Khuddhaka Nikàya
Tập X
Dịch Anh-Việt: G.S. Trần Phương Lan
Chuyện Tiền Thân Đức Phật (Jàtaka) VII
Dịch Anh-Việt: G.S. Trần Phương Lan
Chuyện Tiền Thân Đức Phật (Jàtaka) VII
Chương 22 - Đại Phẩm
-ooOoo-
-ooOoo-
542. CHUYỆN TẾ SƯ KHANDAHÀLA (Tiền thân Khandahàla)
Ngày xưa có một vị hôn quân…,
Trong lúc trú tại núi Gijjhakùta (Linh Thứu), bậc Đạo Sư đã kể câu chuyện này liên quan đến Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) .
Nội dung câu chuyện của Ngài nói đến tội phá hòa hợp Tăng (gây chia rẽ trong Giáo hội) đã được Tăng chúng biết rõ qua việc nghiên cứu tư cách đạo đức của Như Lai từ khi Ngài xuất gia tu hành cho đến việc mưu sát vua Bimbisàra. Ngay sau khi ông đã lập mưu sát hại vua này, ông liền đi tìm vua Ajàtasattu (A-xà-thế) và nói:
- Tâu Đại vương, ý nguyện của ngài đã thành, nhưng ý nguyện của ta chưa thành.
Vua trả lời:
- Ngài muốn gì?
- Ta muốn cho người giết đấng Thập Lực và ta làm đức Phật.
- Vậy thì ta phải làm sao đây?
- Ta phải tập họp một số thiện xạ tại đây.
Vua chấp thuận, truyền triệu tập năm trăm thiện xạ có thể bắn cung nhanh như chớp, trong số đó chỉ lựa ra ba mươi mốt người, đưa họ đến hầu cận Đề-bà-đạt-đa và bảo họ phải tuân lệnh ông.
Ông gọi người trưởng đoàn ra dặn:
- Này Hiền hữu, Sa-môn Gotama đang sống trên núi Linh Thứu, hằng ngày Ngài thường kinh hành trong tịnh thất của Ngài vào một thời điểm nào đó; vậy bạn hãy đến đó bắn Ngài với tên tẩm thuốc độc, khi đã giết hại Ngài xong, hãy trở về đường này.
Rồi ông lại cho hai người thiện xạ đi theo con đường kia, bảo họ:
- Các vị sẽ gặp một người trên đường đi, vậy hãy giết nó và hãy trở về bằng đường này.
Ông lại cho bốn người thiện xạ đi đường kia với lời dặn dò như vậy. Sau đó ông lại dặn thêm tám người, rồi mười sáu người thiện xạ như trên. Tại sao ông làm như vậy? Chính là để che giấu lòng thâm độc của mình.
Thế rồi người trưởng đoàn thiện xạ buộc kiếm bên sườn trái, bao đựng tên bên lưng, cầm lấy chiếc cung làm bằng sừng dê và đi đến chỗ đức Như Lai trú ngụ; nhưng sau khi gã giương cung lên và nhắm mũi tên để bắn Ngài, gã lại không thể thả dây cung được. Toàn thân gã cứng đờ, như thể bị đè bẹp. Gã cứ đứng đó kinh hoàng với nỗi sợ chết.
Khi bậc Đạo Sư thấy gã, Ngài liền nói với giọng dịu dàng:
- Đừng sợ, hãy đến đây.
Gã lập tức ném vũ khí và vừa nói vừa sụp người xuống đảnh lễ chân Thế Tôn:
- Bạch đức Thế Tôn, tội lỗi đã trấn áp con như một đứa trẻ, một tên khùng hoặc một tên tội nhân. Trước đây con không biết công hạnh của Ngài, con đã đến theo lệnh của lão già điên rồ mù quáng Đề-bà-đạt-đa để lấy mạng của Ngài, con xin Ngài tha mạng cho.
Gã lại cầu xin tha tội và ngồi qua một bên. Lúc ấy bậc Đạo Sư tuyên thuyết Các Sự thật cho gã nghe khiến gã chứng quả Dự Lưu. Ngài bảo gã trở về bằng con đường khác với con đường mà Đề-bà-đạt-đa đã dặn gã. Còn chính Ngài bước ra khỏi lối đi có mái che của Ngài và ngồi xuống một gốc cây.
Trong khi người bắn cung thứ nhất chưa trở về, hai người kia đi trên con đường dự đinh gặp gã kia và băn khoăn không hiểu sao gã lại chậm trễ như vậy, cuối cùng họ thấy đức Phật. Khi đến đảnh lễ đức Phật xong, họ ngồi xuống bên Ngài. Ngài lại tuyên thuyết Các Sự thật cho họ nghe khiến cả hai gã cùng chứng quả Dự Lưu. Rồi Ngài bảo họ trở về bằng con đường khác với con đường mà Đề-bà-đạt-đa đã ra lệnh. Cứ như thế những tay thiện xạ kia lần lượt đi đến, ngồi xuống nghe Ngài thuyết Pháp, được an trú vào quả Dự Lưu và được Ngài bảo đi về bằng một con đường khác.
Rồi khi người thiện xạ đầu tiên trở về gặp Đề-bà-đạt-đa, gã nói:
- Bạch Sư trưởng, tôi không thể nào giết bậc Toàn Giác được, Ngài là đấng Toàn Năng, đức Thế Tôn đầy đủ mọi uy lực siêu phàm.
Như vậy cả đám thiện xạ nhận ra là họ đã thoát chết nhờ bậc Toàn Giác nên họ xuất gia sống đời tu hành theo Ngài và trở thành các bậc A-la-hán. Sự kiện này được cả hội chúng Tỷ -kheo biết và một ngày kia họ bắt đầu nói đến chuyện này trong Chánh pháp đường:
- Này các Tỷ-kheo, các vị có nghe chuyện Đề-bà-đạt-đa, vì thù ghét một người là đức Thế Tôn, mà đã quyết tâm làm thiệt mạng nhiều người và rồi các người này lại được chính đức Thế Tôn cứu mạng như thế nào không?
Lúc ấy bậc Đạo Sư bước vào hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi nói chuyện gì đấy?
Khi chúng Tỷ-kheo đáp lại, Ngài bảo:
- Đây không phải là lần đầu tiên, mà trước đây kẻ ấy cũng đã quyết hại nhiều mạng người chỉ vì thù ghét Ta.
Rồi Ngài kể câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa thành Bà-la-nại có tên là Pupphavati. Thái tử của vua Vasavatti lên ngôi trị vì tại đó tên là Ekaràja và con của vua là Candakumàra làm phó vương. Một Bà-la-môn tên gọi Khandahàla là vị tế sư của vương tộc. Ông làm cố vấn cho vua trong mọi vấn đề thế sự cũng như thánh sự và vua rất tôn trọng tài trí của ông nên để ông làm phán quan. Nhưng ông lại thích hối lộ, thường nhận của đút lót và tước đoạt tài sản của nhiều người trao cho người khác làm chủ.
Một ngày kia có người thua kiện, bước ra khỏi tòa án lớn tiếng than phiền, khi thấy Candakumarà đi ngang qua để bái yết vua cha, gã liền quỳ xuống. Vương tử hỏi sự tình, gã đáp :
- Tâu Chúa công, Khandahàla bóc lột các kẻ thưa kiện khi ông ta xử án, thần đã thua kiện mặc dù thần đã hối lộ ông ta rồi.
Vương tử bảo gã đừng sợ, rồi khi dẫn gã đến tòa án, chàng trả lại quyền sở hữu về các tài sản bị tranh tụng cho gã. Dân chúng reo hò hoan nghênh vang dội. Khi vua nghe được, hỏi lý do, họ đáp:
- Vương tử đã xử án phân minh một vụ kiện mà ông Khandahàla đã xử sai, vì thế có tiếng reo hò như vậy.
Khi vương tử đến chúc tụng, vua bảo:
- Này vương nhi, dân chúng bảo con vừa xử án phân minh?
- Tâu phụ vương, chính phải .
Vua liền trao tòa án cho vương tử và dặn vương tử từ nay được quyền xử án. Lợi lộc của Khadahàla giảm sút dần, từ đó ông sinh lòng thù ghét vương tử và rình rập cố tìm lỗi lầm của chàng.
Lúc bấy giờ vua rất ít tu tập nội tâm. Một buổi sáng kia, khi gần thức dậy, vua mơ thấy cõi trời Ba mươi ba với mái đình trang hoàng lộng lẫy, đường xá lót vàng cao cả ngàn dặm, được điểm tô bằng cung Vejayanta và nhiều cung khác cùng với tất cả vẻ huy hoàng của Lạc Viên Nandana và nhiều cánh rừng khác, với hồ Nanda và nhiều hồ khác nữa, khắp nơi đông đảo chư Thiên. Vua muốn lên cõi trời và nghĩ thầm: "Khi Sư trưởng Khandahàla đến, ta sẽ hỏi ngài con đường lên thiên giới, và sẽ lên đó nhờ con đường ngài chỉ dẫn".
Sáng sớm hôm ấy Khandahàla vào cung và vấn an vua xem ngài có được hưởng một đêm đầy mộng đẹp chăng? Vua liền truyền đem cẩm đôn cho ông ngồi, rồi hỏi ngay ông vấn đề ấy.
*
Bậc Đạo Sư kể lại như sau:
1.
Ngày xưa có một vị hôn quân,
Ở xứ Pup-pha, gặp lúc cần,
Liền hỏi tế sư hèn hạ ấy,
Nghiệp tà, danh chánh Bà-la-môn:
2.
- Ngài là bậc trí, mọi người đồn,
Thánh điển am tường đủ mọi môn,
Hãy nói công năng gì dẫn lối,
Đưa đường hành giả đến thiên cung?
Đây là câu hỏi mà trừ đức Phật Đại Giác hoặc các đệ tử của Ngài ra, ta phải hỏi một vị Bồ-tát, nhưng ở đây, vua đã đem ra hỏi Khandahàla, chẳng khác nào một người lạc đường bảy ngày lại đi hỏi đường một kẻ đi lạc đã nửa tháng. Thế là ông tự nhủ: "Đã đến lúc ta trừ khử được kẻ thù của ta rồi, ta sẽ giết Candakumàra, thế là toại nguyện".
Ông liền nói với vua:
3.
Hãy dâng nhiều lễ vật đầy tràn,
Giết những ai không đáng chết oan,
Nhờ vậy đạt công đức vĩ đại,
Người ta sẽ hưởng lạc thiên đàng.
Vua lại hỏi:
4.
Những gì là lễ vật đầy tràn,
Những kẻ nào không đáng chết oan?
Ta sẽ giết người, dâng tế lễ,
Nếu ngài nói ý nghĩa cho tường.
Sau đó ông giải thích ý nghĩa này:
5.
Đem vợ con làm vật tế thần,
Phú thương quý tộc cũng tiêu vong.
Ngựa trâu tuyệt hảo, nòi cao quí,
Bốn loại tội đồ phải cúng dâng.
Như vậy khi vua hỏi đường lên Thiên giới, ông lại chỉ đường xuống địa ngục. Ông tự nhủ: "Nếu ta chỉ chọn một mình Candakumàra, mọi người sẽ nghĩ rằng ta làm thế vì thù ghét nó". Cho nên ông đặt chàng vào chung với một số người khác. Khi vấn đề này được đem ra bàn tán, các vương phi nghe tin lòng đầy kinh hãi, đồng cất tiếng khóc than.
*
Bậc Đạo Sư ngâm kệ giải thích việc này như sau:
6.
Cung phi mỹ nữ biết tin này:
"Vương tử, vương phi phải đọa đày",
Khóc thét bỗng nhiên vì sợ hãi,
Vang rền mọi phía tận trời mây.
Cả vương cung náo loạn như thể rừng cây Sàla bị gió bão rung chuyển vào giờ tận thế, khiến lão Bà-la môn phải hỏi vua xem ngài có thể thực hiện được việc tế lễ ấy không.
- Sao ngài lại hỏi thế này Sư trưởng? Nếu ta dâng tế lễ, ta sẽ được lên thiên đàng mà.
- Tâu đại vương, những kẻ nào yếu hèn, không quyết chí thì không thể nào tế lễ kiểu này được. Xin Đại vương triệu chúng về đây cả rồi bần đạo sẽ dâng lễ vật ở huyệt tế thần.
Thế rồi ông đem đủ lực lượng cần thiết ra khỏi thành, bảo họ đào huyệt tế lễ với đáy bằng, có hàng rào bao quanh, vì các Bà-la-môn từ thời xưa đã ra lệnh phải làm hàng rào quanh đàn tế kẻo sợ các vị chân tu có thể đến ngăn cản buổi lễ. Vua cũng ban lệnh cho quân thần:
- Ta sẽ được lên thiên giới bằng cách đem hết vợ con ra cúng tế, vậy các khanh hãy đi báo tin cho chúng rõ rồi mang chúng về đây.
Lập tức vua ra lệnh đem các vương tử đến:
7.
Báo Can-da, kế Su-ri-ya,
Lần lượt Bhad-da, biết ý ta,
Rồi đến Sù-ra, Và-ma nữa,
Chúng đều phải chết: ý vua cha.
Trước hết bọn họ đi tìm Candakumàra và nói:
- Tâu điện hạ, phụ vương muốn đem tế ngài để được lên thiên giới, nên ra lệnh cho chúng thần đi triệu ngài về.
- Phụ vương ra lệnh bắt ta theo lời khuyến dụ của ai thế?
- Tâu điện hạ, theo lệnh của Khandahàla.
- Ngài muốn bắt một mình ta hay còn ai khác nữa?
- Tâu điện hạ, còn nhiều người khác vì ngài muốn dâng lễ tế đủ bốn loại lễ vật.
Vương tử nghĩ thầm: "Lão ấy không thù oán với những người kia, nhưng lão định cho họ chết chỉ vì thù oán ta đã ngăn chặn lão phạm tội ăn hối lộ qua việc xử án bất công của lão, vậy ta có phận sự phải đi yết kiến vua cha xin ngài thả các người kia ra mới được". Rồi chàng bảo họ:
- Các ngươi cứ thi hành lệnh phụ vương.
Họ liền đem chàng đến sân chầu ngồi một mình tại đó, xong lại đem các người kia đến để gần chàng rồi tâu với vua. Sau đó vua ra lệnh đem các công chúa đặt bên các người kia:
8.
Up-pa-se-ni, Ko-li-ta,
Lần lượt Mu-di-ta, Nan-da,
Bảo các công nương đều phải chết,
Thật là kiên định, ý vua cha!
Vì thế họ liền đi đem các công chúa đang kêu gào đến đặt cạnh các vương tử. Rồi vua lại ngâm kệ ra lệnh bắt các vương phi:
9.
Trước tiên vương hậu Vi-ja- yà,
Kế tiếp Ke-si-ni, Nan-dà,
Với mọi sắc hương đầy diễm lệ,
Chúng đều phải chết: ý nguyện ta.
Họ liền đem các vương phi đang gào khóc đến đặt cạnh các vương tử. Rồi vua lại ngâm kệ ra lệnh bắt bốn phú thương của hoàng gia:
10.
Pun-na-muk-kha, Bhad-di-ya,
Lần lượt Sin-ga-la, Vad-dha,
Bảo các phú thương nghe thượng lệnh:
Chúng đều phải chết: ý nguyện ta!
Đám thị vệ tuân lệnh ra đi. Khi các vương tử và vương phi bị bắt, dân chúng không nói gì, nhưng các phú thương có rất đông đảo quyến thuộc, nên cả kinh thành náo động khi họ bị bắt và dân chúng la ó phản kháng việc đem họ ra tế lễ, nên họ cùng quyến thuộc kéo đến yết kiến vua . Lúc ấy các phú thương được đám quyến thuộc vây quanh xin nhà vua tha mạng.
*
Bậc Đạo Sư giải thích việc này như sau:
11.
Các phú thương kêu khóc não nùng,
Được vây quanh bởi các thân nhân :
Đầu này xin cạo làm nô lệ,
Nhưng hãy tha cho mạng chúng thần!
*
Nhưng dù họ van xin đến mức nào đi nữa, họ cũng không được vua thương xót. Các thị vệ của vua cuối cùng bắt đám quyến thuộc lui ra để kéo các phú thương đến cạnh các vương tử. Sau đó vua ra lệnh đem voi ngựa và trâu dê đến:
12.
Đem cả đàn vương tượng đến đây,
Sức voi vô địch, quý cao thay,
Ngựa, lừa chọn giống nòi ưu thắng,
Tất cả cùng dâng tế lễ này.
13.
Hãy chọn ngưu vương loại đứng đầu,
Chúng là tặng vật quý dường bao,
Các thầy tế tự sắp hành lễ,
Sẽ có vật dâng cúng tối cao.
14.
Hãy chuẩn bị cho tế lễ này,
Sẵn sàng ngay trước lễ ngày mai;
Bảo vương nhi đãi đằng như ý,
Thọ hưởng cuộc đời buổi tối nay.
Lúc bấy giờ thái thượng hoàng và hoàng thái hậu vẫn còn sống, nên dân chúng kéo đến tâu cho hai vị biết việc tế lễ dự định của vua. Hai vị xiết bao kinh hoàng vội đến khóc lóc với vua:
- Vương nhi hỡi, có thật con định làm một cuộc tế lễ như vậy chăng?
*
Bậc Đạo Sư giải thích như sau:
15.
Mẫu hậu vội rời khỏi nội cung:
Việc kỳ quái vậy nghĩa gì chăng?
Bốn vương tôn thảy đều đem giết,
Cho đủ lễ dâng hiến bạo tàn?
Vua đáp lại:.
16.
Khi mất Can-da, mất hết rồi,
Nhưng con chịu mất chúng mà thôi,
Vì nhờ tế lễ này cao trọng,
Con sẽ được an trú cõi trời.
Mẫu hậu bảo:
17.
Đem cúng tế vương tử, hỡi con,
Chẳng bao giờ hưởng lạc thiên đường,
Đừng nghe lời dối dang như vậy,
Đây chính đường vào địa ngục môn.
18.
Con nên chọn đúng đạo minh quân,
Đem bố thí tất cả bạc vàng,
Đừng giết chúng sinh trên hạ giới,
Đây đường chắc chắn đến thiên đàng.
Vua đáp lại:
19.
Con phải vâng lời vị tế sư,
Than ôi, đành phải giết con thơ,
Chia lìa chúng thật đầy đau đớn,
Song được cõi trời lợi lạc to!
Thế là hoàng thái hậu đành bỏ đi về, không thuyết phục được vua. Lúc ấy thái thượng hoàng hay tin vội đến phản đối vua.
*
Bậc Đạo Sư tả rõ mọi việc xảy ra như sau:
20.
Đến lượt Va-sa-va phụ vương:
- Hung tin làm hoảng hốt tâm can!
Bốn vương tôn thảy đều đem giết,
Cho đủ lễ dâng hiến bạo tàn?
Cuộc đối thoại lại diễn ra như trên và cuối cùng vua cha già không lay chuyển nổi con, đành bỏ đi với lời từ biệt:
21.
Nên đem cho hết khả năng mình,
Đừng cố ý tàn hại hữu tình,
Để các vương tôn làm bảo vệ,
Hộ phòng đất nước khỏi điêu linh.
*
Lúc ấy Candakumàra nghĩ thầm: "Thảm họa xảy đến cho nhiều người cũng chỉ vì ta, vậy ta hãy van xin phụ vương cho họ khỏi tội chết mới được". Vì thế chàng tâu với vua cha:
22.
Xin làm nô lệ của Khan-da,
Nhưng mạng chúng con, xin hãy tha,
Con sẽ canh bầy voi, lũ ngựa,
Mang xiềng làm việc, thỏa lòng sư.
23.
Xin làm nô lệ của Khan-da,
Nhưng mạng chúng con, xin hãy tha,
Con sẽ quét sân, chuồng của lão,
Mang xiềng làm việc thỏa lòng sư.
24.
Hoặc bắt làm nô lệ tặng ai,
Chúng con tùy thánh ý an bài,
Hoặc đày tất cả ra ngoài nước,
Cầu thực tha phương ở xứ người.
Vua nghe chàng than khóc lòng đau đớn vô cùng, nước mắt chứa chan, nên vua ra lệnh tha hết vợ con. Vua bảo:
- Không ai giết được các con ta, ta không cần thiên giới nữa.
25.
Những lời này tội nghiệp xin tha,
Làm trái tim ta tan nát ra,
Thả các vương nhi, cho chúng thoát,
Thôi đừng tế lễ nữa vì ta!
Khi nghe vua nói vậy, đám thị vệ liền thả hết tội nhân ra, khởi đầu là các vương tử và sau cùng là bầy chim chóc. Lão Khandahàla đang bận rộn chuẩn bị việc đào huyệt tế lễ, có người đến mách lão:
- Này lão Khandàhàla hung dữ kia, đức vua đã thả hết tất cả các vương tử rồi, vậy lão hãy đi giết hết lũ con lão mà lấy máu đem ra tế thần.
- Sao nhà vua làm gì vậy kìa?
Lão kêu lên và vội chạy đến tâu vua:
26.
Ta đã bảo ngài tế lễ này,
Thật là vất vả khó khăn thay,
Sao ngài can thiệp đòi đình chỉ,
Khi khởi đầu đang tốt đẹp vầy?
27.
Những kẻ nào dâng lễ sát sinh,
Đi đường chắc chắn đến thiên đình,
Hoặc người ủng hộ đầy nồng nhiệt,
Khi thấy việc kia được thực hành.
Vua mù quáng, nghe lời của lão bà-la-môn đầy sân hận kia và tâm trí vua đã bị ám ảnh bởi vấn đề đạo giáo liền ra lệnh bắt vợ con lại. Lúc ấy Candakumàra đem hết lẽ phải trái tâu với vua cha:
28.
Sao lúc sinh ra lũ chúng con,
Hão huyền chúc tụng Bà-la-môn,
Khi phần con trẻ là đành chết,
Vô tội nạn nhân của oán hờn?
29.
Sao cha tha mạng thuở thơ ngây,
Nhỏ dại biết đâu bất hạnh này?
Con trẻ hôm nay đành phải chết,
Giờ đang vui hưởng tuổi xuân đầy?
30.
Nghĩ lúc chúng con mặc giáp bào,
Trên voi ngựa, chiến trận xông vào,
Nay làm lễ vật dâng đàn tế,
Chẳng lẽ việc này hợp lý sao?
31.
Ở trong chiến địa hoặc rừng hoang,
Chống lại loạn thần, lũ chúng con,
Phục vụ thường xuyên, nay bảo giết,
Mà không lý lẽ hoặc nguyên nhân.
32.
Nhìn chim xây tổ ấm trên cây,
Ca hót líu lo suốt cả ngày,
Yêu dấu chim non chăm sóc kỹ,
Còn cha đem giết lũ con vầy?
33.
Cha đừng tưởng lão Bà-la-môn,
Phản bạn tha cha lúc vắng con,
Đến lượt cha theo con kế tiếp,
Chúng con không chỉ chết cô đơn!
34.
Vua thường ban đạo sĩ thôn làng,
Thành thị tối ưu chính đặc ân,
Trên mọi gia đình đều hưởng lợi,
Tạo nên tài sản thật cao sang.
35.
Chính bọn này đây, tâu phụ thân,
Sẵn sàng phản bội các ân nhân,
Bà-la-môn tộc, cha nên nhớ,
Là giống bất trung, lũ bội ân.
Vua nghe lời con oán trách, liền kêu to:
36.
Những lời này tội nghiệp xin tha,
Làm trái tim ta tan nát ra,
Thả các vương nhi, cho chúng thoát,
Thôi đừng tế lễ nữa vì ta!
Khandahàla liền vội chạy đến và cũng phản đối vua như trước, khiến vương tử lại phải lý luận với vua cha lần nữa:
37.
Nếu kẻ đem con trẻ tế đàn,
Đến khi chết, thảy được vinh quang,
Bà-la-môn hãy dâng con trước,
Vua chúa noi gương kẻ dẫn đường.
38.
Nếu kẻ đem con trẻ tế thần,
Thẳng lên thiên giới lúc lìa trần,
Tế sư sao chẳng hy sinh trước,
Và cả toàn gia tộc lão luôn?
39.
Đúng hơn, kẻ cúng tế như vầy,
Sẽ thẳng đường vào địa ngục ngay,
Những kẻ dám đồng tình ủng hộ,
Hành vi ấy, cũng đọa sau này.
Vương tử nói xong, thấy rằng không thể thuyết phục nổi cha, liền quay qua đám dân chúng đang vây quanh vua và bảo họ:
40.
Làm sao các bậc mẹ cha này,
Đứng lặng yên nhìn, chẳng có ai,
Dù quý yêu con mình đến thế,
Cả ngăn vua giết các con ngài.
41.
Ta ao ước vương phụ vạn an,
Ta mong tâm các bạn hân hoan,
Nhưng không tìm được người nào để
Phản đối nên lời trước phụ vương?
Nhưng vẫn không ai thốt một lời nào. Vương tử liền bảo các vương phi đến van xin vua tỏ lòng thương xót con :
42.
Này các vương phi hãy nguyện cầu,
Van xin Sư trưởng, phụ vương mau,
Để tha vương tử này vô tội,
Khéo trổ tài chinh chiến biết bao.
43.
Hãy xin sư trưởng với Minh quân,
Tha mạng vương nhi chẳng lỗi lầm,
Danh tánh đã vang lừng thế giới,
Là niềm vinh dự của non sông.
Bọn họ liền đến van xin vua tỏ lòng thương xót con nhưng vua chẳng chút quan tâm, lúc ấy vương tử quá tuyệt vọng nên bắt đầu than khóc:
44.
Nếu không sinh trưởng chốn triều đường,
Ở dưới mái tranh kẻ khốn cùng,
Hoặc thợ giầy hay người quét rác,
Thì ta sẽ sống thật an toàn,
Đến tròn tuổi thọ, không vong mạng,
Làm nạn nhân vua chúa bất thường!
Rồi chàng nói to:
45.
Đi mau tất cả các vương phi,
Đến trước Khan-da, hãy lạy quỳ,
Bảo các nàng không làm hại lão,
Các nàng chẳng có tội tình gì!
*
Và đây là lời của bậc Đạo Sư:
46.
Se-la khóc, thấy các anh nàng,
Bị kết tội oan bởi phụ vương:
- Người bảo đây là đàn tế lễ,
Vì cha ta muốn đến thiên đường.
Nhưng vua cũng không quan tâm đến nàng. Đến lượt Vàsula, con của vương tử, thấy cha quá sầu thảm liền nói :
- Con sẽ cầu xin thái thượng hoàng tha mạng cho cha.
Cậu bé quỳ xuống chân vua than khóc:
*
Bậc Đạo Sư tả sự việc như sau :
47.
Chập chững Va-su-la bước chân,
Trên đường đi đến chiếc ngai vàng,
Xin tha mạng của cha con trẻ,
Đừng để chúng con mất phụ thân.
Vua nghe cậu bé than khóc, lòng đau như cắt, liền ôm cháu vào lòng, ràn rụa nước mắt và bảo:
- Vương tôn hãy an tâm, ta sẽ trả phụ thân lại cho cháu đó.
Rồi vua ra lệnh:
48.
Này cha con đó, Và-su-la,
Lời của trẻ thơ cảm hóa ta,
Tha các vương nhi, cho chúng thoát,
Thôi đừng tế lễ nữa vì cha!
Một lần nữa lão Khandahàla vội đến phản đối vua và vị vua mù quáng lại nhượng bộ lão, ra lệnh bắt các vương tử như cũ.
Lúc ấy Khandahàla tự nhủ: "Nhà vua này lòng quá mềm yếu, khi thì đòi bắt các con, khi thì lại thả ra hết, bây giờ lại nghe theo lời con trẻ đòi thả chúng ra, thôi ta phải dẫn vua đến huyệt tế thần mới được".
Lão liền ngâm kệ thúc giục vua:
49.
Đàn tế lễ nay đã sẵn sàng,
Kho tàng lễ vật tuyệt cao sang,
Đại vương, mau hãy đi dâng lễ,
Rồi hưởng thiên cung cực lạc tràn.
Khi họ đem Bồ Tát đi đến huyệt tế thần, các cung phi theo sau thành một đoàn dài.
*
Bậc Đạo Sư tả cảnh ấy như sau:
50.
Bảy trăm cung nữ của Can-da,
Rực rỡ yêu kiều giữa tuổi hoa,
Tóc xõa tơi bời, mắt đẫm lệ,
Theo anh hùng tận số đi xa.
51.
Nhiều phu nhân nhập bọn tùy tùng
Trông dáng như tiên nữ giáng trần,
Với tóc tơi bời, mắt đẫm lệ,
Đi theo nối gót vị anh hùng.
Thế rồi bọn họ đồng cất tiếng khóc than:
52.
Lô hội, hoa tai với giáng hương,
Lụa Kà-si khoác tuyệt cao sang,
Nhìn Can-da với S u-ri ấy,
Làm nạn nhân đưa đến tế đàn.
53.
Lòng mẹ dường như bị cắt dao,
Lòng dân tràn ngập nỗi u sầu,
Nhìn Can-da với Su-ri ấy,
Làm nạn nhân đày đọa khổ đau.
54.
Được tẩm đầy huơng các loại hoa,
Lụa Kà-si khoác trắng như ngà,
Nhìn Can-da với Su-ri ấy,
Làm nạn nhân theo lệnh của cha.
55.
Xưa ngự trên mình các thớt voi,
Oai phong lẫm liệt trước muôn người,
Nhìn Can-da-với Su-ri ấy,
Đang bước lê chân cõi chết rồi.
56.
Xưa ngự xe vua, cởi ngựa, la,
Điểm trang vàng ngọc, với cài hoa,
Nhìn Can-da-với Su-ri ấy,
Lê chân chờ chết buổi chiều tà.
*
Trong lúc các vương phi đang khóc như vậy thì đám thị vệ đem Bồ-tát ra khỏi kinh thành. Dân chúng cả kinh thành đều đi theo ngài trong cảnh đại hỗn loạn. Nhưng vì đám người quá đông đảo, cổng thành không đủ rộng cho họ đi ra, nên lão Bà-la-môn sợ chuyện bất trắc có thể xảy ra, liền ra lệnh đóng cửa thành lại. Vì thế đám đông không thể đi ra được, nhưng có một khu vuờn hoa gần cổng phía nội thành, họ tụ tập tại đó lớn tiếng khóc than số phận thảm thương của vương tử, khiến một bầy chim nghe tiếng liền bay đến tụ tập trên trời rất đông. Dân chúng cùng cất tiếng kêu gào với đàn chim:
57.
Chim hỡi, chim ăn thịt sống chăng?
Hãy bay đi đến phía đông môn,
Hôn quân đang lập đàn dâng lễ,
Cả bốn vương nhi bởi hận sân.
58.
Chim hỡi, chim ăn thịt sống chăng?
Hãy bay đi đến phía đông môn,
Hôn quân đang lập đàn dâng lễ,
Cả bốn công nương bởi hận sân.
Cứ thế đám dân chúng than khóc mãi trong hoa viên. Rồi họ đi đến cung của Bồ-tát, vừa trang nghiêm đi diễu quanh nhiều vòng vừa cất tiếng khóc than trong khi họ ngắm các hậu cung của các vương phi, các đỉnh tháp và hoa viên, các khóm cây và hồ nước cùng chuồng coi ngựa:
59.
Làng xóm từ nay chẳng bóng người,
Trở thành rừng vắng vẻ xa xôi,
Kinh thành ta sẽ nằm hoang lạnh,
Khi các vương nhi đổ máu rồi!
Vì không có cách nào ra khỏi thành được, họ đành lang thang quanh quẩn trong thành khóc lóc tỉ tê.
Trong lúc ấy Bồ-tát được đưa đến đàn tế. Mẹ ngài, hoàng hậu Gotami, quỳ dưới chân vua, khóc lóc van xin vua tha mạng cho con:
60.
Thiếp sẽ khổ đau hóa dại khờ,
Đầy mình phủ bụi lấm bơ phờ,
Nếu Can-da bị dâng thần chết,
Thiếp thở nghẹn ngào khóc trẻ thơ.
Khi thấy vua không trả lời, bà ôm lấy bốn vương phi của vương tử và bảo họ:
- Vương nhi phải đau đớn chia lìa các nàng. Sao các nàng không năn nỉ vương nhi ở lại?
61.
Sao chẳng nói năng hỡi các nàng,
Đứng đây, bày tỏ mến yêu chàng,
Quanh chàng, ca múa đầy vui thú,
Vừa nắm tay nhau vỗ nhịp nhàng.
62.
Cho đến khi chàng hết muộn phiền,
An vui theo lệnh các nàng tiên,
Vì ai có đủ tài ca múa,
Như vậy dù tìm khắp mọi miền?
Rồi thấy rằng không làm gì hơn được nữa, bà ngừng than khóc với các vương phi và bắt đầu nguyền rủa lão Khandahàla:
63.
Ta mong mẹ ác tế sư này,
Phải chịu bao đau khổ đắng cay,
Đang xé tim ta khi thấy cảnh,
Can-da yêu quí chết hôm nay.
64.
Ta mong vợ ác tế sư này,
Phải chịu bao đau khổ đắng cay,
Đang xé hồn ta khi thấy cảnh,
Can-da yêu quý chết hôm nay.
65.
Ta mong nó thấy cả chồng con,
Bị giết, vì nguơi, ác đạo nhân,
Muốn giết người vô can dũng cảm,
Là niềm vinh dự của phàm trần.
Sau đó Bồ tát van xin vua cha trong đàn tế:
66.
Một số nữ nhân vẫn ước mong,
Cầu xin để có thật nhiều con,
Họ thường phát nguyện và dâng lễ,
Trời đất, mong con cháu nội đông,
Nhưng không được một con nào cả,
Để cả nhà vui sướng thỏa lòng.
67.
Đừng giết chúng con quá bạo tàn,
Dầu con cầu tự được trời ban,
Đừng đem bầy trẻ dâng đàn tế,
Bất kể công lao của mẫu thân.
Khi chàng không thấy vua trả lời, chàng liền quỳ xuống than khóc dưới chân mẹ:
68.
Số phận mẹ nay quá hẩm hiu,
Nuôi con, cho bú mớm nâng niu,
Con quỳ xuống dưới chân thiêng mẹ,
Mong ước cha ân phước thật nhiều.
69.
Cho con ôm mẹ để hôn chân,
Lần nữa ôm con thật thiết thân,
Trước lúc phân ly, giờ tử biệt,
Mẹ đau thống thiết cả tâm hồn.
Rồi mẫu hậu ngâm kệ khóc than:
70.
Quý tử trên đầu hãy buộc lên,
Vòng vương miện kết lá hoa sen,
Và hoa cam-pak này tương xứng,
Vẻ đẹp oai hùng tuổi tráng niên.
71.
Lần cuối cùng con hãy tẩm hương,
Loại dầu thơm ngát thật cao sang,
Ngày xưa những lúc chầu vương phụ,
Yến tiệc cung đình con điểm trang.
72.
Lần cuồi cùng con khoác cẩm bào,
Lụa Kà-si rực rỡ dường nào,
Hãy mang vàng ngọc và trân bảo,
Con vẫn mang ngày lễ hội sao.
Đến lượt chánh phi của chàng tên là Candà, quỳ xuống chân chàng than khóc thảm thiết:
73.
Đại vương, chúa tể của giang sơn,
Ý của ngài ban khắp nước non,
Ngài chẳng còn tình yêu phụ tử,
Với người duy nhất kế ngai vàng.
Vua nghe vậy liền đáp:
74.
Ta thương mến tất cả ông hoàng,
Ta cũng quý yêu chính bản thân,
Vương hậu các nàng thân thiết cả,
Ta đem con tế lễ đăng đàn,
Bởi vì ta muốn lên thiên giới,
Chẳng muốn đi vào địa ngục môn!
Nàng Candà kêu to:
75.
Chúa thượng giết con trước, đoái thương,
Kẻo niềm thống khổ xé tâm can,
Vương nhi được kết vòng hoa ấy,
Mọi vẻ chàng nay thật vẹn toàn.
76.
Giết chúng con trong hố tế đàn,
Nơi Can-da đến, thiếp theo chàng,
Đại vương sẽ được công vô lượng,
Hồn trẻ lên thiên giới trú an.
Vua đáp lời:
77.
Nàng chớ ước mong chết trước thời,
Các vương đệ dũng cảm bao người,
Sẽ an ủi đấy, hồng nhan hỡi,
Khi mất chồng yêu quý ấy rồi!
Nàng nghe vậy đấm ngực than khóc, hăm dọa sẽ uống độc dược tự vẫn, và cuối cùng nàng lại kêu gào thảm thiết:
78-79.
Cố vấn, thân bằng cạnh quốc vương,
Không ai dám nói để can ngăn,
Triều thần trung tín không ai cả,
Dám thuyết phục vua chớ giết con.
80.
Còn có các vương tử khác kia,
Thảy đều đầy đủ mọi oai nghi,
Hãy đem các vị lên đàn tế,
Và để Can-da được thoát đi
81.
Hãy xẻ thịt con để cúng dâng,
Nhưng tha thái tử, bậc anh hùng,
Người trên thế giới đồng cung kính,
Chàng dũng sĩ giao chiến tuyệt luân.
Sau khi đã than khóc giải bày mọi nỗi niềm đoạn trường mà vẫn không có gì an ủi được nàng, nàng liền bước lên cạnh Bồ-tát, đứng khóc lóc mãi cho đến khi Bồ-tát bảo nàng:
- Này Candà, suốt đời ta đã biết bao lần tặng nàng ngọc ngà trân bảo trong các dịp yến tiệc hội hè, nay ta chỉ còn món báu vật cuối cùng trên mình ta để tặng nàng, xin nàng hãy nhận lấy. Nàng Candà lại bật khóc và ngâm các vần kệ sau:
82.
Ngày xưa vai ấy rực hoa tươi,
Lủng lẳng treo như mũ miện cài,
Thanh kiếm sắt nay tàn ác quá,
Bao trùm bóng tối cả đôi vai.
83.
Phút chốc kiếm kia đến tận nơi,
Cổ chàng vô tội lướt qua rồi,
Ôi, đem dây sắt mau ràng buộc
Kẻo trái tim ta sắp vỡ đôi!
84.
Lô hội điểm tô với giáng hương,
Lụa là rực rỡ, lắm vòng vàng,
Kìa Can-da, bước lên đàn tế,
Lễ vật xứng danh với quốc vương.
85.
Lô hội điểm tô với giáng hương,
Và nhiều áo lụa, ngọc cao sang,
Kìa Can-da bước lên đàn tế,
Lễ vật xứng danh của đại vương.
86.
Được tẩm hương dâng lễ tế thần,
Đợi chờ thảm họa đến dần dần,
Kìa Can-da bước lên đàn tế,
Tràn ngập lòng dân nỗi khổ buồn.
Trong khi nàng than khóc như vậy, mọi người chuẩn bị nghi lễ đã xong xuôi trên huyệt tế thần. Họ đưa vương tử đến đặt vào một chỗ ngồi thích hợp với chiếc cổ vươn ra trước. Lão Khanda cầm chén vàng lại gần chàng, đưa kiếm lên, đứng thẳng người và nói:
- Ta sẽ cắt cổ nó.
Khi vương phi thấy vậy, nàng nghĩ thầm: "Ta không còn nơi nào để nương tựa, vậy ta sẽ cầu xin phước lành cho phu quân bằng sức mạnh của chân lý". Rồi nàng chắp tay lên đi giữa đám người hành lễ, trang nghiêm thực hiện lời Nguyện cầu Chân lý.
*
Bậc Đạo Sư tả cảnh này như sau:
87.
Khi sửa soạn xong lễ tế đàn,
Can-da ngồi đó đợi tai nàn,
Pañca công chúa đi vào giữa,
Quần chúng khắp nơi, phát nguyện vang:
88.
- Quả nhiên đây vị Bà-la-môn,
Làm độc kế do tính dối dang,
Mong ước phu quân yêu dấu ấy,
Chẳng bao lâu nữa được an toàn.
89.
Mong các thần, tiên, quỷ chốn đây,
Hãy nghe lời nói của con vầy,
Thực hành nhiệm vụ con giao phó,
Tái hợp con cùng thái tử này.
90.
Tất cả thần tiên ở chốn này,
Con xin quỳ xuống dưới chân ngài,
Hộ phù con trẻ không người giúp,
Thương xót nghe con cầu cứu đây.
Sakka Thiên chủ nghe lời cầu xin của nàng và xem thấy sự tình xảy ra như vậy, liền cầm một khối sắt sang lòa hăm dọa nhà vua và đuổi tan đám đông dự lễ ấy.
*
Bậc Đạo Sư tả cảnh này như sau:
91.
Thiên thần nghe tiếng nọ kêu than,
Muốn giúp chánh nhân, vội giáng phàm,
Vung khối sắt lên, lòe ánh sáng,
Làm tâm bạo chúa phải kinh hoàng.
92.
- Bạo chúa biết ta, Thiên đế chăng?
Hãy nhìn xem vũ khí ta mang,
Đừng làm hại trưởng nam vô tội,
Sư tử chúa trong bãi chiến trường.
93.
Tội ác này ai thấy chốn nào,
Vợ con bị giết cả nhà sao,
Cùng thần dân quý nhất thiên hạ,
Xứng đáng lên thiên giới tối cao?
94.
Bạo chúa vội cùng vị tế sư,
Thả người vô tội, nạn nhân ra,
Đám đông lấy đá và cây gậy,
Cuồng nhiệt say sưa, họ hét la,
Đánh chết Khan-da ngay tại chỗ,
Đền bù bao tội ác gian tà.
Khi họ đã giết lão quốc sư xong, họ tìm cách bắt vua phải chết, nhưng Thiên chủ Sakka ôm vua lại không cho đám dân chúng giết vua. Khi ấy đám đông mới tha mạng vua, nhưng họ nghĩ: "Ta không thể để vua này cai trị hay ở tại kinh thành nữa, ta phải bắt vua ra khỏi thành và ở một nơi do ta định đoạt".
Thế là họ lột hết cẩm bào của vua, bắt vua mặc áo vàng, trùm khăn vàng lên đầu làm một kẻ khốn cùng và bắt vua phải ở khu vực dành cho hạng khốn cùng. Còn tất cả những kẻ nào nhúng tay vào việc tế lễ này hay đồng tình ủng hộ đều bị trừng trị đích đáng và khi chết phải đọa địa ngục đúng theo số phần của họ.
*
Bậc Đạo Sư ngâm kệ sau:
95.
Ai đã tạo nên tội ác vầy,
Thẳng đường vào địa ngục kia ngay,
Không ai được tái sinh Thiên giới,
Khi đã mang lầm lỗi thế này.
*
Sau khi đã trừ bỏ đươc hai quái vật độc ác ấy, dân chúng liền mang lễ vật đến làm lễ đăng quang rảy nước thánh lên đầu Thái tử Canda để chàng lên ngôi vua.
96.
Khi các tù nhân đã được tha,
Đám đông quần chúng đổ xô ra,
Cử hành đại lễ đầy vinh hiển,
Quán đảnh Can-da kế vị vua.
97.
Đông đảo chư thần với thế nhân,
Vẫy khăn, cờ xí, hát chào mừng,
Khởi đầu triều mới đầy hoan lạc,
Hạnh phúc, bình an với thịnh hưng.
98.
Thiên thần, phụ nữ cạnh nam nhi,
Gia nhập cùng nhau mở hội hè,
An lạc đầy nhà niềm hạnh phúc.
Khi tù nhân thảy được tha về.
Bồ-tát ra lệnh cung cấp mọi nhu cầu cho cha được đầy đủ, nhưng phế vương không được phép vào kinh thành và khi nào tiền cấp dưỡng đã cạn, ông thường tìm gặp Bồ-tát vào những dịp ngài dự hội hè ở công viên hay những nơi công cộng khác. Vào những lúc ấy, phế vương không chắp tay kính chào con mình vì ông nghĩ: "Ta mới thật là Đại vương!" nên ông chào ngài:
- Vạn tuế chúa công!
Và khi Bồ-tát hỏi ông cần gì, ông nói rõ vật ấy, rồi Bồ-tát ra lệnh đem tiền bạc lại cho cha.
*
Khi bậc Đạo Sư chấm dứt pháp thoại này, Ngài bảo:
- Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) tìm cách giết hại nhiều người chỉ vì Ta, mà trước kia kẻ ấy đã làm như vậy.
- Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) là Khanda, mẫu hậu Mahàmàỳa là hoàng hậu Gotamì, mẹ của Ràhula (La-hầu-la) là Candà, La-hầu-la là Vàsula, Uppalavannà (Liên sắc hoa ) là Selà, Ca-diếp (Kassapa) thuộc dòng họ Vàma là Surà, Moggallàna (Mục-kiền-liên) là Candasena, Sàriputta (Xà-lợi-phất) là vương tử Suriya và vua Canda chính là Ta.
Không có nhận xét nào