HỎI - ĐÁP cùng sư Toại Khanh
HỎI:
Sư có tin chuyện mình thờ Phật, đeo tượng Phật mà không sợ ma không?
ĐÁP:
Đức Phật còn bị ma phá nói gì mình. Dĩ nhiên Phật không sợ.
Tôi tin thờ Phật, ma vẫn phá, và tôi tin thờ Phật đúng cách thì không còn sợ ma nữa. Chuyện,ma có phá hay không, không quan trọng, quan trọng là ta có sợ hay không. Đây là kinh nghiệm bằng vàng đó là :
- Khi nào trước bàn thờ Phật mình không dám nghĩ bậy, làm bậy, nói bậy, mình có cảm giác rằng ngài đang ở trước mặt mình, thì mai này có sợ hãi gì, chỉ cần bước vào gian thờ, mình nhìn lên ngài thì mình vững bụng.Thờ Phật bằng kiến thức giáo lý của người Phật tử, mỗi lần lạy Phật là lạy với tất cả lòng kính thương và tri ân vô bờ đối với ngài, thờ như vậy thì không sợ ma.
Còn nếu mình thờ cho vui, thỉnh tượng đẹp, đắc tiền cho bằng chị bằng em, kiếm cặp đèn crystal kwarovski cho sang lên. Kiểu thờ này mai kia có lòng sợ hãi, có cảm giác cô đơn buồn tẻ, vào gian thờ, lòng sẽ không vơi giảm một tí nào.
Còn chuyện đeo tượng Phật trên người, tôi trăm ngàn vạn lần can bà con đừng đeo vì tới một ngàn lý do :
- Bức tượng mình đeo trên người là dễ bị mình lãng quên nhất. Mình đeo và mang ngài vô tất cả nơi chốn cực kỳ bất tịnh và chưa kể khi đeo bức tượng ngài trên người, thân mình bất tịnh và mình làm những chuyện bất tịnh, và bắt ngài phải chứng kiến những chuyện bất tịnh, như vậy có nên hay không?
- Tôn kính bậc đạo sư là phải học hiểu giáo lý đến mức độ khi cần nghĩ tới ngài thì mình có cảm giác ngài đang ở trước mặt mình, và mình đang quỳ trước mặt ngài thì đó gọi là lòng tôn kính.
- Tôn kính do hiểu ngài chứ không phải là do nghe tăng ni hù dọa.
- Tôn kính ngài là do hiểu được ngài, ngài đã vì mình, vì chúng sanh mà máu lệ vô số kiếp sanh tử, khi thành Phật rồi ngài giác ngộ tất cả mọi thứ ở đời : Cái gì ngài cũng biết, ai ngài cũng thương và đức lành nào ngài cũng có.
- Giáo lý càng nhiều, mình hiểu Phật càng sâu càng rộng thì lòng kính thương và tri ân nó mới bao la vô bờ.
* Với chánh pháp cũng vậy. Chánh pháp không phải nghe những lời kinh huyền diệu xa vời mông lung huyễn hoặc, mà chánh pháp chính là đạo sống, lẽ sống, là nguyên tắc sống, là chuẩn mực sống, để chúng ta theo đó làm cho mình trở nên tốt hơn, an lạc hơn và khiến những người quanh ta cũng vậy. Lòng tôn kính chánh pháp của chúng ta như thế nào thì hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng hiểu biết nhận thức của chúng ta đối với giáo lý.
Dốt đặc như cán cuốc, kiến thức học le que như là lá me thì làm sao đối với chánh pháp bằng một lòng tôn kính.
Tại sao tôi thường nói quí vị làm gì thì làm phải có khái niệm về 4 Đế. Phải hiểu mọi thứ là khổ thì mình mới thấy được chánh pháp là đáng quí cỡ nào. Chánh pháp là con đường Đức Phật dạy mình tu được bao nhiêu thì bớt khổ bấy nhiêu.
- Đêm đêm lạy Phật phải nhớ : Phật là người đã thoát khổ, đã hành trì con đường thoát khổ và bản thân đã thoát khổ.
- Chánh pháp chính là nguyên tắc hành trì để không còn khổ nữa, dầu chư Phật ba đời mười phương, hay là người đệ tử nhỏ nhất của các ngài cũng đều phải hành trì con đường ấy để thoát khổ.
Thánh chúng đệ tử của Thế Tôn là những người đã hành trì con đường đó qua lời dạy của chư Phật, và đã hành trì thành công thành tựu. Chứ còn lơ mơ như mình thì chưa được gọi là thánh chúng.
- Chúng ta phải nhớ rằng đâu đó dưới gầm trời này, và trong vô lượng vũ trụ hiện đã đang và sẽ - có vô số thánh chúng của chư Phật ba đời mười phương, những người lắng nghe chư Phật, hiểu chánh pháp và thực hiện đúng mức để không còn tiếp tục mê lầm điên đảo mộng tưởng nữa.
HỎI:
Điên đảo mộng tưởng là sao?
ĐÁP:
Là trong cái vô thường thấy rõ nó là vô thường, trong cái khổ biết rõ nó là khổ, trong cái vô ngã biết nó là vô ngã, trong cái bất mỹ bất tịnh biết nó là bất mỹ bất tịnh.
Có thờ Phật, thờ tam bảo như vậy mới được gọi là cung kính đạo sư, cung kính chánh pháp và cung kính chúng tăng.
Còn mình thấy đầu không tóc, quấn y vàng, rồi quỳ lại, bởi vì nghe nói đó là phước điền, đó là ruộng phước thì kẹt quá. Mình đến với nhau dễ quá, mai này mình cũng bỏ nhau dễ lắm quí vị biết không.
Mình không học giáo lý, mình lạy Phật một cách đơn giản, lạy thầy tu, tăng, ni một cách đơn giản, mai này mình cũng lìa bỏ tam bảo một cách rất đơn giản.
Mình muốn cưới nhau thì phải tìm hiểu nhau, để rồi mai này có mất nhau rồi mình vẫn còn tiếp tục nhớ nhau. Còn tìm hiểu nhau, đến với nhau dễ dàng, thì sớm muộn cũng dễ dàng mất nhau như đã dễ dàng lấy nhau.
Nguồn : http://toaikhanh.com
Không có nhận xét nào