Select Menu

hot

Bài đăng nổi bật

TỦ SÁCH PHẬT HỌC DÀNH CHO SMARTPHONE

Trong cuộc sống hiện đại, sách điện từ đang dần thay thế sách giấy. Các tác phẩm Phật học, trong đó có Kinh Phật, cũng không ngoài quy luật ...

Tìm kiếm Blog này

random posts

Ads 180

Ads 180
Bán xe Ford Taurus

Popular Posts

Phật

Tăng

Thần Thông

Thiên Giới

Chùa

Đọa Xứ

Video

» » » Chuyện Tiền Thân III - Phẩm Sáu bài kệ [14]
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn


KINH TIỂU BỘ 
Khuddhaka Nikàya 
Tập VI 
Hòa thượng Thích Minh Châu và 
Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt 

Chuyện Tiền Thân Đức Phật (Jàtaka) III / CHƯƠNG 6 

Phẩm Sáu bài kệ [14] 


-ooOoo-


387. CHUYỆN CÂY KIM (Tiền thân Sùci)


Xâu nhanh, trơn láng, thẳng ngay...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về sự thành tựu Tối thắng Trí.

Hoàn cảnh câu chuyện sẽ đọc kể trong Tiền thân Mahaummagga, số 546. Bậc Ðạo Sư bảo chúng Tăng:

Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu tiên Như Lai có trí tuệ và nhiều phương tiện thiện xảo.

Rồi ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh ở quốc độ Kàsi trong nhà một thợ rèn và khi lớn lên, ngài rất tinh thông nghề này. Cha mẹ ngài rất nghèo. Không xa làng này có một làng khác gồm một ngàn nhà. Người trưởng nghiệp đoàn của cả ngàn thợ rèn này là người được vua ân sủng, giàu tiền của và thế lực. Con gái vị này cực kỳ diễm lệ, chẳng khác nào một Thiên nữ, đầy đủ mọi hảo tướng cát tường của một mệnh phụ phu nhân. Nhiều người từ các làng chung quanh đến nhờ rèn dao kiếm, rìu búa, lưỡi cày, gậy nhọn... đều trông thấy nàng.

Khi họ trở về làng, họ ca tụng sắc đẹp của nàng ở những nơi có đàn ông tụ tập và nhiều nơi khác. Chỉ mới nghe nói về nàng thôi, Bồ-tát đã cảm thấy say mê và nghĩ thầm: "Ta sẽ lấy nàng làm vợ". Vì thế ngài lựa thứ sắt tốt nhất, làm một cây kim thật cứng và mạnh có thể đâm thủng con súc sắc và nổi trên nước. Rồi ngài làm một cái bao bọc ngoài nó cùng thứ sắt ấy và cũng đâm thủng con súc sắc với bao kim kia.

Theo cách ấy, ngài làm bảy cái bao kim, phương pháp Ngài làm chúng ra sao không được tiết lộ, vì việc ấy thành tựu nhờ trí tuệ hiểu biết vĩ đại của ngài. Sau đó ngài đặt kim vào ống và để ống vào một cái hộp, ngài đi vào làng kia, hỏi đường đến nhà trưởng phường thợ rèn. Rồi đứng tại cửa nhà ấy, ngài hỏi:

- Ai muốn mua cây kim loại đặc biệt này của tôi đổi lấy tiền chăng?

Và vừa đứng cạnh nhà ông trưởng phường thợ rèn, ngài ngâm vần kệ miêu tả cây kim:

Xâu nhanh, trơn láng, thẳng ngay,
Ðược bôi bóng nhoáng bột mài xanh xanh,
Ðầu kim sắc nhọn, thanh thanh,
Kim đây, ai muốn mua mình trao tay?

Sau đó ngài lại ca tụng cây kim lần nữa qua vần kệ thứ hai:

Xâu nhanh, vững mạnh, thẳng ngay,
Thân kim khèo luyện tròn đầy đẹp sao!
Sắt kia cũng sẽ xuyên vào,
Kim đây ai muốn mua nào ai ơi!

Lúc ấy cô gái đang quạt cho cha bằng chiếc quạt lá thốt nốt trong lúc ông nằm trên chõng tre để được thoải mái sau buổi điểm tâm. Khi nghe giọng ngọt ngào của Bồ-tát, nàng đã cảm thấy buồn nôn như thể nuốt một miếng thịt sống, và phải làm cho sự khó chịu ấy tan biến bằng cả ngàn ấm nước, nàng bảo:

- Người nào đây lại có thể rao bán kim với giọng ngọt ngào như thế trong một làng thợ rèn? Nguời ấy đến đây vì việc gì? Ta phải tìm xem sự việc ra sao.

Vì thế nàng đặt cây quạt xuống và bước ra bên ngoài, đứng ở hành lang. Mục đích của chư Bồ-tát luôn đạt thành tựu: chính vì nàng mà ngài đã đến ngôi làng này. Nàng bảo ngài:

- Này cậu, dân chúng trong nước đều đến làng này mua kim và các vật dụng tương tự. Còn cậu lại muốn bán kim trong làng thợ rèn thật là điên rồ! Dù cậu có ca tụng kim của cậu suốt ngày, cũng không ai mua hàng của cậu đâu. Nếu cậu muốn được giá thì qua làng khác.

Thế rồi nàng ngâm hai vần kệ:

Móc câu ta đã bán rồi,
Làng trên xóm dưới ai người chẳng hay?
Thợ rèn ta ở thành này,
Còn ai bán được kim may nữa à?

Nghề rèn nổi tiếng chúng ta,
Việc làm khí cụ ai mà sánh ngang?
Thợ rèn ta ở trong làng,
Ai còn đem bán kim mang tới mình?

Bồ-tát nghe lời nàng, vội đáp:

- Thưa cô nương, cô nói vậy là do không hiểu biết gì cả đó.

Rồi ngài ngâm hai vần kệ:

Thợ rèn ta ở trong thành,
Nhưng người tài bán kim mình mới hay!
Tổ sư nghề sẵn trong tay,
Món hàng đệ nhất mua ngay kẻo hoài!

Một khi nghiêm phụ biết rồi
Cây kim này đã do tôi tự làm,
Tôn ông chắc chắn sẽ ban
Gia tài sản nghiệp cùng nàng cho tôi!

Người trưởng phường rèn nghe toàn thể câu chuyện, liền gọi con gái vào hỏi:

- Con đang nói chuyện với ai đó?

- Thưa cha, một cậu trai bán kim.

- Thế cho gọi cậu ấy vào đây.

Nàng ra gọi ngài vào. Bồ-tát kính chào vị trưởng phường rèn xong, đứng sang một bên. Ông hỏi:

- Cậu ở làng nào?

- Thưa Tôn ông, tôi ở làng nọ, là con trai gia đình thợ rèn kia.

- Tại sao cậu đến đây?

- Thưa, để bán kim.

- Nào, đưa ta thử xem kim của cậu.

Bồ-tát mong muốn công bố mọi đặc tính của ngài giữa nhiều người, liền nói:

- Một vật được nhiều người xem lại chẳng tốt hơn chỉ được một người xem hay sao?

- Này bạn, đúng lắm.

Vì thế vị phường trưởng tập hợp tất cả thợ rèn lại và đứng giữa đám đông, ông bảo:

- Nào bạn, hãy lấy kim ra đây.

- Thưa Tôn ông, xin hãy bảo lấy một cái đe và một cái dĩa bằng đồng đựng đầy nước ra đây.

Việc ấy được thực hiện ngay. Bồ-tát lấy cây kim ra khỏi hộp đưa cho đám kia xem. Ông trưởng phường rèn cầm lấy và hỏi:

- Ðây là cái kim chăng?

- Không, đó không phải là cái kim, mà là cái bao.

Ông phường trưởng quan sát kỹ cũng không thấy đầu đuôi gì cả. Bồ-tát lấy lại, dùng móng tay rút cái bao ra và chỉ cho mọi người:

- Ðây là cây kim, đây là cái bao.

Ngài đặt cây kim trong tay ông phường trưởng và cái bao dưới chân. Ông phường trưởng lại bảo:

- Ta chắc đây là cây kim rồi.

Ngài đáp:

- Ðây cũng chỉ là cái bao kim.

Rồi ngài lấy móc tay đánh bật nó ra và cứ thế ngài đặt sáu cái bao liên tiếp dưới chân vị phường trưởng và nói:

- Ðây là cây kim, và đặt kim vào tay vị kia.

Cà ngàn người thợ rèn búng ngón tay một cách thích thú và bắt đầu vẫy khăn tung hô. Sau đó vị trưởng phường hỏi:

- Này bạn, thế cây kim này có sức mạnh thế nào?

- Thưa Tôn ông, hãy bảo một người lực lưỡng nâng nghiêng cái đe này lên và đặt chậu nước dưới cái đe. Sau đó đâm thẳng cây kim vào cái đe.

Ông bảo làm đúng như vậy và đâm đầu nhọn của kim vào cái đe. Cây kim xuyên thủng cái đe và nằm ngang mặt nước không nhếch lên hay lệch xuống tý nào dù chỉ bằng một sợi tóc.

Mọi người thợ rèn đồng thanh bảo:

- Chúng ta chưa từng bao giờ nghe thậm chí qua lời đồn đại hiện có những người thợ rèn tài giỏi như thế này.

Như thế họ lại búng ngón tay và tung vẫy cả ngàn chiếc khăn. Ông phường trưởng gọi cô con gái vào, và đứng giữa đám đông ông bảo:

- Ðây là cô gái xứng đôi với cậu.

Ông liền rót nước giao kết trên tay hai vị và trao nàng cho ngài đem đi. Về sau khi vị trưởng phường qua đời, Bồ-tát trở thành trưởng phường rèn trong làng ấy.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, con gái người trưởng phường rèn là mẫu thân của Ràhula (La-hầu-la), và chàng thợ rèn thông minh chính là Ta.

-ooOoo-


388. CHUYỆN CON HEO MÕM DÀI (Tiền thân Tundila)


Em lo chuyện lạ hôm nay...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo sợ chết.

Vị ấy là một thiện gia nam tử ở thành Sàvatthi (Xá vệ) và được thọ giới trong Ðạo pháp, song ông sợ chết và thậm chí nghe một bụi cây hơi lay động, tiếng cành khô rơi hay tiếng chim, tiếng thú, ông cũng hoảng kinh vì sợ chết rồi bỏ chạy, run rẩy toàn thân như con thỏ bị thương ở bụng. Tăng chúng trong Chánh pháp đường bắt đầu bàn luận, bảo nhau:

- Này, các Hiền giả, vị Tỷ-kheo kia sợ chết, cứ run rẩy bỏ chạy khi nghe chỉ một tiếng động nhỏ. Giờ đây đối với mọi loài trên thế giới, chết là việc tất nhiên, đời sống không có gì vững bền cả, điều này lại chẳng nên sáng suốt ghi nhớ trong tâm trí hay sao?

Bậc Ðạo Sư bước vào thấy đây là đề tài của chư vị, và vị Tỷ-kheo kia công nhận mình hay sợ chết, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu vị ấy sợ chết đâu.

Và ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát nhập thai một heo rừng. Khi đến kỳ, heo mẹ sinh hai con heo đực. Một hôm heo mẹ đem hai con vào nằm trong cái hố. Một bà già ở trong làng tại cổng thành Ba-la-nại đi về nhà với một thúng đầy bông vải hái ngoài đồng và gõ cây gậy xuống đất kêu lóc cóc.

Heo cái nghe tiếng động, sợ chết liền bỏ hai con chạy trốn. Bà già thấy hai heo con cảm thấy thương yêu như thể con đẻ mình, liền bỏ chúng vào thúng và mang về nhà. Sau đó bà đặt tên heo lớn là Mahàtundila (Heo lớn mõm dài) và heo nhỏ là Cullatundila (Heo bé mõm dài), rồi nuôi nấng chúng như con đẻ.

Theo thời gian, chúng lớn dần và mập mạp. Khi bà già được ai hỏi bán heo để lấy tiền, bà đáp:

- Chúng là con tôi đấy.

Và bà không muốn bán.

Vào một ngày hội có đám đàn ông thô tục đang uống rượu nồng, và khi thịt đã hết, họ tìm xem nơi nào có thể mua thịt. Khi thấy có heo trong nhà bà già, họ đem tiền tới nói:

- Mẹ ơi, lấy tiền này rồi cho chúng con một con heo đi.

- Thôi vừa rồi các chú, có ai lại muốn bán con mình cho người ăn thịt chăng? Bà đáp rồi từ chối bọn họ.

- Mẹ ơi, heo làm sao thành con của người được? Xin mẹ cho chúng con đi nào.

Họ nói thế nhưng cũng không mua heo được, dù cứ hỏi đi hỏi lại mãi.

Sau đó họ cho bà già uống rượu mạnh, đến khi bà đã say, họ nói:

- Này mẹ, mẹ định làm gì với đám heo này? Lấy tiền đi mà tiêu xài chứ.

Họ dúi số tiền vào tay bà già. Bà nhận tiền và bảo:

- Ta không thể cho các cậu con heo Lớn, hãy bắt Heo nhỏ đi.

- Nó đâu rồi?

- Nó nằm trong bụi cây kia.

- Gọi nó đi.

- Ta không có thức ăn để gọi nó.

Họ liền bảo đi mua một chảo cơm đem tới ngay. Bà già cầm chảo cơm, đổ đầy vào máng cạnh cửa lớn và đứng đợi gần đó. Ba mươi người đứng gần đó với thòng lọng trong tay. Bà già gọi:

- Này đến đây, Heo bé mõm dài, đến đây.

Heo lớn nghe thế, thầm nghĩ: "Lâu nay mẹ chưa hề gọi Heo bé như thế, bao giờ mẹ cũng gọi ta trước. Chắc chắn có gì nguy hiểm xảy ra cho chúng ta hôm nay". Heo lớn bảo em:

- Này em, mẹ đang gọi em, hãy ra tìm xem.

Heo bé đi ra, thấy đám người đang đứng cạnh máng ăn, liền nghĩ: "Hôm nay chắc ta chết mất". Thế rồi vì sợ chết, nó run rẩy quay lại với anh, và khi đã trở về chỗ cũ, nó cũng không kiềm chế được mình nên cứ quay cuồng run rẩy mãi. Heo lớn thấy vậy bảo:

- Này em, hôm nay em run rẩy quay cuồng nhìn chằm chằm về phía cổng. Tại sao em làm vậy?

Heo bé ngâm vần kệ đầu giải thích sự việc nó đã thấy:

Em lo chuyện lạ hôm nay,
Mẹ mình đứng cạnh máng đầy thức ăn,
Người cầm thòng lọng đứng gần,
Ðến ăn chắc hẳn hại thân mình rồi.

Bồ-tát nghe thế bảo:

- Này em Heo bé, mục đích mẹ ta nuôi heo bấy lâu nay đến giờ đã thành tựu, thôi đừng buồn khổ nữa.

Rồi với giọng ngọt ngào và vẻ bình thản của một vị Phật, ngài thuyết Pháp qua đôi vần kệ:

Hãi kinh, cầu cứu, run hoài,
Không ai cứu giúp em đòi trốn đâu?
Ăn đi, Heo bé chớ sầu,
Mẹ nuôi ta béo vì cầu thịt heo!

Nhào vô ao nước trong veo,
Mồ hôi cấu uế thật nhiều, rửa đi!
Rồi em sẽ thấy diệu kỳ,
Dầu thơm mát dịu không hề biến suy.

Trong khi ngài xem xét Thập hạnh viên mãn (Ba-la-mật), ngài đặt Từ hạnh viên mãn ra trước mặt làm kim chỉ nam và ngâm hai vần kệ đầu, giọng ngài lan xa tận Ba-la-nại khắp cả mười hai dặm. Ngay lúc nghe giọng ấy, toàn dân Ba-la-nại từ quốc vương, phó quốc vương trở xuống đều đi đến đây, cùng những ai không đến đều đứng nghe trong nhà họ.

Quân sĩ nhà vua chặt hết bụi cây, san bằng mặt đất và rải cát lên. Ðám người thô tục đã tỉnh cơn say rượu, liền quăng bỏ thòng lọng và đứng nghe Pháp, bà già nọ cũng tỉnh rượu luôn. Bồ-tát bắt đầu thuyết Pháp cho Heo bé giữa đám quần chúng.

Heo bé nghe ngài, nghĩ thầm: "Anh ta bảo như vậy với ta, nhưng chúng ta chưa bao giờ có thói quen nhảy vào ao nước, rồi nhờ cách tắm rửa mồ hôi cho sạch thân thể và sau khi tẩy cấu uế cũ, liền tẩm dầu thơm mới vào: tại sao anh ta lại bảo vậy với ta?". Do đó Heo bé ngâm vần kệ thứ tư:

Gì là ao nước pha lê,
Mồ hôi cấu uế nói về điều chi?
Dầu xoa kỳ diệu là gì?
Mùi hương ngào ngạt chẳng khi nào tàn?

Bồ-tát nghe vậy liền bảo:

- Hãy lắng tai nghe đây.

Và ngài ngâm các vần kệ thuyết Pháp với dáng an tịnh của một vị Phật:

Pháp là ao nước trong ngần,
Mồ hôi cấu uế lỗi lầm mê si,
Dầu thơm đức hạnh tẩm đi,
Mùi hương mãi mãi chẳng hề tàn phai.

Người không sinh mạng là vui,
Người còn sinh mạng bời bời lo toan.
Con người phải chết, chớ buồn,
Hãy vui như hội trăng tròn quanh năm.

Như vậy bậc Ðại Sĩ thuyết Pháp bằng giọng ngọt ngào với vẻ kỳ diệu của một vị Phật. Ðám đông hàng ngàn người búng ngón tay, vẫy khăn tung hô và bầu không khí vang dậy tiếng reo:

- Tốt lành thay, tốt lành thay!

Vua Ba-la-nại tôn kính mời Bồ-tát lên vương tọa, và làm cho bà già vinh hiển bằng cách truyền tắm hai chú Heo với nước tẩm hương, mặc lễ phục, trang điểm vàng ngọc trên cổ và ban cho địa vị các vương tử trong kinh thành. Vì thế vua bảo vệ hai chú Heo với một đoàn quân hộ tống đông đảo.

Bồ-tát dạy Ngũ giới cho vua và tất cả dân chúng ở Ba-la-nại cùng Kàsi đều giữ Ngũ giới. Bồ-tát thuyết Pháp cho dân chúng vào các ngày trai giới (mồng tám và rằm) và ngồi xử án. Trong thời gian còn tại thế, không có người nào chịu bản án bất công cả. Sau đó vua băng hà, Bồ-tát cử hành tang lễ của vua, rồi ngài truyền viết một sách ghi đủ các phán quyết và bảo:

- Các vị phải theo sách này để xử án.

Sau khi thuyết Pháp cho quần chúng với nhiệt tâm, Ngài cùng chú Heo bé đi vào rừng trong lúc quần chúng than khóc kêu gào. Lời thuyết giảng của Bồ-tát lưu truyền suốt sáu mươi ngàn năm sau.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo sợ chết đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi  Ngài nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, vua là Ànanda, Cullatundila là Tỷ-kheo sợ chết, quần chúng là Giáo hội và Ta chính là Mahàtundila.

-ooOoo-


389. CHUYỆN CON CUA VÀNG (Tiền thân Suvannakakkata)


Một chú càng vàng với mắt lồi...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này lúc trú tại Trúc Lâm về việc Tỷ-kheo Ànanda hy sinh tính mạng vì Ngài.

Hoàn cảnh này đã được kể trong Tiền thân Khandahàla về việc thuê đám xạ thủ và trong Tiền thân Cullahamsa, số 533 về tiếng rống của con voi Dhanapàla (Tài Hộ). Khi Tăng chúng bắt đầu thảo luận trong Chánh Pháp Ðường:

- Này các Tôn giả, có phải Trưởng lão Ànanda, vị Thủ kho Chánh Pháp đã đắc trí tuệ của một vị hữu học, đành hy sinh tính mạng vì đức Phật tối thắng khi con voi Dhanapàla xông đến?

Bậc Ðạo Sư bước vào và được kể lại đề tài thảo luận, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, ngày xưa Ànanda cũng đã từng hy sinh tính mạng vì ta.

Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, có một làng Bà-la-môn tên là Sàlindiya ở phía đông thành Ràjagaha (Vương Xá). Bồ-tát được sinh ở ngôi làng ấy trong một gia đình Bà-la-môn làm ruộng. Khi lớn lên ngài lập nghiệp và canh tác trang trại khoảng một ngàn harisa (khoảng 8000 mẫu) trong một huyện ở nước Magadha (Ma-kiệt-đà) về phía Ðông Bắc làng ấy.

Ngày kia ngài cùng gia nhân ra đồng bảo họ cày cấy xong, ngài đi đến một ao lớn cuối cánh đồng để rửa mặt. Trong ao ấy có một con Cua màu vàng óng ả, xinh đẹp, khả ái.

Bồ-tát bước xuống ao sau khi xỉa răng. Khi ngài rửa miệng, con Cua đến gần, ngài liền nhấc con Cua lên và đặt nó nằm trong áo khoác ngoài. Sau khi làm việc đồng áng xong, ngài đặt con Cua xuống ao như cũ và đi về nhà. Từ đó hễ mỗi lần ra đồng, ngài thường đến ao ấy trước tiên, đặt Cua lên áo ngoài rồi ra đi làm việc. Vì thế một tình cảm tin cậy thắm thiết nảy sinh giữa người và vật. Ngày ngày Bồ-tát vẫn đi làm ruộng đều đặn.

Bấy giờ trong mắt ngài có năm vẻ đẹp và ba vòng tròn trong vắt. Một con Quạ cái trên cây thốt nốt ở góc cánh đồng trông thấy mắt ngài, muốn ăn chúng, bèn bảo Quạ Ðực:

- Này chàng, em có một điều ước.

- Nàng ước chuyện gì?

- Em ước được ăn đôi mắt của một vị Bà-la-môn.

- Ðiều ước của nàng thật chẳng hay ho tí nào. Ai có thể lấy đôi mắt ấy cho nàng chứ?

- Em biết chàng không thể lấy được, song ở tổ kiến gần cây này có một con Rắn hổ đen, chàng hãy đến hầu hạ nó, rồi nó sẽ cắn vị Bà-la-môn để giết ông, sau đó chàng mổ mắt ông ra và mang về cho em.

Quạ đực đồng ý, sau đó nó đến hầu hạ con Rắn hổ. Con Cua cũng to lớn dần vào thời hạt giống do Bồ-tát gieo đã nẩy mầm.

Một hôm con Rắn bảo Quạ:

- Này bạn, bạn luôn phục vụ tôi, vậy tôi có thể làm gì cho bạn?

- Thưa Tôn ông, nữ tỳ của ngài đã mang niềm ao ước có được đôi mắt của vị chủ đám ruộng này. Tôi đến hầu hạ ngài chỉ cốt hy vọng nhờ ngài ban ân lấy cho được đôi mắt ấy.

Rắn bảo:

- Ðược lắm, việc ấy không khó, bạn phải được đôi mắt kia.

Con Rắn còn khích lệ con Quạ như thế.

Hôm sau, con Rắn nằm đợi vị Bà-la-môn đến, nó ẩn mình dưới đám cỏ, cạnh bờ ruộng ngài sắp bước tới. Bồ-tát xuống ao rửa miệng, cảm thấy mối thân ái với con Cua, nên ôm lấy nó đặt vào áo ngoài ra đồng.

Con rắn thấy ngài đến liền lao tới cắn vào bắp vế ngài khiến ngài ngã xuống ngay tại chỗ, rồi nó trốn trong tổ kiến. Sự kiện Bồ-tát ngã xuống đó, con cua vàng nhảy ra khỏi áo và con Quạ sà xuống đậu trên ngực Bồ-tát diễn ra liên tiếp nhau.

Con Quạ vừa đậu xong, liền lấy mỏ chụp đôi mắt Bồ-tát. Con Cua suy nghĩ: "Chính vì con Quạ này mà hiểm họa đã xảy đến với vị thân hữu của ta. Nếu ta kẹp lấy nó thì con Rắn sẽ bò tới". Vì vậy con Cua kẹp ngay cổ Quạ với chiếc càng xiết chặt như thể gọng kềm, khiến nó mệt phải nới lỏng ra đôi chút. Con Quạ cầu cứu con Rắn:

- Này bạn, tại sao bỏ rơi tôi mà chạy trốn? Con Cua này phá hại tôi. Hãy đến ngay trước khi tôi chết mất.

Rồi Quạ ngâm vần kệ đầu:

Một chú càng vàng với mắt lồi,
Ở hồ, trần trụi, bọc xương mai,
Chụp tôi, nghe tiếng tôi kêu thét
Sao bỏ bạn thân quý mến ngài?

Con Rắn nghe tiếng, giương mào rộng bò đến an ủi con Quạ.

*

Bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ nhì phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng của ngài, giải thích sự việc này:

Con Rắn bỗng nhào lên chú Cua,
Nó không muốn bỏ bạn bây giờ:
Rắn giương mào rộng vừa lao đến,
Cua tấn công ngay chú Rắn bò.

*

Con Cua mệt mỏi nới lỏng quạ ra đôi chút, con rắn suy nghĩ: "Loài cua chẳng hề ăn thịt quạ hay Rắn, vậy vì lý do gì con Cua này chụp chúng ta?" Rồi nó ngâm vần kệ hỏi Cua:

Chẳng phải vì lo kiếm miếng mồi
Mà Cua bắt Rắn, Quạ trên trời,
Mắt lồi hãy nói cho tôi biết
Sao chú lại kềm kẹp chúng tôi?

Nghe vậy, Cua ngâm hai vần kệ giải thích lý do:

Ngài đem ta tự dưới ao kia,
Bày tỏ ân cần, quý mến ta,
Nếu chết, thời ta đây khổ não,
Ngài và ta, chỉ một thôi mà.

Thấy ta nay đã lớn lên dần,
Ai nấy đều mong giết hưởng phần:
Cua mập ngọt ngon đầy mỹ vị,
Nhìn ta, Quạ muốn xé tan thân.

Nghe vậy Rắn suy nghĩ: "Ta phải dùng mưu kế lừa nó, rồi ta và Quạ thoát thân". Vì thế nó ngâm vần kệ thứ sáu để lừa Cua:

Nếu Cua kẹp Rắn, Quạ vì ngài,
Ta sẽ rút chất độc ấy thôi,
Ngài tỉnh dậy, mau tha Rắn, Quạ,
Thấm sâu chất độc, ắt tàn đời.

Nghe vậy, Cua suy nghĩ: "Con Rắn này muốn làm cho ta thả cả hai ra bằng mưu kế lừa bịp rồi bỏ chạy, nó không biết tài năng khôn khéo của ta. Nay ta muốn nới càng đôi chút để con Rắn có thể nhúc nhích, nhưng ta không thả con Quạ đây". Rồi nó ngâm vần kệ thứ bảy:

Ta thả Rắn, không thả Quạ đây,
Con tin là Quạ buộc nơi này,
Ta không thả nó đi nơi khác,
Cho đến khi an ổn với ngài.

Nói xong Cua nới lỏng càng để cho Rắn bò đi tự do. Con Rắn thu hồi nọc độc và thân thể Bồ-tát thoát khỏi nọc Rắn. Ngài đứng dậy vững vàng trong sắc thái tự nhiên.

Con Cua suy nghĩ: "Nếu hai con vật này bình an, chắc chắn bạn thân của ta không được thịnh vượng. Ta muốn giết cả bọn chúng", rồi lấy càng chà nát đầu chúng cho chết đi.

Con Quạ mái liền bay đi trốn mất khỏi chỗ ấy. Bồ-tát lấy gậy đâm qua mình Rắn ném vào bụi, để Cua vàng bò xuống ao nước rồi tắm rửa và trở về Sàlindiya. Từ đấy tình thân hữu càng thấm thiết hơn giữa ngài và con Cua ấy.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân qua những vần kệ cuối cùng:

Con Rắn hổ là chính Ác ma,
Đề-bà-đạt, ấy Quạ đen kia,
A-nan thiện hạnh là Cua nọ,
Ðiền chủ La-môn ấy chính Ta.

Khi các Sự Thật kết thúc, nhiều vị đắc Sơ quả (Dự Lưu) và các đạo quả khác. Con Quạ cái chính là Cìncamànavikà, mặc dù điều này không được nhắc đến trong vần kệ cuối cùng.

-ooOoo-


390. CHUYỆN CHIM MAYHAKA (Tiền thân Mayhaka)


Nếu hoan hỷ khi mong cầu bố thí...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên, về một thương nhân lạ thường.

Tại thành Xá-vệ, có một thương nhân lạ thường, giàu tiền của và đầy thế lực. Song ông không thọ hưởng giàu sang cũng không cho ai cả. Nếu các món cao lương mỹ vị được dọn lên, ông cũng không muốn dùng mà chỉ ăn cháo cám với tương chua. Nếu y phục lụa tơ tẩm hương chiên-đàn được mang đến, ông bảo đem cất đi và chỉ mặc loại áo quần vải thô bằng lông để lọc đường. Nếu xe ngựa được trang hoàng ngọc vàng do giống ngựa thuần chủng kéo đến mời, ông bảo đem cất đi và chỉ đi chiếc xe cũ kỹ ọp ẹp với chiếc dù lá cây che đầu. Suốt đời ông không làm bố thí hay công đức gì cả nên khi chết bị tái sinh vào ngục Roruva. Gia sản của ông không người thừa kế, quan quân nhà vua liền chở vào cung suốt bảy ngày đêm. Khi của cải ấy được chở vào, vua đi đến Kỳ Viên sau buổi điểm tâm và kính bái bậc Ðạo Sư. Khi được hỏi tại sao không đến yết kiến đức Phật đều đặn, vua đáp:

- Bạch Thế Tôn, một thương nhân thật lạ thường vừa qua đời ở Xá-vệ. Suốt bảy ngày liền tài sản vị ấy được chở vào hoàng cung vì không người thừa kế. Tuy tài sản nhiều như vậy, trước kia ông không hề hưởng thụ phú quý cũng không đem cho ai cả. Tài sản ấy như thể một hồ sen được ác quỷ canh giữ. Một hôm ông lăn đùng ra chết sau khi đã từ chối hưởng thụ cao lương mỹ vị suốt đời. Tại sao một người ích kỷ và đáng chê trách như vậy lại tạo được nhiều tài sản thế kia và duyên cớ gì ông không hề nghĩ đến việc thụ hưởng phú quý?

Ðấy là câu hỏi mà vua nêu lên với bậc Ðạo Sư.

- Thưa Ðại vương, lý do tại sao vị ấy tạo được tài sản, tuy thế lại không hưởng thụ nó, chính là đây.

Rồi theo lời thỉnh cầu của vua, bậc Ðạo Sư kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vị vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, có một thương nhân ích kỷ, không mộ đạo ở kinh thành. Ông không hề bố thí hay cung cấp vật gì cho ai. Một hôm đang đi chầu vua, ông thấy một vị Ðộc Giác Phật (Pacceka Buddha) tên là Tagarasikhi đang khất thực, liền đảnh lễ và hỏi:

- Thưa Tôn giả, ngài đã khất thực chưa?

- Này thương nhân, ta chưa khất thực. Vị Ðộc Giác Phật đáp.

Vị thương nhân ra lệnh cho người nhà:

- Này, đưa ngài về nhà ta, mời lên sàng tọa của ta và dâng một chén cơm đầy thức ăn dành cho ta.

Kẻ gia nhân đem ngài về nhà, mời ngồi xong, trình báo bà vợ thương nhân. Bà ấy dâng ngài một chén cơm đầy cao lương mỹ vị. Ngài cầm thức ăn rời khỏi nhà kia và ra đi.

Vị thương nhân từ triều đình trở về nhà, gặp ngài lại vái chào và hỏi thăm ngài đã nhận được thực phẩm chưa.

- Này thương nhân, ta đã nhận rồi.

Vị thương nhân nhìn vào bát và không thể nào đồng ý việc ấy, lại suy nghĩ: "Giá như gia nô của ta ăn bát cơm này, chúng sẽ làm cho ta biết bao nhiêu việc nặng nhọc, ôi! Ðấy thật là thiệt thòi cho ta!" và ông không thể nào làm cho tư tưởng sau khi bố thí được hoan hỷ trọn vẹn. Vậy bố thí cúng dường chỉ sinh kết quả phong phú với kẻ nào biết làm cho tư tưởng sau khi bố thí được hoan hỷ trọn vẹn.

Nếu hoan hỷ khi mong cầu bố thí
Thì hãy đem bố thí, dạ an vui,
Ðừng tiếc chi khi ta sống ở đời,
Ðàn con cháu chẳng bao giờ vong mạng.
Trước khi cho, niềm vui đầy tâm trạng,
Từ đó về sau tư tưởng hân hoan,
Bố thí kia đem phước đức vẹn toàn.

Như vậy thương nhân kỳ dị này được nhiều tài sản do đã cúng dường Ðộc Giác Phật Tagarasikhi, song lại không thể hưởng thọ phú quý vì đã không làm cho tư tưởng được thanh tịnh sau khi bố thí.

- Bạch Thế Tôn, tại sao vị ấy không có con cái?

Bậc Ðạo Sư đáp:

- Thưa Ðại vương, đây là duyên cớ vị ấy không có con.

Và theo lời thỉnh cầu của vua, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình thương nhân giàu có đến tám trăm triệu đồng tiền. Khi trưởng thành, cha mẹ qua đời, ngài cung cấp tài sản cho em ngài và điều hành việc nhà. Ngài lập một bố thí đường tại cổng nhà và làm gia chủ chuyên tâm bố thí. Khi con ngài biết đi chập chững, ngài nhận thấy nỗi khổ của tham dục và phước đức của đời xuất gia, liền giao hết tài sản cùng vợ con cho người em trai, khuyến khích em tiếp tục bố thí tinh cần. Rồi ngài trở thành vị khổ hạnh, đạt được các Thắng trí và các thiền chứng và sống ở vùng Tuyết Sơn.

Em trai ngài nhận nuôi đứa cháu duy nhất ấy, song thấy nó lớn khôn, ông nghĩ: "Nếu con của anh ta sống, tài sản sẽ bị chia hai, ta muốn giết con anh ta". Vì thế một hôm, ông dìm cháu xuống sông cho chết. Sau khi tắm xong về nhà, chị dâu hỏi:

- Con trai tôi đâu?

- Nó chơi đùa dưới sông. Tôi tìm mãi nhưng không thể thấy nó đâu cả.

Bà chị chỉ khóc nhưng không nói gì cả. Bồ-tát biết việc này liền suy nghĩ: "Ta sẽ công bố chuyện này". Rồi du hành qua không gian, hạ xuống thành Ba-la-nại trong thượng y và hạ y chỉnh tề, ngài đứng ngay tại cửa, không thấy bố thí đường, ngài suy nghĩ: "Kẻ độc ác kia đã phá hủy bố thí đường".

Người em nghe tin ngài về, bước ra đảnh lễ Bồ-tát và mời ngài lên thượng lầu đãi tiệc thịnh soạn. Khi cơm nước xong, ngồi nói chuyện thân mật, ngài hỏi:

- Con trai ta không đến, nó đâu rồi?

- Thưa Tôn giả, nó chết rồi.

- Bằng cách nào?

- Tại một bến tắm, nhưng tiểu đệ không biết rõ cách nào.

- Không biết à? Này kẻ độc ác kia, hành động của chú đã dược ta biết rõ: chú đã không giết nó bằng cách ấy hay sao? Thế chú có đủ sức gìn giữ gia sản khi bị vua chúa, đạo tặc hay nhiều người khác đến phá hại chăng? Thế có gì khác nhau giữa chú và con chim Mayha đâu?

Như vậy Bồ-tát ngâm vần kệ này thuyết Pháp với vẻ an tịnh của một vị Phật:

Có con chim được gọi May-ha,
Nó sống trong hang dưới núi xa,
Trái chín trên cây sung cổ thụ,
"Của ta, ta nữa", nó kêu la.

Bầy chim kia lúc nó kêu vang,
Tụ tập chung quanh cả một đàn,
Ăn trái thỏa lòng tuy thấy thế,
May-ha vẫn cất tiếng kêu than.

Cũng vậy, người kia lắm bạc vàng,
Nhưng không chia sẻ giữa thân bằng,
Cũng không thọ hưởng lần nào cả
Y phục và luôn các thức ăn,

Hương liệu cùng vòng hoa rực rỡ,
Cũng không ân huệ với thân nhân.
"Của ta, ta mãi", kêu rền rĩ,
Nó giữ kho tàng thỏa dạ tham.

Vua chúa cường gian, các đứa con
Chỉ mong sao nó sớm từ trần,
Cướp tài sản nó, trong khi ấy
Kẻ bủn xỉn kêu khóc tiếc than.

Người có trí khôn được bạc vàng
Thường đem giúp đỡ các thân bằng,
Do vầy danh vọng trên trần thế,
Thiên giới đời sau được phước phần.

Như thế bậc Ðại Sĩ thuyết Pháp khiến cho người em tiếp tục thực hành việc bố thí, rồi ngài trở về Tuyết Sơn tu tập Thiền định không ngừng và đời sau sinh lên cõi Phạm thiên.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo:

- Như vậy, thưa Ðại vương, thương nhân kỳ dị kia không có con trai con gái gì cả vì người ấy đã giết con của anh mình.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Người em là thương nhân kỳ dị và người anh chính là Ta.

-ooOoo-


391. CHUYỆN VỊ TÀ THUẬT SƯ (Tiền thân Dhajavihetha)


Dung mạo thanh cao, lại cúi đầu ...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc Ngài xuất gia vì lợi lạc của quần sinh.

Hoàn cảnh của câu chuyện sẽ xuất hiện trong Tiền thân Mahàkanha, số 469. Lúc ấy, bậc Ðạo Sư bảo:

- Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu Như Lai xuất gia vì ích lợi cho cả cõi đời.

Và Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Sakka Thiên chủ. Thời ấy có một tà thuật sư dùng thần lực nửa đêm xâm phạm tiết hạnh của chánh cung hoàng hậu ở Ba-la-nại. Các cung nữ của bà đều biết chuyện này. Chính hoàng hậu đến yết kiến vua và trình:

- Tâu Chúa thượng, có kẻ lạ mặt đột nhập cung thất và xúc phạm thần thiếp.

- Thế hoàng hậu có thể làm một dấu hiệu nào đó lên kẻ ấy chăng?

- Tâu vâng, thiếp có thể.

Do đó bà bảo lấy chén son đỏ thắm, khi kẻ ấy đến nửa đêm và ra đi sau cuộc truy hoan, bà hoàng liền in năm dấu ngón tay bà vào lưng y và sáng hôm sau trình vua. Ngài ra lệnh đám vệ sĩ đi tìm khắp nơi mang về kẻ nào có dấu son đỏ trên lưng.

Bấy giờ, sau khi phạm tà hạnh ban đêm, tà thuật sư đứng giữa ban ngày ở nghĩa địa thờ phụng mặt trời, quân nhà vua thấy được, bao vây y, song y tưởng rằng hành động của y đã bị mọi người phát giác, liền dùng tà thuật bay lên không. Vua hỏi đám vệ sĩ sau khi chứng kiến việc ấy trở về:

- Các ngươi thấy y chăng?

- Tâu Chúa thượng, chúng thần có thấy.

- Y là ai?

- Tâu Chúa thượng, một đạo sĩ.

Sau khi phạm tà hạnh ban đêm, y giả dạng làm đạo sĩ ban ngày. Vua nghĩ thầm: "Những kẻ này ban ngày đi quanh quẩn trong chiếc y khổ hạnh, còn ban đêm lại phạm tà dục".

Do đó vua đâm ra phẫn nộ với các đạo sĩ và chấp thủ tà kiến liền truyền công bố khắp kinh thành bằng trống lệnh rằng mọi đạo sĩ đều phải rời vương quốc, và sẽ bị quân sĩ trừng phạt nếu bị bắt gặp bất kỳ ở đâu.

Mọi đạo sĩ khổ hạnh đều chạy trốn khỏi vương quốc Kàsi rộng ba trăm dặm và đến trú ở các kinh thành khác. Do đó không có Sa-môn hay Bà-la-môn chân chánh nào thuyết Pháp cho dân chúng Kàsi, và vì không nghe được Chánh Pháp, họ trở nên tàn bạo, ghét bỏ bố thí và trì giới, phần lớn phải tái sinh vào đọa xứ lúc mạng chung và không được sinh thiên.

Sakka Thiên chủ không thấy một vị Thiên tử mới nào xuất hiện, liền xem xét lý do gì và thấy chính vì việc tống xuất các Sa-môn, Bà-la-môn ra khỏi vương quốc do vua Ba-la-nại chấp thủ tà kiến trong lúc phẫn nộ vị tà sư. Sau đó ngài suy nghĩ: "Trừ ta không ai có thể phá hủy tà kiến này của vua. Ta muốn cứu giúp vua và thần dân của nước này".

Vì vậy ngài đến gặp các Ðộc Giác Phật tại động Nandamùla và bảo:

- Này các Tôn giả, hãy cho ta một vị Ðộc Giác Phật Trưởng lão, ta muốn đi cảm hóa quốc độ Kàsi vào đạo.

Ngài mời một vị Trưởng lão trong các vị ấy ra đi. Khi ngài đã cầm y bát của vị ấy, Thiên chủ Sakka mời vị ấy đi trước, ngài theo sau với dáng điệu cung kính đảnh lễ vị Ðộc Giáo Phật, ngài biến mình thành một Sa-môn trẻ tuổi, tươi đẹp đi ba vòng quanh thành phố từ đầu đến cuối, rồi đến trước cổng hoàng cung, ngài đứng trên không. Quân canh đến trình với vua:

- Tâu Hoàng thượng, có một Sa-môn trẻ đầy hảo tướng cùng với một Sa-môn đang đứng trên không trung tại hoàng môn.

Vua từ bảo tọa đi ra và đứng ở lầu thượng hỏi:

- Này đạo sĩ trẻ, tại sao ông tuấn tú như vậy lại cung kính cầm y bát cho một Sa-môn dị tướng thế kia?

Rồi vua ngâm vần kệ đầu nói chuyện với ngài:

Dung mạo thanh cao, lại cúi đầu,
Sau người dị tướng, bước theo hầu,
Người này hơn, kém, hay bình đẳng,
Xin nói tánh danh, trẫm thỉnh cầu.

Thiên chủ đáp:

- Tâu Ðại vương, các Sa-môn ở địa vị của bậc Ðạo Sư, vậy nếu ta nêu danh tánh ngài thì thất lễ, nhưng ta sẽ nói cho Ðại vương biết tên ta.

Rồi ngài ngâm vần kệ thứ hai:

Chư Thiên không nói họ cùng tên
Của thiện nhân toàn hảo, Thánh hiền,
Riêng chỉ phần ta nêu tước hiệu
Sak-ka Thiên chủ của chư Thiên.

Vua nghe vậy, liền ngâm vần kệ thứ ba hỏi phước đức gì trong sự tôn sùng Ðạo Sư:

Người kính yêu hiền Thánh vẹn toàn
Sau ngài, tiến bước dáng nghiêm trang,
Phần gì thừa hưởng, này Thiên chủ,
Phước đức đời sau sẽ phát ban?

Thiên chủ đáp lại vần kệ thứ tư:

Người kính yêu hiền Thánh vẹn toàn,
Sau ngài, cất bước dáng nghiêm trang,
Tiếng khen trần thế nay thừa hưởng,
Thiên giới đời sau lúc mạng chung.

Vua nghe lòi Thiên chủ liền dứt bỏ mọi tà kiến và hoan hỷ ngâm vần kệ thứ năm:

Mặt trời số phận chiếu hôm nay,
Mắt trẫm nhìn Thiên chủ hiển bày
Bậc Thánh xuất trần, này Ðế Thích,
Trẫm làm thiện sự kể từ rày.

Sakka Thiên chủ nghe vua tán thán vị Ðạo sĩ của ngài, liền ngâm vần kệ thứ sáu:

Chân chánh thay sùng bái Thánh nhân,
Tâm tư hướng đến trí cao thâm,
Giờ đây long nhãn đã chiêm ngưỡng
Thiên chủ Sak-ka với Thánh nhân,
Mong ước từ nay nhiều phước nghiệp
Sẽ là phận sự của minh quân.

Nghe vầy, vua ngâm vần kệ cuối cùng:

Tư tưởng mang đầy đủ phước ân,
Từ nay lòng dạ trẫm ly sân,
Lắng tai nghe ngoại nhân cầu thỉnh,
Trẫm nhận lời khuyên nhủ chánh chân,
Trẫm sẽ diệt tan lòng ngã mạn,
Phụng thờ Thiên chủ, dạ tôn sùng.

Sau khi nói xong, vua từ thượng lầu bước xuống, đảnh lễ vị Ðộc Giáo Phật và đứng một bên. Vị Ðộc Giáo Phật ngồi bắt chéo chân trên không và nói:

- Thưa Ðại vương, tà thuật sư không phải là đạo sĩ. Từ rày phải nhận thức người đời không phải toàn giả dối, còn có các Sa-môn Bà-la-môn chân thiện, do vậy hãy bố thí, tuân thủ Giới luật và thành trì các ngày trai giới (Bố-tát).

Ngài thuyết Pháp cho vua như vậy, còn Sakka Thiên chủ cũng dùng thần lực đứng trên không thuyết Pháp cho quần chúng:

- Từ nay về sau, hãy nhiệt tâm tinh cần.

Ngài truyền ban hồi trống ra lệnh khắp kinh thành cho các Sa-môn, và Bà-la-môn đã đi trốn phải hồi hương. Sau đó cả hai vị trở về cõi của mình. Còn vua tuân thủ lời khuyến giáo và thực hành các phước nghiệp.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, vị Ðộc Giáo Phật đắc Niết-bàn, vua là Ànanda và Ta chính là Sakka Thiên chủ.

-ooOoo-


392. CHUYỆN CỦ HOA SEN (Tiền thân Bhisapuppha)


Ngài không được phép ngửi hương hoa...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo.

Chuyện kể rằng vị Tỷ-kheo ấy đã rời Kỳ Viên và trú tại quốc độ Kosala gần một khu rừng. Một hôm ông xuống hồ sen, khi thấy một hoa sen, ông đứng tránh gió và ngửi mùi hương sen. Vị nữ Thần ở trong khu rừng ấy đe dọa ông:

- Này Tôn giả, ngài ngửi trộm hương, đây là một hình thức trộm cắp.

Ông hoảng sợ trở về Kỳ Viên, đến vái chào bậc Ðạo Sư và ngồi xuống một bên.

- Này Tỷ-kheo, lâu nay ông ở đâu?

- Bạch Thế Tôn, ở trong rừng nọ, và vị nữ Thần đe dọa con như vậy.

Bậc Ðạo Sư bảo:

- Ông không phải là người đầu tiên bị nữ Thần đe dọa khi ngửi hương hoa. Các bậc trí ngày xưa cũng đã từng bị đe dọa như vậy.

Và theo lời thỉnh cầu của vị Tỷ-kheo, ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn ở Kàsi. Khi lớn lên, ngài học các nghệ thuật ở Ðại học Takkasilà và sau đó trở thành nhà khổ hạnh sống gần một ao sen. Một hôm ngài bước xuống ao và đứng ngửi một đóa hoa đang nở, một nữ Thần ở trong hốc cây gần đó ngâm vần kệ đầu đe dọa ngài:

Ngài không được phép ngửi hương hoa,
Dù chỉ một hoa mới nở ra,
Ðó thật là hình thức đạo tặc,
Sa-môn, ngài trộm ngửi hương hoa.

Bồ-tát liền ngâm vần kệ thứ hai:

Ta chẳng hái, không bẻ gãy hoa,
Mùi hương ta ngửi tự đằng xa,
Ta không thể bảo nào duyên cớ
Nàng nói ta đang ngửi trộm hoa.

Cùng lúc ấy, có một người đang đào bới ngó sen và củ sen, làm gãy nát thân cây sen. Bồ-tát thấy thế, liền nói:

- Nàng gọi một người ngửi mùi hương từ đàng xa là ăn trộm. Sao nàng không nói vậy với người kia?

Thế là ngài ngâm vần kệ thứ ba để nói chuyện này:

Kẻ nọ đang đào bới củ sen,
Phá thân cây gãy, đó nhìn xem,
Sao nàng không bảo cách hành động
Kẻ ấy là bừa bãi, thấp hèn?

Nữ Thần liền ngâm vần kệ thứ năm và thứ sáu giải thích tại sao nàng không nói với kẻ kia:

Những người phóng túng sống buông lơi,
Như áo vú em, đáng chán rồi,
Ta chẳng nói năng gì kẻ ấy,
Song ta chiếu cố nói ngài thôi.

Khi bỏ dục tham của thế nhân,
Và đi tìm cách tịnh thân tâm,
Tội dù chỉ nhỏ như đầu tóc
Chẳng khác trên trời đám hắc vân!

Nghe nữ Thần cảnh báo như vậy, Bồ-tát xúc động ngâm vần kệ thứ sáu:

Hiển nhiên Thần nữ hiểu tinh tường,
Nên với ta, nàng đã đoái thương,
Nếu thấy ta rày còn tái phạm,
Xin nàng nói nữa, khẩn cầu nàng.

Sau đó, nữ Thần ngâm vần kệ thứ bảy:

Ta chẳng sống đây phụng sự ngài,
Chúng ta không ở mướn cho ai,
Xin ngài tự kiếm đường đi tới
Hạnh phúc tối cao giữa cõi đời.

Khích lệ ngài như thế xong, nữ Thần trở về nơi cư trú của nàng. Còn Bồ-tát nhiệt tâm nhập đại định về sau tái sinh lên cõi Phạm thiên.

*

Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, nữ Thần là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc) và vị khổ hạnh chính là Ta.

-ooOoo-


393. CHUYỆN MÓN TÀN THỰC (Tiền thân Vighàsa)


Hạnh phúc là ai sống giữa đời...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Ðông Viên liên hệ đến một số Tỷ-kheo thích lạc thú.

Trưởng lão Mahamoggallàna (Ðại Mục-kiền-liên) đã làm rung chuyển cả trú xứ của họ và cảnh báo họ. Tăng chúng bắt đầu bàn luận về lỗi lầm này tại Chánh pháp đường. Bậc Ðạo Sư được kể sự việc trên, liền bảo:

- Ðây không phải là lần đầu tiên họ thích lạc thú.

Và Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát là Sakka Thiên chủ. Có bảy anh em trong một làng ở Kàsi nhận thấy tai hại của lòng tham dục, liền rời bỏ thế tục và trở thành ẩn sĩ. Họ sống tại Mejjhàrannã, nhưng vẫn ham thích các lạc thú, không chuyên tâm tu tập và chỉ làm theo thói quen của vật chất.

Sakka Thiên chủ bảo:

- Ta muốn đi cảnh báo bọn này.

Do đó ngài biến mình thành chim Anh vũ (két) đến trú xứ của họ, vừa đậu trên cây vừa ngâm vần kệ đầu cảnh báo họ:

Hạnh phúc là ai sống giữa đời
Bằng tàn dư bố thí mà thôi,
Ðược người tán thán trên trần thế,
Số phận đời sau: lạc cõi trời.

Khi ấy, một người trong bọn họ nghe tiếng chim Anh vũ, liền gọi đám kia lại và ngâm vần kệ thứ hai:

Bậc trí phải chăng nên lắng tai
Khi Anh vũ nói giọng như người,
Hãy nghe, các bạn, chim ca tụng
Bọn chúng ta đây, rõ tuyệt vời!

Anh vũ liền ngâm vần kệ thứ ba phủ nhận điều này:

Chẳng phải ta ca tụng các thầy,
Bọn ăn xác chết, hãy nghe đây:
Các thầy ăn món đồ thừa thải,
Chẳng phải tàn dư bố thí này.

Khi nghe chim nói, họ đồng thanh ngâm vần kệ:

Xuất thế bảy năm, cạo tóc đen,
Nơi đây ta sống tháng ngày liền,
Ăn đồ tàn thực, sao chim trách,
Vậy thế ai người thật đáng khen?

Bậc Ðại Sĩ ngâm vần kệ thứ năm khiển trách để họ phải ăn năn hối cải:

Món thừa sư, hổ, thú săn mồi,
Là thứ cần dùng của các người,
Quả thật chúng là đồ phế thải
Dù người gọi "chỉ tàn dư thôi".

Nghe vậy, các vị ẩn sĩ lại hỏi:

- Nếu chúng ta không phải là người sống bằng tàn thực, thì xin cho biết họ là những ai?

Ngài liền ngâm vần kệ thứ bảy nêu rõ ý nghĩa đích thực của việc này:

Người nào bố thí các Sa-môn,
Ðể đáp ứng ngay mọi thứ cần,
Rồi thọ những gì còn để lại,
Sống nhờ của bố thí dư tàn.

Như vậy Bồ-tát làm cho họ ăn năn hối lỗi rồi trở về cõi của ngài.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, bảy ẩn sĩ kia là các Tỷ-kheo thích lạc thú này và Sakka Thiên chủ chính là Ta.

-ooOoo-


394. CHUYỆN CHIM CÚT (Tiền thân Vattaka)


Bơ, dầu đủ món cao lương...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo tham lam.

Khi thấy vị ấy tham lam, bậc Ðạo Sư bảo:

- Ðây không phải lần đầu ông tham lam, ngày xưa có lần do tham lam, ông không thỏa mãn với các xác voi, bò ngựa và hy vọng kiếm được nhiều thức ăn ngon hơn, ông đã vào rừng sâu.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm con chim Cút sống ở rừng sâu bằng cỏ khô và hạt cây. Thời ấy tại Ba-la-nại có một con Quạ tham ăn, không hài lòng với các xác chết của voi, ngựa và nhiều súc vật khác, liền vào rừng kia với hy vọng tìm nhiều của ngon vật lạ hơn. Trong lúc ăn trái rừng, nó chợt thấy Bồ-tát liền nghĩ thầm: "Con chim Cút này rất mập, ta đoán nó ăn nhiều thức ngon ngọt, ta muốn hỏi nó về món kia và ăn để ta cũng mập hơn".

Quạ đậu trên bụi cây cao hơn Bồ-tát, dù nó không hỏi, Bồ-tát vẫn chào nó và ngâm vần kệ đầu:

Bơ, dầu đủ món cao lương,
Chú ơi, thực phẩm chú toàn thơm ngon,
Cho tôi biết rõ nguồn cơn
Tại sao chú phải gầy mòn thế ư?

Nghe lời nầy, Quạ ngâm ba vần kệ đáp lại:

Ta đang sống giữa kẻ thù,
Lòng ta cứ phải ưu tư rã rời,
Hãi kinh đi kiếm miếng mồi,
Muốn thành béo mập, Cút ơi, cách nào?

Suốt đời Quạ sống lo âu,
Trí luôn cảnh giác, đương đầu nguy nan,
Miếng mồi kiếm chẳng đủ ăn,
Cút ơi, vì thế gầy mòn thân ta.

Cỏ khô, hạt thóc quả là
Thức ăn của Cút chẳng no béo gì,
Vì sao Cút mập thế kia,
Lại ăn ít ỏi, nói đi, bạn vàng!

Bồ-tát nghe vậy, ngâm các vần kệ giải thích lý do béo mập của mình:

Ta mong vừa đủ an nhàn,
Thong dong bay lượn quãng đường ngắn kia,
Kiếm ăn bất cứ vật gì,
Nên ta béo mập khó bì, Quạ ơi!

Tràn đầy hạnh phúc, an vui,
Trong lòng biết đủ, thảnh thơi tháng ngày,
Mục tiêu dễ đạt lắm thay,
Ðây phần ưu thắng đời này ta theo.

*

Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, con Quạ là Tỷ-kheo tham lam này và chim Cút chính là Ta.

-ooOoo-


395. CHUYỆN CON QUẠ (Tiền thân Kàka)


Ông bạn cũ ơi, hãy ngắm xem...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo tham lam. Hoàn cảnh này cũng giống như trên.

*

Ngày xưa, khi vua Brahamadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là chim Bồ câu sống trong cái thúng ở trong nhà bếp của một thương nhân Ba-la-nại. Một chú Quạ đến kết thân với Bồ câu và cùng sống ở đó. Ðến đây câu chuyện cần được trình bày đầy đủ chi tiết hơn. Người đầu bếp nhặt hết lông Quạ, rắc bột lên rồi chọc thủng một vỏ ốc bóng loáng đeo trên cổ Quạ và ném nó vào thúng.

Bồ-tát bay từ rừng về, thấy vậy, và ngâm vần kệ đầu để trêu ghẹo Quạ:

Ông bạn cũ ơi, hãy ngắm xem,
Nữ trang sáng rực rỡ đeo lên,
Bộ râu tỉa gọn oai ra phết,
Trông bạn thật tươi trước mắt nhìn!

Quạ nghe lời nầy, liền đáp vần kệ thứ hai:

Các lông, móng cứ mọc nhanh ghê,
Làm vương víu ta khắp mọi bề,
Thợ hớt tóc sau cùng bước tới,
Nên ta thoát lớp vỏ xù xì!

Sau đó Bồ-tát ngâm vần kệ thứ ba:

Dĩ nhiên Quạ được vặt lông đen,
Chú thợ cạo kia thật khéo khen!
Quanh cổ thì sao, xin nói rõ,
Cái gì lúng lẳng tựa chuông reng?

Tiếp theo Quạ ngâm hai vần kệ nữa:

Những người thanh lịch vẫn đeo hoài
Quanh cổ ngọc châu, thói ở đời,
Muốn bắt chước người, ta cũng vậy,
Bạn đừng tưởng đó chuyện đùa chơi!

Còn nếu bạn ganh tỵ bộ ria
Ðược khéo điểm tô chải chuốt kia,
Ta sẽ nhờ người này cạo giúp,
Rồi đeo ngọc, bạn cũng như ta.

Bồ-tát nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ sáu:

Không, chính ông phù hợp nhất đời
Với râu và ngọc khéo ra oai,
Thấy ông hiện diện gây phiền toái,
Ta giã biệt ông, cất bước thôi!

Cùng với các lời này, Bồ câu bay đi nơi khác, còn Quạ chết ngay tại chỗ ấy.

*

Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo đã được an trú vào Tam quá (Bất Lai). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, con Quạ là vị Tỷ-kheo tham lam này, còn Bồ câu chính là Ta.


NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
BẬC A LA HÁN, CHÁNH ĐẲNG GIÁC, MINH HẠNH TÚC, THIỆN THỆ, THẾ GIAN GIẢI, VÔ THƯỢNG SỸ, ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU, THIÊN NHÂN SƯ, PHẬT, THẾ TÔN.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào

Leave a Reply