pháp

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Hướng đến lợi mình, không lợi người; hướng đến lợi người, không lợi mình; không hướng đến lợi mình, lợi người; hướng đến lợi mình, lợi người.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người tự mình từ bỏ sát sanh, không khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình từ bỏ lấy của không cho, không khích lệ người khác từ bỏ lấy của không cho; tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, không khích lệ người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục;... tự mình từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu; nhưng không khích lệ người khác từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi người, không lợi mình?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người tự mình không từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình không từ bỏ lấy của không cho;... tự mình không bỏ tà hạnh trong các dục;... tự mình không từ bỏ nói láo... tự mình không từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu; khích lệ người khác từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi người, không lợi mình.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không hướng đến lợi mình, lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người tự mình không từ bỏ sát sanh, không khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình không từ bỏ lấy của không cho;... tự mình không từ bỏ tà hạnh trong các dục;... tự mình không từ bỏ nói láo... tự mình không từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu; không khích lệ người khác từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không hướng đến lợi mình, lợi người.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình, lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người tự mình từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình từ bỏ lấy của không cho... tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục... tự mình từ bỏ nói láo... tự mình từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, khích lệ người khác từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi mình và lợi người.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.


(X) (100). Potaliya

1. Rồi du sĩ Potaliya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với du sĩ Potaliya đang ngồi một bên:

2.

- Này Potaliya, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này Potaliya, có hạng người nói lời không tán thán đối với người không đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; không nói lời tán thán đối với hạng người đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời. Ở đây, này Potaliya, có hạng người nói lên lời tán thán hạng người đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; không nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; không nói lời tán thán đối với hạng người đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời. Ở đây, này Potaliya, có hạng người nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; và nói lời tán thán đối với hạng người đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời.

3. Này Potaliya, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Này Potaliya, trong bốn hạng người này hạng người nào Ông chấp nhận là vi diệu hơn, thù thắng hơn?

- Thưa Tôn giả Gotama, có bốn hạng người này, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, có hạng người nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán... không nói lời tán thán đối với người xứng đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, có hạng người nói lời tán thán đối với hạng người đáng được tán thán... không nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, có hạng người không nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán... không nói lời tán thán đối với hạng người được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời.

Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, có hạng người nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; nói lời tán thán đối với hạng người đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời. Thưa Tôn giả Gotama, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Trong bốn hạng người này, thưa Tôn giả Gotama, hạng người này không nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; không nói lời tán thán đối với hạng người xứng đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời, hạng người này đối với tôi đáng được chấp nhận là vi diệu hơn, thù thắng hơn trong bốn hạng người trên. Vì cớ sao? Thưa Tôn giả Gotama, thật là vi diệu tức là xả này.

4.

- Này Potaliya, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?... Này Potaliya, có bốn hạng người này... ở trong đời. Này Potaliya, trong bốn hạng người này, này Potaliya, hạng người này, nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; nói lời tán thán đối với hạng người đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời, hạng người này vi hơn, thù thắng hơn, đối với bốn hạng người trên. Vì cớ sao? Này Potaliya, thật là vi diệu, tức là tại đây, tại đây rõ biết đúng thời.

5.

- Thưa Tôn giả Gotama, có bốn hạng người... hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?... Thưa Tôn giả Gotama, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Trong bốn hạng người này, thưa Tôn giả Gotama, hạng người nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng tán thán... nói lời tán thán đối với hạng người đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; hạng người này, tôi chấp nhận là vi diệu hơn, thù thắng hơn bốn hạng người trên. Vì cớ sao? Thưa Tôn giả Gotama, thật là vi diệu tức là tại đây, tại đây rõ biết đúng thời. Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống... để cho người có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, pháp được Tôn giả Gotama tuyên thuyết với nhiều pháp môn. Con nay xin quy y Tôn giả Gotama... từ nay cho đến trọn đời, con xin quy ngưỡng.


11. Phẩm Mây Mưa


(I) (101). Mây Mưa (1)

Như vầy tôi nghe:

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại mây mưa này. Thế nào là bốn? Có sấm, không có mưa; có mưa, không có sấm; không có sấm, cũng không có mưa; có sấm và có mưa. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại mây mưa này.

3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ với các loại mây mưa này, có mặt hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn? Hạng người có sấm, không có mưa; hạng người có mưa, không có sấm; hạng người không có sấm, không có mưa; hạng người có sấm và có mưa.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có sấm, không có mưa?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có nói, không có làm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có sấm không có mưa. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây có sấm, không có mưa ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hạng người này giống như ví dụ ấy.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có mưa, không có sấm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có làm, không có nói. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có mưa, không có sấm. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây chỉ có mưa, không có sấm ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

6. Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người không có sấm, cũng không có mưa?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không có nói, không có làm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không có sấm, không có mưa. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây không có sấm, không có mưa ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

7. Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người có sấm và có mưa?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có nói và có làm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có sấm và có mưa. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây có sấm và có mưa ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người giống như các loại mây này có mặt, hiện hữu ở đời.


(II) (102). Mây Mưa (2)

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại mây mưa này. Thế nào là bốn? Có sấm, không có mưa; có mưa, không có sấm; không có sấm, không có mưa; có sấm và có mưa. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại mây mưa này.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ như các loại mây mưa này, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn? Hạng người có sấm, không có mưa; hạng người có mưa, không có sấm; hạng người không có sấm, không có mưa; hạng người có sấm và có mưa.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có sấm, không có mưa?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thuộc lòng Pháp, Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Kệ tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Quảng thuyết. Vị ấy không như thật quán tri: "Ðây là Khổ", ..."Ðây là Khổ tập", ... "Ðây là Khổ diệt", ... không như thật quán tri: "Ðây là con Ðường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có sấm không có mưa. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây có sấm, không có mưa ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có mưa, không có sấm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không có học thuộc lòng Pháp, như Khế kinh, ứng tụng, ... Quảng thuyết. Vị ấy như thật quán tri: "Ðây là Khổ", ..."Ðây là Khổ tập", ... "Ðây là Khổ diệt", ... như thật quán tri: "Ðây là con Ðường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có mưa, không có sấm. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây chỉ có mưa, không có sấm ấy. Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

5. Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người không có sấm và không có mưa?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không học thuộc lòng Pháp như Khế kinh... Quảng thuyết. Vị ấy không như thật quán tri: "Ðây là Khổ", ..."Ðây là Khổ tập", ... "Ðây là Khổ diệt",... không như thật quán tri: "Ðây là con Ðường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không có sấm, không có mưa. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây không có sấm, không có mưa, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

6. Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người có sấm và có mưa?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người học thuộc lòng Pháp như Khế kinh... Quảng thuyết. Người ấy như thật quán tri: "Ðây là Khổ", ..."Ðây là Khổ tập", ... "Ðây là Khổ diệt"... như thật quán tri: "Ðây là con Ðường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có sấm và có mưa. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây có sấm và có mưa ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người giống như các loại mây này có mặt, hiện hữu ở đời.


(III) (103). Cái Ghè

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ghè này. Thế nào là bốn?

Trống và bịt; đầy và mở; trống và mở; đầy và bịt. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ghè này.

2. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, có bốn hạng người được ví như các loại ghè này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Trống và bịt, đầy và mở, trống và mở, đầy và bịt.

3. Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hạng người trống và bịt?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có thái độ không dễ thương, khi đi tới đi lui, khi ngó phía trước, ngó hai bên, khi co tay duỗi tay, khi mang áo tăng-già-lê, bình bát và y, Vị ấy như thật quán tri: "Ðây là Khổ", ..."Ðây là Khổ tập", ... "Ðây là Khổ diệt"... không như thật quán tri:"Ðây là con Ðường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người trống và bịt. Ví như, này các Tỷ-kheo, các ghè trống và bịt ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người đầy và mở?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có thái độ dễ thương, khi đi tới đi lui, khi ngó phía trước, ngó hai bên, khi co tay duỗi tay, khi mang áo tăng-già-lê, bình bát và y, Vị ấy không như thật quán tri: "Ðây là Khổ", ..."Ðây là Khổ tập", ... "Ðây là Khổ diệt"... như thật quán tri: "Ðây là con Ðường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người đầy và mở. Ví như, này các Tỷ-kheo, các ghè đầy và mở ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người trống và mở?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không có thái độ dễ thương, khi đi tới đi lui, khi ngó phía trước, ngó hai bên, khi co tay duỗi tay, khi mang áo tăng-già-lê, bình bát và y, Vị ấy không như thật quán tri: "Ðây là Khổ", ..."Ðây là Khổ tập", ... "Ðây là Khổ diệt"... không như thật quán tri: "Ðây là con Ðường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người trống và mở, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người đầy và bịt?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có thái độ dễ thương, khi đi tới, đi lui, khi ngó phía trước, ngó hai bên, khi co tay, duỗi tay, khi mang áo tăng-già-lê, mang y bát, vị ấy như thật quán tri: "Ðây là Khổ", ..."Ðây là Khổ tập", ... "Ðây là Khổ diệt"... như thật quán tri: "Ðây là con Ðường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người đầy và bịt. Ví như, này các Tỷ-kheo, các ghè đầy và bịt ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

Này các Tỷ-kheo, bốn hạng người giống như các loại ghè này có mặt, hiện hữu ở đời.


(IV) (104). Hồ Nước (1)

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại hồ nước này. Thế nào là bốn? Cạn nhưng thấy sâu, sâu nhưng thấy cạn, cạn và thấy cạn, sâu và thấy sâu. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại hồ nước này.


(V) (105). Các Hồ Nước (2)

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại hồ nước này. Thế nào là bốn? Cạn có vẻ sâu, sâu có vẻ cạn, cạn có vẻ cạn, sâu có vẻ sâu. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại hồ nước này.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ với hồ nước này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Cạn có vẻ sâu, sâu có vẻ cạn. Cạn có vẻ cạn, sâu có vẻ sâu.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người cạn có vẻ sâu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có thái độ dễ thương ... (như kinh 103, từ số 3 cho đến số 6).


(VI) (106). Các Trái Xoài

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại xoài này. Thế nào là bốn?

Chưa chín có vẻ chín, chín có vẻ chưa chín, chưa chín có vẻ chưa chín, chín có vẻ chín, Này các Tỷ-kheo, có bốn loại xoài này.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ với bốn loại xoài này. Thế nào là bốn ? (như kinh 103, từ số 3 đến số 6)


(VII) (107). Các Loại Chuột

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại chuột này. Thế nào là bốn?

Ðào hang không ở, ở không đào hang, không đào hang không ở, có đào hang có ở. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại chuột này.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ với các loại chuột này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Ðào hang không ở, ở không đào hang, không đào hang không ở, có đào hang có ở. Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có đào hang, nhưng không ở?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thuộc lòng Pháp như Khế kinh... Quảng thuyết. Vị ấy không như thật quán tri: "Ðây là Khổ", ..."Ðây là Khổ tập", ... "Ðây là Khổ diệt" ... "Ðây là con Ðường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người đào hang, nhưng không ở. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại chuột có đào hang, nhưng không ở ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có ở, không đào hang? (xem như kinh 102).


(VIII) (108). Các Loại Bò Ðực

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại bò đực này. Thế nào là bốn?

Hung dữ với đàn bò của mình, không hung dữ với đàn bò của người; hung dữ với đàn bò của người, không hung dữ với đàn bò của mình; hung dữ với đàn bò của mình, hung dữ với đàn bò của người; không hung dữ với đàn bò của mình, không hung dữ với đàn bò của người. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại bò đực này.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví như các loại bò đực này, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Hạng người hung dữ với đàn bò của mình, không hung dữ với đàn bò của người; hạng hung dữ với đàn bò của người, không hung dữ với đàn bò của mình; hạng hung dữ với đàn bò của mình và hung dữ với đàn bò của người; hạng không hung dữ với đàn bò của mình, không hung dữ với đàn bò của người.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hung dữ với đàn bò của mình, không hung dữ với đàn bò của người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người là một khiếp đảm cho hội chúng của mình, không là một khiếp đảm cho hội chúng của người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hung dữ với đàn bò của mình, không hung dữ với đàn bò của người. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại bò đực hung dữ với đàn bò của mình, không hung dữ với đàn bò của người ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

4. Thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người hung dữ với đàn bò của người, không hung dữ với đàn bò của mình?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người là một khiếp đảm cho hội chúng của người, không là một khiếp đảm cho hội chúng của mình. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hung dữ với đàn bò của người, không hung dữ với đàn bò của mình. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại bò đực hung dữ với đàn bò của người, không hung dữ với đàn bò của mình ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

5. Thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người hung dữ với đàn bò của mình, hung dữ với đàn bò của người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người là một khiếp đảm cho hội chúng của mình và cho hội chúng của người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người... (như trên)... giống như ví dụ ấy.

6. Thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người không hung dữ với đàn bò của mình và không hung dữ với đàn bò của người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không là một khiếp đảm cho đàn bò của mình, không là một khiếp đảm cho đàn bò của người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không hung dữ với đàn bò của mình, không hung dữ với đàn bò của người. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại bò đực không hung dữ với đàn bò của mình và không hung dữ với đàn bò của người. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ với các loại bò đực này, có mặt, hiện hữu ở đời.


(IX) (109). Các Cây

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại cây này. Thế nào là bốn?

Có giác cây, bao vây với giác cây; có giác cây bao vây với lõi cây; có lõi cây bao vây với giác cây; có lõi cây bao vây với lõi cây. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại cây này.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ như bốn loại cây này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Hạng người là giác cây, bao vây với giác cây; hạng người là giác cây, bao vây với lõi cây; hạng người là lõi cây, bao vây với giác cây; hạng người là lõi cây, bao vây với lõi cây.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người là giác cây bao vây với giác cây?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, theo ác pháp, hội chúng người ấy cũng ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người giác cây bao vây với giác cây. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại cây là giác cây, bao vây với giác cây ấy. Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người là giác cây bao vây với lõi cây?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, theo ác pháp, hội chúng người ấy có giới, theo thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người giác cây bao vây với lõi cây. Ví như... giống như ví dụ ấy.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người là lõi cây bao vây với giác cây?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có giới, theo thiện pháp, nhưng hội chúng của người ấy theo ác giới, ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người lõi cây bao vây với giác cây. Ví như... giống như ví dụ ấy.

6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người là lõi cây bao vây với lõi cây?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có giới, theo thiện pháp, hội chúng người ấy cũng có giới, theo thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có lõi cây bao vây với lõi cây. Ví như, này các Tỷ-kheo, là hạng người lõi cây bao vây với lõi, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người giống như ví dụ các cây này, có mặt hiện hữu ở đời.


(X) (110). Các Con Rắn

1.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại rắn. Thế nào là bốn?

Loại rắn có nọc độc, nhưng không ác độc; loại ác độc nhưng không nọc độc; loại có nọc độc và ác độc; loại không có nọc độc, không có ác độc. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại rắn độc này.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ với các loại rắn này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Hạng người có nọc độc nhưng không ác độc; hạng người ác độc nhưng không nọc độc; hạng người có nọc độc, có ác độc; hạng người không có nọc độc, không có ác độc.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có nọc độc, nhưng không ác độc?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ, nhưng phẫn nộ không tồn tại lâu dài. Như vậy là hạng người có nọc độc, nhưng không ác độc. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại rắn có nọc độc, nhưng không ác độc ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có ác độc, nhưng không có nọc độc?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không mau phẫn nộ, nhưng phẫn nộ tồn tại lâu dài. Như vậy là hạng người có ác độc, nhưng không có nọc... giống như ví dụ ấy.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có nọc độc và có ác độc?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ và phẫn nộ tồn tại lâu dài. Như vậy là hạng người có nọc độc và có ác độc... giống như ví dụ ấy.

6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không có nọc độc và không có ác độc?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không mau phẫn nộ và phẫn nộ không tồn tại lâu dài. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không có nọc độc, và không có ác độc. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại rắn không có nọc độc, không có ác độc ấy, Ta nói rằng, hạng người này giống như ví dụ ấy.

Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.


12. Phẩm Kesi


(I) (111). Kesi

1. Rồi Kesi, người đánh xe điều phục ngựa đi đến Thế tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế tôn nói với Kesi, người đánh xe điều phục ngựa đang ngồi một bên:

2.

- Này Kesi, Ông là người đánh xe điều phục ngựa, có chế ngự. Và này Kesi, Ông nhiếp phục ngựa như thế nào?

- Bạch Thế tôn, con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời nói mềm mỏng; con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời thô ác; con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời nói mềm mỏng và thô ác.

- Này Kesi, nếu con ngựa đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói thô ác, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và thô ác, thời Ông làm gì với con ngựa ấy?

- Bạch Thế tôn, nếu con ngựa đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói thô ác, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và thô ác của con, thời bạch Thế tôn, con giết nó. Vì sao? Vì mong rằng nó không làm mất danh dự cho gia đình thầy của con! Nhưng bạch Thế tôn, Thế tôn là bậc Vô thượng, đánh xe điều ngự những ai đáng được điều ngự, như thế nào Thế tôn nhiếp phục những ai đáng được điều phục?

3

- Này Kesi, Ta nhiếp phục người đáng được nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, Ta nhiếp phục với lời nói cứng rắn, Ta nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn.

Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói mềm mỏng: Ðây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện. Ðây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện. Ðây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện, Ðây là chư Thiên. Ðây là loài Người.

Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói cứng rắn: Ðây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác. Ðây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác. Ðây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Ðây là địa ngục. Ðây là loài bàng sanh. Ðây là loại ngạ quỷ.

Tại đây, này Kesi, đây là lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn: Ðây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện. Ðây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác. Ðây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện. Ðây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác. Ðây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện. Ðây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Ðây là chư Thiên. Ðây là loài Người. Ðây là địa ngục. Ðây là loài bàng sanh. Ðây là ngạ quỷ.

- Bạch Thế tôn, nếu người đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng của Thế tôn, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và cứng rắn, thời Thế tôn làm gì với người ấy?

- Này Kesi, nếu người đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng của Ta, không chịu nhiếp phục với lời nói cúng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, này Kesi, thời Ta giết hại người ấy!

4.

- Nhưng bạch Thế tôn, sát sanh không xứng đáng với Thế tôn. Tuy vậy, Thế tôn nói: "Này Kesi, Ta giết hại người ấy".

- Thấy vậy, này Kesi, sát sanh không xứng đáng với Như Lai. Nhưng người đáng được điều phục ấy không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và cứng rắn, Như Lai nghĩ rằng người ấy không xứng đáng để được nói đến, để được giáo giới. Và các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng người ấy không xứng đáng để được nói đến, để được giáo giới. Bị giết hại, này Kesi là con người này, trong giới luật của bậc Thánh, bị Như Lai nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới.

- Bạch Thế tôn, người ấy bị bậc Thiện Thệ giết hại là người nào bị Như Lai nghĩ rằng không xứng đáng được nói đến, không xứng đáng được giáo giới, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới. Thật vi diệu thay, bạch Thế tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế tôn! ... bắt đầu từ nay, mong Thế tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.


(II) (112). Tốc Ðộ

1.

- Thành tựu với bốn chi phần, này các Tỷ-kheo, một con ngựa thuần thục hiền thiện của vua, xứng đáng cho nhà vua, là vật sở hữu của vua, được xem là biểu tượng của vua. Thế nào là bốn? Với trực tánh, với tốc độ, với nhẫn nhục, với thiện ngôn.

Thành tựu với bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, một con ngựa thuần thục, hiền thiện của vua, xứng đáng cho nhà vua, là vật sở hữu của vua, được xem là biểu tượng của vua.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu với bốn pháp, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là với bốn? Với trực tánh, với tốc độ, với kham nhẫn, với thiện ngôn.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được chắp tay, xứng đáng được cúng dường, là ruộng phước vô thượng ở đời.


(III) (113). Gậy Thúc Ngựa

1.

- Có bốn loài ngựa hiền thiện thuần thục này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa liền bị dao động, kích thích nghĩ rằng: "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì, và ta đáp ứng thế nào?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loại ngựa hiền thiện thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa hiền thiện thuần thục thứ nhất, có mặt, hiện hữu ở đời.

2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, không bị dao động, kích thích. Nhưng khi bị gậy thúc ngựa đâm vào lông, nó liền bị dao động, kích thích, nghĩ rằng: "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì, và ta đáp ứng thế nào?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loài ngựa hiền thiện thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loài ngựa hiền thiện thuần thục thứ hai, có mặt, hiện hữu ở đời.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, không bị dao động, kích thích. Khi bị gậy thúc ngựa đâm vào lông, nó không bị dao động, kích thích. Nhưng khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào thịt, liền bị dao động, kích thích, nghĩ rằng: "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì và ta đáp ứng thế nào?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loài ngựa hiền thiện, thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loài ngựa hiền thiện thuần thục thứ ba, có mặt, hiện hữu ở đời.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, không bị dao động, kích thích; bị cây gậy thúc ngựa đâm vào lông, không bị dao động, kích thích; bị cây gậy thúc ngựa đâm vào thịt, không bị dao động, kích thích; bị cây gậy thúc ngựa đâm vào xương, bị dao động, kích thích, nghĩ rằng: "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì và ta đáp ứng thế nào?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loài ngựa hiền thiện, thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loài ngựa hiền thiện, thuần thục thứ tư, có mặt, hiện hữu ở đời.

Này các Tỷ-kheo, có bốn loài ngựa hiền thiện, thuần thục, có mặt, hiện hữu ở đời.

5. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người hiền thiện, thuần thục này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hiền thiện, thuần thục nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị khổ đau hay bị mạng chung; người ấy do vậy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân, vị ấy chứng ngộ được tối thắng sự thật; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện, thuần thục ấy, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, bị dao động kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ nhất có mặt, hiện hữu ở đời.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện, thuần thục không có nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị đau khổ hay bị mệnh chung, nhưng khi tự mình thấy người đàn bà hay người đàn ông khổ đau hay mệnh chung, người ấy do vậy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân, vị ấy chứng ngộ được sự thật tối thắng; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện thuần thục ấy, khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào da, bị dao động, kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ hai có mặt, hiện hữu ở đời.

7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện, thuần thục không có nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị khổ đau hay bị mệnh chung, không có tự mình thấy người đàn bà hay người đàn ông khổ đau hay mệnh chung. Nhưng, khi có một người bà con hay người đồng một huyết thống khổ đau hay bị mệnh chung, người ấy do vậy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân vị ấy chứng ngộ được sự thật tối thắng; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện thuần thục ấy, khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào thịt, bị dao động, kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ ba có mặt, hiện hữu ở đời.

8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện thuần thục không có nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị khổ đau hay mệnh chung, không có tự mình thấy người đàn bà hay người đàn ông khổ đau hay bị mệnh chung, không có người bà con hay người đồng một huyết thống khổ đau hay bị mệnh chung. Nhưng khi tự mình cảm xúc những cảm thọ về thân khổ đau, nhói đau, chói đau, mãnh liệt, kịch liệt, không phải khả hỷ, không khả ý, đoạt mạng sống, vị ấy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân, vị ấy chứng ngộ được sự thật tối thắng; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện thuần thục ấy, khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào xương mới bị dao động, kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ tư có mặt, hiện hữu ở đời.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người hiền thiện thuần thục này có mặt, hiện hữu ở đời.


(IV) (114). Con Voi

1.

- Thành tựu bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, con voi của vua xứng đáng cho vua, là tài sản của Vua, được xem là biểu tượng của vua. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua biết nghe, biết sát hại, biết nhẫn, biết đi đến.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết nghe?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua, khi người nài sai làm một công tác, hoặc đã làm từ trước hay chưa làm từ trước, sau khi nhiệt tâm tác ý, hoàn toàn chú tâm lóng tai và lắng nghe. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua biết nghe.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết sát hại?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua sau khi đi đến chiến trận, giết voi, giết người cưỡi voi, giết ngựa, giết người cưỡi ngựa, giết hại xe, giết hại người cưỡi xe, giết các bộ binh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua biết sát hại.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết kham nhẫn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua sau khi đi đến chiến trường, chịu đựng cây giáo đâm, chịu đựng kiếm chém, chịu đựng tên bắn, chịu đựng búa chặt, chịu đựng tiếng trống lớn, tiếng thanh la, tiếng tù và, tiếng trống nhỏ và các tiếng ồn ào khác. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua biết kham nhẫn.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết đi đến?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua, khi người nài sai đi đến hướng nào, hoặc trước kia đã có đi hay trước kia không có đi, liền đi đến chỗ ấy một cách mau mắn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua biết đi đến.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua xứng đáng là của vua, là tài sản của vua, đi đến làm biểu tượng của vua.

6. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu với bốn pháp, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được chắp tay, xứng đáng được cúng dường, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết nghe, biết sát hại, biết kham nhẫn, biết đi đến.

7. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết nghe?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, sau khi nhiệt tâm tác ý hoàn toàn, chú tâm và lắng nghe. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết nghe.

8. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết sát hại?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có chấp nhận dục tầm đã khởi lên, từ bỏ, gạn lọc, chấm dứt, làm cho không hiện hữu, không có chấp nhận sân tầm đã khởi lên ... không có chấp nhận hại tầm đã khởi lên, từ bỏ, gạn lọc, chấm dứt, làm cho không hiện hữu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết sát hại.

9. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết kham nhẫn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kham nhẫn lạnh, kham nhẫn nóng, kham nhẫn đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, kham nhẫn những cách nói chửi mắng, phỉ báng, chịu đựng các cảm thọ về thân, khổ đau, nhói đau, mãnh liệt, không khả hỷ, không khả ý, chết điếng người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết kham nhẫn.

10. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết đi?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo theo phương hướng nào từ trước chưa từng đi, tại đấy, mọi hành được chỉ tịnh, mọi sanh y được từ bỏ, ái được đoạn diệt. Niết-bàn, vị ấy đi đến chỗ ấy một cách mau chóng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết đi.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được chắp tay, xứng đáng được cúng dường, là ruộng phước vô thượng ở đời.


(V) (115). Các Trường Hợp

- Này các Tỷ-kheo, có bốn trường hợp này. Thế nào là bốn?

Có trường hợp, này các Tỷ-kheo, làm không thích ý, đưa đến không lợi ích cho người làm. Có trường hợp, này các Tỷ-kheo, làm không thích ý, đưa đến lợi ích cho người làm. Có trường hợp, này các Tỷ-kheo, làm được thích ý, không đưa đến lợi ích cho người làm. Có trường hợp, này các Tỷ-kheo, làm được thích ý, đưa đến lợi ích cho người làm.

2. Tại đây, này các Tỷ-kheo, trường hợp này làm không thích ý; không đem lại lợi ích cho người làm; trong trường hợp này, này các Tỷ-kheo, nghĩ rằng về cả hai phương diện không nên làm. Trường hợp này làm không thích ý, đây là trường hợp nghĩ rằng không nên làm. Trường hợp làm không đem lại lợi ích cho người làm, đây là trường hợp nghĩ rằng không nên làm. Ðây là trường hợp, này các Tỷ-kheo, nghĩ rằng về cả hai phương diện không nên làm.

3. Tại đây, này các Tỷ-kheo, trường hợp này làm không thích ý, nhưng đem lại lợi ích cho người làm; trong trường hợp này, này các Tỷ-kheo, người ta có thể biết kẻ ngu, bậc trí, về sức kiên trì của con người, tinh tấn của con người, nỗ lực của con người. Và này các Tỷ-kheo, người ngu không suy xét rằng: "Dầu trường hợp này không thích ý, nhưng trường hợp này đem lại lợi ích cho người làm". Người ấy không làm trường hợp này. Do không làm trường hợp này, nên không đưa lại lợi ích cho người ấy. Còn người trí, này các Tỷ-kheo, suy xét rằng: "Dầu trường hợp này làm không được thích ý, nhưng trường hợp này đem lại lợi ích cho người làm". Người ấy làm trường hợp này. Do làm trường hợp này, nên đem lại lợi ích cho người ấy.

4. Tại đây, này các Tỷ-kheo, trường hợp này làm được thích ý, nhưng không đem lại lợi ích cho người làm; trong trường hợp này, này các Tỷ-kheo, người ta có thể biết kẻ ngu, bậc trí, về sức kiên trì của con người, tinh tấn của con người, nỗ lực của con người. Này các Tỷ-kheo, người ngu không suy xét rằng: "Dầu trường hợp này, làm được thích ý, nhưng trường hợp này không đem lại lợi ích cho người làm". Người ấy làm trường hợp này không đem lại lợi ích cho người làm. Người ấy làm trường hợp này, và trường hợp này không đem lại lợi ích cho người ấy. Còn người trí, này các Tỷ-kheo, suy xét như sau: "Dầu trường hợp này làm được thích ý, nhưng không đem lại lợi ích cho người làm". Vị ấy không làm trường hợp này, do không làm trường hợp này, nên đem lại lợi ích cho người ấy.

5. Tại đây, này các Tỷ-kheo, trường hợp này làm được thích ý, và đem lại lợi ích cho người làm; trong trường hợp này, này các Tỷ-kheo, nghĩ rằng về cả hai phương diện đều nên làm. Trường hợp này, làm được thích ý, đây là trường hợp nghĩ rằng cần phải làm. Trường hợp này đem lại lợi ích cho người làm, đây là trường hợp nghĩ rằng cần phải làm. Trường hợp này, này các Tỷ-kheo, nghĩ rằng về cả hai phương diện đều phải làm.

Này các Tỷ-kheo, có bốn trường hợp này.


(VI) (116). Không Phóng Dật

1.

- Trong bốn trường hợp, này các Tỷ-kheo, cần phải không phóng dật. Thế nào là bốn?

Hãy từ bỏ thân làm ác, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập thân làm lành, và ở đây chớ có phóng dật. Hãy từ bỏ lời nói ác, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập lời nói lành, và ở đây chớ có phóng dật. Hãy từ bỏ ý nghĩ ác, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập ý nghĩ lành, và ở đây chớ có phóng dật. Hãy từ bỏ tà kiến, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập chánh kiến, và ở đây chớ có phóng dật.

2. Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã từ bỏ thân làm ác, tu tập thân làm lành ... (như trên) ... đã từ bỏ tà kiến, đã tu tập chánh kiến, vị ấy không sợ hãi về đời sau, về chết.


(VII) (117). Hộ Trì

1.

- Trong bốn trường hợp, này các Tỷ-kheo, không phóng dật, niệm và tâm hộ trì cần phải làm do tự mình. Thế nào là bốn?

Với ý nghĩ: "Mong rằng đối với các pháp khiến cho tham đắm, tâm ta chớ có tham đắm!", không phóng dật, niệm và tâm hộ trì cần phải làm do tự mình. Với ý nghĩ: "Mong rằng đối với các pháp khiến cho sân hận, tâm ta chớ có sân hận!", không phóng dật, niệm ... do tự mình. Với ý nghĩ: "Mong rằng đối với các pháp khiến cho si mê, tâm ta chớ có si mê!", không phóng dật, niệm ... do tự mình. Với ý nghĩ: "Mong rằng đối với các pháp khiến cho say đắm, tâm ta chớ có say đắm!", không phóng dật, niệm và tâm hộ trì cần phải làm do tự mình.

2. Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các pháp khiến cho tham đắm, tâm không tham đắm, tự ngã được ly tham; đối với các pháp khiến cho sân hận, tâm không sân hận, tự ngã được ly sân; đối với các pháp khiến cho si mê, tâm không si mê, tự ngã được ly si; đối với các pháp khiến cho say đắm, tâm không say đắm, tự ngã được ly đắm say; thời vị ấy không có sợ hãi, không có dao động, không có hốt hoảng, không rơi vào hoảng sợ, không có đi do nhân các Sa-môn có nói gì.


(VIII) (118). Xúc Ðộng

1.

- Có bốn trú xứ, này các Tỷ-kheo, khi một tín nam thấy cần phải xúc động mãnh liệt. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai sanh. Ðây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai đã giác ngộ Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Ðây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai chuyển pháp luân vô thượng. Ðây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai đã nhập Niết-bàn giới, không có dư. Ðây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt.

Có bốn trú xứ, này các Tỷ-kheo, khi một tín nam thấy cần phải xúc động mãnh liệt.


(IX) (119). Sợ Hãi (1)

- Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này. Thế nào là bốn? Sợ hãi về sanh, sợ hãi về già, sợ hãi về bệnh, sợ hãi về chết.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này.


(X) (120). Sợ Hãi (2)

- Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này. Thế nào là bốn? Sợ hãi về lửa, sợ hãi về nước, sợ hãi về vua, sợ hãi về ăn trộm.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này.


-ooOoo-

Mục lục các Chương

Giới thiệu | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | Trích giảng

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
BẬC A LA HÁN, CHÁNH ĐẲNG GIÁC, MINH HẠNH TÚC, THIỆN THỆ, THẾ GIAN GIẢI, VÔ THƯỢNG SỸ, ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU, THIÊN NHÂN SƯ, PHẬT, THẾ TÔN.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào

Leave a Reply