Select Menu

hot

Bài đăng nổi bật

TỦ SÁCH PHẬT HỌC DÀNH CHO SMARTPHONE

Trong cuộc sống hiện đại, sách điện từ đang dần thay thế sách giấy. Các tác phẩm Phật học, trong đó có Kinh Phật, cũng không ngoài quy luật ...

Tìm kiếm Blog này

random posts

Ads 180

Ads 180
Bán xe Ford Taurus

Popular Posts

Phật

Tăng

Thần Thông

Thiên Giới

Chùa

Đọa Xứ

Video

» » » Chuyện Tiền Thân VI - Phẩm Sáu mươi bài kệ [03]
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn


KINH TIỂU BỘ 
Khuddhaka Nikàya 
Tập IX 
Dịch Anh-Việt: G.S. Trần Phương Lan 

Chuyện Tiền Thân Đức Phật (Jàtaka) VI / CHƯƠNG 19 

Phẩm Sáu mươi bài kệ [03] 


-ooOoo-


529. CHUYỆN HIỀN GIẢ SONAKA (Tiền thân Sonaka)


Một ngàn đồng trẫm tặng cho người...,

Câu chuyện này bậc Ðạo Sư kể lại trong lúc Ngài ngụ tại Kỳ Viên, về Ðại Sự Xuất thế viên mãn của Ngài.

Vào dịp này, bậc Chánh Giác ngồi ở Chánh pháp đường giữa các Tỷ-kheo trong lúc Tăng chúng đang tán thán công hạnh viên mãn của việc Ngài xuất thế, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà cả ngày xưa nữa, Như Lai đã thật sự thoát tục và làm Ðại sự Xuất thế.

Nói xong Ngài kể câu chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa vua Magadha (Ma-kiệt-đà) cai trị tại thành Rajàgaha (Vương Xá). Bồ-tát sinh làm con Chánh hậu, vào ngày đặt tên, hoàng gia gọi ngài là vương tử Arindama. Chính ngày ngài ra đời, một cậu trai khác cũng ra đời tại nhà vị quốc sư, được cha mẹ đặt tên là Sonaka.

Hai cậu bé lớn lên khi đến tuổi khôn lớn đều cực kỳ xinh đẹp lạ thường, hình dáng thật khó phân biệt nhau; họ cùng đến Takkasilà, sau khi luyện tập xong đủ các học thuật, họ ra đi với ý định học các nghề thực dụng và xem các tập tục địa phương, dần dần đi du hành đến tận Ba-la-nại.

Tại đó họ cư ngụ trong ngự viên và hôm sau đi vào kinh thành; chính ngày hôm ấy, một số người dự định cúng dường thực phẩm cho các vị Bà-la-môn, đem ra món cháo và sắp đặt ghế sẵn, khi trông thấy hai vị nam tử này đến gần, liền mời họ vào nhà ngồi trên các ghế đã soạn ra. Trên ghế dành cho Bồ-tát có trải tấm vải trắng, còn ghế dành cho Sonaka trải tấm thảm len đỏ.

Khi thấy điềm ấy, Sonaka hiểu ngay là ngày hôm ấy Arindama, bạn chàng sẽ lên ngôi vua tại Ba-la-nại và phong cho chàng chức đại tướng. Sau khi ăn xong, hai vị cùng trở về ngự viên. Lúc bấy giờ đã đến ngày thứ bảy từ khi vua Ba-la-nại băng hà, hoàng gia không có người kế vị. Vì thế các quân sư cùng hoàng tộc sau khi tắm rửa đầu mình xong, tụ tập nhau lại và bảo:

- Các người hãy đến nhà người xứng đáng lên ngôi vua.

Họ bắt đầu đánh xe hoa ra đi.

Khi rời thành, xe đi dần đến ngự viên và dừng tại cổng ngự viên, sẵn sàng đợi một người bước lên xe. Bồ-tát đang nằm nghỉ với y ngoài đắp quanh đầu, trên phiến đá dành cho vua, trong khi nam tử Sonaka ngồi bên cạnh. Khi nghe tiếng nhạc cụ, Sonaka nghĩ thầm: "Ðây là xe hoa đến đón Arindama, hôm nay ngài sẽ lên ngôi vua và phong ta chức đại tướng. Song thật ra ta không muốn trị dân; khi ngài đi rồi, ta sẽ rời thế tục và làm ẩn sĩ khổ hạnh.

Thế rồi ngài đứng ẩn mình sang một bên. Vị quốc sư đi vào ngự viên thấy bậc Ðại Sĩ nằm đó, liền ra lệnh thổi kèn lên. Bậc Ðại Sĩ thức dậy quay mình nằm thêm một lát rồi ngồi xếp chân trên phiến đá. Lúc ấy vị quốc sư giơ tay ra cầu khẩn ngài:

- Tâu Ðại vương, quốc độ này thuộc quyền ngài.

- Sao thế, không có kẻ thừa kế ngai vàng ư?

- Quả vậy, tâu Ðại vương.

- Thế thì được. Ngài bảo.

Họ liền làm lễ quán đảnh (rảy nước thánh trên đầu) cho ngài lên ngôi vua ngay tại đó. Rồi để ngài lên xe hoa xong, họ rước ngài vào thành cùng đám tùy tùng rầm rộ. Sau lễ rước ngài thật trọng thể quanh kinh thành, ngài đi lên hoàng cung, trong cảnh đại huy hoàng vinh quang ấy, ngài quên bẳn người bạn trẻ Sonaka.

Nhưng khi vua đi rồi, Sonaka trở lại ngồi trên phiến đá, và chính một ngọn lá úa của cây Sà la lìa cành rơi trước mặt ngài, khiến ngài trông thấy, liền kêu lên:

- Thân ta rồi cũng bị hư hoại như chiếc lá này!

Và khi chứng đạt được Thắng trí nhờ Ngài quán sát tính vô thường của các pháp, Ngài đắc quả vị Ðộc Giác Phật và ngay lúc ấy những đặc tính của con người thế tục trong ngài biến mất đi, và những dấu hiệu của một bậc chân tu hiện rõ ra, Ngài bảo:

- Ta không còn tái sinh vào đời sau nữa.

Trong khi thốt lên ý nguyện này, Ngài khởi hành tiến về hang Nandamùla.

Còn bậc Ðại Sĩ, sau bốn mươi năm trôi qua, chợt nhớ đến Sonaka và nói:

- Sonaka nay ở đâu trên đời này?

Dần dần mỗi khi nhớ lại thân bằng, vua không thấy ai báo cho ngài biết: "Hạ thần có thấy vị ấy, hạ thần có nghe nói đến vị ấy".

Khi lên ngồi xếp bằng trên ngai vàng đặt trên chiếc bệ nguy nga có đám nhạc công và vũ nữ ca kịch vây quanh, tận hưởng cảnh vinh hoa phú quí ấy, vua bảo:

Bất kỳ ai nghe được có người nói Sonaka đang ở nơi này nơi nọ và báo tin cho trẫm, trẫm hứa sẽ ban tặng một trăm đồng tiền; còn ai thấy chàng tận mắt và báo cho trẫm, trẫm hứa tặng một ngàn đồng tiền.

Rồi để làm cho lời cảm khái này được linh động thêm thành một bài ca, ngài ngâm kệ đầu:

Một ngàn đồng trẫm tặng cho người
Trông thấy thân bằng, bạn trẫm chơi,
Tặng một trăm đồng cho kẻ khác
Biết So-na ấy chút tăm hơi.

Lúc ấy một vũ nữ bắt được điệu hát từ miệng vua, liền hát lên khúc ca ấy rồi dần dần một người khác, rồi một người nữa hát lên cho đến khi khắp cả hậu cung cho rằng đó là điệu hát được vua ưa chuộng, nên đồng hát lên.

Dần dần dân chúng khắp thị thành đến thôn quê đều hát bài ấy và chính vua cũng thường hát bài ấy. Sau năm mươi năm, vua đã sinh hạ nhiều vương tử và công chúa, vị thái tử tên là Dighàvu.

Vào lúc ấy vị Độc Giác Phật nghĩ thầm: "Vua Arindama rất nóng lòng gặp lại ta. Vậy ta muốn đi giải thích cho ngài hiểu nỗi khổ đau của tham dục và công đức của việc xuất gia, ta sẽ chỉ cho ngài con đường tu hành ẩn sĩ".

Rồi nhờ thần lực, Ngài đến đó ngay và an tọa trong ngự viên. Lúc bấy giờ một đứa bé lên bảy để tóc năm chòm, được mẹ sai đến đây vừa lượm củi khô vừa hát đi hát lại bài ấy. Ngài Sonaka gọi cậu bé lại và hỏi:

- Này con, sao con cứ hát mãi bài ấy mà chẳng hề hát bài nào khác, con không biết bài nào khác hay sao?

- Thưa Tôn giả, con biết nhiều bài khác, nhưng bài này đức vua yêu thích lắm, vì thế con cứ hát hoài.

- Thế có ai hát điệp khúc của bài này không?

- Thưa Tôn giả, không.

- Vậy ta muốn dạy con một điệp khúc rồi con đi về hát cho đức vua nghe.

- Thưa vâng.

Thế là Ngài dạy câu bé điệp khúc "Một ngàn đồng" và cả đoạn sau, đến khi cậu bé hát thật thông thạo, Ngài để cậu bé về và bảo:

- Này con, con hãy đi về hát điệp khúc này trước đức vua, ngài sẽ ban cho con nhiều quyền thế. Con cần gì phải lượm củi khô nữa? Thôi hãy đi về hết sức nhanh lên.

- Thế thì tốt lắm.

Cậu bé đáp sau khi đã thông thạo khúc hát, liền từ tạ Tôn giả Sonaka:

- Thưa Tôn giả, xin Ngài ngồi lại đây cho đến khi con thỉnh đức vua đến.

Nói xong, cậu vội vàng chạy thật nhanh về gặp mẹ và bảo:

- Mẹ hãy tắm rửa cho con và mặc áo quần vào thật đẹp, hôm nay mẹ con ta sẽ thoát cảnh nghèo hèn.

Sau khi cậu đã tắm rửa, ăn mặc lịch sự xong, cậu đến cửa cung bảo:

- Này ông lão canh cổng, xin hãy đi trình Ðại vương biết: "Có một cậu bé đến đây, đang đứng ở cửa, chuẩn bị ca một bài dâng lên Thánh thượng".

Người giữ cổng vội phi báo với vua. Vua triệu cậu bé vào yết kiến và bảo:

- Này hiền hữu muốn hát đối cùng trẫm chăng?

- Tâu Ðại vương, đúng thế.

- Vậy thì hát đi.

- Tâu Ðại vương, con không muốn hát ở đây, mà con muốn xin cho tiếng trống đánh lên khắp kinh thành báo hiệu dân chúng tụ tập tại đây, con mong muốn hát trước mặt dân chúng.

Vua ra lệnh làm như vậy, rồi ngự giữa bảo tọa dưới một ngôi đình thật lộng lẫy và dành một chỗ ngồi xứng đáng cho cậu bé, ngài bảo:

- Bây giờ hãy hát đi.

Cậu bé đáp:

- Tâu Ðại vương, xin Ðại vương hát trước rồi con sẽ xin hát điệp khúc của bài đó.

Vua liền hát trước tiên vần kệ này:

1.
Một ngàn đồng trẫm tặng cho người
Trông thấy thân bằng, bạn trẫm chơi,
Tặng một trăm đồng cho kẻ khác
Biết So-na ấy chút tăm hơi.

*

Lúc ấy bậc Ðạo Sư, muốn làm sáng tỏ việc cậu bé còn để tóc năm chòm này ca điệp khúc do vua khởi xướng; và với Trí tuệ Tối thắng Ngài ngâm hai vần kệ:

2.
Rồi cậu bé kia bỗng nói rằng:
- Trên đầu còn để tóc năm chòm -
"Ngàn đồng xin tặng cho con thấy,
Và đã nghe xin tặng một trăm,
Con sẽ đưa tin Tôn giả ấy
Bạn thân ngày trước của Minh quân.

*

Các vần kệ sau đây, được hiểu theo tương quan diễn tiến của câu chuyện:

Ðức vua:

3.
Thành thị, thôn quê, quốc độ gì
Mà con lê mãi bước chân đi,
Thấy đâu hiền hữu So-na ấy,
Con hãy vui lòng nói trẫm nghe?

Tiểu nhi:

4.
Trong quốc độ này, chính ngự viên,
Nhiều Sà la lớn mọc đua chen
Xanh tươi cành lá, thân cao vút,
Phong cảnh đẹp sao trước mắt nhìn.

5.
Cành lá giao nhau, kết thật dày,
Vươn lên trời tựa các vầng mây,
So-na nằm dưới gốc, thiền định,
Ly dục, tâm an, thanh tịnh đầy.

Bậc Ðạo Sư:

6-7.
Vua liền khởi sự quyết lên đàng,
Rẽ lối tiến ngay, thực vội vàng
Ðến chốn So-na-ka trú ngụ,
Quẩn quanh vườn ngự rộng thênh thang,
Thân bằng, ngài thấy đà ly dục,
Thánh hạnh an nhiên hỷ lạc tràn.

Vua không đảnh lễ ngài, mà chỉ ngồi xuống một bên, và bởi lẽ bản thân vua đã đắm mình vào ác dục, nên cứ tưởng vị cố bằng hữu này là một kẻ khốn khổ bần hàn lắm, liền ngâm kệ bảo bạn:

8.
Trọc đầu, mất cả mẹ cùng cha,
Trẫm thấy người kia khoác áo dà,
Kẻ khó tu hành đang nhập định,
Trải mình đây, dưới gốc Sà-la.

9.
Nghe thế, So-na-ka bảo rằng:
"Chẳng là khốn khổ, tấu Vương quân,
Kẻ nào biết rõ trong hành động
Luôn hướng về điều phải, lẽ chân".

10.
Khốn hèn là kẻ bỏ điều chân,
Và lại thực hành chuyện bất nhân,
Với kẻ ác kia, ngài phải biết,
Khổ đau mạt vận để dành phần.

Ngài đã khiển trách Bồ-tát như vậy, còn vua giả vờ không biết mình bị khiển trách, cứ làm vẻ thân hữu trò chuyện cùng Ngài, nêu rõ danh tánh, gia tộc qua vần kệ:

11.
Vua Kà-si nọ chính là ta,
Ta mệnh danh là A-rin-da,
Từ lúc đến đây, thưa Thánh giả,
Có điều chi đáng để phiền hà?

Vị Ðộc Giác Phật liền đáp:

- Không chỉ khi an trú nơi đây, mà bất cứ ở nơi nào khác, ta cũng không gặp điều gì phiền phức cả.

Rồi Ngài bắt đầu ngâm kệ nêu lên các niềm phước lạc của bậc tu hành:

12.
Một kẻ xuất gia chẳng bạc tiền,
Ðược bao phước lạc, kể đầu tiên,
Trong bình hay vựa, không tồn trừ,
Chỉ muốn vật thừa, sống thản nhiên.

13-14.
Phước lạc tiếp theo, đáng tán đồng:
Vị này thọ thực chẳng sai lầm,
Thứ ba, hạnh phúc hằng ngày được
Thọ thực an vui, chẳng mếch lòng.

15-16.
Phước lạc thứ tư, chốn đến đi,
Thong dong chẳng biết luyến lưu gì,
Thứ năm ví thử thành kia cháy,
Người chẳng thiệt thòi, chẳng mất chi.

17.
Thứ sáu là điều hạnh phúc đây,
Người tu tính để phận riêng tây:
Ví dù quốc độ điêu tàn cả,
Người ấy chẳng hề thiệt mảy may.

18.
Thứ bảy là điều hạnh phúc kia:
Vì chưng nghèo khó chẳng còn gì,
Dù bầy cướp chận đường vây hãm,
Cừu địch dù bao kẻ hiểm nguy,
Bình bát, hoàng y, người Phạm hạnh
Bình an vẫn cứ bước chân đi.

19.
Còn đây là hạnh phúc sau cùng:
Vị ấy lang thang khắp mọi vùng,
Không cửa không nhà, và khốn khó,
Lên đường chẳng luyến tiếc băn khoăn.

Như thế vị Ðộc Giác Phật Sonaka đã nêu lên tám phước lạc của một tu sĩ, rồi hơn thế nữa, Ngài có thể kể cả trăm cả ngàn vô lượng phước lạc, nhưng vì vua đang tham đắm dục lạc nên vội ngắt ngang lời Ngài, bảo:

- Trẫm không màng các phước lạc của đời tu hành kia.

Và để làm sáng tỏ việc mình mê đắm dục lạc ra sao, vua ngâm kệ:

20-21.
Phước lạc ngài ca, trẫm chẳng màng,
Trẫm truy tầm lạc thú trần gian
Nhân, thiên lạc, trẫm đều yêu thích
Ðạt cả hai ngay, hãy chỉ đàng.

Vị Ðộc Giác Phật liền đáp lời:

22.
Ai cử tham lam muốn hưởng tràn
Biết bao dục lạc cõi trần gian,
Tạo nên ác nghiệp trong đời sống,
Sau phải tái sinh cõi khổ buồn.

23.
Bỏ ái dục kia lại phía sau,
Suốt đời vô úy tiến lên mau,
Tham thiền đạt đến tâm thanh tịnh
Chẳng phải luân hồi cõi khổ đau.

24.
Ta nói Ðại vương ví dụ này,
A-rin-da hãy lắng nghe đây:
Những người hiền trí nhờ lời dụ,
Ý nghĩa cao siêu sẽ hiểu ngay.

25.
Trên sông Hằng sóng thủy triều dâng
Kìa chú quạ ngu thấy cuốn phăng
Một xác vật gì to quái lạ,
Tự nhủ thầm khi nó nổi gần:

26.
"Vật kia tìm được lớn lao thay,
Ôi thật là kho thực phẩm đầy
Ðể tận hưởng bao niềm khoái
Ðây ta sẽ ở suốt đêm ngày".

27.
Như thế thịt voi, quạ cứ ăn,
Uống thêm nước mát tự sông Hằng
Trong khi trôi nổi, không hề thấy
Rừng miếu thoáng qua giấc mộng vàng

28.
Cứ vậy buông lung chú quạ trôi
Ðắm mình trên xác chết tanh hôi,
Sông Hằng cuốn chú lao đầu thẳng
Vào chốn hiểm nguy của biển khơi.

29.
Song lúc thức ăn đã cạn đi,
Ôi, chim tội nghiệp cố bay về,
Ðông Tây, Nam, Bắc nào đâu hướng,
Chẳng thấy đất đai, biển bốn bề!

30.
Xa giũa trùng dương, đã mệt phờ,
Trước khi chú quạ đến bên bờ,
Giữa muôn vàn hiểm nguy trên biển,
Ngã xuống, không bay nữa bấy giờ.

31.
Nơi chú chim kia khốn khổ rơi,
Cả đàn sấu, thủy quái đang bơi
Chung quanh, vội đến và xâu xé,
Tan xác run run của quạ mồi.

32.
Cũng vậy, Ðại vương với những người
Tham lam tìm lạc thú kia hoài,
Tưởng mình có trí như chim quạ,
Cho đến khi lìa bỏ cuộc đời.

33.
Ví dụ ta bày tỏ thật chân,
Ðại vương hãy thận trọng quan tâm,
Danh thơm có được hay danh xấu,
Tùy thuộc hành vi của Ðại quân.

*

Như vậy nhờ ví dụ kia, Ngài đã khuyến giáo vua và để cho vua ghi nhớ mãi điều này, Ngài ngâm kệ:

34.
Vì từ tâm nói một hai lần,
Nhắc nhở đôi lời để hộ thân,
Song chớ nhắc đi nhắc lại mãi,
Giống gia nô trước chủ nhân ông!

35.
Với trí vô biên, bậc Ðại nhân,
So-na Giác giả dạy vương quân
Vừa xong, Ngài thẳng đàng bay biến
Trong khoảng không gian rộng mịt mùng.

Ðây là vần kệ phát xuất tứ Trí tuệ Tối thắng của đức Phật.

*

Bồ-tát đứng ngắm Ngài bay qua không gian trong lúc còn nhìn thấy hình bóng Ngài, song khi Ngài đã khuất dạng, Bồ-tát vô cùng xúc động nghĩ thầm: "Người Bà-la-môn này thuộc dòng giống thấp kém thế, mà sau khi phủi bụi bặm trên bàn chân lên đầu ta, một người xuất thân từ quý tộc được kế tục từ đời này qua đời khác, đã biến mất trong bầu trời; vậy hôm nay ta phải giã tứ thế gian và thành người tu khổ hạnh ngay". Trong niềm ước mong làm ẩn sĩ, và rời quốc độ, ngài ngâm hai vần kệ:

36.
Các quản xa nay được lệnh ban
Ði tìm đâu được đấng minh hoàng?
Trẫm không muốn ngự trên ngai nữa,
Trẫm giã từ ngay chiếc miện vàng.

37.
Ta chết ngày mai, ai có hay
Trẫm mong thọ giới tự hôm nay,
Sợ rằng như quạ kia ngu dại,
Ác dục cuốn lôi, trẫm đọa đày.

Nghe vua muốn thoái vị như vậy, các quốc sư tâu:

38.
Ðại vương có Thái tử Dì-ghà
Vương tử đẹp tươi quả thật là,
Quán đảnh suy tôn lên bảo tọa
Sẽ làm Ðại đế của triều ta.

Tiếp theo đây, khởi đầu bằng vần kệ do vua ngâm, các câu sau tuần tự được hiểu theo diễn tiến câu chuyện:

39.
Mau triệu Dì-ghà-vu đến đây,
Hoàng nhi này thật tốt tươi thay,
Sắc phong quán đảnh lên vương vị,
Ấy chính là vua quốc độ này.

40.
Khi quần thần dẫn đến Digha
Chúa tể tương lai của nước nhà,
Vương phụ bảo cùng hoàng thái tử,
Con yêu độc nhất quả chàng là.

Phụ vương:

41.
Thôn làng sáu vạn ấy ngày xưa
Trẫm đã phán rằng:"Chính của ta",
Hãy nhận chúng đi, này Thái tử,
Từ nay trẫm giã biệt sơn hà.

42.
Ngày mai ta chết, có ai hay?
Trẫm muốn hôm nay thọ giới ngay,
Vì sợ ngu si như chú quạ
Ðắm mê ác dục, trẫm sa lầy.

43.
Kìa xem! Vương tượng sáu mươi ngàn
Ðược điểm tô bao vẻ rỡ ràng,
Với đủ cân đai vàng chói lọi
Trang hoàng bảo vật sáng huy hoàng.

44.
Quản tượng ngồi lên cỡi mỗi con,
Tay cầm giáo có móc câu tròn,
Nhận đi, Thái tử, cha ban tặng
Con, kẻ lên ngôi trị nước non.

45.
Ngày mai ta chết, có ai hay?
Trẫm muốn hôm nay thọ giới ngay,
Vì sợ ngu si như chú quạ
Ðắm mê ác dục, trẫm sa lầy.

46.
Kìa xem, vương mã sáu mươi ngàn!
Tô điểm yên cương sáng rỡ ràng,
Tuấn mã Sindh đều dòng giống quý,
Bộ binh hùng hậu cả quân đoàn.

47.
Chúng đều mang quản mã oai hùng
Ðầy đủ trong tay với kiếm, cung,
Thái tử nhận đi, cha tặng cả
Cho con, người ngự trị toàn dân.

48.
Ngày mai ta chết, có ai hay?
Trẫm muốn hôm nay thọ giới
Vì sợ ngu si như chú quạ
Ðắm mê ác dục, trẫm sa lầy.

49.
Vương xa sáu vạn đủ yên cương,
Cờ xí tung bay ngập bốn phương
Da cọp, da beo bao phủ khắp,
Kìa xem quang cảnh thật huy hoàng!

50.
Quản xa điều ngự, giáp bào mang,
Cung tiễn cầm tay, thảy vũ trang,
Thái tử nhận đi, cha tặng cả
Vì con, người ngự trí giang san.

51.
Ta chết ngày mai, ai có hay?
Trẫm mong thọ giới tự hôm nay,
Sợ rằng như quạ kia ngu dại,
Ác dục đắm mê, trẫm đọa đày.

52.
Sáu vạn bò tơ sắc đỏ hồng,
Cùng đàn bò đực ở bên lưng,
Nhận đi, Thái tử, cha ban tặng
Vì chính con cai trị quốc dân.

53.
Ngày mai ta chết, có ai hay?
Trẫm muốn hôm nay thọ giới ngay,
Vì sợ ngu si như chú quạ
Ðắm mê ác dục, trẫm sa lầy.

54.
Sáu vạn cung phi đẹp nõn nà
Ðứng kia xiêm áo thật xa hoa,
Ðầy tay vòng ngọc, hoa tai điểm,
Cha tặng con, người trị quốc gia.

55.
Ta chết ngày mai, ai có hay?
Trẫm mong thọ giới tự hôm nay,
Sợ rằng như quạ kia ngu dại,
Ác dục đắm mê, trẫm đọa đày.

Thái tử:

56.
Chúng bảo con: "Vương mẫu mất rồi"
Ðáng thương ai tử nọ! Than ôi!
Làm sao con sống không vương phụ,
Con đã lìa sinh thú ở đời.

57.
Như ở sau lưng, sát với cha,
Voi con thường thấy kế voi già,
Xuyên đèo, xuyên núi hay rừng rậm,
Bằng phẳng, gồ ghề, cũng vượt qua.

58.
Bình bát trong tay, con bước sau,
Theo cha dẫn lối bất kỳ đâu,
Cha không thấy gánh con làm nặng,
Hay phải nuôi con khó nhọc nào.

Phụ vương:

59.
Như thương nhân, chủ các con tàu,
Kiếm lợi dù cho với giá nào,
Thường bị cuốn trôi vào vực xoáy,
Cả thuyền, thủy thủ, thảy tiêu hao.

60.
Sợ rằng ta gặp bước gian nan,
Con trẻ gây phiền lụy cản đàng,
Làm lễ phong vương trong bảo điện,
Cho con hưởng lạc thú trần gian.

61.
Cả bầy cung nữ vuốt ve chàng
Ngời chói đôi tay với ngọc vàng,
Như Ðế Thích cùng bầy thị nữ
Từ đây chàng sẽ được hân hoan.

62.
Họ rước Di-ghà, Thái tử này
Vào cung điện, chốn lạc hoan đầy,
Vừa nhìn vương tử, đoàn thanh nữ
Kiều diễm, liền thưa gửi giải bày:

63.
"Chàng là ai? Nhạc sĩ, Thiên thần,
Hay Ðế Thích danh tiếng lẫy lừng,
Bố thí của tiền khắp thị trấn,
Xin cho tiện thiếp biết danh xưng?.

64.
"Ta không Nhạc sĩ, chẳng Thiên thần,
Chẳng Ðế Thích danh tiếng lẫy lừng,
Vua xứ Kà-si, ta kế vị,
Di-ghà Thái tử, ấy danh xưng,
Hãy yêu ta nhé và an lạc,
Ta sắc vương phi đủ mọi nàng!

65.
Rồi với Di-ghà, vị chúa công,
Các nàng kiều nữ lại thưa rằng:
"Thượng hoàng tìm chỗ nào an trú,
Và kể tử nay sẽ ẩn thân?".

Thái tử:

66.
"Phụ vương đã tránh chốn bùn nhơ,
Ngài đã bình an ở đất khô,
Thoát khỏi chông gai rừng rậm rạp,
Cuối cùng ngài đã thấy đường to.

67.
Còn ta mới cất bước lên đường
Dẫn đến nơi đầy rẫy khổ buồn,
Qua đám chông gai, rừng rậm rạp
Tiến lên tìm số phận kinh hoàng".

Cung phi:

68.
"Cung nghênh Thánh thượng đến hoàng cung,
Như hổ tìm con ở động hang,
Thánh thượng từ đây lên ngự trị,
Chánh chân thừa kế chiếc ngai vàng".

*

Nói xong cả đoàn cung nữ cùng đánh nhạc cụ vang lừng và biểu diễn đủ loại ca múa, cảnh vinh quang huy hoàng tuyệt diệu đến độ Thái tử say mê quên hết mọi sự về phụ vương.

Nhưng sau đó chàng cai trị đúng Chánh pháp, rồi đi theo nghiệp của mình. Còn Bồ-tát tu tập Thiền định làm phát khởi Thắng trí và khi mạng chung, ngài sinh lên cõi Phạm thiên.

*

Bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại và bảo:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà ngay cả ngày xưa nữa, Như Lai cũng đã làm Ðại sự Xuất thế.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

Vào thời ấy, vị Ðộc Giác Phật chứng đắc Niết Bàn, vương tử là Ràhula (La-hầu-la) và vua Arindama chính là Ta.

-ooOoo-


530. CHUYỆN HIỀN GIẢ SAMKICCA (Tiền thân Samkicca)


Vừa thấy Brahmà, bậc Ðế vương...,

Câu chuyện này bậc Ðạo Sư kể lại trong khi trú vườn xoài của Jivaka, về việc mưu sát phụ vương vua Ajàtasattu (A-xà-thế). Theo sự xúi giục của Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa), vua ấy đã nhờ vị này sát hại phụ vương.

Nhưng khi bệnh tật tràn lan trong đám giáo hội ly khai tiếp theo sau sự chia rẽ trong Tăng chúng, Ðề-bà-đạt-đa quyết đính ra đi và xin đức Như Lai thứ tội trong lúc đi đường đến Sàvatthi (Xá-vệ), trên một chiếc cáng, vị này bị nuốt vào lòng đất ngay tại cổng Kỳ Viên. Khi được tin trên, vua A-xà-thế suy nghĩ: "Vì Ðề bà-đạt-đa thù nghịch với đức Thế Tôn nên phải bị mất xác vào lòng đất và đọa vào địa ngục Avìci (A-tỳ). Vì lão ấy mà ta đã can tội giết hại phụ vương thánh thiện, vị vua của công lý, chắc chắn ta cũng sẽ bị nuốt vào lòng đất".

Vì thế vua kinh hoàng đến độ không còn hứng thú an hưởng cảnh vương giả trong triều đình và trong khi tưởng rằng chỉ nằm nghỉ ngơi chốc lát, vua đã ngủ thiếp dần, rồi thấy mình dường như rơi vào một cảnh giới toàn bằng sắt dày chín dặm, bị đâm bằng cọc sắt nhọn và bầy chó xâu xé, chúng cứ nhe răng dọa nạt ông, làm ông kêu lớn và giựt mình tỉnh dậy.

Vì vậy vào ngày lễ hội Rằm trăng tròn tháng Mười, khi được đám đông quần thần vây quanh, ông nghĩ đến cảnh vinh quang của mình, lại thấy cảnh vinh quang của phụ vương còn vượt xa hơn mình nữa, mà chỉ vì Ðề-bà-đạt-đa, ông đã giết một vị vua chân chính như vậy, trong khi nghĩ đến điều này, một cơn sốt nổi lên khắp thân thể, mồ hôi đổ ra như tắm.

Rồi ông xem xét ai có thể xua tan nỗi sợ hãi này khỏi lòng mình, ông kết luận là ngoại trừ đấng Thập Lực (danh hiệu của đức Phật), không còn ai nữa, ông suy nghĩ: "Ta đã có tội lớn đối với đức Như Lai, vậy ai có thể đem ta đến yết kiến đức Thế Tôn?

Và xem ra không còn ai ngoài Jìvaka, ông tìm cách mời vị này cùng đi đến yết kiến đức Phật.

Vua thốt ra một tiếng kêu vui mừng:

- Này Hiền khanh, đêm nay trăng sáng đẹp quá - Vua bảo - hôm nay ta muốn đi cúng dường đảnh lễ một vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, có nên chăng?

Khi nghe các công đức của Puràna và các vị Đạo Sư khác được các đệ tử của họ tán thán, vua không quan tâm mà chỉ hỏi lại Jìvaka, và khi nghe vị này kể các công đức của Như Lai cùng kêu lên:

- Xin Thánh thượng, hãy đi đảnh lễ đấng Thế Tôn.

Vua ra lệnh cho các tượng xa chuẩn bi đi đến vườn xoài của Jìvaka.

Khi đến gần đức Như Lai, vua đảnh lễ và được đức Phật thân ái đáp lễ lại, vua hỏi đức Phật về công quả của việc tu hành trong đời này, và sau khi nghe được bài thuyết Pháp êm dịu về vấn đề này từ đức Như Lai, cuối cùng vua xin làm đệ tử đức Phật, và ra về sau khi đã được hòa hợp với đức Phật.

Từ đó thực hành bố thí và trì giới, vua thường kề cận đức Như Lai, nghe Ngài thuyết Pháp êm dịu và nhờ thân cận bậc thiện hữu tri thức, nỗi lo sợ giảm bớt và cảm giác kinh hoàng của ông dần dần biến mất, ông đã được an tâm trở lại và hân hoan tu tập Tứ Nhiếp pháp.

Một ngày kia, Tăng chúng bắt đầu bàn luận tại Chánh pháp đường, bảo nhau:

- Này các Hiền giả, sau khi giết phụ vương, vua A-xà-thế quá kinh hoàng không còn muốn hưởng cảnh vương giả nữa, cứ luôn luôn bị cảm giác khổ đau trong mọi hành động. Sau đó vua tìm đến đức Như Lai, và nhờ thân cận với bậc thiện hữu, vua đã quên mất hết mọi nỗi lo âu và an hưởng vinh hoa hạnh phúc của đời vương giả.

Bậc Đạo Sư đi đến và hỏi:

- Này các Tỷ-kheo, các ông đang bàn luận vấn đề gì?

Và khi nghe các vị ấy nói vấn đề kia, Ngài bảo:

- Không phải chỉ bây giờ mà cả ngày xưa nữa, người này sau khi giết cha mình, đã nhờ ta mà phục hồi sự thanh thản tâm trí.

Rồi Ngài kể câu chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa tại thành Ba-la-nại, vua Brahmadatta sinh được một con trai, đó là vương tử Brahmadatta. Vào thời ấy Bồ-tát được sinh vào nhà của vị quốc sư. Ngày ngài ra đời, họ đặt tên ngài là cậu Samkicca. Hai hài nhi cùng lớn lên trong cung vua nên trở thành đôi bạn chí thân. Khi hai vị đến tuổi khôn lớn, và sau khi đã hoàn tất mọi môn học tại Takkasilà, liền trở về nhà, vua phong cho con làm phó vương và Bồ-tát vẫn sống chung cùng bạn.

Một ngày kia khi vua cha du ngoạn tại lạc viên, phó vương nhìn thấy cảnh đại vinh quang của ngài, sinh lòng ao ước và nghĩ thầm: "Phụ vương còn mạnh khoẻ hơn một vị vương huynh, nếu ta đợi chờ vua cha chết thì ta già nua khi lên ngôi báu. Lúc ấy ta được giang sơn thì có lợi gì? Ta muốn giết cha và làm vua ngay".

Chàng liền nói với Bồ-tát về dự định sẽ làm gì, Bồ-tát phản đối dự tính đó, và bảo:

- Này hiền hữu, giết cha là một tội trọng. Chuyện ấy sẽ đưa đường đến địa ngục, xin ngài đừng làm việc ấy, xin đừng giết đức vua.

Song phó vương cứ nhắc đi nhắc lại chuyện ấy, và bị bạn thân phản đối đến lần thứ ba. Phó vương liền vấn kế bọn hầu cận, bọn chúng đồng ý, và lập mưu giết vua cha. Nhưng Bồ-tát nghe tin này, nghĩ thầm: "Ta không muốn thân cận với hạng người như thế". Rồi không kịp từ giã song thân, ngài trốn đi bằng cửa hậu, và sống cảnh ẩn dật trong vùng Tuyết Sơn. Tại đó, ngài theo đời khổ hạnh và chứng đắc các Thắng trí phát xuất từ Thiền định, chỉ nuôi thân bằng các thứ củ quả rừng.

Còn vương tử, khi bạn bỏ đi rồi, đã mưu giết phụ vương và tận hưởng cảnh vinh quang.

Nghe tin nam tử Samkicca xuất gia tu hành, nhiều thiện gia nam tử cũng rời bỏ thế tục và xin thọ giới với ngài để sống đời khổ hạnh. Ngài sống tại đó với hội chúng đông đảo các vị khổ hạnh kia, và tất cả đều đạt các Thiền chứng.

Phần vua, sau khi giết cha và hưởng thọ dục lạc đời đế vương một thời gian ngắn, lại thấy lo sợ và bất an như thể một người đã thấy rõ hình phạt mình trong địa ngục.

Lúc ấy vua nhớ đến Bồ-tát, liền nghĩ: "Bạn ta đã cố ngăn cản ta, bảo rằng giết cha là một việc kinh hoàng, song đã không thuyết phục được ta, nên đã bỏ đi để khỏi vướng lụy; nếu trước kia có bạn ta ở đây, ắt hẳn đã không để ta phạm tội giết cha và đã cứu ta thoát được nỗi kinh hoàng này. Không biết bây giờ bạn ta ở đâu? Nếu ta biết được chàng ở đâu, ta sẽ cho mời chàng về. Ai có thể cho ta biết nơi chàng ở chăng?".

Tứ đó ở trong hậu cung cũng như ngoài triều đình, vua vẫn thường tán dương Bồ-tát. Một thời gian lâu sau đó, khi đã sống ở Tuyết Sơn cả năm mươi năm, Bồ-tát nghĩ thầm: "Vua đang nhớ đến ta. Ta phải đi tìm bạn và thuyết Pháp để bạn ta khỏi lo sợ".

Thế là được năm trăm vị khổ hạnh theo hầu, ngài bay qua không gian rồi hạ xuống hoa viên Dàyapassa, và ngài an tọa trên phiến đá, với các hiền nhân vây quanh.

Người giữ vườn thấy ngài , liền hỏi:

- Thưa Thánh giả, vị nào là bậc Thượng thủ của hội chúng hiền nhân này?

Khi được biết đó là Hiền giả Samkicca, và lão cũng nhận ra ngài, liền thưa:

- Thưa Tôn giả, xin ngài ở nán lại đây cho đến khi tôi đi thỉnh hoàng thượng đến. Hoàng thượng đang nóng lòng gặp ngài.

Đảnh lễ ngài xong, lão vội đến cung tâu trình về việc ngài trở về. Vua đến thăm ngài, và sau cung kính đảnh lễ theo đúng phép xã giao xong, liền đưa ra vấn đề hỏi ngài.

*

Bậc Đạo Sư ngâm kệ làm sáng tỏ việc này:

1.
Vừa thấy Brah-ma-dat đại vương,
Ngôi cao chiếm chệ thật huy hoàng,
Lão tâu: "Chúa thượng, thân bằng cũ
Chúa thượng vẫn thường dạ luyến thương

2.
Tôn giả Sam-ca đã đến đây,
Giữa hiền nhân, nổi tiếng vai thầy
Đại vương, xin vội lên đường sớm,
Chớ chậm tìm thăm bậc Thánh này.

3.
Vua ngự lên xa giá vội vàng,
Sẵn sàng theo lệnh của vua ban,
Triều thần bạn hữu vây quanh đủ,
Tìm kiếm Thánh nhân, tiến thẳng đàng.

4.
Cả năm biểu tượng của vương gia
Ví chúa Kà-si vội bỏ ra,
Lọng, quạt đuôi trâu rừng, mão niệm,
Đôi hài, bảo kiếm cũng trao qua.

5.
Rồi vua ngự xuống khỏi vương xa,
Cởi hết bào y rực sáng lòa,
Đi đến Da-ya-pa ngự uyển
Là nơi an tọa Thánh Sam-ca.

6.
Và vua vội vã tiến lên gần,
Đảnh lễ trang nghiêm, lại hỏi thăm
Nhắc lại hàn huyên câu chuyện cũ
Cùng nhau trao đổi đã bao lần.

7.
Cạnh bạn, vua an tọa một bên,
Đến khi dịp tốt bắt đầu lên,
Hỏi câu liên hệ bao điều ác,
Vua vội nêu ra với bạn hiền:

8.
"Sam-ca, bậc thượng thủ hiền nhân,
Đại trí nhân, nay trẫm vấn an
Tỉnh tọa Dà-ya-pa ngự uyển
Bao điều trẫm muốn hỏi thân bằng.

9.
Ra sao kẻ ác lúc tử trần,
Cảnh giới nào đâu phải thọ thân ~
Trẫm đã đi sai đường chánh đạo,
Trẫm mong lời giải của hiền nhân.

Bậc Đạo Sư nói thêm để làm sáng tỏ việc này:

10.
Như vậy Sam-ca bảo Đại vương
Trị Kà-si quốc độ giang sơn,
Tại Dà-ya ngự viên, an tọa,
"Đại đế, lắng nghe sẽ tỏ tường".

11.
Ví thử ngài đưa lối chỉ đường
Cho người đi lạc bước vô phương,
Người kia theo đúng lời khuyên nhủ,
Chẳng gặp chông gai cản bước chân.

12.
Nếu kẻ kia đi lạc nẻo tà,
Nếu ngài dẫn dắt đúng đường ra,
Kẻ kia tuân thủ lời khuyên nhủ,
Sẽ thoát ra bao cảnh khổ mà.

*

Ngài đã khuyến giáo vua như vậy, và hơn nữa ngài còn dạy vua Pháp lành:

13-14.
Đường cái khác nào lẽ chánh chân,
Còn đường tắt chỉ nẻo tà gian,
Chánh chân đưa lối lên thiên giới,
Ác dẫn người vào địa ngục môn.

15.
Kẻ nào phạm giới, hỡi quân vương,
Và sống đời bất chánh bất lương,
Số phận nào chờ trong địa ngục
Mệnh chung, nghe rõ sẽ am tường:

16.
Sañ-ji-va, Kà-la-sut-ta,
Ro-ru-va tiểu và đại,
San-ghà-ta, Đại A-vì-ci,
Ta-pa-na, Pa-tà-pa-na,

17.
Tám địa ngục kia tiếng lẫy lừng
Khiến cho người thất đảm kinh hoàng,
Thoát thân từ đó đều vô vọng,
Các ngục Us-sa(l) được kể rằng:
Con số tăng hơn mười sáu nữa,
Đều là ngục cỡ nhỏ từng phần.

18.
Lửa cháy, hành hình các tội nhân
Thảy đều tạo ác nghiệp vô ngần,
Kinh hồn, hoảng hốt, đầy đau đớn,
Khổ não, hãi hùng ngập bốn phương.

19.
Bốn phía đều xây cửa bốn tầng,
Chia từng khoảng cách thật cân phân,
Mái vòm bằng sắt trên che phủ,
Tường sắt lại còn bọc lấy thân.

20.
Nền sắt này xây mới vững sao
Vì không lửa dữ đốt tan nào,
Dù xa trăm dặm chung quanh đó,
Cũng thấy oai thần tỏa vút cao.

21.
Ai làm thương tổn các hiền nhân,
Hoặc xúc phạm gì bậc thiện chân,
Rơi thẳng vào ngay miền địa ngục
Chẳng còn cơ hội để vươn thân.

22.
Thân thể tả tơi, cảnh hãi hùng
Khác nào cá nướng, lửa đang nồng,
Cũng vì ác nghiệp bao năm cũ
Đày xuống ngục kia phải nướng thân.

23.
Thiêu hủy tứ chi lửa bỏng sôi,
Hành hình làm hoảng sợ con mồi,
Dù mong giải thoát ra ngoài ngục,
Cũng chẳng tìm đâu lối thoát rồi.

24.
Chạy tới chạy lui kiếm lối đi,
Đông, Tây, Nam, Bắc chẳng mong gì,
Vì chư thần đó ngăn đường lối,
Họ cố tìm đường có ích chi.

25.
Hàng ngàn năm số phận đau thương,
Chúng sống trong miền địa ngục môn,
Với cánh tay dài vương tới mãi
Khóc than nỗi khổ ngập tâm hồn.

26.
Cũng như rắn độc giết con mồi
Nổi giận hung tàn nếu bị khơi,
Phải tránh tổn thương cho Thánh giả,
Những người nguyền khổ hạnh trong đời.

27.
 Tộc trưởng Ke-ka(2) Aj-ju-na,
Tan tành vì hại Go-ta-ma,
Dù ngàn tay, vóc người cường tráng
Thiện xạ lẫy lừng một thuở xưa.

28.
Dan-da-ki phỉ báng Ki-sa(3),
Ngài chẳng tội tình, chẳng xấu xa,
Như chặt cọ dừa từ gốc rễ,
Hoàn toàn hủy diệt thế kia mà.

29.
Mej-jha vì bậc trí Tan-ga(4)
Phải rớt từ trên bảo tọa kia,
Đất nước trở thành hoang phế địa,
Chúa tôi đều phải hóa ra ma.

30.
Dân chúng Vish-nu tộc tấn công
Di-pà-ya(5) ấy Hắc hiền nhân
Cùng tộc An-dha(6) tìm địa ngục,
Giết nhau dùng dáo trượng tranh hùng.

31.
Bị mắc lời nguyền của trí nhân,
Cec-ca xưa bước giữa không trung,
Tương truyền bị nuối vào lòng đất
Biến mất vào ngày đã định phần.

32.
Kẻ ngu bướng bỉnh chẳng khi nào
Được tán đồng từ bậc trí cao,
Song các thiện nhân đầy chánh nghĩa
Khó lòng nói chuyện dối gian nào.

33.
Kẻ nào nằm sẵn để chờ mong
Bắt lấy hiền nhân với trí nhân,
Sẽ bị cuốn chìm vào địa ngục,
Vì mưu kế độc phải ăn năn.

34.
Kẻ nào lòng phản bội hung tàn
Xông đến đành càn lão Thánh nhân,
Sẽ giống gốc cây dừa chết héo,
Chẳng con thừa kế, phải tàn dần.

35.
Kẻ nào dám giết đại hiền nhân,
Hoặc bậc tu hành sống chánh chân,
Sẽ đọa Kà-la-sut địa ngục
Cực hình phải chịu lắm ngày ròng.

36.
Còn nếu Ma-ga, một ác vương
Muốn làm điên đảo cả giang sơn,
Mạng chung, vào ngục Ta-pa ấy
Phải chịu nhiều đau khổ đoạn trường.

37.
Trăm ngàn năm sống đọa đày thân
Như cách chư Thiên tính tháng năm,
Mặc áo làm bằng cây lửa đỏ,
Giữa đau thương địa ngục muôn phần.

38.
Lửa phun lên rực sáng nơi nơi,
Tung tóe từ thân thể tả tơi,
Chân cẳng, tóc râu cùng tất cả
Chỉ dùng nuôi ngọn lửa làm mồi.

39.
Trong lúc thân kia cháy thật nhanh
Khổ đau hành hạ đến tan tành,
Như voi bị quất bằng cây nhọn,
Kẻ khốn rống lên hết sức mình.

40.
Có kẻ tham sân lại giết cha,
Ấy người hèn hạ, đại gian tà,
Chịu nhiều thống khổ trong hầm lửa
Ở ngục Kà-la-sut mãi mà.

41.
Trong chảo sắt sôi đến lột da,
Bị đâm tên sắt đến mù lòa,
Ăn phân, kẻ giết nhằm thân phụ,
Nước muối chìm thân, chuộc tội xưa.

42.
Quỷ sứ đặt trong miệng kẻ này
- Vì e nó ngậm chặt hàm ngay -
Một hòn sắt nóng nung cho đỏ,
Hoặc một lưỡi cày với sợi dây,
Rồi buộc lấy mồm cho thật chặt,
Thả vào trong vũng nước bùn lầy.

43.
Kên kên, diều quạ, cả đen, nâu,
Chim mỏ sắt kia thật đủ màu,
Phanh lưỡi nó ra từng mảnh nhỏ,
Run run từng miếng, máu tuôn trào.

44.
Bay đi, bầy quỷ lại bay về
Đánh đập kẻ đầy khốn khổ kia,
Vào ngực cháy, chân tay gãy nát,
Chúng hành người, độc ác say mê.

45.
Cả bầy quỷ sứ thật hân hoan,
Song nỗi khổ đau lại ngập tràn
Những kẻ đọa đày trong ngục ấy,
Vì đời phạm tội giết nghiêm đường.

46.
Còn nếu kẻ nào giết mẫu thân
Đọa ngay vào ngục Dạ- ma quân,
Để đền tội phạm hành vi ác,
Nhận quả báo kia thật xứng phần.

47-48.
Quỷ dữ nắm người giết mẫu thân
Dùng cày sắt rộng ủi mạnh vào lưng,
Tạo thành những luống cày sâu rộng,
Máu tựa đồng tan chảy cả dòng
Từ các vết thương, và chúng lấy
Làm nguôi cơn khát bỏng tù nhân.

49-50.
Hồ máu đỏ kia nó ngập mình,
Hít mùi xác chết hoặc bùn tanh,
Bầy sâu khủng khiếp dùng mồm sắt
Xuyên suốt da người chịu cực hình,
Xâu xé thịt kia nhai ngấu nghiến,
Hút ngay máu đỏ thật ngon lành.

51-52.
Ngục sâu trăm dặm, ngập chìm thân,
Trăm dặm quanh đầy xác thối nồng,
Bởi chính mùi hôi, ôi! Tội nghiệp,
Xưa dù mắt sáng, cũng mờ dần.

53.
Vượt qua ngục thất Khu-ra-dhà(7),
Tù ngục tối tăm, khó vượt qua,
Những kẻ phá thai, sao thoát được
Dòng sông khủng khiếp Ve-ta-ra(8).

54.
Cây vải có gai sắt thật dài,
Chừng vài ba tấc, miệng người đời
Tương truyền trên cả đôi bờ ấy
Lơ lững giường đen tối của ngài.

55.
Tất cả bọc trong khối lửa hồng
Vươn lên sừng sững tựa trời trồng
Cháy bùng rực rỡ như cây tháp
Cao cả dặm đường giữa cõi không

56-57.
Trên lửa gai nung, ngục hiện ra:
Gian phu, dâm phụ, bọn gian tà
Roi da vụt xuống, đầu lăn lóc,
Hỗn loạn quay cuồng chạy trốn xa,
Tơi tả tứ chi nhừ nát cả,
Chúng nằm thức đợi suốt đêm qua.

58-59.
Tảng sáng, vào Nồi Sắt ẩn thân
To như núi, ngập nước bừng bừng,
Ngu si vây bọc như y quấn,
Bọn ác nhân kia sáng tối ròng,
Vì ác nghiệp gây từ kiếp trước,
Nay đền nợ cũ xứng cân phần.

60.
Người vợ được mua với bạc vàng
Đem lòng coi rẻ đức lang quân,
Hoặc nhìn khinh bỉ người thân thích,
Lưỡi bị móc ra, thống khổ tràn.

61.
Thấy lưỡi căng đầy đám bọ sâu,
Kêu than chẳng thể được đâu nào,
Âm thầm phải gánh bao hình phạt
Trong ngục Ta-pa chịu khổ đau.

62-63.
Kẻ giết heo cừu, bọn thợ săn,
Chài ngư, trộm cướp, lũ tà nhân,
Xem hành vi thiện là hèn kém,
Bị đánh bằng dùi sắt, kiếm cung,
Nhào xuống, cả bầy người khát máu
Bị tên, giáo đuổi, ngã vào dòng.

64.
Thợ rèn làm hại suốt ngày đêm
Dùng gậy sắt kia để luyện rèn,
Chỉ sống bằng đồ ăn bẩn thỉu
Nhả ra bởi các kẻ đê hèn.

65.
Diều quạ, kên kên, với chó rừng
Hàm nhe toàn sắt sẵn sàng luôn
Vồ ngay kẻ khốn đang lăn lộn,
Nuốt sống vào mồm quá hám ăn!

66.
Ai dùng thú dữ giết hươu nai,
Hoặc giết chim bằng các bẫy mồi,
Tội lỗi đầy thân chìm đọa xứ,
Ăn năn ngày tháng khổ đau dài.

Ghi chú: (1) Ussada; (2) Kekakà; (3) Kisavaccha; (4) Màtanga; (5) Dipàyana; (6) Andhaka; (7) Khuradhàra; (8) Vetaranì

Như vậy, ngài đã miêu tả các địa ngục trên và bây giờ vừa mở một chỗ trên mặt đất, ngài vừa chỉ vua thấy thiên giới, vừa bảo:

67.
Nhờ tích đức trên cõi thế gian
Từ xưa người thiện đến thiên đàng,
Chư Thiên, Phạm chúng, kìa Thiên chủ,
Đạt quả công năng chín vẹn toàn.

68.
Ta bảo ngài cai trị chánh chân
Suốt trong quốc độ, hỡi Quân vương,
Đạt thành phước đức nhờ công chánh,
Hối tiếc về sau chẳng phải mang.

Nghe xong bài thuyết giáo của bậc Đại Sĩ, vua bình tâm lại, còn Bồ-tát sau khi ở đó một thời gian nữa, liền trở về nơi an trú của mình.

*

Đến đây, bậc Đạo Sư chấm dứt Pháp thoại và bảo:

- Không chỉ bây giờ mà cả ngày xưa nữa, vua ấy cũng đã được ta làm cho an tâm.

Và Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời bấy giờ, vua Ajàtasattu (A-xà-thế) là nhà vua kia, các đệ tử đức Phật là hội chúng của vị khổ hạnh, và Ta chính là Hiền giả Samkicca.


NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
BẬC A LA HÁN, CHÁNH ĐẲNG GIÁC, MINH HẠNH TÚC, THIỆN THỆ, THẾ GIAN GIẢI, VÔ THƯỢNG SỸ, ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU, THIÊN NHÂN SƯ, PHẬT, THẾ TÔN.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào

Leave a Reply