Select Menu

hot

Bài đăng nổi bật

TỦ SÁCH PHẬT HỌC DÀNH CHO SMARTPHONE

Trong cuộc sống hiện đại, sách điện từ đang dần thay thế sách giấy. Các tác phẩm Phật học, trong đó có Kinh Phật, cũng không ngoài quy luật ...

Tìm kiếm Blog này

random posts

Ads 180

Ads 180
Bán xe Ford Taurus

Popular Posts

Phật

Tăng

Thần Thông

Thiên Giới

Chùa

Đọa Xứ

Video

» » » Chuyện Tiền Thân IV - Phẩm Tám bài kệ [03]
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn


KINH TIỂU BỘ 
Khuddhaka Nikàya 
Tập VII 
Dịch Anh-Việt: G.S. Trần Phương Lan

Chuyện Tiền Thân Đức Phật (Jàtaka) IV / CHƯƠNG 8

Phẩm Tám bài kệ [03] 


-ooOoo-


417. CHUYỆN HIỀN MẪU KACCÀNI (Tiền thân Kaccàni)


Mặc áo trắng và tóc xõa vai...,

Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một người phụng dưỡng mẹ mình.

Chuyện kể rằng đó là một thiện gia nam tử ở Savatthì (Xá-vệ). Khi cha mất, chàng chuyên tâm săn sóc mẹ, hầu hạ mẹ các công việc súc miệng đánh răng, tắm rửa v.v... và đem cháo cơm thức ăn cho mẹ. Bà mẹ bảo: "Này con, có nhiều phận sự khác trong đời gia chủ, con phải cưới một cô gái nhà đàng hoàng, cô ấy sẽ săn sóc mẹ, để rồi con đi làm công việc khác thích hợp hơn". - "Mẹ ơi, chính vì lợi ích và niềm vui của con mà con hầu hạ mẹ, chứ ai khác có thể hầu để tăng gia sản của ta chứ". - "Con không màng đến đời sống gia đình. Con muốn phụng sự mẹ, sau khi mẹ qua đời, con sẽ làm ẩn sĩ khổ hạnh."

Bà mẹ cố nài ép con mãi, và cuối cùng không cần thuyết phục con hay được con chấp thuận, bà cứ đưa về một cô gái con nhà tử tế. Chàng cưới vợ và sống với nàng vì chàng không muốn trái ý mẹ, nên muốn bắt chước, nàng cũng chăm nom mẹ chồng chu đáo. Nhận thấy lòng tận tụy của vợ, chàng đem về cho nàng mọi thức ăn ngon lành mà vị ấy có thể kiếm được.

Theo thời gian, nàng dâu suy nghĩ ngu xuẩn theo kiểu kiêu hãnh của nàng: "Chàng cho ta mọi thức ăn ngon lành chàng kiếm được, chắc hẳn chàng mong muốn tống mẹ đi cho rảnh, vậy ta sẽ tìm cách làm việc đó". Một hôm nàng bảo:

- Chàng ơi, mẹ mắng tôi lúc chàng đi vắng.

Người chồng không nói gì. Nàng suy nghĩ: "Ta sẽ chọc tức bà già và làm cho con trai bà ấy không chịu nổi mẹ nữa".

Từ đó nàng đem cháo cho bà hoặc quá nóng hoặc quá lạnh, hoặc quá mặn hoặc quá nhạt. Khi bà lão than phiền cháo quá nóng hay quá mặn, nàng đổ thêm nước lạnh đầy dĩa, rồi khi nghe cháo quá lạnh hoặc quá nhạt, nàng thường kêu to:

- Mới đây mẹ bảo quá nóng và quá mặn, ai chiều chuộng bà cho được.

Lúc tắm rửa, nàng thường dội nước quá nóng lên lưng bà già, nghe bà bảo:

- Con ơi, lưng mẹ bỏng rồi đấy!

Nàng liền dội nước thật lạnh lên bà mẹ, rồi khi nghe bà than phiền, nàng bịa chuyện với hàng xóm:

- Bà già này khi thì bảo nước quá nóng, khi thì bảo nước quá lạnh, ai còn chịu đựng được sự trơ tráo của bà ấy nữa?

Nếu bà già than phiền giường bà đầy rệp, nàng sẽ đem giường ấy ra, và giũ mạnh vạt giường của nàng lên đó rồi mang nó về chỗ cũ, bảo bà:

- Tôi đã giũ nó rồi.

Bà già hiền lành lại bị rận rệp cắn nhiều gấp đôi trước kia, nên phải ngồi suốt đêm và than phiền bị rệp cắn suốt đêm, nàng đáp lại:

- Giường mẹ mới được giũ hôm qua và hôm kia nữa, ai có thể chiều chuộng mọi yêu sách của bà già này chứ?

Muốn làm cho con trai bà phản đối mẹ, nàng lại rải đờm dãi, tóc bạc khắp nơi, rồi khi chàng hỏi ai làm cho nhà cửa bừa bãi dơ bẩn như vậy, nàng thường bảo:

- Mẹ chàng làm đấy, nhưng nếu tôi bảo mẹ đừng làm vậy, thì mẹ lại la lối lên. Tôi không thể ở chung nhà với một bà chằn như vậy, chàng phải quyết định hoặc mẹ hoặc tôi ở lại đây thôi.

Chàng nghe nàng nói vậy liền bảo vợ:

- Nàng ơi, nàng còn trẻ và có thể ở nơi nào tùy ý, muốn đi đâu thì đi nhưng mẹ tôi già yếu, tôi là chỗ tựa của bà. Vậy nàng hãy đi về với người thân thuộc.

Khi nghe vậy nàng sợ hãi nghĩ thầm: "Chàng không thể xa cách người mẹ rất thân yêu đối với chàng. Còn nếu ta về nhà cũ, ta sẽ sống cuộc đời cô đơn khổ sở. Vậy ta muốn hòa giải với chồng và chăm sóc bà như xưa". Từ đó nàng làm đúng như thời trước.

Một hôm vị cư sĩ này đến Kỳ Viên nghe Pháp, đảnh lễ bậc Ðạo Sư xong, chàng đứng một bên. Bậc Ðạo Sư hỏi xem có phải chàng vẫn không xao nhãng bổn phận cũ, và vẫn tận tụy chăm sóc mẹ già chăng.

Chàng đáp:

- Thưa vâng, Bạch Thế Tôn. Mẹ con đem về cho con một cô gái để làm vợ trái ý con, nàng ấy đã làm nhiều việc không xứng đáng như vậy.

Rồi chàng kể hết mọi việc cho Ngài nghe:

- Song nàng ấy không thể ly gián mẹ con với con được, nên bây giờ nàng ấy lại chăm sóc bà hết sức cung kính.

Bậc Ðạo Sư nghe chuyện và bảo:

- Ngày nay ông không nghe theo lời vợ, nhưng ngày xưa ông đã bỏ mẹ vì nghe lời vợ xúi giục và nhờ ta đưa bà ấy về lại cho ông chăm nom.

Rồi theo lời thỉnh cầu của chàng, Ngài kể câu chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, có một thanh niên trong gia đình nọ hết lòng chăm sóc mẹ già khi cha cậu từ trần, giống như phần duyên khởi chuyện này, các chi tiết cũng được nêu ra đầy đủ như trên. Nhưng trong trường hợp này, khi người vợ bảo nàng không thể sống với bà chằn kia và chàng phải quyết định một trong hai người phải ra đi, thì chàng theo lời vợ cho rằng mẹ mình có lỗi và bảo:

- Mẹ ơi, mẹ luôn gây chiến trong nhà này, từ nay mẹ đi sống nơi khác tùy ý mẹ.

Bà mẹ nghe vậy, vừa khóc vừa đi đến nhà bạn đâu đó, làm thuê chật vật để sống qua ngày. Sau khi bà ra đi, con dâu bà mang thai sinh con trai, nên thường rêu rao với chồng và hàng xóm rằng việc sinh con ấy chưa hề xảy ra trước kia, khi còn có bà chằn ở trong nhà.

Sau khi sinh con, nàng bảo chồng:

- Tôi chưa bao giờ sinh con lúc mẹ chàng còn ở trong nhà, nay tôi đã có con: như thế chàng có thể thấy rõ bà ấy đúng là bà già chằn thuở trước rồi đó.

Bà già nghe chuyện sinh con trai được dâu bà xem là do bà ra khỏi nhà, liền suy nghĩ: "Chắc chắn thần Công chánh đã chết trên đời này, vì nếu không phải như vậy, những kẻ này đã không sinh con trai và sống sung sướng sau khi đánh đuổi mẹ mình: Ta muốn làm lễ cúng tế thần Công chánh đã chết".

Vì vậy một ngày kia, bà đem mè xay, gạo cùng một cái nồi và muỗng nhỏ, bà ra nghĩa địa đốt lửa trong cái lò làm bằng ba sọ người, rồi bà xuống suối tắm rửa đầu mình, giặt áo quần xong trở lại nơi lò lửa, xõa tóc ra và bắt đầu vo gạo.

Thuở ấy Bồ-tát là Thiên chủ Sakka, và các Bồ-tát luôn chú tâm cảnh giác. Ngay lúc ấy ngài nhìn xuống trần gian và thấy bà già khốn khổ kia đang làm lễ tống táng thần Công chánh như thể thần Công chánh đã chết. Muốn chứng tỏ uy lực của ngài trong sự cứu giúp bà, ngài giáng trần giả dạng một Bà-la-môn du hành trên đường, khi nhìn thấy bà, ngài rời đường cái đến đứng bên bà, bắt đầu câu chuyện bằng cách hỏi:

- Mẹ ơi, người ta thường không nấu cơm trong nghĩa địa. Mẹ định làm gì với cơm và mè này khi nấu xong?

Rồi ngài ngâm vần kệ đầu:

1.
Mặc áo trắng và tóc xõa vai,
Kac-cà-ni lại nấu nồi sôi,
Gạo mè bà rửa đằng kia đó,
Bà có dùng không lúc chín rồi?

Bà ngâm vần kệ thứ hai nói cho ngài biết:

2.
Ðạo sĩ ơi, tôi chẳng muốn ăn
Mè xay và cả món cơm hầm:
Giờ đây đã chết thần Công chánh,
Tôi muốn cúng dâng lễ tế thần.

Thiên chủ, hiện thân của thần Công chánh, đáp vần kệ thứ ba:

3.
Khi quyết định, bà phải nghĩ suy:
Bà nghe ai nói vọng ngôn kia?
Ngài ngàn mắt ấy đầy uy lực,
Công chánh Thần không thể chết đi.

Nghe ngài nói, bà già ngâm đôi vần kệ tiếp theo:

4.
La-môn, tôi chứng kiến rành rành,
"Công lý chết rồi." Tôi phải tin:
Tất cả kẻ nào theo ác hạnh
Hiện giờ hưởng đại phồn vinh.

5.
Dâu của tôi ngày trước hiếm hoi,
Ðánh tôi, rồi lại đẻ con trai,
Nó thành bà chủ trong nhà ấy,
Tôi bị lãng quên, bị bỏ rơi.
Thiên chủ Sakka liền ngâm vần kệ thứ sáu:

6.
Không phải đâu, ta sống mãi mà,
Nay ta giáng thế, chính vì bà,
Dâu bà đánh mẹ, song dâu cháu,
Sẽ hóa tro trong lửa của ta.

Nghe thể bà lão kêu to:

- Than ôi, ngài vừa nói gì thế? Tôi sẽ cố sức giúp cháu tôi khỏi chết.

Rồi bà ngâm vần kệ thứ bảy:

7.
Thiên chủ, mong sao hợp ý ngài,
Vì tôi, ngài đến tự trên trời,
Ước mong đôi trẻ và thằng cháu
Ðược sống đời hòa thuận với tôi.

Sau đó Thiên chủ Sakka ngâm vần kệ thứ tám:

8.
Ka-ti sẽ mãn nguyện, vì bà
Bị đánh, song bà tin tưởng ta
Công chánh, vậy cùng con, cháu nội
Sống đời hòa thuận ở trong nhà.

Bấy giờ sau khi nói xong, Sakka Thiên chủ hiện ra đủ mọi vẻ uy nghi của ngài, dùng thần lực đứng trên không và nói:

- Kaccàni, bà đừng sợ, thần lực của ta, con và dâu bà sẽ đến đây đem bà về nhà, hãy sống hòa thuận với chúng.

Rồi ngài trở về cõi của ngài.

Nhờ uy lực của Thiên chủ, con và dâu bà nghĩ đến mọi tính tốt của bà trước kia và đi tìm khắp thôn làng, họ thấy bà đã đi về phía nghĩa địa. Họ theo con đường ấy và gọi bà, khi gặp lại bà, họ quỳ xuống chân bà xin lỗi và được bà tha thứ lỗi lầm cũ.

Bà vui mừng chào đón cháu nội. Vì vậy cả bọn họ cũng hoan hỷ trở về nhà và từ đó sống chung với nhau.

9.
Với con dâu thảo lại vui mừng
Bà lão Ka-ti đã sống chung,
Thiên chủ giải hòa xung đột cũ,
Cháu con săn sóc thật ân cần.

Vần kệ này được cảm tác do Trí tuệ Tối thắng của đức Phật.

*

Sau pháp thoại, bậc Đạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Khi kết thúc các Sự Thật, vị cư sĩ được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).

Rồi Ngài nhận diện tiền thân:

- Thời ấy, người cư sĩ phụng dưỡng mẹ mình là người đang phụng dưỡng mẹ ngày nay, người vợ thời ấy là người vợ thời nay và Sakka Thiên chủ chính là Ta.

-ooOoo-


418. CHUYỆN TÁM TIẾNG KÊU (Tiền thân Atthasadda)


Ngày xưa thường gọi chốn này...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một tiếng động kinh hoàng không phân biệt được mà vua xứ Kosala đã nghe lúc nửa đêm. Hoàn cảnh này đã được tả trong Tiền Thân Lohakumbhi, số 314.

Tuy nhiên lần này, khi vua hỏi:

- Bạch Thế Tôn, việc trẫm nghe tám tiếng kêu ấy có mang lại điều gì chăng?

Bậc Ðạo Sư đáp:

- Thưa Ðại vương đừng sợ hãi: không có mối nguy gì xảy ra cho Ðại vương do các tiếng kêu ấy. Những âm thanh kinh hoàng khó phân biệt như thế không chỉ một mình Ðại vương nghe được, mà các đế vương ngày xưa cũng đã từng nghe những âm thanh tương tự và dự định theo lời khuyên của các Bà-la-môn dâng tế lễ bốn loại sinh vật, nhưng sau khi nghe các bậc hiền trí khuyên nhủ, các vua ấy đã thả tự do cho bầy súc vật được thâu góp để tế đàn và truyền đánh trống ra lệnh cấm mọi việc sát sinh.

Rồi theo lời thỉnh cầu của vua, Ngài kể câu chuyện đời xưa

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn có gia sản đến tám trăm triệu đồng tiền.

Khi lớn lên, ngài học mọi ngành nghệ thuật tại Takkasilà. Sau khi cha mẹ qua đời, ngài xem xét tất cả các kho tàng, rồi từ bỏ mọi của cải bằng cách bố thí, đoạn trừ tham dục và đến vùng Tuyết Sơn trở thành một vị khổ hạnh chuyên tâm nhập định.

Sau một thời gian, ngài trở về chốn cư trú của quần chúng để tìm muối và dấm, đến tận Ba-la-nại, nghĩ ngơi trong ngự viên. Thời ấy vua Ba-la-nại nghe tám tiếng kêu lớn trong lúc đang ngủ trên vương sàng khoảng nửa đêm: đầu tiên, một con Hạc kêu trong vườn gần hoàng cung ; thứ hai, ngay sau khi Hạc kêu, một con quạ cái kêu từ cổng chuồng voi ; thứ ba, một con mọt kêu ở nóc hoàng cung ; thứ tư, chim Sơn ca thuần dưỡng kêu trong hoàng cung ; thứ năm, một con Nai thuần dưỡng cũng kêu tại chỗ ấy; thứ sáu, một con Khỉ thuần dưỡng cũng kêu tại đó ; thứ bảy, một vị tiểu Thần sống trong hoàng cung cất tiếng kêu than ; và thứ tám, ngay sau khi tiếng kêu cuối cùng ấy, một vị Ðộc Giác Phật thốt ra một âm thanh đầy hoan lạc khi bay qua mái hoàng cung tiến về phía ngự viên.

Vua rất kinh hãi khi nghe tám tiếng kêu trên, hôm sau liền tham vấn các Bà-la-môn. Họ đồng đáp:

- Tâu Ðại vương, tai họa sắp xảy ra với Ðại vương, hãy cho phép chúng thần dâng lễ tế đàng ngoài hoàng cung.

Rồi khi được vua cho phép họ làm điều sở thích, họ hoan hỷ đến và bắt đầu chuẩn bị tế đàn. Bầy giờ, một đệ tử trẻ tuổi của vị tế sư Bà-la-môn trưởng thượng rất thông thái đa văn, chàng thưa với thầy:

- Bạch Tôn sư, không nên gây nhiều việc sát hại sinh vật độc ác và thô bạo như vậy.

- Này đệ tử, con biết gì về việc này chứ? Cho dẫu chẳng có gì khác xảy ra, chúng ta cũng được ăn một mẻ cá thịt no nê thỏa thích!

- Bạch Tôn sư, đừng vì cái bụng mà tạo ác nghiệp đưa đến tái sinh trong địa ngục.

Nghe vậy, các Bà-la-môn kia tức giận vị đệ tử muốn làm hỏng các mối lợi của họ.

Vị đệ tử sợ hãi đáp:

- Thôi được, xin cứ tìm cách lấy thật nhiều cá thịt để ăn.

Rồi chàng rời kinh thành đi tìm một vị khổ hạnh thuần thành có khả năng ngăn cản vua việc tế đàn kia. Chàng vào ngự viên và thấy Bồ-tát, liền kính chào ngài và hỏi:

- Tôn giả không có lòng bi mẫn các sinh vật sao? Vua đã ra lệnh làm tế đàn gây chết chóc cho nhiều sinh vật, Tôn giả không muốn giải thoát cho cả đám sinh linh ấy sao?

Này thanh niên Bà-la-môn, ta không biết vua nước này, vua cũng không biết ta.

- Bạch Tôn giả, Tôn giả có biết hậu quả của các âm thanh mà nhà vua đã nghe sẽ ra sao chăng?

- Ta biết chứ.

- Nếu Tôn giả biết, tại sao Tôn giả không bảo cho vua?

- Này thanh niên Bà-la-môn, làm sao ta có thể kiêu hãnh đến bảo vua: "Ta biết!" đã chứ? Nếu vua đến hỏi ta, ta sẽ báo cho ngài.

Vị Bà-la-môn trẻ tuổi vội vàng đến cung đình, và khi được hỏi có việc gì, chàng bảo:

- Tâu Ðại vương, có một vị khổ hạnh biết nguyên nhân các âm thanh mà Ðại vương đã nghe. Vị ấy đang ngồi trên vương tọa trong ngự viên và bảo vị ấy sẽ trình bày với Ðại vương nếu Ðại vương hỏi. Xin Ðại vương hãy làm như vậy.

Vua vội vàng đến kính lễ vị khổ hạnh và sau khi ân cần chào nhau, vua ngồi xuống và hỏi:

- Có thật Tôn giả biết nguyên nhân tám tiếng kêu mà trẫm đã nghe chăng?

- Tâu Ðại vương, phải.

- Vậy xin Tôn giả nói cho trẫm.

- Tâu Ðại vương, không có gì nguy hiểm liên hệ đến các âm thanh kia. Trước hết, có một con Hạc trong ngự viên cũ của Ðại vương thiếu thức ăn nên đói lả gần chết và thốt tiếng kêu ấy.

Như thế, do tri kiến của ngài, ngài vừa nêu rõ ý nghĩa tiếng kêu của con Hạc, vừa ngâm vần kệ đầu:

Tiếng Hạc:

1.
Ngày xưa thường gọi chốn này
Ao sâu, tôm cá lội đầy tung tăng,
Là nơi cư trú Hạc vương,
Tổ tiên ta cũng sống thường trước kia.
Dẫu ăn ếch nhái bây giờ,
Chúng ta không thể xa bờ ao xưa.

- Tâu Ðại vương, đó là tiếng kêu của con Hạc trong cơn đói lả, nếu Ðại vương muốn nó khỏi đói, xin hãy ra lệnh dọn vườn sạch sẽ và đổ nước đầy ao.

Vua liền bảo một vị triều thần sai người làm việc này.

Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ hai:

Tiếng Quạ:

2.
Anh chàng một mắt Ban-ra
Là ai mà cứ phá nhà của tôi?
Bầy chim mới nở, than ôi!
Ai người thân thiện cứu tôi khốn cùng?

Rồi ngài hỏi vua về tên của người trưởng đám quản tượng ở chuồng voi.

- Thưa Tôn giả, tên y là Bandhura.

- Tâu Ðại vương, y chỉ có một mắt ư?

- Thưa Tôn giả, phải.

- Tâu Ðại vương, có một con Quạ làm tổ trên cổng chuồng voi, nó đẻ trứng tại đó và đúng kỳ hạn trứng đã nở thành chim non. Mỗi khi người quản tượng ra vào chuồng voi để chăm sóc voi, y hay lấy cái móc đập vào con Quạ và tổ chim non để phá tổ. Con Quạ trong lúc nguy khốn chỉ muốn mổ mắt y nên thốt ra tiếng kêu ấy. Nếu Ðại vương có thiện ý với nó, xin hãy truyền Bandhura vào chầu và cấm y phá tổ quạ.

Vua truyền gọi Bandhura vào, khiển trách y và giao chuồng voi cho kẻ khác.

- Tâu Ðại vương, trên nóc hoàng cung có một con Mọt gỗ, nó đã ăn hết gỗ sung tại đó và không thể ăn thứ gỗ cứng hơn. Vì thiếu thức ăn và không thể bò ra ngoài, nên nó thốt tiếng kêu thứ ba để than vãn. Ðại vương không cần sợ nó.

Rồi nhờ tri kiến của ngài, ngài vừa nêu rõ ý nghĩa tiếng Mọt gỗ kêu vừa ngâm vần kệ thứ ba:

- Tiếng Mọt gỗ:

3.
Ta vừa ăn hết gỗ sung,
Mọi nơi ta đã đi vòng quanh co,
Gỗ nào cứng, mọt khó ưa,
Còn thức ăn khác ở xa dưới mình!

Vua bảo một cung nhân tìm cách giải thoát con mọt.

- Tâu Ðại vương, trong cung thất có con chim Sơn ca thuần dưỡng nào chăng?

- Thưa Tôn giả, có chứ.

Tâu Ðại vương, con Sơn ca ấy héo mòn vì mong mỏi về rừng mỗi khi nó nhớ lại quãng đời cũ:

"Làm sao rời khỏi lồng này,
Làm sao trở lại rừng ấy thân tình?"

Vì thế nó thốt lên tiếng kêu thứ tư, xin Ðại vương chớ lo sợ việc ấy.

Rồi ngài ngâm vần kệ thứ tư:

Tiếng Sơn ca:

4.
Ước gì rời chốn cung đình!
Ước gì giải thoát thân mình tự do!
Hân hoan bay lượn rừng già,
Rồi ta xây tổ của ta trên cành.

Ngâm kệ xong, ngài thêm:

- Tâu Ðại vương, chim Sơn ca ấy đang mòn mỏi đợi chờ, xin Ðại vương thả nó ra.

Vua nghe theo lời ngài.

- Tâu Ðại vương, trong cung thất có con Nai thuần dưỡng nào chăng?

- Thưa Tôn giả, có chứ.

- Tâu Ðại vương, con Nai ấy là trưởng đoàn, nó nhớ nai cái và mòn mỏi vì nặng tình thương nai cái nên nó thốt tiếng kêu thứ năm. Ðại vương không nên sợ hãi chuyện ấy.

Rồi ngài ngâm vần kệ thứ năm:

Tiếng Nai:

5.
Ước gì rời chốn cung đình!
Ước gì giải thoát thân mình vui sao!
Uống dòng nước suối trong veo,
Dẫn đàn nai vẫn bước theo sau mình!

Bậc Ðại Sĩ làm cho con Nai được giải thoát và nói tiếp:

- Tâu Ðại vương, có con Khỉ thuần dưỡng nào ở trong cung chăng?

- Thưa Tôn giả, có chứ.

Con Khỉ ấy là chúa đàn khi ở vùng Tuyết Sơn, nó thích thú bầu bạn với đám khỉ cái. Trước kia nó được một thợ săn tên Bharata đem về đây. Nay nó đang mòn mỏi mong ước trở về chốn cư ngụ xưa nên nó thốt tiếng kêu ấy. Xin Ðại vương đừng sợ chuyện này.

Rồi ngài ngâm vần kệ thứ sáu:

Tiếng Khỉ:

6.
Lòng ta nặng trĩu dục tình,
Với bao ước vọng thân mình nhiễm ô,
Bha-ta, lạp hộ bắt ta,
Ước mong phước phận lão gia tràn trề!

Bậc Ðại Sĩ bảo thả con Khỉ ra và tiếp tục nói:

- Tâu Ðại vương, có vị tiểu Thần nào giữ kho báu ở trong cung chăng?

- Thưa Tôn giả, có chứ.

- Tâu Ðại vương, vị ấy nhớ lại đời sống cũ với một nữ thần, vợ vị ấy, nên trong lúc đau khổ vì dục vọng đã thốt lên tiếng kêu thứ bảy. Một hôm vị ấy cùng vợ trèo lên đỉnh non cao. Hai vị lượm hoa và tô điểm cho nhau nhiều loại hoa đủ màu sắc hương vị đặc biệt, nên không hề lưu ý rằng mặt trời đang lặn và bóng đêm bao trùm trong khi họ leo xuống. Nữ thần bảo: "Này chàng, trời tối rồi, chàng hãy xuống cẩn thận kẻo ngã". Và vừa nắm tay chồng, nàng vừa đưa chồng xuống. Chính vì nhớ lại các lời nói của vợ mà vị Thần này thốt tiếng kêu, Ðại vương không cần phải sợ chuyện ấy.

Do tri kiến của ngài, ngài vừa giải thích trường hợp này một cách chính xác vừa ngâm vần kệ thứ bảy:

Tiếng vị Thần:

7.
Bóng đêm dày đặc kéo về
Trên non cao nọ tứ bề cô đơn,
"Xin chàng đừng ngã trượt chơn",
Nàng khe khẽ nhắc bên sườn đá xưa.

Như vậy Bậc Ðại Sĩ giải thích tại sao vị Thần thốt tiếng kêu và ngài bảo thả vị ấy ra, rồi nói tiếp:

- Tâu Ðại vương, còn âm thanh thứ tám là tiếng reo cực lạc. Một vị Ðộc Giác Phật ở động Nandamùla biết rằng các hành (các điều kiện tái sinh) sắp đoạn tận đốc với vị ấy, liền đến nơi cư trú của quần chúng, và suy nghĩ: "Ta muốn chứng đắc Niết-bàn vô dư y trong ngự viên của Ba-la-nại. Quân hầu của vua sẽ chôn cất ta, làm lễ cúng dường và cung kính xá lợi của ta, nhờ vậy sẽ sinh lên cõi thiên".

Vị ấy dùng thần lực bay đến đây và ngay khi chạm mái hoàng cung, vị ấy liền buông xả gánh nặng sinh tử và ca khúc hoan lạc làm chói sáng lối vào cảnh giới Niết-bàn.

Rồi ngài ngâm vần kệ thứ tám do vị Ðộc Giác Phật cảm tác:

Tiếng vị Ðộc Giác:

8.
Tái sinh đã tận với ta,
Không vào thai mẹ từ giờ về sau,
Ðây đời cuối ở địa cầu
Sắp tàn cùng mọi khổ đau phàm trần.

Cùng với những lời cực lạc này, vị ấy đến ngự viên và đắc Niết-bàn vô dư y dưới gốc cây Sàla đang nở rộ hoa.

Rồi Bậc Ðại Sĩ đưa vua đến nơi vị Ðộc Giác Phật đắc Niết-bàn và chỉ cho vua phần nhục thân của Ngài. Thấy vậy, vua cùng đoàn quân đông đảo đem hương hoa đến cung kính làm lễ cúng dường.

Theo lời khuyên của Bồ-tát, vua đình chỉ việc tế đàn, cho mọi sinh vật được sống, truyền rao trống lệnh khắp kinh thành cấm sát sinh, cử hành đại lễ suốt bảy ngày, rồi làm lễ hỏa táng thân vị Ðộc Giác Phật rất trọng thể trên hỏa đài chất đầy hương liệu và xây tháp ở ngã tư đường.

Bồ-tát thuyết giảng Chánh pháp cho vua và khuyên nhủ vua tinh cần. Sau đó ngài trở về Tuyết Sơn, thực hành Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) và không hề gián đoạn Thiền định nên được sinh vào cõi Phạm thiên.

*

Sau Pháp thoại, bậc Ðạo Sư bảo:

- Thưa Ðại vương, không có gì nguy hiểm cho Ðại vương do các tiếng kêu ấy, vậy hãy đình chỉ tế đàn và ban sự sống cho các sinh vật này.

Rồi vua bảo truyền trống lệnh đi khắp kinh thành tha mạng các súc vật.

Xong, Ngài nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy nhà vua là Ànanda, vị đệ tử Bà-la-môn là Sàriputta và nhà khổ hạnh chính là Ta.

-ooOoo-


419. CHUYỆN KIỀU NỮ SULASÀ (Tiền thân Sulasà)


Này đây là chiếc vòng vàng...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một nữ tỳ của ông Cấp Cô Ðộc.

Chuyện kể rằng vào một ngày lễ hội, khi nàng sắp đi cùng đám gia nhân đến một lạc viên, nàng xin nữ chủ nhân Punnalakkhanadevì (Phước Tướng) cho nàng một món nữ trang để đeo. Bà chủ cho nàng một món tư trang của bà trị giá một trăm ngàn đồng tiền. Nàng đeo vào cổ và cùng đám gia nhân đi đến chỗ vui chơi. Một tên trộm thèm món nữ trang kia, với dự định giết nàng để đoạt của, hắn lân la đến nói chuyện với nàng và tại khu vườn kia, hắn cho nàng ăn cá thịt và uống rượu mạnh. Nàng suy nghĩ: "Ta chắc chàng làm vậy vì chàng thích ta". Vào buổi chiều tối khi mọi người nằm xuống nghỉ ngơi sau các cuộc chơi, nàng đứng dậy đi tìm hắn. Hắn bảo:

- Này cô nương, chỗ này không kín đáo, ta hãy đi xa hơn một chút.

Nàng suy nghĩ: "Bất cứ việc gì thầm kín đều có thể xảy ra tại nơi này. Chắc chắn anh chàng muốn giết ta và đoạt món nữ trang ta đang đeo. Vậy ta sẽ dạy anh chàng một bài học". Vì thế nàng bảo:

- Thưa Tôn ông, em đang khát nước khô cổ họng vì uống rượu mạnh. Xin hãy kiếm cho em một ít nước.

Rồi đưa hắn đến giếng, nàng vừa bảo hắn kéo nước vừa chỉ cho hắn sợi dây thừng và chiếc gàu. Tên trộm thả gàu xuống. Rồi ngay khi hắn cúi mình để kéo nước lên, cô nữ tỳ, vốn rất lực lưỡng, liền đẩy mạnh hắn với đôi bàn tay và hất hắn xuống giếng. Nàng bảo:

- Mi chẳng chết vì cách này đâu.

Rồi ném một cục gạch lớn trên đầu hắn. Hắn chết liền tại chỗ. Khi nàng trở về thành và trả lại bà chủ món nữ trang, nàng bảo:

- Con suýt bị giết hôm nay vì món nữ trang ấy,

Rồi nàng kể toàn thể câu chuyện. Bà chủ kể chuyện với ông Cấp Cô Ðộc và ông trình với đức Như Lai. Bậc Ðạo Sư bảo:

- Này gia chủ, đây không phải là lần đầu người nữ tỳ có trí thông minh phát xuất kịp thời, mà ngày xưa cũng vậy. Ðây không phải lần đầu giết kẻ ấy, mà trước kia cũng có lần giết nó.

Và theo lời của ông Cấp Cô Ðộc, ngài kể một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, có một kiều nữ của kinh thành tên gọi là Sulasà, làm chủ một đoàn năm trăm kỹ nữ sang trọng, giá mỗi đêm hưởng lạc với nàng là một ngàn đồng tiền.

Cũng trong kinh thành này có một tướng cướp tên Sattuka, khỏe mạnh như voi, vẫn thường đột nhập các nhà giàu vào ban đêm để cướp của thỏa thích. Dân trong thành tụ tập lại lập cáo trạng tâu với vua.

Vua ra lệnh quân lính canh đóng rải rác khắp nơi để bắt tướng cướp và xử trảm. Họ trói tay hắn ra đằng sau và vừa dẫn hắn ra pháp trường, vừa đánh roi khắp mình mẩy. Lúc ấy nàng Sulasà đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường, thấy tướng cướp bỗng nhiên đâm ra si tình hắn và suy nghĩ: "Nếu ta có thể giải nguy cho chàng chiến sĩ lực lưỡng này, ta sẽ từ bỏ cuộc đời xấu xa hiện nay của ta và sống chân chánh với chàng".

Theo cách được tả trong Tiền thân Kanavera, số 318, nàng lấy lại tự do cho hắn bằng cách gởi một ngàn đồng tiền vàng và đến tặng viên thị trưởng rồi sau đó sống hạnh phúc hòa hợp với hắn. Sau chừng ba bốn tháng, tướng cướp suy nghĩ: "Ta sẽ chẳng bao giờ có thể ở một nơi như vầy, nhưng ta không thể ra đi tay không. Nữ trang của Sulasà trị giá một trăm ngàn đồng tiền. Ta muốn giết nàng và lấy của".

Vì vậy một hôm hắn bảo nàng:

- Ái nương ơi, khi ta đang bị quân lính nhà vua kéo đi, ta hứa cúng lễ vật cho một vị thần cây trên đỉnh núi, nay vị ấy đang đe dọa ta vì ta không trả lễ. Vậy chúng ta hãy đi dâng lễ thần.

- Thưa lang quân, tốt lắm, chúng ta hãy chuẩn bị lễ vật gửi đi cúng thần.

- Này ái nương, gửi lễ vật cúng thần không công hiệu gì đâu. Chúng ta hãy cùng đi dâng lễ mang theo một món tư trang và đám hầu cận.

- Thưa lang quân, được rồi, chúng ta cùng làm vậy.

Hắn bảo nàng chuẩn bị lễ vật và khi họ đến chân núi, hắn bảo:

- Này ái nương, vị thần này thấy đông người sẽ không nhận lễ vật, vậy hai ta cùng đi lên núi dâng lễ.

Nàng thỏa thuận và hắn bảo nàng mang chiếc bình. Phần hắn đã chuẩn bị hết sức chu đáo. Khi cả hai đến đỉnh núi, hắn đặt lễ vật xuống gốc cây mọc cạnh bờ vực cao gấp trăm lần một người thuờng, và bảo:

- Này ái nương, ta không đến đây để dâng lễ vật, mà ta đến với ý định giết nàng rồi trốn đi với mọi tư trang của nàng, vậy hãy cởi ra hết và góp thành một bó trong áo khoác của nàng kia.

- Này lang quân tại sao chàng muốn giết thiếp?

- Vì tiền của nàng đấy.

- Lang quân ơi, hãy nhớ lại mọi việc tốt lành mà thiếp đã làm cho chàng. Khi chàng bị xiềng tay chân và kéo đi xử trảm, thiếp đã bỏ một anh chàng nhà giàu chỉ vì chàng và trả một số tiền lớn để cứu chuộc chàng. Dù thiếp có kiếm được một ngàn đồng tiền mỗi ngày, thiếp cũng không nhìn đến một nam nhân nào khác. Thiếp đã làm ân nhân của chàng như vậy. Xin chàng đừng giết thiếp. Thiếp nguyện trao cho chàng thật nhiều tiền và làm nô tỳ cho chàng.

Cùng với lời khẩn cầu này, nàng ngâm vần kệ đầu:

1.
Này đây là chiếc vòng vàng,
Này đây ngọc bích cùng tràng hạt trai,
Lấy đi tất cả chàng ôi,
Xin chàng cho thiếp làm tôi tớ chàng!

Khi ấy Sattuka ngâm vần kệ thứ hai phù hợp với mục đích của hắn, đó là:

2.
Ðể vàng ngọc xuống, kiều nương,
Và nàng đừng có khóc thương buồn phiền,
Ta nay muốn giết nàng liền
Vì ta không chắc hưởng tiền hồi môn!

Trí khôn của Sulasà xuất hiện kịp thời, nàng suy nghĩ: "Tên cướp này không muốn cho ta sống, vậy ta sẽ đoạt mạng hắn trước bằng cách ném hắn xuống vực sâu", và nàng ngâm hai vần kệ tiếp:

3.
Suốt bao năm tháng lớn khôn,
Với bao hồi tưởng trong hồn thật chân,
Thiếp thề giữa cõi phàm trần
Không người nào đã thiết thân hơn chàng.

4.
Ðến đây lần nữa cuối cùng,
Thiếp xin kính lễ trong vòng bàn tay,
Chẳng bao giờ ở đời này
Ðôi ta gặp mặt từ đây hỡi chàng!

Sattuka không thể hiểu được mục đích của nàng, liền nói:

- Tốt lắm, này ái nương, hãy đến ôm ta trong tay nàng.

Salasà đi vòng quanh hắn cung kính cuối chào ba lần, vừa hôn hắn vừa bảo:

- Này lang quân, bây giờ thiếp sắp đảnh lễ chàng tứ phía.

Nàng đặt đầu nàng lên chân hắn, vái chào hai bên, xong đi vòng ra phía sau hắn như thể sắp vái chào hắn tại đó, rồi với sức mạnh như voi, nàng nắm hai cẳng hắn ném hắn lộn ngược đầu xuống dưới vực thẳm của tử thần cao gấp trăm ngàn lần một người thường. Hắn tan thân và chết tại chỗ.

Thấy việc này, vị thần trên đỉnh núi ngâm các vền kệ sau:

5.
Trí tuệ khôn ngoan cũng lắm khi
Không dành riêng với bọn nam nhi,
Nữ nhi có thể nhiều minh trí
Xuất hiện trong tình thế hiểm nguy.

6.
Trí tuệ khôn ngoan cũng lắm khi
Không dành riêng với bọn nam nhi,
Nữ nhi nhanh trí nhiều mưu kế
Dự định làm công việc kịp thì.

7.
Cô nàng bày tỏ trí khôn ngoan
Hiểu biết tinh thông mọi lối đường,
Ðã giết anh chàng này chẳng khác
Giết con nai với chiếc cung giương.

8.
Người nào khi gặp cảnh cùng đường,
Không thể vươn lên để thoát thân
Sẽ ngã nhào như tên trộm ngốc
Ngã vào trong vực thẳm tan xương.

9.
Còn kẻ tinh nhanh ấy sự tình
Hiểm nguy đến với số phần mình,
Như nàng được thoát thân ra khỏi
Cừu địch bên mình đáng hãi kinh.

Như vậy Sulasà đã giết tên cướp nọ. Khi nàng xuống núi và đứng giữa đám hầu cận, họ hỏi chồng nàng đâu. Nàng bảo:

- Ðừng hỏi ta nữa!

Rồi leo lên xe, nàng đi thẳng về kinh thành.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy hai kẻ ấy chính là hai người bây giờ, và vị Thần núi ấy chính là Ta.

-ooOoo-


420. CHUYỆN NGƯỜI GIỮ NGỰ VIÊN SUMANGALA (Tiền thân Sumangala)


Ý thức giận hờn, nét mặt cau...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc khuyến giáo một vị vua. Trong dịp này, theo lời yêu cầu của vua, Bậc Ðạo Sư kể câu chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bố-tát được sinh làm hoàng tử của một chánh hậu. Khi lớn lên, vua cha băng hà, ngài lên làm vua và thực hành đại bố thí. Ngài có một người giữ ngự viên tên là Sumangala.

Thuở ấy một vị Ðộc Giáo Phật rời động Nandamùla để du hành khất thực, và khi đến Ba-la-nại, Ngài ở lại trong ngự viên. Hôm sau Ngài vào thành Khất thực. Vua đón Ngài với vẻ ân cần đặc biệt, mời Ngài vào cung ngồi trên bảo tọa, thiết đãi đủ món ăn thượng vị, loại cứng loại mềm, và nhận lời tùy hỷ công đức của Ngài xong, liền khẩn cầu Ngài hứa một lời rồi truyền đưa Ngài trở lại ngự viên.

Sau bữa điểm tâm, vua thân hành đền sắp đặt nơi cư trú để Ngài ở suốt ngày đêm và cho người giữ ngự viên Sumangala đến hầu cận Ngài xong, mới thở về thành. Sau đó vị Ðộc Giác Phật thường ăn uống tại cung vua và ở lại ngự viên một thời gian dài, còn Sumangala vẫn cung kính hầu hạ Ngài.

Một hôm Ngài ra đi, bảo Sumangala:

- Ta sắp đi đến làng kia vài ngày, song ta sẽ trở lại đây. Hãy trình với đức vua.

Sumangala liền trình lên vua việc này. Sau vài ngày ở tại làng kia,vị Ðộc Giác Phật trở lại ngự viên vào buổi chiều tối.

Sumangala không biết Ngài trở lại, nên cũng đã đi về nhà. Vị Ðộc Giác Phật cất y bát, và sau khi dạo chơi giây lát, Ngài ngồi xuống một phiến đá.

Hôm ấy có vài người khách lạ đến nhà người giữ ngự viên. Muốn nấu món súp và cà-ri đãi khách, y cầm cung đi giết một con nai nuôi trong ngự viên. Y đang tìm nai thì chợt thấy vị Ðộc Giác Phật, tưởng đó là một con nai lớn, y nhắm một mũi tên và bắn Ngài. Vị Ðộc Giác Phật mở khăn trùm đầu ra và gọi:

- Sumangala!

Vô cùng xúc động, Sumangala đáp:

- Thưa Tôn giả, con không biết Tôn giả đã về nên bắn Tôn giả vì tưởng là nai. Xin Tôn giả tha thứ cho con.

- Ðược lắm, nhưng ông sẽ làm gì bây giờ? Này, hãy rút mũi tên ra mau!

Y đảnh lễ rồi rút mũi tên ra. Vị Ðộc Giác Phật cảm thấy vô cùng đau đớn và đắc Niết-bàn vô dư y ngay tại đó. Người giữ vườn nghĩ rằng vua sẽ không tha thứ nếu biết chuyện này, y liền đem vợ con trốn đi.

Nhờ thần lực, cả kinh thành đều biết tin vị Ðộc Giác Phật đã đắc Niết-bàn và mọi người vô cùng xúc động. Hôm sau một số người vào ngự viên, thấy di hài của Ngài liền tâu trình vua rằng người giữ ngự viên đã chạy trốn sau khi giết vị Ðộc Giác Phật.

Vua cùng đông đảo tùy tùng đến lễ bái di hài ấy suốt bảy ngày, rồi hỏa táng trọng thể xong, lấy xá-lợi và xây tháp thờ. Sau đó vua vẫn thường cúng dường tháp xá-lợi và cai trị đúng Pháp.

Năm sau, Sumangala quyết đi tìm hiểu xem vua nghĩ về việc này ra sao, y đến yết kiến và hỏi một vị triều thần để xem vua nghĩ gì về y. Vị triều thần ca ngợi Sumangala trước mặt vua, nhưng vua làm như thể không nghe gì cả. Ông không nói thêm nữa, nhưng sau báo cho Sumangala biết vua không hài lòng về y.

Một năm sau nữa, y lại đến và năm thứ ba, y đem vợ con đến. Vị triều thần biết vua đã nguôi giận nên bảo Sumangala ở cung môn và tâu vua rằng Sumangala đã đến chầu. Vua truyền y vào, sau nghi thức chào mừng, vua hỏi:

- Này Sumangala, tại sao ngươi giết vị Ðộc Giác Phật là người mà ta đang cúng dường để tạo công đức?

- Tâu Ðại vương, tiểu thần không cố ý giết Ngài, nhưng chỉ vì duyên cớ này mà tiểu thần phạm tội.

Rồi y kể lại chuyện cũ. Vua bảo y đừng sợ, và vừa trấn an y vừa cho y giữ chức ngự viên như cũ.

Sau đó triều thần hỏi:

- Tâu Ðại vương, tại sao Ðại vương không trả lời khi nghe những lời ca ngợi Sumangala hai lần trước và lần thứ ba nghe chuyện, Ðại vương lại truyền y vào chầu và tha thứ cho y?

Vua phán:

- Này Hiền khanh, một vị vua hành động vội vã lúc nóng giận là điều sai lầm, vì vậy trẫm im lặng lần đầu, và lần thứ ba khi trẫm hiểu mình đã nguôi giận, mới truyền gọi Sumangala.

Về việc này ngài ngâm các vần kệ nêu rõ phận quân vương:

1.
Ý thức giận hờn, nét mặt cau,
Quân vương đừng giáng trận đòn đau,
Những điều bất xứng ngôi Thiên tử
Sẽ tiếp theo sau cái gật đầu.

2.
Ý thức tính tình bớt khắt khe,
Quân vương ban pháp lệnh ra uy,
Khi nào vụ án đà thông hiểu,
Hãy xác định các hình phạt thích nghi.

3.
Không giận mình và chẳng giận ai,
Biết phân biệt rõ đúng và sai,
Dù vua ngự trị trên quần chúng,
Ðức hạnh khiến vua vĩ đại hoài.

4.
Vua chúa buông lung các việc công,
Thực hành roi trượng chẳng bao dung,
Ô danh dưới thế phần vua hưởng,
Ðịa ngục đợi chờ lúc mạng chung.

5.
Người nào yêu đạo đức hiền nhân,
Trong sạch vẹn toàn khẩu, ý, thân,
Ðầy đủ từ tâm, an tịnh quý,
Vượt qua hai thế giới phàm trần.

6.
Trẫm là vua chúa của thần dân,
Sân hận không ngăn cản ý tâm,
Khi trẫm cầm gương đi trị tội,
Từ tâm thúc đẩy phạt công bằng.

Như vậy vua đã nêu rõ mọi đức tính của mình qua sáu vần kệ, tất cả triều thần đều hoan hỷ và tán thán các công hạnh vua qua lời tung hô:

- Các pháp thực hành đức hạnh ưu thắng như vậy thật xứng với Ðại vương!

Sau khi cả triều đình tán thán xong, Sumangala cung kính đảnh lễ vua và sau đó ngâm ba vần kệ ca ngợi ngài:

7.
Uy lực vinh quang của Ðại vương,
Ðừng bao giờ bỏ đạo luân thường,
Thoát ly sân hận và kinh hãi,
Trị nước trăm năm mãi lạc an.

8.
Vương tử có đầy đức tính trên
Nhân từ, song đạo hạnh trung kiên,
Trị toàn dân với lòng công chánh,
Khi bỏ cõi đời, đến cõi thiên.

9.
Lời nói thật chân với thiện hành,
Dùng phương tiện tốt đạt công thành,
Trấn an quần chúng còn dao động,
Như đám mây mưa thật mát lành.

*

Sau bài Pháp thoại liên hệ việc giáo hóa vua Kosala, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy vị Ðộc Giác Phật đắc Niết-bàn vô dư y, Sumangala là Ànanda và vua chính là Ta.

-ooOoo-


421. CHUYỆN NGƯỜI HỚT TÓC GANGAMÀLA (Tiền thân Gangamàla)


Ðịa cầu nòng rực như than..,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc thực hành các ngày trai giới.

Một hôm bậc Ðạo Sư dạy các cư sĩ đang giữ ngày trai giới và bảo:

Này các cư sĩ, giới hạnh của các ông thật tốt lành, khi giữ ngày trai giới, các vị phải bố thí, trì giới không sân hận, khởi tâm từ và thực hành mọi phận sự trong ngày ấy. Các bậc trí nhân ngày xưa đạt đại vinh hiển dầu chỉ nhờ giữ được một phần các ngày trai giới.

Và theo lời thỉnh cầu của họ, Ngài kể câu chuyện đời xưa

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, có một phú thương trong kinh thành tên là Suciparivàra, gia sản lên tới tám trăm triệu đồng, chuyên tâm bố thí và làm các thiện sự khác. Vợ con, toàn thể gia nhân của ông cho đến bọn chăn trâu bò đều giữ sáu ngày trai giới mỗi tháng.

Thời ấy Bồ-tát được sinh vào một nhà nghèo kiếm kế sinh nhai chật vật bằng cách làm thuê. Vì mong có việc làm, ngài đến nhà phú thương Suciparivàra, khi chào chủ xong, ngồi xuống một bên, và được hỏi đến đây có việc gì, ngài đáp:

- Tôi đến để xin việc làm công trong nhà ông.

Thời ấy, khi những người làm công đến, vị phú thương thường bảo họ:

- Trong nhà này mọi công nhân đều giữ ngày trai giới, nếu chú có thể giữ giới thì chú mới có thể làm việc cho ta.

Song đối với Bồ-tát, vị ấy không tỏ vẻ muốn nói đến chuyện giữ giới mà chỉ bảo:

- Tốt lắm, này thiện nam, chú có thể làm việc cho ta và trù liệu tiền lương của chú.

Từ đó Bồ-tát làm mọi công việc của phú thương một cách nhẫn nại nhiệt tình, không hề nghĩ đến nỗi mệt nhọc riêng mình, ngài đi làm từ sáng sớm đến chiều tối trở về.

Một hôm dân chúng làm lễ hội ở kinh thành, vị phú thương bảo người tỳ nữ:

- Hôm nay là ngày hội, cô phải nấu cơm cho công nhân thật sớm. Họ sẽ ăn sớm và giữ giới kiêng ăn từ đó đến hết ngày.

Bồ-tát dậy sớm và đi làm việc. Trước đó không ai bảo ngài phải giữ giới kiêng ăn hôm ấy. Các công nhân kia ăn từ sớm và kiêng ăn. Vị phú thương cùng vợ con, gia nhân đều giữ giới kiêng ăn, mọi người đều trở về nhà riêng ngồi suy tư về các giới điều. Bồ-tát làm việc suốt ngày xong trở về nhà lúc trời tối. Người nữ tỳ đầu bếp đưa cho ngài nước rửa tay và một dĩa cơm lấy từ trong nồi. Bồ-tát bảo:

- Vào giờ này ngày thường rất ồn ào, thế mọi người đi đâu cả hôm nay?

- Họ đang giữ giới kiêng ăn và mỗi người đều về nhà riêng rồi.

Ngài suy nghĩ: "Ta không muốn làm người duy nhất phạm giới giữa nhiều người giữ giới như vậy". Vì thế ngài đi hỏi vị phú thương xem có thể giữ giới kiêng ăn bằng cách thi hành mọi phận sự vào giờ đó không. Ông bảo ngài không thể thực hành mọi phận sự, bởi vì việc đó đã không được làm từ sáng sớm nhưng một nửa phận sự thì có thể làm được. Ngài đáp:

- Mong được như vậy.

Và thực hành phận sự ngay trước mặt chủ nhân, ngài bắt đầu giữ giới kiêng ăn, rồi về nhà nằm suy nghĩ về các giới điều. Vì ngài không ăn gì suốt ngày, nên vào canh cuối ngài cảm thấy đau nhói như dao đâm.

Vị phú thương mang cho ngài một số thuốc giảm đói và bảo ngài dùng chúng, nhưng ngài bảo:

- Tôi sẽ quyết không phá giới kiêng ăn, tôi đã nguyện trì giới dù phải thiệt mạng.

Cơn đau đớn trở nên mãnh liệt và đến tảng sáng ngài bất tỉnh. Họ bảo ngài sắp chết nên đem ngài ra ngoài, đặt vào một nơi an nghỉ. Ngay lúc lấy, vua Ba-la-nại trên chiếc vương xa cùng đoàn hộ tống đông đảo đến nơi ấy trong lúc diễu quanh kinh thành. Bồ-tát thấy vẻ huy hoàng của vua, sinh lòng ao ước làm vua và cầu nguyện điều ấy. Khi mạng chung, do kết quả việc giữ nửa ngày trai giới trên, ngài được nhập mẫu thai vị chánh hậu.

Bà trải qua đủ mọi nghi lễ của thời kỳ thụ thai rồi sinh một hoàng nam sau mười tháng. Hài nhi được đặt tên là Udaya. Khi lớn lên, vương tử trở nên hoàn hảo trong mọi ngành học thuật, nhờ trí hồi tưởng các đời trước, ngài nhớ lại các công hạnh thuở xưa và nghĩ rằng chính nhờ một thiện nghiệp nhỏ tạo nên một phước báo lớn, ngài thường hát khúc ca hoan lạc nhiều lần. Khi vua cha băng hà, ngài được trao cả vương quốc và nhận thấy cảnh đại vinh quang của mình, ngài lại hát khúc ca hoan lạc cũ.

Một hôm dân chúng chuẩn bị lễ hội trong kinh thành. Một đám đông định tụ tập nhau định bày trò vui chơi giải trí. Một người gánh nước sống gần cổng Bắc thành Ba-la-nại đã dấu nửa đồng xu trong viên gạch ở bức tường bao quanh thành. Y sống chung với một người đàn bà nghèo khổ cũng làm nghề gánh nước. Vợ y bảo:

- Chàng ơi, hôm nay có lễ hội trong thành phố, nếu chàng có tiền, ta hãy đi vui chơi nhé.

- Nàng ơi, ta có tiền đấy.

- Bao nhiêu?

- Nửa xu.

- Ở đâu?

- Trong viên gạch bên cổng Bắc, cách đây mười hai do-tuần (dặm), ta chôn tiền tại đó. Song nàng có gì trong tay chăng?

- Thiếp có đấy.

- Bao nhiêu?

- Nửa xu.

- Vậy nửa xu của nàng và của ta hợp thành một xu. Ta sẽ đi mua một tràng hoa với một phần ba số tiền ấy, hương liệu với một phần ba và rượu nồng với một phần ba. Nàng hãy đi tìm nửa xu ở nơi cất tiền đem đến đây.

Y thích thú với ý tưởng do lời vợ gợi lên, liền bảo:

- Nàng ơi, đừng lo gì, ta sẽ đi tìm nửa xu về đây.

Rồi y ra đi. Y mạnh như voi, vừa đi khoảng hơn sáu dặm, và mặc dù trời giữa trưa, y vẫn rảo bước trên cát nóng như thể được rải than vừa tắt lửa vì y rất thích thú với nỗi ham muốn được bạc. Trong bộ y phục cũ màu vàng điểm thêm lá thốt nốt giắt bên tai, y vừa đi ngang sân chầu để theo đuổi mục đích của mình vừa ca hát.

Vua Udaya đứng bên cửa sổ mở, thấy y đi đến, không biết y là ai mà lại coi thường nắng gió như vầy, vừa đi vừa hát, liền bảo nô tỳ đi gọi y vào.

Y được lệnh:

- Hoàng thượng truyền gọi chú vào.

Nhưng y đáp:

- Hoàng thượng có nghĩa gì với ta chứ? Ta không biết hoàng thượng!

Y liền bị lôi vào và đứng chầu một bên.

Sau đó, vua ngâm hai vần kệ hỏi y:

1.
Ðịa cầu nóng rực như than,
Ðất đai như đống tro than nóng bừng,
Song ngươi ca hát vang lừng,
Khí trời gay gắt chẳng nung ngươi nào!

2.
Mặt trời kia ở trên cao,
Dưới này cát nóng khác nào lò than,
Song ngươi ca hát lừng vang,
Khí trời nắng gắt chẳng làm cháy ngươi.

Nghe lời vua, y liền ngâm vần kệ thứ ba:

3.
Chính vì tham dục đốt tôi,
Chứ không phải ánh mặt trời nấu nung,
Chính vì phận sự trong lòng
Thúc tôi vội vã làm xong mọi phần.

Vua hỏi y có việc gì. Y đáp:

- Tâu Ðại vương, hạ thần sống gần cổng Nam với một người vợ nghèo. Vợ thần tỏ ý muốn chúng thần cùng vui chơi lễ hội nên hỏi thử thần có gì trong tay không. Thần bảo thần có tiền của chôn dấu trong bức tường cạnh cổng Bắc. Vợ thần bảo thần đi lầy tiền về để vui chơi . Những lời nói của vợ thần không rời tâm hồn thần và trong khi thần suy nghĩ mãi về chúng, tham dục cứ đốt cháy lòng thần. Công việc của thần là thế đấy.

- Vậy điều gì khiến ngươi thích thú nhiều đến độ ngươi xem thường nắng gió và vừa đi vừa hát?

- Tâu Ðại vương, thần hát vì nghĩ rằng khi tìm được của chôn dấu, thần sẽ vui chơi thích thú với vợ.

- Này thiện nam, thế của ngươi chôn dấu bên cổng Bắc được một trăm ngàn đồng tiền chăng?

- Tâu Ðại vương, không phải.

Sau đó vua hỏi liên tiếp có phải năm mươi ngàn, bốn mươi, ba mươi, hai mươi, mười, năm, bốn ba, hai, một đồng tiền, nửa đồng tiền, bốn xu, ba xu, hai xu, một xu. Chàng trai đều đáp: "Không" trước các câu hỏi trên và nói:

- Chỉ nửa xu. Quả thực, tâu Ðại vương, đó là tất cả gia sản của thần. Nhưng thần đang hy vọng tìm ra nó rồi đi vui chơi với vợ, và trong niềm ước vọng thích thú kia, nắng gió không làm thần khó chịu.

Vua bảo:

- Này thiện nam, thôi đừng đi đến đó dưới nắng gắt này nữa. Ta sẽ cho ngươi nửa xu.

- Tâu Ðại vương, thần sẽ nhận lời hứa của Ðại vương và lấy tiền, nhưng thần sẽ không bỏ nửa xu kia đâu. Thần không bỏ việc đi đến đó đem nó về đâu.

- Này thiện nam, hãy ở lại đây. Trẫm sẽ cho ngươi một xu, hai xu.

Rồi cứ đề nghị thêm nữa, vua tiếp tục nói mười triệu, một ngàn triệu, vô số vàng bạc, nếu chàng trai chịu ở lại. Nhưng y vẫn đáp:

- Tâu Ðại vương, thần sẽ nhận tiền của, nhưng thần vẫn đi kiếm nửa xu kia!

Sau đó y được chiêu dụ bằng những lời vua hứa ban chức thủ kho, và nhiều chức vụ khác nữa, và cả chức vị phó vương. Cuối cùng y được đề nghị chia nửa vương quốc nếu y chịu ở lại. Khi ấy y mới chấp thuận! Vua bảo các Ðại thần:

- Này các khanh, hãy đưa hiền hữu của trẫm đi cạo râu, tắm rửa và trang điểm rồi đem người trở lại đây.

Họ tuân lệnh. Vua chia đôi giang sơn và tặng chàng trai một nửa. Song chuyện kể rằng y chọn phần nửa ở phía Bắc do lòng yêu thích nửa đồng xu cũ! Y được gọi là vua Nửa Xu. Hai vị vua đồng cai trị đất nước trong tình thân hữu hòa hợp.

Một hôm, hai vị cùng đi đến ngự viên. Sau khi vui chơi, vua Udaya nằm xuống kề đầu vào lòng vua Nửa Xu. Ngài ngủ thiếp, trong lúc đám hầu cận đi quanh quẩn vui chơi. Vua Nửa Xu suy nghĩ: "Tại sao ta chỉ được nửa vương quốc mãi thôi? Ta muốn giết vua này và làm vị vua độc nhất."

Vì thế Vua Nửa Xu rút kiếm ra, nhưng khi nghĩ đến việc đâm vua này, vua Nửa Xu nhớ lại ngài đã đưa bạn mình từ chỗ nghèo hèn thành người đồng trị nước với ngài và ban cho bạn đại quyền lực. Nhận thức tư tưởng vừa khởi lên trong trí dự định giết một ân nhân như thế là vô cùng độc ác, vua Nửa Xu liền tra kiếm vào bao.

Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, ý tưởng lại khởi lên. Cảm thấy tư tưởng này khởi lên mãi sẽ đưa mình đến cái ác nghiệp, vua Nửa Xu vứt kiếm xuống đất và thức vua kia dậy, vừa nói vừa quỳ xuống chân ngài:

- Tâu Ðại vương, xin hãy tha tội cho tôi.

- Này Hiền hữu, bạn có làm gì sai trái với ta đâu.

- Tâu Ðại vương, tôi đã làm một việc như vậy.

- Này Hiền hữu, thế thì ta tha thứ cho bạn. Nếu như bạn muốn thì cứ làm vua một mình và ta sẽ làm phó vương phụng sự bạn.

Vua Nửa Xu đáp:

- Tâu Ðại vương, tôi không cần vương quốc, tham vọng ấy sẽ khiến tôi tái sinh vào cõi dữ. Quốc độ này của Ðại vương, xin nhận lấy nó, tôi muốn trở thành người khổ hạnh. Tôi đã lấy gốc rễ của dục tham, nó phát xuất từ ước vọng của con người. Vậy từ nay tôi không còn ước vọng như thế nữa.

Rồi ông ngâm vần kệ thứ tư trong niềm hoan lạc:

4.
Nhận ra tham dục, nguồn căn
Ở trong ước vọng tiềm tàng khắp nơi,
Ta không muốn nữa vì ngươi,
Vậy ngươi, Tham dục, phải rời xa đi!

Nói vậy xong, ông ngâm vần kệ thứ năm thuyết Pháp cho quần chúng đang đắm say tham dục:

5.
Dục tham ít ỏi chẳng vừa,
Dục tham nhiều chỉ mang ta khổ buồn.
Này, luôn thiếu, ngu nhân,
Nếu ngươi muốn đắc trí thông, bạn hiền!

Thuyết Pháp như vậy với quần chúng xong, ông giao quốc độ cho vua Udaya. Rời bỏ quần chúng đang khóc than với nước mắt đầm đìa, ông đến vùng Tuyết Sơn, trở thành ẩn sĩ khổ hạnh và đạt Thắng trí. Trong thời gian vị ấy làm nhà khổ hạnh, vua Udaya ngâm vần kệ thứ sáu bày tỏ nỗi hoan lạc trọn vẹn:

6.
Thiểu dục đem ta mọi quả thành,
U-da-ya đạt đại quang vinh,
Người tinh cần được nhiều an lạc,
Làm ẩn sĩ, buông bỏ dục tình.

Không ai biết ý nghĩa vần kệ này. Một hôm, chánh hậu hỏi ngài ý nghĩa trên. Vua không muốn nói. Thời ấy có người thợ hớt tóc trong triều tên là Gangamàla mỗi khi vào chầu vua thường dùng dao cạo trước, rồi sau kẹp tóc vua bằng cái nhíp. Vua thích việc trước, nhưng việc thứ hai làm vua đau. Về việc đầu, vua muốn thưởng cho y một đặc ân. Còn việc thứ hai, vua chỉ muốn chém đầu y thôi!

Một hôm vua nói chuyện với hoàng hậu, ngài bảo rằng người thợ hớt tóc trong triều là một tên ngu xuẩn. Khi hoàng hậu hỏi y phải làm gì trước, ngài bảo:

- Hãy dùng nhíp trước, rồi dùng dao cạo sau.

Hoàng hậu truyền gọi thợ hớt tóc vào và bảo:

- Này thiện nam, khi người tỉa râu đức vua, ngươi nên dùng cái nhíp kẹp râu tóc ngài trước, rồi dùng dao cạo sau. Nếu đức vua ban cho ngươi một điều ước, ngươi phải tâu rằng ngươi không cần gì cả, mà ngươi chỉ muốn biết ý nghĩa khúc ca của ngài thôi. Nếu ngươi làm vậy, ta sẽ cho ngươi nhiều tiền.

Y đồng ý ngay.

Hôm sau, khi y tỉa râu vua, y cầm cái nhíp trước. Vua hỏi:

- Gangamàla, đây là kiểu mới của ngươi ư?

- Tâu Ðại vương, phải - y đáp - thợ hớt tóc thường có kiểu mới.

Rồi y kẹp tóc vua với cái nhíp trước và dùng dao cạo sau. Vua liền ban cho y một điều ước.

- Tâu Ðại vương, thần không muốn gì cả. Xin Ðại vương cho thần biết ý nghĩ khúc ca ấy.

Vua hổ thẹn khi phải nói đến nghề nghiệp của mình trong thuở hàn vi đời trước, liền bảo:

- Này thiện nam, điều ước kia có ích lợi gì cho ngươi đâu? Hãy chọn điều khác.

Nhưng người hớt tóc cứ van xin điều ấy. Vua sợ thất hứa nên đồng ý. Như đã tả trong Tiền thân Kummàsapinda, số 415, vua truyền chuẩn bị mọi sự rất trọng thể rồi ngồi trên bảo tọa bằng ngọc, kể tất cả chuyện công đức trong đời vừa qua tại kinh thành này. Rồi ngài bảo:

- Ðiều ấy giải thích nửa vần kệ, còn nửa vần kia kể chuyện hiền hữu ta trở thành nhà khổ hạnh trong lúc ta làm vị vua độc nhất trong niềm tự hào, điều ấy giải thích phần thứ hai của ca khúc hoan lạc ấy.

Nghe vậy, người hớt tóc suy nghĩ: "Như vậy, đức vua được hưởng cả vinh quang này vì đã giữ nửa ngày trai gới. Ðức hạnh quả thật là chánh đạo. Giả sử ta cũng trở thành nhà khổ hạnh và tìm đường giải thoát cho ta được chăng?"

Người hớt tóc liền từ giã đám thân thuộc, tài vật thế gian, rồi xin phép vua trở thành nhà tu hành đi về vùng Tuyết Sơn làm vị khổ hạnh. Khi nhận thức được ba đặc tính của các pháp hữu hình (vô thường, khổ, vô ngã), vị ấy đạt Thắng trí và trở thành vị Ðộc Giác Phật. Vị ấy có đủ các y bát nhờ thần lực.

Sau độ năm sáu năm ở trên núi Gandhamàdana (Hương Sơn), vị ấy muốn về thăm vua Ba-la-nại, liền bay qua không trung đến ngự viên, rồi ngồi trên vương tọa. Người giữ vườn trình nhà vua rằng Gangamàla nay là vị Ðộc Giác Phật, đã phi hành trên không và đang ngồi trong ngự viên.

Vua lập tức đến chào vị Ðộc Giác Phật và hoàng thái hậu cũng ra đi với con. Vua vào ngự viên, kính chào vị ấy và ngồi xuống một bên cùng đoàn tùy tùng. Vị Ðộc Giác Phật thân mật đàm đạo với vua và gọi ngài bằng tộc tánh:

- Này Brahmadatta, Hiền hữu có chuyên tâm tinh cầu, cai trị nước nhà đúng Pháp, thực hành bố thí cùng các thiện sự khác chăng?

Hoàng thái hậu liền nổi giận:

- Ðứa con nhà hớt tóc hạ tiện này không biết phận mình. Nó dám gọi hoàng nhi quý tộc của ta là "Brahmadatta".

Rồi bà ngâm vần kệ thứ bảy:

7.
Khổ hạnh xả ly hết lỗi lầm,
Thợ ghè, hớt tóc, mọi phàm nhân,
Gan-ga nhờ đó thành vinh hiển,
Liền gọi "Brah-ma" đấng quốc vương!

Vua vội ngăn cản mẫu hậu và tuyên bố mọi đặc tính của vị Ðộc Giác Phật, ngài ngâm vần kệ thứ tám:

8.
Nhìn xem! Vào lúc phải vong thân,
Khổ hạnh cho ta hưởng phước phần,
Người lễ bái ta trong kiếp trước,
Giờ đây vua chúa phải chào mừng.

Mặc dù vua đã ngăn cản thái hậu, cả đám quần thần đều đứng lên bảo:

Một người hạ tiện thế này dám xưng hô với Hoàng thượng bằng tên tộc như vậy là không đúng phép tắc.

Vua lại quở trách quần thần và ngâm vần kệ cuối tuyên bố các đức tính cuả vị Ðộc Giác Phật:

9.
Chớ trách Gan-ga nói thế này
Bước đường đạo hạnh thiện toàn thay!
Ngài đà vượt đại dương phiền não,
Giải thoát khổ sầu chính tại đây.

Nói vậy xong, vua vái chào vị Ðộc Giác Phật và xin ngài tha lỗi cho thái hậu. Vị Ðộc Giác Phật đồng ý và đám quần thần của vua cũng được tha thứ luôn. Vua ước mong Ngài hứa về sau sẽ ở lại trong vùng lân cận, nhưng Ngài từ chối, rồi đứng trên không trước mắt đám triều thần, Ngài khuyến giáo vua xong trở về Hương Sơn.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo:

- Này các cư sĩ, các vị ấy giữ trai giới là việc cần phải làm.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, vị Ðộc Giác Phật đắc Niết-bàn vô dư y, vua Nửa Xu là Ànanda, chánh hậu là mẫu thân Ràhula và vua Udaya chính là Ta.


NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
BẬC A LA HÁN, CHÁNH ĐẲNG GIÁC, MINH HẠNH TÚC, THIỆN THỆ, THẾ GIAN GIẢI, VÔ THƯỢNG SỸ, ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU, THIÊN NHÂN SƯ, PHẬT, THẾ TÔN.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào

Leave a Reply