Có người đến hỏi Đức Thế Tôn :
-Vì đâu mà chúng sanh chết rồi kẻ bị đọa người được đi lên ?
Ngài dạy rằng :
-Chết do có người đi lên hay đi xuống là do hành xử theo chánh pháp và nếp sống hợp đạo. Tức là hành thập thiện. Số đọa là do sự hành xử vô đạo, hành xử trái với chánh pháp.
Thập thiện là gì ? Bố thí, trì giới, Chỉ, Quán, thuyết pháp, thính pháp , phục vụ , hồi hướng , cung kính và điều chỉnh tri kiến. Tôi giảng sơ vì trong room có nhiều người mới “chưa bóc tem “.
𝟏- 𝑩ố 𝒕𝒉í
Là chia sẻ những gì mà mình có cho người khác. Một là bố thí để cầu công đức, hai là bố thí vì thương người. Bà Teresa nói thế này : “Nếu ta không làm được việc lớn thì ta cũng có thể làm được việc nhỏ với một trái tim lớn “.
Hoặc là câu này của tôi “Nếu không làm chuyện lớn thì đừng làm lớn chuyện."
𝟐- 𝑻𝒓ì 𝑮𝒊ớ𝒊
Trì giới cho mình và cho người. Trì giới cho mình là để cầu công đức và để trang nghiêm nội tâm, trì giới cho người là thương người mình không làm và mình nghĩ đến mình. Mình không làm điều đó vì mình sợ tội, vì mình muốn có phước nhưng mà cũng có trường hợp là không làm chuyện đó vì thương chúng sanh nên không nỡ. Cái đó mới khó cho nên Tây có câu “ Ta làm thiện không phải vì người nhận là ai mà bởi vì ta là người nào."
𝟑 & 𝟒- 𝑪𝒉ỉ-𝑸𝒖á𝒏 𝑺𝒂𝒎𝒂𝒕𝒉𝒂 𝒗à 𝑽𝒊𝒑𝒂𝒔𝒔𝒂𝒏𝒂
Có nghĩa là tập trung tư tưởng cũng là tu. Sống chánh niệm trong từng khoảnh khắc một cách linh hoạt, kiểu chánh niệm cũng là tu. Chỉ riêng Chỉ Quán này nói cũng mấy chục năm. Ở đây tôi chỉ nói vắn tắt vậy thôi.
𝟓-𝑪𝒖𝒏𝒈 𝒌í𝒏𝒉
Từ khi sanh ra đến giờ có lúc mình làm con chó, con heo, làm con người, lúc nào cũng coi bản thân mình là quan trọng. Nhưng mà khi mình là con người, mình khác con thú ở chỗ là mình phải biết ở dưới nhìn lên, ở trên nhìn xuống. Ở trên nhìn xuống thì yêu thương bao dung, ở dưới nhìn lên để tôn kính và học hỏi. Sống mà không biết cúi đầu thì đời đời không ai cúi đầu trước mặt mình hết, sống mà không dám mất thì đời đời sẽ không được, kẻ nào dám mất thì kẻ ấy mới có lúc họ được. Mình khiêm tốn không phải là vì mình muốn đời sau sanh ra mình được người ta cúi đầu, nhưng mà chuyện đầu tiên mình khiêm tốn, biết cung kính người khác chỉ vì một lý do mình nghĩ mình chỉ là một đống rác thì lấy cái lý do gì mà mình không tôn kính người khác. Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai mình nghĩ tại sao mình phải tôn kính người khác là bởi vì mình nghĩ trên đời này ai cũng có cái thiện. Hạnh phúc mà người coi mình là con số không nó lớn lắm. Có cô Phật tử hỏi tôi “ tại sao quí thầy gặp nhau mà quí thầy có thể quỳ xuống lạy nhau một cách dễ dàng như vậy “, Cô rất ngạc nhiên bởi vì ngày xưa cô là một gia đình danh gia vọng tộc. Tôi nói :”tại cô chưa có thử nên cô chưa biết, cái cảm giác mà hạ mình trước người mình quý mến nó hạnh phúc lắm.” Phúc thay cho kẻ nào tìm được đối tượng trong đời để mình tôn kính, bất hạnh thay cho kẻ nào trên đời này không tìm ra lý do để mà cúi đầu. Đó là hạnh tu rất là xuất sắc.
𝟔- 𝑷𝒉ụ𝒄 𝑽ụ
Là mình phải động tay động chân để mà giúp đỡ người khác dù ít dù nhiều, chứ còn sống mà chỉ biết có mình thì khó lắm. Tôi nhớ câu chuyện có lần đó trong một lớp học bắt đầu buổi giảng, cô giáo kêu cả lớp đứng lên để mà vinh danh bạn David hôm nay làm một cử chỉ rất là đẹp là dắt một bà cụ qua đường. Trong lớp nghe cô giáo đề nghị vỗ tay thì các em vỗ tay. Có em nhìn ngưỡng mộ, có em lén nhìn ghen tị bạn David. Hôm sau bắt đầu buổi học thì hơn nửa lớp đứng lên và nói “Xin cô cũng cho chúng em một tràng pháo tay, vì hôm nay chúng em cũng muốn nói là chúng em vừa đưa một bà cụ qua đường.”
Cô giáo hỏi “Một bà cụ mà đến mười em đưa qua đường là sao ?” Các em trả lời “Vì bà không muốn qua, nhưng mà tụi em nhớ lời cô là David đưa một bà cụ qua đường đáng được vỗ tay, cho nên hôm nay tụi em hè nhau đưa bà qua đường mặc dù bà không thích, nhưng cuối cùng tụi em tìm cách cũng đưa bà qua được.” Cô giáo kêu “trời, mấy em hiểu không, đưa người qua đường đó là một điều tốt, nhưng khi nào người ta cần, còn đằng này mấy em đè người ta xuống, khiêng người ta đi thì không đúng.”
Phục vụ có nghĩa là mình bỏ ra chút ít thời gian công sức để mà hỗ trợ nhu cầu công việc. Cho là một nghệ thuật, giúp đỡ người cũng là một nghệ thuật, khen ngợi cũng là một nghệ thuật . Đó cũng là một công đức.
𝟕- 𝑻𝒉𝒖𝒚ế𝒕 𝑷𝒉á𝒑
Là mình chia sẻ về đạo cho người khác. Trong kinh Tăng Chi Phật dạy “Ơn cha nghĩa mẹ Này các Tỳ Kheo, ta cho rằng không cách chi mà có thể dùng các phương tiện vật chất mà đền đáp. Này các Tỳ Kheo ta nói rằng dầu cho một người bên vai trái cõng cha bên phải cõng mẹ đi suốt trái đất một trăm năm để cho cha mẹ tha hồ tiểu tiện trên người của mình thì ta nói rằng một trăm năm khổ nhọc như vậy vẫn chưa đủ để đền đáp hết ơn đó được, vì tấm lòng của cha mẹ đối với con không thể cân đong đo đếm được. Tuy nhiên, ta nói rằng một người mà hướng dẫn cha mẹ vào chánh pháp, khiến cho cha mẹ có niềm tin, biết bố thí, biết giới hạnh, thì ta cho rằng sự hướng dẫn đó đủ để đáp đền được công ơn trời biển với cha mẹ “. Điều đó cho thấy rằng thuyết pháp quan trọng lắm, nó chia sẻ nguồn sáng cho người khác.Trên đời có cái gì khổ bằng mình mù hoặc là mình có mắt mà mình sống trong bóng tối, không biết đường đâu mà lần, bỗng nhiên có một khe hở ánh sáng nó len vào, có một tia đèn pin nó quét ngang thì sung sướng biết dường nào. Cho nên thuyết pháp là hiến tặng cho đời một nguồn sáng, giúp cho người ta có đường lối suy tư và hành động. Đó là công đức vô lượng vô biên.
𝟖- 𝑻𝒉í𝒏𝒉 𝑷𝒉á𝒑
Không phải mình ngồi mình nghe một cách tiêu cực thụ động, mà đằng này mình biết lắng nghe, vì mình là ao tù nước đọng. Nếu mà một cái ao mà nước không ra không vào thì chỉ cần chờ chiếc lá rụng hoặc là thú chết nó lọt xuống dưới là nó thúi cả làng. Nhưng mà một cái ao nếu mà có nước ra nước vào thì nó trong lắm, nó đẹp, sạch và hữu dụng. Thì một cái não trạng của chúng ta nó cũng phải thường xuyên được nước ra nước vào, phải có lắng nghe, học hỏi, chỉnh sửa thì mới khá được. Nghe pháp cũng là một công đức, vì càng nghe mình càng khá hơn. Trong kinh có nói nghe pháp có nhiều mục đích:
Nghe để phá nghi, nghe để giải quyết những điểm thắc mắc nào đó, nghe để biết thêm nhiều điều chưa biết, nghe để củng cố những điều mình đã biết, nghe để mình sống lại những điều mình vừa mới được nghe. Thí dụ như ngài Xá Lợi Phất, ngài sẵn sàng ngồi xuống để nghe chú đệ tử sa di 7 tuổi thuyết pháp, không phải ngài nghe để ngài phá nghi, cũng không phải nghe để biết thêm điều chưa biết, cũng không phải nghe để củng cố điều đã biết, mà ngài nghe để ngài sống lại những điều ngài đang nghe. Khi ngài đang nghe, mà vị đó nói Niệm Giác Chi, Cần Giác Chi, là ngài hỷ lạc toàn thân. Cho nên nghe pháp đến cả ngài Xá Lợi Phất mà ngài còn thích nghe pháp như vậy. Đức Thế Tôn có nhiều lần bệnh, ngài nói với ngài Mục Kiền Liên và chư tăng “ Như Lai đang bệnh, không có an lạc về thân, hãy đọc cho Như Lai nghe một đoạn về Thất Giác Chi. Chư Tăng thưa “ Bạch Đức Thế Tôn, đây là Thất Giác Chi đã được Thế Tôn chứng đắc và tuyên thuyết thế nào là 7 : Niệm Giác Chi, Trạch Giác Chi, Cần Giác Chi, Hỷ Giác Chi, Định Giác Chi, Tịnh Giác Chi và Xả Giác Chi.”
Khi Thế Tôn nghe chư tăng đọc lại những điều mà Ngài đã giảng, Ngài bèn hoan hỷ và hết bệnh. Có thể trong room này không tin, các vị nghĩ là Phật bị bệnh mà cũng cần tụng kinh ?! Không phải ! Ngài nghe để Ngài sống lại với cái mà ngài đang nghe. Ngày nay mình không hiểu ý nghĩa của chuyện đó, mình cứ tưởng quanh năm sống không ra gì, rồi tới lúc bệnh thỉnh tăng ni về tụng cầu an cầu siêu, thì phải nói rằng đó là hiểu lầm. Trong kinh Mi Tiên vấn đáp có ghi một buổi cầu an mà có kết quả : 1/là người tụng phải là người tập trung tư tưởng gởi hết tâm tư vào lời tụng của mình, chứ còn miệng ê a mà lòng đi đâu, phiêu bạt gởi gió theo mây ngàn bay thì coi như nó không linh, 2/lòng người tụng kinh phải khắn khít. Người mà được tụng kinh phải có cái tâm đón nhận, chứ còn lúc đó bị phiền não tham, sân, si chi phối thì cũng không được. 3/là người đó không bị trọng nghiệp. Trọng nghiệp là nghiệp quá khứ quá nặng. Nói theo VN là bệnh căn, bệnh quả, nghiệp chướng kiếp trước. Ngay cả vị Chánh Đẳng Chánh Giác cũng phải bó tay. Ngài không cứu mình được vì đó là bệnh nghiệp. Thí dụ như bệnh ung thư, sơ gan cổ trướng, thầy chạy, bác sĩ chê. Nghiệp nhỏ, nghiệp nhẹ như là thời tiết, trúng gió, trúng sương, thực phẩm, tai nạn, thì cái đó còn chữa được. Bệnh là do nhân hiện tại. Chứ còn đã là nghiệp nặng thì không né kịp phải chịu thôi.
𝟗- 𝑯ồ𝒊 𝑯ướ𝒏𝒈
Là tấm lòng của người hành thiện đối với vô lượng chúng sanh khác. Ta biết rằng, có trong tay một món ăn thì ta phải sẵn lòng chia sẻ cho người khác. Đó là vật thí và tài thí. Nhưng mà ta biết rằng ta đang có một công đức lớn và có vô lượng chúng sanh đang hướng về ta để cầu công đức. Họ muốn lắm nhưng mà không có điều kiện để làm, họ đang chầu chực để họ chờ mình nhắc tới họ. Khi mình nghĩ tới họ mình phát đại bi tâm, bèn hồi hướng đến vô lượng chúng sanh không phân biệt biên giới thì công đức đó chẳng thể nghĩ bàn. Các vị có biết rằng có biết bao nhiêu người trong chúng ta, khi sống làm nghiệp này nghiệp kia, nặng thì đi địa ngục bàng sanh, súc sanh, có người sanh làm A-tu-la, ngạ quỷ.
Ngạ Qủy có hai trường hợp:
1) không thể nhận được phước hồi hướng, dù có hồi hướng cỡ nào đi nữa cũng phải sống cho hết cái tuổi thọ để trả nghiệp.
2) Là loại ngạ quỷ mà có thể nhận được đồ cúng hoặc phước hồi hướng. Rất là tội nghiệp khi chết mà bị lọt vô đây. Trong kinh nói có những kẻ hàng ngàn năm, hàng triệu năm, lang thang khắp đầu đường ghềnh cuối bể mà cứ thấy nước là nhào tới thì nước khô queo. Còn trong mắt người ta thì dòng nước nó vẫn cuồn cuộn, lăn tăn bình thường. Riêng với ngạ quỷ thì nó khô queo, còn không thì nó thành lửa cháy rần rần giống như cái suối dầu lửa hoặc là nó thành nguyên một dòng suối máu mủ với nước vàng tanh tưởi, nước cống đen ngờm tanh rình suốt hàng ngàn năm như vậy. Cho nên chỉ cần nghe ở đâu mà động dao động thớt, có mùi nhan khói tụng niệm hồi hướng là nó mừng lắm, nó nhào tới. Cho nên người ta đâu có biết, chỉ hồi hướng cho thân nhân gia đình, ba mẹ, ông bà của họ.
Cho nên nhớ tốt nhất là hồi hướng cho vô lượng chúng sanh vì hai lẽ:
1) Chúng sanh nào cũng đáng thương.
2) Khó mà tìm ra được một chúng sanh nào chưa từng là thân quyến của mình. Tất thảy trong đời này đều nằm trong hai hạng người : Người thiện, người hạnh phúc thì nằm trong nhóm dễ thương, người ác, người khổ thì trong nhóm đáng thương. Trong đời này không có ai để mình ghét. Trong vô lượng vũ trụ thánh hiền, nam nữ, đực, cái, trống, mái đều nằm trong hai hạng người dễ thương và đáng thương. Đây là lý do tại sao mà chúng ta phải hồi hướng. Hôm nay chúng ta đối với người khác ra sao, thì mai này đời sau kiếp khác cũng có kẻ hành động như vậy với ta. Lăn đùng ra chết, có lúc nhận được, lúc không nhận được nhưng mà có còn hơn không. Chứ còn lúc nào mình cũng ba tôi, mẹ tôi, ông bà tôi mà mình quên vô lượng chúng sanh khác thì tội nghiệp lắm quí vị nhe.
𝟏𝟎- Đ𝒊ề𝒖 𝒄𝒉ỉ𝒏𝒉 𝑻𝒓𝒊 𝑲𝒊ế𝒏
Là người thường xuyên liên tục lắng nghe học hỏi xem chỗ biết của mình đúng hay sai, nó tới chưa, đủ sâu chưa, đủ rộng chưa, chính xác chưa, phải thường xuyên như vậy. Phúc thay cho kẻ nào thường xuyên lắng nghe học hỏi mà biết nghi ngờ cái biết của mình, luôn luôn có khả năng xét lại. Bất hạnh thay cho kẻ nào biết ba mớ và bèn cho đó là chân lý vĩnh cữu hằng số bất biến, Điều đó vô cùng bất hạnh.
Trong đời tu của tôi, tôi cũng gặp cả hai hạng người này. Biết ba mớ bèn cho đó là tinh hoa của vũ trụ, mình là cái rốn của càn khôn. Quí vị tưởng tượng một vấn đề giáo lý, Ngài A Nan là đệ nhất đa văn, Ngài là Sơ quả không cách nào bằng một vị A-la-hán vô danh. Các vị A-la-hán vô danh hay là có tiếng cũng không làm sao mà bì được cái biết của ngài Xá Lợi Phất. Cũng vấn đề đó, ngài Xá Lợi Phất làm sao hiểu hơn Đức Phật. Và điều này cho thấy rằng mỗi vấn đề giáo lý đều có nhiều tầng lớp nhận thức khác nhau về độ sâu lẫn chiều rộng. Cho nên chúng ta có thuộc lòng tam tạng đi nữa thì vẫn phải lắng nghe người khác, là vì cái chỗ hiểu nào của mình cũng cần phải có chỗ để bổ sung, bổ khuyết và điền khuyết. Nhớ nhe ! Chắc chắn một ngàn phần trăm là như vậy. Tôi thí dụ sợi tóc, quí vị đừng có nói với tôi sợi tóc nó nhỏ thì những gì mà các vị biết về sợi tóc này hoàn toàn đầy đủ không cần biết thêm nữa. Tôi xin chia buồn với ai mà có cái nhận thức và suy tư như vậy. Cho là sợi tóc nó là nhỏ, còn cái biết của ta là một tiến sĩ hoá học, một tiến sĩ vật lý ta đã biết hoàn toàn mọi sự về sợi tóc là sai ! Bởi vì nó nhiều chuyện trong sợi tóc mà một ngàn năm nữa chúng ta cũng chưa biết hết về sợi tóc đâu quí vị. Nhiều lắm thì chúng ta chỉ biết lơ mơ như là “tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm “ hay là “Tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lêng đênh”. Biết lơ mơ kiểu đó không có đủ xài nhe !
Người nào khi còn sống mà hành thập thiện, sống có hành động tư duy theo mười cái này thì khi chết có cái cơ đi lên. Tôi xài chữ rất là chính xác là chữ CƠ tức là có hy vọng, chứ không có chắc lắm là vì cái nợ xấu mình nhiều quá. Trong chánh tạng kinh Tăng Chi Đức Phật dạy “ Này các Tỳ Kheo ai cho rằng kẻ làm thiện chết rồi chắc chắn sanh thiên, ta nói rằng đó là tà kiến. Ai nói rằng kẻ làm ác chết rồi chắc chắn phải bị đọa, ta cho rằng đó là tà kiến."
Là vì sao ? Mình mới nghe qua mình không thấy ghê, nhưng ngẫm lại ghê thiệt . Là khi mình nói một người làm thiện chắc chắn sanh thiên như vậy là mình đã quên mấy chục triệu tỷ ức kiếp luân hồi về trước rồi. Các vị tưởng tượng cơ hội làm lành làm thiện và cơ hội làm ác cái nào nhiều hơn ? Rồi bản năng thiện và bản năng ác cái nào mạnh hơn, rồi bạn ác, thầy xấu nhiều hơn là thầy bạn đàng hoàng. Cho nên trong vô số tỷ triệu ức kiếp luân hồi về trước, nghiệp ác mình nó có đến một tỷ luôn, còn cái chuyện tu hành của mình thì nó lai rai ầu ơ ví dầu. Nói ra không phải cho các vị run xuống tinh thần nhưng đó là sự thật.
Sư Giác Nguyên
(Chép lại bài giảng của Sư)
Nguồn: fb Simsapa
Không có nhận xét nào